BÙI HOÀNG LINH

 
HUẾ - Ngày Đang Nghiêng
Rót Những Giọt Cuối Cùng Tháng Chạp
 
Tết là bức họa cũ kỹ ấp ủ hồn quê được vẽ bằng màu lá xanh non, màu trắng hạt nếp lẫn hương thơm của đậu xanh thịt mỡ dưa hành. Là màu xám khói nhang lẫn hương trầm nghi ngút linh thiêng đêm giao thừa.
Là hương áo mới ngày mồng một, là màu đỏ của bao lì xì. Để rồi "hương gây mùi nhớ", màu gợi ký ức mà hoài niệm Tết xưa…

1. Tôi vẫn nhớ như in bộ lư đồng có vài chỗ ám vết bẩn xanh ve chai, bộ đèn thờ gỗ đỏ đã tróc sơn mà mỗi lúc gần Tết ông nội luôn nhắc con cháu lau dọn cho sạch sẽ tươm tất.
Tuổi thơ tôi ở cùng ông bà nội nên sợi dây thế hệ liền lạc gắn kết nhờ đó mà phong tục Tết Nguyên Đán - bản sắc của dân tộc và hồn phách của nếp nhà được lưu truyền trọn vẹn.
Thời khắc ông nội trong bộ áo dài khăn đóng kính cẩn cúng bái đất trời đêm giao thừa trong khói xám hương trầm giữa cõi mờ ảo sương khuya đẹp như một câu chuyện cổ tích.
Cũng đúng, bởi cái thời khắc thay cũ đổi mới, cuộc hóa thân của đông vào xuân, bước trở mình của đất trời mà con người là chứng nhân, là sợi dây kết nối thời gian với không gian, tiền thân với hậu bối, nhờ đó mà Tết được cảm nhận toàn vẹn trong sâu thẳm thâm tâm của con người.
 
2. Sáng đầu năm thường bắt đầu bằng việc ông bà nội đặt xôi chè lên cúng sớm. Mùi xôi mới mở nắp vung của mẹ, mùi cháy xém của đậu phụng, mùi vani trong nồi chè xanh đánh thoảng hương mang một mật ngữ diệu kỳ.
Nếu như mùi trầm hương tạo nên không khí nghiêm cẩn thì mùi nếp, mùi đậu xanh, đậu phụng, bánh tét như mang mùi nắng mùi mưa của xứ sở quyện với mùi của sự chắt chiu, vén khéo của bà của mẹ dâng lên bàn thờ tổ tiên với cõi lòng tưởng nhớ tri ân.
Từ đó Tết mang một âm vọng miên miên, không cũ không mới như một vuông tranh hiện sinh đã tồn tại và lưu truyền giữa cõi đời không biết tự bao giờ.
Sáng mồng một lúc mặc áo mới thì Tết mới bắt đầu với mỗi đứa trẻ, áo có thể dài ở tay, dư ở vạt nhưng đủ đầy niềm hoan ca, lễ phép khoanh tay mừng thọ ông bà, nhận tiền mừng tuổi, rồi xun xoe chạy lòng vòng trong nhà ra ngõ, nghe mùi đốt giấy tiền vàng bạc của cơn gió đầu xuân từ đâu lạc tới mà ngỡ như mình từ truyện cổ bước ra.
Tôi vẫn nhớ như in ôn mệ An, mệ là em gái ông nội tôi. Tết năm nào cũng vậy, đều là người xông đất và thắp hương cho ba mẹ mà tôi gọi là ông bà cố, thăm hỏi chúc phúc đại gia đình ông tôi. Thế hệ ông bà đã lưu giữ và truyền lại bao giá trị truyền thống quý giá của dân tộc cho con cháu về sau.
Thời gian trôi qua cả ôn mệ tôi, ôn mệ An đều đã thành người thiên cổ mà tôi chỉ còn có thể gặp lại trong mặc tưởng khi kính cẩn dâng hương với tấm lòng thành. Ngày Tết vì thế mà thiêng liêng. Ở đó ta tìm lại được hình dáng, tiếng nói của tiền thân, để rồi trong cõi siêu hình đó tâm mình như được ru dỗ an yên, tự tại, vô thường...
 
3. Mới hôm rồi người bạn Huế nhắn hỏi "Tết ni mi có về không?", mới hay ngày tháng đang nghiêng rót những giọt cuối cùng tháng chạp.
Có lẽ nỗi vô hình của tình cảm, sân rêu nhà từ đường, mái nhà hương hỏa đã nuôi dưỡng hồn người với bao dấu nhớ trong đời luôn là tiếng thúc dục "phải " trở về quê ăn Tết. Gian nhà thờ mờ ảo trong ánh nến soi bộ lư đồng, khói hương tan giữa hư vô như gửi gắm lời khấn khẽ của hậu bối với tiền thân.
Vì thế nó như một tiếng gọi hồi hướng khắc khoải theo suốt cả một đời. Bởi Tết Huế không chỉ là một nét văn hóa cổ truyền mà là một cuộc hành đạo rất riêng đầy mỹ cảm ở bên ngoài và tâm cảm bên trong.
Đó là quần áo nhà cửa tươm tất, lời ăn tiếng nói nhỏ nhẹ để bắt đầu một năm đầy lạc quan đón nhận đổi thay phía trước, an nhiên biết đủ, biết sẽ chia để bao dung trọn hết cõi lòng.
Sáng đầu năm đi viếng mộ thắp nhang mới hay cả bầu trời xuân đều ngưng đọng trong khoảnh khắc mà dòng Hương lắng lại, soi rọi đầy đủ khung cảnh của đất trời giao cảm với cuộc hành hương của con người.
Cái mênh mông vô bờ của sông nước như mang lại sự rộng lượng cho hồn người; bỏ lại hết buồn tủi, giận hờn năm cũ mà lắng nghe thanh bình, hạnh phúc khẽ trong tim. Và nỗi ngóng chờ ngày về quê ăn Tết chợt cắt ngang bởi câu hỏi của cô con gái nhỏ: "sông Hương có chảy mãi vô Sài Gòn không ba?"
Có lẽ không chảy vào Sài Gòn mà chảy vào lòng người Huế con ạ. Để rồi ở lại thành dòng sông của tiềm thức neo đậu lại nỗi nhớ Tết thương quê, lắm khi không hiểu vì sao. Chỉ biết trong cơn gió sớm tháng mười hai se sẽ, tự vấn lòng mình "Cây mai già nhà hương hỏa có nở một đóa vàng bên một mảng tường rêu?".
 
 


  Trở lại chuyên mục của : Bùi Hoàng Linh