BÙI HOÀNG LINH


NHỮNG MẢNH VỠ... CỦA NỖI NHỚ

Dường như những ngày tháng này qua trôi chậm hơn bao giờ hết. Chậm, ngưng đọng để biết quý hơi thở, biết quý trần gian mà mình góp mặt và thỉnh thoảng những đêm mưa lay dậy bởi giọt mưa trên mái thì nhìn chằm chằm vào đồng hồ mà mong nó đứng lại, bởi thời gian mới là thứ lấy đi tất cả, kể cả những thứ yêu thương trân quý nhất rồi thời gian cũng đem nó đặt vào thì quá khứ...
Giữa những biến cố, tận cùng của nỗi đau thì phải có chỗ để ru dỗ, để đưa nôi cho những ngày tháng tới. Gia đình vốn là một nơi như vậy nhưng thời kỳ hậu hiện đại đã phá vỡ, yếu tố tâm linh với cội nguồn cũng không còn là chỗ dựa tinh thần, tình cảm gia đình cũng vội vã phôi pha theo nhịp sống công nghiệp. Sau mùa dịch covid thì sẽ trả lại giá trị thật cho đời sống, con người sẽ hướng nội nhiều hơn và biết cái gì mình cần hướng đến.
Khi còn trẻ chúng ta có xu hướng khẳng định mình, lấy làm phiền bởi sự quan tâm của cha mẹ. Và khoảng cách thế hệ cứ mỗi lúc mỗi xa. Vì khi còn nhỏ thì quỹ thời gian còn dài. Tết còn nhiều dịp lắm nên thường người ta sẽ lấy làm phiền từ những lời hỏi han. Còn khi xuân cứ gieo xuống mái đầu những tháng năm nhanh như cơn gió mới thấy mình may mắn vì còn được những lời hỏi han, nhắc nhở của mẹ của ba. Để thấy mình còn bé bỏng dù cũng gần chạm mốc 40, để thấy mùa xuân bình yên và ấm áp đến nhường nào khi mình chưa phải làm người lớn.
Thỉnh thoảng thấy một bà mẹ trẻ dẫn theo cậu con trai bao giờ tôi cũng nhìn thật lâu vì nó như dựng lại một đoạn phim thật lâu ngày thơ ấu. Nỗi nhớ ngày cũ đôi khi là những chiều về mẹ giặt khăn lau mặt, thay áo quần xen lẫn những lần cầm roi gọi về nhà ăn cơm từ quán điện tử. Hay những chiều đã quen với tiếng xe máy DH ba đi dạy về, cuối tháng lãnh lương thường cho 200, 500 lẻ để tới mụ Vẹo trong xóm mua kẹo. Cũng có khi cơn gió lạnh mùa đông của Huế cùng mẹ qua con đường Yết Kiêu đầy ổ gà chòng chành bằng xe đạp cũ để đến trường Tiểu học Thuận Hoà một sớm mai hay những lần mẹ phải chở đến nhà cô chủ nhiệm cấp ba Quốc Học vì cái tội đốt giấy hun khói trong giờ học và cột hai tà áo dài của hai bạn ngồi phía trước. Có thể những con đường Huế đã đổi thay, khang trang lắm nhưng trong ký ức của kẻ đi xa thì những ổ gà đầy nước đọng mùa mưa đã trở thành con đường ký ức, điêu khắc thành trục của nỗi nhớ xa xăm.
Nỗi nhớ còn khắc họa những chân dung bè bạn người quen trên hành trình mỗi đời người. Và nỗi nhớ lại gọi tên người bạn bao mình một dĩa cơm lúc cuối tháng đời sinh viên không còn đúng 1 ngàn. Hay một cô chú buôn bán tạp hoá nghèo ở dưới chân gầm cầu thang đã cho thằng sinh viên tô cơm cà ri dê thay cho mì gói. Ông anh quẳng thẳng cái áo đang còn để mặc khi thấy thằng em lục tìm trong đống đồ cũ vì giặt không kịp. Hay trên xứ người xa xăm có người chị không quen đã miễn phí tiền nhà trọ, đem chút hương vị chả quê Hà Nội gửi tặng, hay đứa em giúp đỡ gia hạn visa, kiếm tìm chỗ trọ. Một cái vỗ vai, cố lên em nhưng thật tình của ông anh. Một cái ôm không lời nhưng ấm áp của người chị đôi khi là lời động viên quý hơn bao giờ hết. Thỉnh thoảng tôi lại thấy buồn giữa những buổi tiệc của ngày hôm nay là vì vậy. Có đầy đủ cao lương mỹ vị, đầy đủ nụ cười và cái bắt tay nhưng sao vẫn vắng bóng tình người thật nhất. Lắm lúc tôi sợ rằng mình đang mang phận sự kiếm cục pin xịn nhất, xài lâu nhất cho con robot đời mình hoạt động thì chắc cùng lắm là một lập trình mang tên hờ hững mà thôi.
Những lát cắt chậm về ký ức vụn vỡ, những mảnh nhớ văng ra để nhắc mình đời sống có ra sao thì không cần sợ, và không có gì phải sợ hay tiếc nuối, khi đã chọn trên tất cả vẫn là yêu thương...
Sài Gòn, ngày 8/9/2021
  Trở lại chuyên mục của : Bùi Hoàng Linh