BÙI HOÀNG LINH


Hà Nội 
Lắng “Hồn Thu Thảo”
Hoài “Bóng Tịch Dương”
 
Hà Nội là khúc tráng ca bốn ngàn năm vui buồn cùng mệnh nước, là cuốn sách lịch sử để chậm rãi lần giở những trang hoài cổ mà tìm về bản ngã của dân tộc mình.
 
1. Ngay từ ngày bé tôi đã nghe mẹ nói” Hà Nội là cái nôi văn hóa của dân Việt mình con ạ, bởi nhân chứng đầy đủ nhất của lịch sử nước mình là Hà Nội. Khởi tự từ chiếu dời đô với cái tên Thăng Long của vua Lý Thái Tổ đi qua con đường hơn một ngàn năm đến cái tên Hà Nội của vua Minh Mạng với ý nghĩa là dòng sông ôm trọn thành phố vào bên trong đã ghi dấu biết bao biến thiên thăng trầm của mảnh đất Hà Thành, Kẻ Chợ để rồi vượt lên cái định danh mà mang ý nghĩa khái quát hơn là nơi gắn liền với nền văn minh sông Hồng và cội nguồn dân tộc.
Đến với Hà Nội bao lần mà trong tôi vẫn bồi hồi kì lạ. Phải chăng mỗi ngõ phố tên đường đều mang hồn xưa cũ, mỗi đền đài đều gánh nỗi hoài cảm xa xăm. Hà Nội đưa mỗi chúng ta hành trình từ phố cổ với 36 phường nghề thủ công đặc sắc ẩn sau từng tên gọi băng qua những phố cũ già nua cùng mái ngói để trở về với những phố mới mang hơi thở của thời đại như khẳng định thêm rằng ngoài “cái nôi” văn hóa thì Hà Nội còn là trung tâm kinh tế của cả một vùng đồng bằng Bắc Bộ. Những nơi chốn, những ngõ nhỏ, phố nhỏ dường như được dung dưỡng bằng tâm hồn của người Hà Nội từ ngày xưa đến hôm nay vẫn không mấy phai phôi. Đó là nét thanh lịch của người Tràng An trong giao tiếp và hành xử đến người Hà Nội hôm nay vẫn cư xử rất ý nhị tinh tế nhưng vẫn lãng đãng, đầy chất “đời” lẫn chút bụi bặm của hồn phố với những gánh hàng rong bình dị chở tiếng rao mộc mạc, với những chiếc xe chở hoa lẫn chở sương rong ruổi, là những quán nước vỉa hè giản dị lặng lẽ làm quán đợi cho những ai đã lỡ xa nơi này mà luôn khắc khoải ngày trở về dù chỉ để chạm vào năm bóng cửa Ô trong dòng sương sớm mong manh. Ngồi bên quán nước giữa sáng mùa thu se lạnh trong hương cốm non xanh lẫn mùi hương hoa sữa tháng Mười mà ngẫm ngợi mới hay: Hà Nội là trung tâm kinh tế mà trong tâm là tinh tế.
 
2. Hà Nội trong tôi luôn là nỗi mặc tưởng xa xăm, mỗi lần lang thang qua từng con phố lại bâng khuâng” phố của bây giờ hay phố của ngày xưa ?” Bởi dường như mỗi nơi chốn của Hà Nội đều gắn liền với truyền thuyết với dấu tích lịch sử từ ngàn xưa. Từ Hồ Gươm nơi rùa thiêng trao ấn kiếm như trao cái sĩ khí ngút trời của dân Việt trước ngoại xâm, nơi thành Cổ Loa đã phai bóng chiều vẫn khắc khoải nỗi bi tráng cùng vận nước. Là Văn Miếu Quốc Tử Giám, trường đại học lâu đời nhất của Việt Nam biểu tượng của lòng hiếu học, là nơi chắp cánh cho bao kẻ sĩ luôn đau đáu “ phải có danh gì với núi sông”. Để rồi đã sản sinh ra những người con làm rạng danh đất nước; đó là Lý Thường Kiệt để đời với bản tuyên ngôn đầu tiên “ Nam Quốc Sơn Hà” , là người thầy lỗi lạc Chu Văn An với huyết tâm “ Thất trảm sớ”, là Nguyễn Du đã nâng tầm tiếng Việt với Truyện Kiều, là Nguyễn Tri Phương , Hoàng Diệu quyết tử bảo vệ thành Hà Nội, là Văn Cao trầm hùng và thiêng liêng với “ Tiến Quân Ca”, là Nguyễn Đình Thi lắng hồn sông núi trong “ Người Hà Nội”…
Để rồi mỗi địa danh đều mang dáng hình đất nước, mỗi tên người cũng thuộc về số phận non sông .
 
3.Hà Nội có bốn mùa rõ rệt nhưng dường như chỉ có chung một tên gọi là mùa “hoài”. Là nỗi hoài cảm cùng non nước của bao Sĩ phu Bắc Hà hào kiệt, là nỗi hoài niệm ngày cũ với thành quách trong tiếng gọi loa xưa của những người con Hà Thành, là nỗi hoài hương của những thân phận viễn xứ vẫn luôn hướng về cố quận. Chính hồn đất và tình người nơi đây đã phát hoạ chân dung người Thăng Long Hà Nội mang những sắc thái khác nhau ứng với từng thời kỳ và từng nơi chốn mà người ta nương náu. Đó là một Hà Nội phố cổ sang trọng kiêu sa để mà mơ “dáng Kiều” , là Hà Nội ngoại ô tất tả ngược xuôi , là Hà Nội xô bồ của phố xá thương mại song hành với Hà Nội lặng lẽ khiêm nhường trong ngõ ngách đơn sơ. Nét độc đáo rất riêng là sự đan cài giữa làng và phố, trong phố vẫn mang mảnh hồn làng là mái đình, làng nghề, bao món ăn mang vị quê nhà. Từ đó mà tựu chung trong tâm hồn con người Hà Nội mang đậm căn tính của người Việt Nam là lòng tự hào dân tộc, là cần mẫn trong lao động, sống trọn nghĩa vẹn tình nhưng vẫn có nét riêng đầy địa phương tính là gìn giữ nếp nhà truyền thống, là nội tâm đầy suy tư, cầu kỳ trong hưởng thụ ẩm thực, tinh tế trong cảm thụ nghệ thuật và lãng mạn hào hoa xen lẫn tính ngẫu hứng kiêu bạc rất đời ...
Có người bạn Hà Nội trầm tư với tôi rằng “Văn hoá Thủ đô nói riêng và bản sắc dân tộc Việt Nam nói chung đang có nguy cơ bị xâm hại, bị “đồng hóa” nghiêm trọng trước làn sóng hội nhập ồ ạt từ văn hoá ngoại lai”. Tôi thì vẫn tin rằng với địa vị lịch sử và kinh đô văn hoá của Thăng Long không những định hình mà còn cất giữ nét đặc trưng thanh lịch trong đời sống của con người nơi đây. Để từ trong cốt cách, khí phách đó vẫn hoà nhập kịp nhịp thở của thời đại  mà vẫn gìn giữ nếp cũ lề xưa, hình thành một mạch nguồn chuyển biến liên tục trong dòng chảy thăng trầm cùng thời gian để xứng danh thiên mệnh là trái tim của hồn thiêng sông núi…
 
4. Trên con đường một chiều không khứ hồi của những sự kiện lịch sử đồng hành cùng mệnh nước ,Hà Nội như một bảo chứng cho hào khí dân tộc cùng hồn núi tên sông. Nên dẫu thời gian đã làm lối cũ thành xưa thì vẫn mang đậm “hồn thu thảo”, dù chỉ còn trơ lại góc nền của những lâu đài đã hoang rêu thì vẫn hoài “bóng tịch dương”. Để rồi trên dặm dài thiên lý “từ thuở mang gươm đi mở cõi”, đến hành trình tha hương để xây ước mơ đời mình thì mỗi người con Việt vẫn luôn ngoái lại ngày cũ trong nỗi thương nhớ Thăng Long không dứt. Bởi bản ngã của dân tộc đã hóa trầm tích trong hồn Hà Nội, thì tình yêu với Hà Nội như khởi nguồn cho giai điệu trầm thiêng của đất trời hoà thanh cùng nỗi nhớ nước thương nhà trong mỗi một tâm hồn Việt.
 
Tp Hồ Chí Minh, 01/11/2020 
 


  Trở lại chuyên mục của : Bùi Hoàng Linh