BÙI HOÀNG LINH
 

Tết Huế
Trong Dòng Chảy Bất Tận Của Thời Gian
 
Ngọn gió se sẽ lạnh ban mai, màu nắng thức dậy những ngọn lá còn đọng chút sương muộn, tô lên da trời màu cam lạ cho cõi lòng chút bâng khuâng, lắng đọng mà nhớ những nét Tết Huế đến lạ, ký ức cứ như những hạt mưa xuân rây mãi không đến nỗi ướt áo mà đủ ướt những tấc lòng hoài niệm xa xăm ...

1. Đất trời Huế đã vào xuân
Để người trao tặng ân cần đời nhau...
Khi tháng chạp đã cạn ngày thì Huế còn ẩn sâu dưới cái lạnh còn sót lại của những ngày đông cũ .Những cơn mưa phùn cứ rây những hạt nước mảnh như tơ trời như ghìm giữ lại những ấp ủ của con người trước mùa xuân. Tất cả như là sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ bên ngoài bằng mỹ cảm và tận cùng bên trong của tâm cảm để đón chào sự thay đổi kỳ diệu của đất trời. Và khoảnh khắc mà mùa xuân chạm ngõ, khoác cho núi màu xanh rêu thanh tân trong nắng sớm để sông Hương đủ ngân ngơ mà soi rọi bóng núi mùa xuân đẹp như một bức cổ họa đầy thi vị. Dường như sông núi là nơi giao thoa của trời đất, là sứ giả mà thiên nhiên gửi đến thông điệp riêng về mùa xuân cho con người, để ở đó con người cảm nhận mùa xuân của đất trời và gửi gắm tình cảm dành cho nhau cũng ân cần hơn, bao dung hơn những thời khắc khác. Tết Huế như là một sợi dây vô hình kết nối hiễn hữu với quá khứ, của con cháu với các bậc tiền thân đã khuất khi gặp lại nhau trong tâm tưởng qua lời khấn nguyện đầu năm. Là sự kết nối của hiện tại với hy vọng lạc quan vào tương lai, gửi gắm những mong ước của cha mẹ cầu cho con mình học hành đỗ đạt, rèn giũa đạo đức, cốt cách của người Huế để biết yêu mến mái nhà, thương nhớ quê hương và tự hào về Tổ quốc...

2. Nhắn ai đi chợ Đông Ba
Mua dùm tôi chút mặn mà quà quê ...
Nếu như thiên nhiên thay đổi báo hiệu mùa xuân thì hoạt động của con người cũng thay đổi mỗi dịp tết đến xuân về là ở chợ. Người bán người mua cùng nhau kể một câu chuyện bằng ngôn ngữ đầy sắc màu và phong phú của thực phẩm, như mang trọn hương vị của ngày xuân cho các giác quan cảm nhận một cách đặc biệt hơn, thức dậy cả những dư vị của những món ăn ngày Tết cũ càng tưởng đã ngủ quên. Phải chăng cái háo hức của những ngày chuẩn bị Tết như những con sóng ngầm cứ vỗ mãi một âm quen thuộc " Tết " dội vào lòng người. Và chợ Đông Ba , ngôi chợ lâu đời và lớn nhất ở Huế cứ như một điểm hẹn độc đáo những ngày giáp Tết, ở đó chọn mua một nải chuối thật ưng ý , bó hoa lay ơn đỏ thắm về trang trí bàn thơ cũng là một niềm vui đơn sơ pha lẫn lòng thành kính của con người khi nghĩ về tổ tiên của mình. Nếu chợ Đông Ba là nơi bán mua thực phẩm lớn nhất Huế thì chợ hoa Phu Văn Lâu thường bắt đầu sau 20 âm lịch là nơi báo hiệu cái Tết tươi vui nhất. Dù thời tiết Huế có lạnh mấy thì sắc hoa vẫn tỏa ra sức sống mạnh liệt, mang đến tín hiệu vui vẻ, hoan ca của thiên nhiên dành tặng con người. Tôi nhớ năm nào cũng vậy , cứ đến những chiều 28 Tết cũng xuống mua vài chậu cúc rồi được chuyên chở bằng xích lô bằng những vòng xe chậm rãi như chở chút màu Tết về mái nhà mình. Đi dạo chợ hoa không những để chọn cho mình chậu hoa ưng ý mà còn là cuộc dạo chơi trò chuyện với người bán, quan sát người mua , ngắm nhìn cuộc sống vẫn hành giữa muôn sắc hoa cũng là cách thưởng thức mùa xuân đầy mê đắm...

3. Làng nghề Huế lưu giữ văn hóa truyền thống gần với nguyên bản nhất.
Những ngày giáp tết , góp mặt tô điểm cho những ngã đường thành phố là các chùm hoa giấy Thanh Tiên, những con đò ngang đưa những người từ làng Tiên Nộn, Thanh Tiên cập bờ Bao Vinh để mang đến một nét độc đáo của hoa thờ cúng xứ Huế. Có phải cái thời tiết khắc nghiệt của miền trung, cái tỉ mẩn của người Huế hay là vì để được lâu mới là cái lý do cho hoa giấy ra đời và tồn tại ? Có lẽ không ai biết rõ vì đâu nhưng nó đã tồn tại hơn 300 năm tuổi với hai dòng hoa chính là hoa sen giấy dùng làm trang trí và hoa giấy chưng trên các bàn thờ trang ông trang bà ông táo, và mỗi năm người ta sẽ thay thế hoa giấy mới vào ngày đưa ông táo, đốt hoa cũ đi gọi là tấu , từ đó cũng hình thành một nét văn hóa dân gian của người đất thần kính. Trên các am miếu bên cạnh hoa giấy thì tranh giấy làng Sình cũng góp phần chưng thờ với 3 dòng tranh chính là nhân vật , đồ vật và súc vật. Từ làng tranh dân gian Đông Hồ ở Đàng Ngoài theo những người đi mở cõi, bước chân dừng lại nơi miền Phú Xuân đã hơn 500 tuổi. Khi vào vùng đất mới thì tranh cũng biến đổi từ vai trò trang trí để phục vụ cho tâm linh thờ cúng và thường được ưa chuộng nhất là tranh cúng ông táo và tranh dâng cúng bổn mạng cho con người, như gửi gắm cái ước nguyện của con người trước mẹ thiên nhiên, luôn che chở và bảo vệ để được chân cứng đá mềm mà bước những nhịp đầy hy vọng và lặc quan giữa cõi đời.
Thời gian, sự đổi thay của cuộc sống hiện đại làm cho các nghề truyền thống có phần thu hẹp lại về số lượng nhưng những nếp cũ lề xưa kết đọng qua bao thế hệ vẫn còn được tìm thấy trong từng thao tác trong mỗi sản phẩm của nghề xưa. Vào dịp Tết qua ngày cúng tổ nghề là dịp để tri ân, tôn vinh một cách âm thầm các bậc tổ nghề, các bậc truyền nhân đã truyền lại không chỉ một nghề để kiếm sống , một cái nghiệp mang theo đời người mà còn là nét văn hóa dân gian đáng được bảo tồn và gìn giữ ...

4. Nhà
Nếu nếp nhà đối với người Việt là quan trọng thì riêng với người Huế là trang trọng, bởi hơn ở đâu hết việc tu giữ các tập quán quanh các giá trị gia đình dường như được người Huế gìn giữ khá nghiêm cẩn qua nhiều thế hệ. Từng là kinh đô cũ của thời phong kiến do đó Huế mang trong mình những lớp truyền thông dày dặn, do đó trước biến chuyển của đời sống dù đánh mất đi đôi chút thì Huế vẫn còn giữ được khá nhiều giá trị truyền thống: đó là tôn trọng gia đình, lễ phép với mẹ cha, hiếu thuận với anh em... Có bạn sẽ nói ngay với tôi như vậy là bảo thủ , là thủ cựu. Tôi cũng không vội để phản biện ngay, tôi chỉ cho rằng nó là cái trục đạo đức để giữ cho tâm mình chính trực mà thôi, còn tất nhiên phải nhập cuộc vời đời sống theo cách của mỗi người, sao cho thấy phù hợp là được.

Có lẽ vì thế mà niềm vui đoàn tụ gia đình Huế trong những ngày Tết mang nhiều cảm xúc sâu hơn, gợi nhớ kỷ niệm nhiều hơn, để lại nhiều dư hương trong cuộc đời của mỗi người. Chính sự khắc khoải ngày trở về quê ăn Tết của những người ly hương nhưng không ly tổ , sự chờ đợi của những người thân ở quê nhà đã làm cho ngày Tết vì thế mà thiêng liêng, mà mong đợi và biết bao háo hức khó diễn đạt bằng lời. Bởi người Huế dường như mang một cái nghiệp tha hương để rồi trong những giấc mơ xuân của đời người cái lời nhắc "về quê ăn tết " hẳn ai cũng trải qua không ít đôi lần...

5. Vỹ thanh
Tết chính là khoảng thời gian mà những nét riêng tinh tế nhất được thể hiễn rõ nét nhất của văn hóa sinh hoạt và tinh thần Huế. Tết Huế có thể xem là một phần di sản phi vật thể trong lòng di sản cố đô, nơi mà mỗi con người dường như đều góp mặt, tạo dựng, bảo tồn và thụ hưởng Tết một cách tự nhiên như những mùa xuân bất tận của đất trời trong vòng xoay của thời gian và cuộc sống.

Bùi Hoàng Linh
Sài Gòn - Giao thừa Tết Nhâm Dần (31/01/2021)

 


  Trở lại chuyên mục của : Bùi Hoàng Linh