BÙI THANH XUÂN
Cõng mẹ Ra Phố
Cõng mẹ Ra Phố
Bàn tay người đàn bà gần chín mươi run rẫy, mò mẫm tìm chiếc ghế.
Người đàn ông khoảng sáu mươi đang cầm cây lau nhà vội vàng chạy đến kéo chiếc ghế, dìu người đàn bà ngồi xuống.
-Họ nói rồi mà. Để họ lau xong cái nền nhà rồi dẫn Mẹ đi chơi.
Bà cụ nhỏen miệng, nở nụ cười trẻ con:
-Thấy mi làm Mẹ mệt thêm thì có. Cứ lau chùi, giặt giũ hoài. Pha cho Mẹ miếng nước nà.
Người đàn ông cầm ly nước đặt lên tay bà cụ. Bàn tay bà xoè ra, nũng nịu như tay em bé.
-Mẹ uống nhiều, mắc tiểu đi hoài. Mấy đứa đổ bô Mẹ ngại
-Thì Mẹ cứ uống, cứ đái ra đó con về dọn. Đừng sai bà nớ làm chi. Nhăn nhó mệt thêm.
Người đàn ông chăm chỉ, cẩn thận lau sạch căn phòng. Bà cụ mù chớp chớp mắt im lặng nghe tiếng sột soạt phát ra từ cây lau nhà.
-Hôm ni hăm tám rồi, nhanh thiệt. Năm ngoái đúng ngày ni mi cõng Mẹ đi chơi.
-Mẹ nhớ dai hỉ. Rứa chừ họ cõng Mẹ đi phố nghe.
-Ừ. Mà thôi. Mi ốm yếu cõng Mẹ không nổi mô. Ừ, mà gần Tết rồi, ngoài đường đông vui mi hi? Xe cộ chạy ào ào Mẹ cũng nôn nao lắm. Mười mấy năm rồi Mẹ mù nhưng Mẹ biết, cứ gần Tết là đông vui. Mẹ nghe, Mẹ biết.
Người đàn ông làm nốt công việc, đem cây lau nhà ra sau rồi trở vào ngồi thụp xuống, quay lưng về phía Mẹ mình
-Mẹ vịn cái bàn để con cõng Mẹ nghe. Một, hai, ba..ây dà! Cõng Mẹ đi chơi nè!
Hai tay bà cụ quàng qua cổ người đàn ông, ôm chặt:
-Nè, mi xương không. Răng mà ốm dữ ri. Mệt chừ con.
-Không răng mô nà. Khi mô mệt thì Mẹ cõng con.
Người đàn ông cõng Mẹ ra khỏi nhà. Được hơn ba chục bước chân, bà cụ chợt bật cười.
-Mẹ răng rứa. Mắc chi Mẹ cười?
-Mẹ nhớ hồi nhỏ mi hoang trời sợ. Có phải chỗ ni là nhà bà Sài Gòn hồi xưa không?
-Dạ, đúng rồi. Mẹ tài thiệt.
-Đoán chừng rứa thôi. Mi biết răng Mẹ cười không?
-Ai mà biết Mẹ cười cái chi.
-Thì.. Mẹ nhớ lúc mi còn nhỏ ngày nào cũng chọc cho cái bà Sài gòn đó chửi. Kêu tên cha mi ra mà chửi. Mấy ông lính Mỹ vô nhà bả tìm gái, mi đội cái mũ MP giả, lấp ló gần nhà bả. Mấy thằng Mỹ bỏ chạy trối chết. Bả chửi không chừa thứ chi..
Người đàn ông nghe Mẹ kể, bật cười thành tiếng:
-Thì tại mấy thằng trong xóm hắn sử giặc.
Hai người đi đến gần ngã tư, nơi có quán cà phê M.C
-Chỗ ni là bờ thành phải không con?
-Bờ thành mô nữa Mẹ. Người ta xây biệt thự rồi. Nhà to lắm!
-Mẹ nhớ mi hay ra đây ngồi ngắm trời mây một mình quên ăn cơm. Ba mi đánh cho mấy lần không chừa.
Đi một hồi, người đàn ông hỏi Mẹ:
-Đố Mẹ biết chỗ ni là chỗ mô?
-Đố cái mụ cô mi. Đừng tưởng Mẹ mù mà không biết. Nghe tiếng chưn mi là biết đang qua cái sân bay trước Quân đoàn Một rồi. Kiếm chỗ mô mát cho Mẹ ngồi, mi đỡ mệt.
Người đàn ông đặt Mẹ ngồi xuống tảng bê tông bên trong sân bay cũ. Trước 30/4 đây là sân bay dã chiến, trực thăng bay lên, hạ xuống mỗi ngày hàng chục chuyến. Bà cụ ngước mặt lên trời:
-Hồi đó mi liều thiệt. Dám lấy ná bắn máy bay trực thăng Mỹ. Hôm ông Mỹ chỉa đại liên xuống nhà mình Mẹ sợ điếng luôn.
-Ai biểu cứ bay lên, bay xuống bụi mù mịt. Sát rạt mái nhà. Hôm đó con bắn trúng ” chim “ ông Mỹ xạ thủ. Chắc đau quá, ổng xuống máy bay ví chạy té khói.
Bà cụ trầm ngâm:
-Mới đó mà nhanh thiệt. Bốn chục năm rồi. Mi lớn, mi đi lính Mẹ sợ mi chết, khóc mấy tháng trời. Năm bảy lăm Mẹ đi bộ cả tháng vô Nha Trang tìm mi sưng vù cái chưn. Còn bị chó cắn.
Người đàn ông cầm tay Mẹ:
-Mà răng Mẹ liều dữ rứa. Đi bộ năm trăm cây số tìm họ làm chi. Khổ rứa.
-Ừ. Thì Mẹ thương mi quá mà. Mi ốm yếu lại hay thơ thẫn. Mẹ sợ bậy bạ.
Người đàn ông xoa xoa cánh tay bà cụ:
-Mẹ nì! Con cũng thương Mẹ lắm.
-Mẹ biết. Cái chi mi cũng làm, cũng lo cho Mẹ.
-Thì Mẹ mù mà.
Người đàn ông giật mình, tát nhẹ vào miệng vì lỡ lời.
-Nhưng Mẹ thấy hết, biết hết. Cái chi cũng biết, cũng nhớ. Mẹ giỏi thiệt
Tay bà cụ run run
-Mẹ lạnh rồi. Để con cõng Mẹ đi cho ấm.
Hai Mẹ con cõng nhau đi dạo phố. Ngang qua chợ hoa, bà cụ nói:
-Năm nay được mùa vạn thọ. Họ bán nhiều con hi?
Người đàn ông hiểu tại sao Mẹ mình không nhìn thấy nhưng biết đang đi giữa vườn hoa vạn thọ. Ngày trước, trong khu vườn nhà mình bà dành một khoảng sân rộng trồng toàn loại hoa này. Mùi thơm của nó đã in sâu vào tiềm thức bà. Ông còn nhớ thuở nhỏ chơi trò hoàng tử, công chúa, ông dìu cô bé hàng xóm đóng vai công chúa đi giữa rừng hoa vô tình dẫm nát cả vườn vạn thọ. Mẹ ông không la mắng hay đánh đập. Chỉ thấy bà thẫn thờ đi ra, đi vào nhìn một màu vàng ngã rạp. Ông hỏi Mẹ:
-Hồi đó răng Mẹ không đánh con?
-Mi nói hồi mô?
-Cái hồi mà con với mấy đứa nhỏ trong xóm chơi trò vợ chồng làm hư vườn vạn thọ. Mẹ còn nhớ không?
-Mẹ nhớ rồi. Tại lúc đó mặt mày mi xanh mét. Mẹ thương. À, mà nè. Cái con nhỏ mi ưng lúc nớ chừ hắn đi mô rồi.
Ông không trả lời Mẹ. Bỗng nhiên tâm hồn ông chùng xuống. Thời thơ ấu hiện về trong trí nhớ. Cô bé hàng xóm có giọng Huế ngọt lịm thích đóng vai công chúa vội vã lên chuyến tàu tình yêu, bỏ rơi lại chuyện cổ tích bên nhà cậu con trai mới lớn. Nhiều năm sau gặp lại, em trở thành người đàn bà đoan trang, vội vã bước đi nhanh khi vô tình chạm mặt chàng hoàng tử đầu đời của mình. Nhiều năm sau nữa, khi cuộc chiến tàn, em đứng bên hàng rào, bóp chặt trái tim, nhìn qua nhà hàng xóm, tiếc nuối mối tình trẻ thơ …
-Răng mi im lặng rứa. Nhớ cái chi hỉ?
-Mô có nà.
Ông trả lời vậy nhưng lại kính phục suy nghĩ của Mẹ mình. Ừ, thì ông nhớ. Khi người ta già lại muốn mình sống lại những ngày còn thơ. Có sao đâu Mẹ. Cũng như Mẹ vậy thôi. Cứ nhớ hoài cái thời cõng con dạo phố đó mà.
Bà cụ không nặng lắm nhưng với ông lúc này Mẹ mình như tăng gấp đôi trọng lượng. Ông khó nhọc từng bước cõng Mẹ đi lên chiếc cầu cánh buồm. Bà cụ xuýt xoa:
-Lạnh con hi. Cái cầu ni hồi trước là cầu De Lattre. Hôm chiếc tàu hải quân Mỹ bị đặt bom đứt làm hai văng lên cầu thấy dễ sợ.
Người đàn ông nghĩ thầm, lạ thiệt, Mẹ chỉ cần nghe tiếng gió thôi cũng biết đang đứng trên chiếc cầu lịch sử. Sao mà Mẹ cứ sống hoài với ký ức thế nhỉ?
-Hồi đó Mẹ làm thông lao công ở cảng hải quân Mỹ này. Người Mỹ họ lịch sự, tôn trọng phụ nữ nhưng Ba mi cứ lo sợ nên bắt Mẹ nghỉ, đi làm việc khác. Mẹ ức lắm.
Gió lạnh từ dưới sông tràn qua mặt cầu. Bà cụ rét run:
-Thôi về đi con. Mẹ lạnh rồi.
Vào nhà ông đặt Mẹ ngồi xuống chiếc ghế quen thuộc rồi đem bếp than ra quạt để sưởi ấm bà cụ. Ông mua cái lò sưởi nhưng bà không chịu dùng. Bà bảo tốn điện lắm. Lại nữa, cái mùi than hồng nó “thiệt” hơn. Bếp than nó làm khổ ông đủ thứ. Lại thêm cái chuyện đi mua than củi, không bị mấy mệ ngoài chợ nháy mắt nhau cười thì cũng bị chửi vì ông cẩn thận lựa từng hòn.
Bà cụ hai tay ôm ngực. Cái lạnh lúc đi ngoài phố thấm sâu vào người. Người đàn ông kéo sát bếp thân đặt dưới chân Mẹ
-Trước đây Mẹ cứ sợ con khổ. Mà rồi con khổ thiệt. Giàu có chi rồi cũng khổ. Mấy hôm nay trở trời Mẹ mệt. Rứa là Mẹ biết mi cũng mệt.
-Ôi, Mẹ lắm chuyện. Ngày mô cũng về ngồi bên Mẹ, họ có thấy mệt chi mô.
-Mẹ biết mi có hiếu, nhân từ, lo cho Mẹ, cho vợ cho con. Nhưng lúc nhỏ mi ham ăn vô hậu. Nhớ năm nớ cũng ngày hăm tám Tết, Mẹ làm mứt gừng, đang rim thau mứt trên bếp than thì mi thò tay vô bị phỏng cả mười ngón. Rứa là mấy ngày Tết nhà mình buồn thiu. Mi khóc suốt. Mà Mẹ cũng khóc theo mi. Rồi mi lớn mi bỏ Mẹ đi lính. Tết biết mi không về được nên Mẹ không làm mứt nữa. Không làm chi hết. Không đi mô hết. Mẹ nhớ mi.
Người đàn ông biết rằng Mẹ đang sống lại những ngày tháng êm đềm thuở xa xưa nhưng cũng không quên những lo âu, buồn phiền lúc ấy. Mẹ nhớ chi nhiều để khổ rứa Mẹ.
-Mi mô rồi. Tới đây Mẹ “coi’ cái mặt mi chừ ra răng rồi.
-Con đây nì. Cũng y như lúc nớ thôi. Mẹ còn nhớ cái ngày đòi bỏ con mà đi khỏi nhà không? Cái hồi mà con ưng con em thằng bạn đến mụ mị đó..
-Ừ, mi thiệt lạ. Mới mười ba, mười bốn cái đòi ưng con người ta. Mẹ sợ con thất tình, bỏ học.
-Trời đất! Họ có ngu mô. Ưng rứa thôi. Phải học chứ. Chuyện nhỏ Mẹ xé ra to, xúi Ba đuổi con vô Nha Trang học trường khác. Không ngờ vô đó họ..’trúng’ luôn. Đã dễ sợ.
-Mi đã còn Mẹ buồn bắt chết.
Bà cụ sờ soạng khắp khuôn mặt người đàn ông:
-Lúc nhỏ mi bụ bẫm dễ sợ. Chừ răng cái mặt “thấy “ xương không.
-Thôi mà Mẹ. Cứ chê hoài. Mấy thằng mập mau chết lắm.
Hai tay bà cụ đặt lên đôi vai gầy, thở dài:
-Mẹ sống đủ rồi, lâu quá rồi. Mẹ mong được ra đi thanh thản. Tết này nữa là tám chín, còn gì. Sống lâu khổ mi thôi. Mẹ không muốn. Suốt ngày sống trong bóng tối như ở địa ngục. Khổ lắm mi nợ.
Bà cụ nói nhiều nữa. Bà đang sống lại thuở xa xưa lúc đàn con còn nhỏ dại. Sáu đứa con có đứa này đứa nọ nhưng đứa nào bà cũng thương, cũng nhớ.
-Mẹ muốn một đêm nào đó nằm ngủ rồi lặng lẽ, âm thầm ra đi cho nhẹ cái thân. Đỡ khổ bọn mi.
-Mẹ nói chi chi. Mỗi trưa họ nôn nao về gặp Mẹ. Nói nghe lạ. Còn hai đứa trai gái đích tôn chưa có gia đình nữa. Mẹ ráng mà chờ.
-Ngày mô Mẹ cũng chờ, cũng đợi. Mẹ đợi đủ thứ. Nhiều khi Mẹ buồn vì ít được chuyện trò với con cháu. Con dâu thì cả năm mới nghe tiếng đôi ba lần, nhưng hắn nói to quá Mẹ sợ. Nói rứa thôi chứ vợ mi hắn cũng tội, cũng biết lo. Nhiều khi ốm đau thấy dâu rễ, con cái đến Mẹ mừng lắm.
Bà cụ thở một hơi dài:
-Ừ, thì Mẹ chờ. Còn mi nữa. Cái tính đa sầu, đa cảm. Lúc nhỏ thấy con chim sẽ ướt lông cũng khóc. Tức giận ai cứ im thin thít, không thèm nói. Lầm lầm, lủi lủi làm cái ni cái khác. Con trai chi mà tệ. . Ghét ai là ghét tới nơi. Nhưng khi tức không chịu được là coi trời bằng vung. Ráng ăn vô, mập xí cho Mẹ mừng. Hồi nớ răng mà..tạp ăn rứa. Mẹ biết tính mi hay lo. Thứ chi cũng lo. Nhưng Mẹ vui vì thấy nhà mi hạnh phúc, đầm ấm. Mi không như mấy thằng đàn ông khác, lăng nhăng bậy bạ. Mỗi ngày, khi mi chưa về Mẹ cứ ngồi như ri. Tối om, suy nghĩ đủ thứ. Buồn tủi lắm con. Mẹ nhớ Ba mi, trông mi, trông mấy đứa khác vô nói chuyện. Mi lên trể Mẹ nghĩ mi lại đau. Lâu lâu mới thấy một đứa. Vô thăm xí rồi đi. Chắc vô xem thử Mẹ còn thở không. Rồi mi tới Mẹ lại lo. Trời mưa gió như ri.. Thôi mi coi mà về làm việc. Gần hết ngày rồi. Đời mi Mẹ thấy răng khổ hoài.
Giọt nước mắt lăn trên má nhăn nheo rồi rơi trên cánh tay người đàn ông đang đặt trên chân bà cụ. Người đàn ông nhìn Mẹ, bật khóc không thành tiếng:
-Họ ngồi với Mẹ xí nữa. Còn sớm mà. Vợ con lo hết mọi việc rồi. Tết con lại cõng Mẹ ra phố chơi, qua thăm hàng xóm hí?.
-Thôi con. Mẹ mù, đầu năm qua thăm, họ cữ.
-Thì họ cứ cữ. Mình khỏi tới. Mấy ngày Tết con về ngồi nói chuyện với Mẹ thôi hi?
-Mi cứ đi việc mi. Tết nhứt Mẹ không trông mô. Lúc rảnh thì về với Mẹ. Thôi, về đi!
Rồi cũng đến lúc mỗi chiều xa Mẹ. Lúc dắt xe ra cổng, người đàn ông nghe tiếng nấc của bà cụ. Ông quỵ xuống bên cánh cửa sắt, ôm mặt khóc như một đứa trẻ.