BÙI THANH XUÂN
Củ Khoai Lùi
Củ Khoai Lùi
Ngày mai, ngày mốt sẽ ra sao nếu tôi không tìm được một công việc để làm? Cái đói chắn chắn sẽ đến. Liệu người ta có để yên, không kêu gọi đi kinh tế mới? Dù có thế nào thì tôi cũng không thể mang cả gia đình mình lên chốn rừng sâu để làm nương, phát rẫy. Nhứt định không là không.
Tạm thời sửa lại chiếc xe đạp cũ, tôi chạy xe ôm, không có khách thì ngồi ngã tư vá lốp, bơm xe. Chiều tối lại về nhà mở lớp dạy kèm bọn trẻ trong xóm. Học trò đủ loại lớp. Từ lớp ba cho đến lớp tám cũng được bảy, tám đứa. Tôi chỉ dạy kèm hai môn toán và Anh ngữ. Chúng nó khá nghịch ngợm nhưng chịu khó nghe tôi giảng bài, tiến bộ hơn trước.
Thời gian này tôi có ý định viết văn. Một câu chuyện nung nấu từ những ngày còn ở mỏ đá trên rừng núi Phước Sơn. Bạn bè chỉ có duy nhất thằng Sinh, đồng môn, hàng xóm, cùng thân phận như tôi. Sinh khuyến khích tôi viết và tôi đã sáng tác. Viết mãi cho đến khi lấy vợ vẫn còn viết.
Sinh thủ thỉ với tôi:
-Khổ quá! Hay là mi với tau tìm đường vượt biên đi mi.
Tôi lắc đầu:
-Không! Tau không đi. Nếu muốn thì tau đã đi từ lâu rồi.
-Không lẽ cứ sống hoài người không ra người như thế này sao?
Tôi tâm sự hoàn cảnh của mình cho Sinh hiểu:
-Mi thấy đó. Tau còn hai đứa cháu với hai đứa em nhỏ. Mẹ tau khổ quá, tau không chịu được. Chị với em gái , thêm thằng em trai biền biệt rừng núi chưa về. Họ không thể về vì chẳng biết làm thứ gì kiếm ra tiền. Buôn bán thì gia đình tau không quen. Làm gì đây? May mà nhờ có nông công trường để chị em tau nương náu.
Sinh nói dứt khoát:
-Tau sẽ đi, hỏi thử ý mi thế nào thôi. Có chuyến đi sắp tới ở bến mía, định rủ mi.
-Tau mong mi đi bình an. Qua đó nhớ tới tau là được hỉ.
-Truyện mi viết tới đâu rồi? Đưa tau mang đi. Biết đâu may mắn, trót lọt, tau sẽ xin xuất bản cho mi nổi tiếng.
Tôi cười:
-Truyện tau viết về tình yêu thôi, chẳng có gì hấp dẫn, lôi cuốn để mà nổi tiếng. Thôi mi, tau viết chưa xong. Khi mô mi thành việt kiều rồi về lấy mang đi cũng được.
Trước khi ra đi, Sinh rủ tôi đi hiến máu kiếm ít tiền. Tôi đẫ hai lần đi kiếm tiền bằng cách này. Nhìn hai đứa cháu đói nheo nhóc, thèm khát khi vô tình nhìn thấy ai đó ăn uống, không cầm đươc nước mắt. TToi liều hiến máu để có ít tiền mua sắm thêm áo quần ấm hoặc thức ăn cho cháu.
Phòng hiến máu ở sau bệnh viện đa khoa lúc nào cũng đông đúc người. Những khuôn mặt khắc khổ, áo quần nhếch nhác, dáng người xiêu vẹo, xanh xao im lặng chờ đến phiên mình. Gần hết buổi sáng, Sinh vào nằm trong phòng lấy máu trước tôi, xong hắn ngồi đợi tôi ngoài hành lang. Mười một rưỡi, tôi mệt nhọc bước ra cổng cùng với Sinh, hắn nói:
-Tau có việc phải đi. Mi về trước hỉ. Mà nè, tau gửi mi mấy chục đồng ni về mua đồ cho cháu mi hỉ.
Sinh cầm tay tôi, bóp mạnh, trao hết số tiền vừa nhận được sau khi hiến máu. Tôi cầm tiền của hắn mà khóc ngon lành.
Thằng bạn duy nhất của tôi may mắn ra đi trót lọt.
Hai mươi hai năm sau, nghe tin Sinh quay về, tôi mừng rỡ, nôn nóng gặp lại hắn như người thân.
Cậu em trai của Sinh cho tôi biết địa chỉ và số điện thoại. Tôi gọi cho hắn:
-Sinh phải không?
-Dạ, đúng rồi. Tôi là Sinh đây.
-Mi còn nhớ tau không? Xuân đây!
-Xuân nào vây?
- Xuân những ngày khốn khó có mi với tau đó. Hàng xóm, nhớ không mi?
-Dạ, xin lỗi. Tôi không nhớ.
-Có nhớ cái ống thổi lửa bằng nứa mi tặng cho tau trước khi đi không?
-Ống thổi lửa là ống gì? Tôi không biết.
-Mi còn nhớ hai đứa mình đi đào hầm cầu bị phân bắn vô người không?
-Dạ. Không!
-Rứa mi có nhớ bị cô gái bộ đội mắng cái đồ vất vơ lúc mi khen cái mông cô ấy đẹp không?
-Tôi ấy à? Không!
-Vậy mi có nhớ con vợ mi tên Hương không?
-À..À..
-Được rồi. Mi còn nhớ tên con vợ mi là tau vui rồi. Cám ơn mi đã chịu khó nghe điện thoại với tau.
Tôi ngắt điện thoại, bần thần hồi lâu. Dường như có tiếng sột soạt từ trong trái tim mình, như sự rạn nứt của chiếc ly sành cũ.
Ngậm ngùi nhớ ngày nào khốn khó, hắn cầm tay tôi, trao mấy chục đồng vừa kiếm được trước cổng trung tâm hiến máu.