BÙI THANH XUÂN
 
GIÀN THIÊN LÝ
(Truyện ngắn)
Trích từ tác phẩm GIỮA PHỐ PHÙ HOA

“Giàn thiên lý đã xa, đã rời xa”
“Đứa bé lỡ yêu, lỡ yêu cô em rồi..”
(Lời bài hát Giàn Thiên Lý Đã Xa)


 
Năm mười tám tuổi, tôi ra thành phố ở trọ học ngành kiến trúc. Lớp học của tôi cũng nhiều người ở quê, lần đầu ra thành phố, nên tôi không phải bỡ ngỡ lắm. Tôi thân với Miên, vì bạn ở chung nhà trọ.
Miên tính tình cởi mở, dễ gần. Bạn cao hơn mét bảy, không ngăm đen như tôi. Dân quê nhưng da bạn trắng. Miên biết đàn và hát khá hay, tính nghệ sỹ, phớt lờ mọi thứ.
Hai đứa tôi là sinh viên kiến trúc năm nhất.
Nhà trọ ba tầng, tôi và Miên ở tầng hai. Buổi tối, hai đứa lên sân thượng, ngồi trên băng ghế gỗ, Miên đàn, tôi hát.
Nhà bên có hai chị em xinh đẹp, buổi tối cũng thường hay lên ngồi trên xích đu, dưới giàn thiên lý, chuyện trò, đọc sách. Tôi thích liếc nhìn hai chị em ho. Khánh Ngọc, cô chị xinh đẹp hơn. Khánh Dung, cô em có nước da trắng hồng, duyên dáng, kiêu sa.
Bên này cách bên kia một dãy lan can sắt. Thỉnh thoảng, tôi đến tựa lan can, hỏi han điều gì đó. Đại loại như hỏi về cuốn sách họ đang cầm trên tay. Hoặc khen người trồng giàn thiên lý xanh tốt, nhiều hoa. Phải mất nhiều tháng, chị em họ mới tỏ ra dạn dĩ, thân mật với tôi. Miên lại không thích chuyện trò với hai chị em họ. Tính hắn nghệ sỹ, nhưng không thích con gái kiêu sa.
Cô em, đang học lớp mười một, khen Miên đàn hay, tuyệt nhiên không đả động đến giọng ca của tôi. Cô chị, học lớp Mười Hai, tỏ ra thân thiện với tôi hơn. Miên không tò mò như tôi, nên nhiều chuyện của chị em xinh đẹp nhà bên, tôi biết. Họ còn cậu em trai đang học lớp Tám, thỉnh thoảng lên ngồi chơi với hai chị mình.
Lên năm hai, tôi trở lại nhà trọ, hay tin cô chị đã vào trường luật. Cô em tất bật cho năm cuối, chuẩn bị thi tú tài. 
Gần Tết, tôi về quê nghỉ một tuần, mồng Năm vội vã quay lại trường. Gặp lại nhau trên sân thượng, bất ngờ Khánh Ngọc đề nghị tôi dạy kèm cho cô em. Tôi từ chối vì biết sức của mình, kiến thức những năm học phổ thông, phôi pha ít nhiều. Khánh Ngọc có vẻ buồn. Tôi nói:
  -Thôi được! Bài nào không hiểu, tôi có thể giúp.
  -Cám ơn anh! Chiều tối, tôi thưa chuyện với ba mẹ. Mai anh qua nhà tôi, được không?
  -Thôi, gặp nhau trên này đi. Qua nhà, tôi ngại lắm.
Gia đình Khánh Ngọc nề nếp, văn minh. Tôi chỉ là cậu trai quê lên thành phố trọ học. Dân nông thôn. Với người thành phố, tôi vẫn còn khoảng cách xa lắm. Tôi ngại cái nhìn e dè của ba mẹ Khánh Ngọc.
Kể cho Miên nghe chuyện mình sẽ kèm cho Khánh Ngọc học luyện thi tú tài. Miên cười:
  -Ông rảnh thì cứ ôm. Tôi chịu. Bọn con gái kiêu kì, rắc rối lắm.
Tôi cảm tình với Khánh Dung. Nhưng tôi lại thích ngắm nhìn cô chị Khánh Ngọc. Hình như Khánh Dung không thích tôi. Cô ấy hay liếc nhìn Miên. Có lần hướng dẫn cho Dung học, cô ấy nói:
  -Anh Miên trông hiền, không nghiêm khắc như anh. 
Kèm cho Khánh Dung, thầy bên này lan can, học trò bên kia, thật khó chịu. Khánh Ngọc ngồi trên xich đu, nhìn cười:
  -Học kiểu này, chắc thi rớt quá. Đã lỡ giúp rồi, giúp cho trót. Anh đồng ý mai qua nhà em dạy cho Khánh Dung nhé.
Tôi xiêu lòng.
 
   Miên có một biệt tài vẽ chân dung. Hắn phác họa, chỉ vài phút đã có bức chân dung cô gái nào hắn thích. Phòng trọ trở thành bãi rác đủ các loại giấy và màu. Một lần Miên đi ra quán cà phê, mình tôi dọn dẹp căn phòng bừa bộn, phát hiện bức tranh đã hoàn thành Miên để trong hộc bàn. Cô gái xinh đẹp trong bức tranh nhìn tôi, mỉm cười.
Nhân vật trong tranh, chân dung cô chị bên nhà hàng xóm. Lạ ở chỗ là, bức tranh đề tặng cô em, Khánh Dung, cô gái tôi thích. Nhưng chân dung là khuôn mặt của Khánh Ngọc. Tôi lấy bức tranh giấu dưới gối của mình, cẩn thận lót thêm chiếc khăn bên dưới. Nghĩ, mình sẽ tặng cho Khanh Dung.
Trái tim tôi lúc này đã rộn ràng khi mỗi khi ngồi gần bên em dạy kèm. Dung khó gần, tính tình không cởi mở như chị của mình. Tình yêu này tôi đặt không đúng chỗ. Khánh Ngọc hay quan tâm, hỏi han tôi nhiều chuyện. Đại loại như trường kiến trúc có nữ không? Anh có người yêu chưa? Lúc nào về quê, cho Ngọc theo anh về chơi nhé. Ngọc chưa nhìn thấy đồng lúa bao giờ. Đọc truyện của mấy ông nhà văn, tả mùi thơm rơm rạ quyến rũ lắm.
Chiều hôm sau, tôi mang bức tranh qua nhà Khánh Ngọc, đặt lên bàn.
  -Anh vẽ?
  -Không! Miên vẽ đó. Tôi mang tặng cho Dung.
  -Cho tôi xin, được không?
  -Lời đề tặng cho Dung. Không phải cho Ngọc. Ngại quá.
  -Cho ai cũng được. Nhưng tôi muốn giữ bức tranh này. Vì trong tranh là tôi mà.
  -Để tôi hỏi Miên. Mà thôi! Tặng Ngoc. Nhưng đừng nói cho Miên biết. Thấy đẹp, tôi trộm của nó. Miên biết, nó giận.
Khánh Ngọc nhìn bức vẽ:
  -Đẹp quá! Nét vẽ thần kì. Tôi sẽ giữ nó suốt đời. À, mà sao ghi tặng em gái tôi?
Tôi cười:
  -Không hiểu nữa. Chắc Miên yêu cô em, nhưng lại thích cô chị.
Cho đến mãi tận sau này, khi gặp lại Miên, tôi có hỏi về chuyện này, cậu ta cười.:
  -Thấy con gái đẹp thì vẽ. Yêu đương gì ở đây.
Năm 1974, Khánh Dung dự thi tú tài IBM, đõ hạng bình. Vài tháng sau, cô ấy đi du học ở Pháp. Sân thượng nhà bên ấy chỉ còn cô chị, Khánh Ngọc. Sân thượng bên này cũng chỉ mình tôi. Miên chuyển nơi trọ khác. Tôi chỉ còn cơ hội chuyện trò, lén nhìn Khánh Ngọc để nhớ Khánh Dung.
                 
   Năm 1975, loạn lạc, rồi hòa bình. Tôi vẫn ở lại thành phố để tiếp tục học. Miên bỏ học, về quê. Hai cô gái nhà bên không còn ở đó. Chủ nhà, cha của họ là một công chức chế độ cũ, sợ bị bắt nên đã trốn thoát cùng gia đình. Chúng tôi không còn gặp nhau nữa.
Sân thượng bên này, bên kia lúc này vắng vẻ quá. Hằng đêm, tôi vẫn ra ngồi trước hiên, nhìn qua nhà bên cạnh, tưởng tượng hai chị em Khánh Dung ngồi trên xích đu, lắng nghe tôi và Miên đàn hát. Tôi nhớ Miên, nhớ chị em bên kia. Nhớ nụ cười hiền của Khánh Ngọc, nhớ nét kiêu sa của Khánh Dung. Nhớ mùi hoa thiên lý thoang thoảng ngược gió.
Người bạn mới chung phòng với tôi lúc này không học kiến trúc như tôi. Hắn học bách khoa, ngành cơ khí. Tôi và hắn không hợp nhau lắm.
Ra trường, tôi sống phất phơ ở thành phố, phụ việc cho các kiến trúc sư lão thành, kiếm sống qua ngày. 
Hơn hai mươi năm sau, khi tôi đã là giám đốc một công ty tư vấn thiết kế. Một lần làm việc với khách hàng, yêu cầu chúng tôi thiết kế ngôi nhà ba tầng. Vợ chồng họ muốn tôi trực tiếp đến xem ngôi nhà cũ trước khi vẽ. Tôi định từ chối. Không hiểu sao, khi nhìn vào đôi mắt người chồng, tôi đồng ý. Hình như tôi đã nhìn thấy đôi mắt ấy, lúc nào, ở đâu, không nhớ được.
Khi dừng xe trước ngôi nhà của họ, tôi thảng thốt nhận ra đây là căn nhà của hai chị em láng giềng cũ. Hơn hai mươi năm, nhưng ngôi nhà vẫn giữ được hiện trạng cũ, tuy có vài chi tiết đã thay đổi. Bên cạnh ngôi nhà tôi và Miên ở trọ, nay trở thành một khách sạn năm tầng. Tôi hỏi người chồng:
  -Anh mua ngôi nhà này lâu chưa?
  -Mới mua lại của người quen. Tôi ở nước ngoài, nên nhờ bà con đứng tên.
 Sau khi quan sát ngôi nhà, tôi trở về công ty làm việc. Hai vợ chồng người khách cùng đi theo với tôi.
  -Tôi muốn xây ngôi nhà như cũ, cách đây ba mươi năm. Anh có thể giúp tôi được không?
  -Không sao! Anh phác họa chi tiết ngôi nhà, tôi sẽ thiết kế theo ý anh.
Có thể khách hàng của tôi không hiểu về kiến trúc ngôi nhà cũ lắm. Tôi ngại không vừa ý, sẽ sửa lại nhiều lần, phiền phức.
Thực ra, nhắm mắt, tôi cũng có thể vẽ lại ngôi nhà này. Lúc còn trọ học, tôi đã bước vào ngôi nhà ấy không biết bao nhiêu lần. Từ cái lan can sân thượng, nhà bao nhiêu phòng, cửa mở về hướng nào, tôi đều nhớ.
Tuần sau, người chồng đến một mình, yêu cầu tôi đến xem ngôi nhà một lần nữa trước khi vẽ. Công việc tôi khá bận rộn nên cử một kiến trúc sư trẻ đi cùng với ông ấy. Ông ta không đồng ý. Chiều khách, tôi bỏ dỡ công việc đang làm.
Khi lên sân thượng, mở cửa bước ra ngoài, tôi bồi hồi xúc động, run run. Ông khách nhìn thái độ lạ của tôi, hỏi:
  -Anh có sao không?
  -Không sao! Sáng vội quá, chưa kịp ăn gì.
  -Hay là bây giờ chúng ta đi ăn, công việc để ngày khác cũng được. Tôi mời anh ngồi một quán nào đó, chuyện trò. Tôi còn ở lại đây hơn tháng nữa.
  -Được rồi! Vậy đi.
                    ....
Một tuần sau, tôi giao bản thiết kế cho khách, có cả phối cảnh màu bên ngoài ngôi nhà. Sân thượng có phối cảnh riêng. Nhiều chi tiết bên trong, tôi đã thay đổi cho phù hợp với hiện tai. Ông khách mở bản phối cảnh ngôi nhà ra, nhìn lướt qua, thảng thốt:
  -Giống quá! Từng chi tiết, nhất là sân thượng, xích đu, giàn thiên lý.. Thiên tài.
Đến lượt tôi ngạc nhiên:
  -Sao anh biết giống?
Ông khách cười:
  -Vì tôi là con trai út của chủ nhà.
Tôi chộp cánh tay người khách:
  -Trời! Dũng đây, phải không?
  -Đúng rồi anh! Sao anh biết tên tôi.
  -Anh là Thuận, cùng với Miên thuê nhà ở trọ bên cạnh. Em còn nhớ không?
  -Em nhớ ra rồi. Chị Khánh Ngọc, Khánh Dung nhắc hai anh hoài, mỗi khi chị em có cơ hội gặp nhau.
  -Anh quên mất cái thời đi học khổ sở rồi em. Lúc nào buồn phiền lắm, mới chợt nhớ.
Vài ngày sau, Dũng gọi điện thoại cho tôi:
  -Chiều anh rảnh không? Em ghé đến.
Tôi muốn mời Dũng ra quán nhậu, nhưng cậu ấy nói ồn ào quá, kiếm quán cà phê nào yên lặng. Em kể cho nghe một chuyện.
                   ...       
  -Ngày 26/4/1975, gia đình em di tản xuống Vũng Tàu. Ông bác đợi nhà em đến, tàu sẽ nhổ neo. Ra đi đột ngột, nhà em không chuẩn bị kịp, bỏ lại tất cả. Mẹ em chỉ mang theo nữ trang và giấy tờ cá nhân của mọi người trong nhà. Chị Khánh Ngọc gói ghém vài cuốn sách và bức tranh anh tặng. Khi lên tàu, chị khóc. Mọi người cứ nghĩ chị sợ ra biển hoặc tiếc nuối ngôi nhà mình.
  -Ngọc bây giờ ở đâu?
  -Chị Khánh Ngọc không lập gia đình.
  -Em nói sao?
  -Hơn hai mươi năm, chị vẫn ở vậy với tình yêu của mình.
  -À, anh hiểu rồi. Người yêu chị ấy vẫn còn ở lại, đúng không?
  -Đúng rồi anh. Chị yêu thôi, không phải người ta yêu chị. Anh còn nhớ bức tranh tặng cho chị Khánh Ngọc không?
  -Anh nhớ. Nhưng không phải anh vẽ. Miên là tác giả.
  -Vậy mà bao năm, chị em cứ nghĩ là anh vẽ. Chị quý bức tranh lắm. Vài năm sau này em mới biết. Chị kể, anh là tình yêu đầu của chị. Chị yêu anh, nhưng anh không biết, đúng không?. Chị biết anh thích chị Khánh Dung.
Tôi hỏi lại:
  -Khánh Ngọc bây giờ sống ở đâu?
  -Chị mất hai năm rồi anh.
Tôi choáng váng.
  -Lúc còn sống, chị mong muốn làm sao có thể lấy lại ngôi nhà cũ của minh. Về già, chị muốn sống ở đó. Ba mẹ em cũng qua đời lâu rồi. Em và chị Khánh Dung đang cố gắng thực hiện ước nguyện của chị. Vợ chồng chị Khánh Dung đang tìm cơ hội về Việt Nam làm ăn. Họ sẽ sống trong ngôi nhà cũ đó. Hôm đến lấy bản thiết kế, trên đường về, em nghĩ, chị Khánh Ngọc dẫn dắt em đến gặp anh.
                             ....
  Gần Tết, Dũng quay về Việt Nam. Đi cùng còn có vợ chồng Khánh Dung. Ngôi nhà tôi thiết kế đã được xây dựng xong. Chúng tôi cùng nhau lên sân thượng, ôn lại kỉ niệm. Dung ngồi trên xich đu, trao lại cho tôi bức chân dung Khánh Ngọc.
  -Dung nghĩ, anh là người xứng đáng để giữ bức tranh này.
Tôi nhẹ nhàng từ chối:
  -Không được, Dung à. Anh không vẽ bức tranh này. Em có thể trao lại cho Miên.
  -Chị Ngọc đâu có yêu anh Miên.
  -Nhưng là của Miên, anh lấy cắp.
 Dung cười buồn:
  -Em biết, lúc đó anh cũng yêu chị Ngọc. Đúng không?
Tôi lúng túng:
  -Ừ..anh có yêu. Nhưng.. Mà thôi.
  -Sinh viên kiến trúc bọn anh, ông nào cũng ..khốn nạn.
 Tôi chạnh lòng:
  -Không phải vậy đâu em.
Chợt nghĩ đến Miên, tôi nói với Khánh Dung:
  -Miên về quê, mở trang trại. Hai năm trước anh có đến thăm Miên. Nó khác lắm.
  -Khác sao anh?
  -Không lấy vợ. Nó yêu Khánh Ngọc. Anh muốn Miên giữ bức tranh đó.
Khánh Dung gật đầu, có chút bối rối. Tôi nghe tiếng thở dài của cô ấy.
  -Chúng ta rắc rối quá!
 
                             .....
 
Thỉnh thoảng tôi đến thăm vợ chồng Dung. Chúng tôi lên sân thượng ngồi uống trà.
Đã qua tuổi sáu mươi, nhưng Khánh Dung vẫn còn giữ được nét kiêu sa ngày nào. Giàn thiên lý đang trổ hoa, mùi thơm dịu nhẹ, bay theo gió.

 
  Trở lại chuyên mục của : Bùi Thanh Xuân