BÙI THANH XUÂN



DẠ, CÓ MẤT CHI

Lúc nhỏ, không phải gặp ai cũng dạ, ngoại trừ những người đáng kính, bề trên.
Lớn khác, cha mẹ gọi, không dạ thưa có mà roi vô mông. Dù sao ông cũng có đi học nên ra đường gặp người lớn, biết gật đầu chào. Trừ mấy cha nội thiến heo.
Tuổi hai mươi khác nhiều, gặp lớn nhỏ chi cũng dạ. Vui dạ, buồn dạ, khùng lên cũng dạ. Dạ liên thanh. Phải trái chi cũng dạ, có khi vừa dạ, vừa cười cười kiếm chút bình an.
Lắm lúc ông dạ đến đù người, bạc nhược. Nhưng không dạ, không được. Tiểu nhân thì nhiều, quân tử mấy ai.
Sau này gần về già, thành thói quen, gặp ai mời chào hay hỏi han, ông đều dạ. Vào quán, phục vụ bưng thức ăn, nước uống, ông dạ cám ơn. Nhận lại tiền thối, ông dạ cám ơn. Mua tờ vé số may rủi, dạ cám ơn. Nhặt hộ cái mũ cho đứa bé, người mẹ cám ơn, ông cũng dạ, cám ơn lời cám ơn. Tặng ai món quà, người nhận vui, ông dạ, cám ơn.
Va chạm nhẹ trên đường, ông dạ để cho đối phương hạ hỏa. Để chứng tỏ ông biết sợ hãi, biết đang ở phận dưới.
Dạ để tri ân một ai đó đã cho ông cái gì đó. Ví dụ một nụ cười. Dạ vì vừa bị mắng té tát mà không hiểu tại sao?
Ra đường gặp bọn trẻ , có bị húc cái, ông cũng xin lỗi, rồi dạ tiếng cho đỡ run mà lành lặn.
Có lúc ông dạ như dấu chấm hết. Báo cho người đối diện biết tới đây là đủ, chuẩn bị lấy băng keo tự dán cái miệng lại. Không chơi bắn liên thanh như AK khạc đạn nữa.
Gặp người khôn, gã dạ chẳng mất gì. Có khi được nhiều thứ. Trúng người trời ơi, đất hỡi, dạ cũng chẳng mất chi, lại được thêm cái cười sảng khoái trong lòng. Cảm thấy sướng, coi như làm phước.
Vậy thì mắc chi không dạ?
Dạ cho họ vui, mình vui, đời vui.
  
 
SẾN DÃ MAN

Bạn gửi cho xem một bài thơ tình vừa mới sáng tác, dặn dò: "Mi đọc, cho tau biết cảm xúc. Bài thơ này tau cho rằng hay, rất thích".
Ông rất ngại đọc thơ tình của mấy lão già rảnh sáng tác. Bạn nhờ, không thích cũng phải đọc. Dành mười lăm phút, đọc, cố tìm cho ra một ý hay, lạ.
Chẳng có gì hết. Nó như tiếng kêu con tắc kè giữa trưa hè. Hay như tiếng tặc lưỡi của con thằng lằn đực thất tình. Những âm thanh lặp lại tiếng kêu của con tắc kè hay thằn lằn than thở.
Ông nhắn cho bạn:
“Cảm xúc của tau đây, mi đừng giận. Đọc thơ mi, tau nghe tiếng kêu sột soạt của chiếc bao giấy, bị người vò nát, sau khi lôi ổ bánh mì ra ăn, vứt nó vào thùng rác. Nó "sến dã man". Bỏ đi".
Bạn nhắn lại: "Ơ, hay..hay.."Sến dã man". Hay!" Mấy chục năm, tau mới nghe lại mấy chữ này. Mi biết "sến" từ đâu mà có không?"
"Biết! Thế hệ mình, ai cũng biết"
Thực sự thì ông cũng bất ngờ khi dùng chữ "sến dã man" gửi cho bạn. Những từ tưởng đã mất đi, đã tan biến từ lâu lắm rồi. Chỉ có những bạn bè già, ngồi ôn chuyện cũ, may ra nhắc lại cho nhau nghe.
..
"Mari Sến" nghe cũng dễ thương đó chớ. "Dã man" nữa. Nói là dã man nhưng chẳng hề dã man chút nào. Ăn dã man, uống dã man, ngủ dã man, đẹp dã man, cao dã man, lùn dã man, ưng dã man, giàu dã man..
"Dã man" hay "Sến" chỉ có người miền Nam hay dùng trước 1975. Thời gian phôi pha, nó tự đào thải, chẳng còn mấy ai nhớ.
Nguồn gốc, ông chỉ nhớ mang máng cái từ "Mari Sến".
Rằng, trong thập niên 60, khi bộ phim "Anh em nhà Karamazov" chiếu trong các rạp tại Saigon. Trong phim có cảnh một vũ nữ với thân hình bốc lửa, khá sex, gào thét, rên rỉ, quằn quại, khiêu khích. Vừa múa, vừa hát bài Mambo Italiano. Diễn viên đóng vai vũ nữ ấy có cái tên rất "sến". Maria Schell.
Giới trẻ nhanh tiếp thu cái mới và hình thành một trào lưu mới trong xã hội. Vậy là từ "Ma ri sến" ra đời để chỉ những kẻ học đòi. Nhất là tầng lớp bình dân. Chỉ tội nghiệp cho cô đào Maria Shell tự nhiên cái được tôn làm bà tổ của "Sến".
Đám thanh niên nửa thế kỉ trước, ai không sến. Cũng đỏng đảnh như mấy mệ lên đồng. Tóc dài, quần ống loe cứ như trụ điện biết đi. Chỉ có thanh niên quê hay con nhà quá nghèo, cam phận, không dám học đòi cái đổ đốn của người thành phố.
..
Thời nay, "sến' lan tràn khắp nơi. Từ làng quê cho đến phố thị. Từ đại lộ cho đến những con hẻm quanh co. Từ cõi thực cho đến ảo.
Sến nhứt là thiên đường FB. Nhìn xem. Đi sến, đứng sến, chạy sến, văn sến, thơ sến, ảnh sến, khoe đủ thứ sến. Em vợ con ông chú chồng trước chết cũng sến khoe. Ra đường đạp mẻ chai, chảy máu, cũng chớp cái up FB, khoe. Có ông già gần tới miệng lổ, đưa vợ ra biển, lặn hụp, nắm tay tạo hình trái tim trên đầu, chớp cái. Lên bờ, up FB khoe liền. Sến dã man.
Ông cũng sến. Loại sến già. Phụ nữ già trẻ lớn bé đều sến, đương nhiên rồi. Họ đẹp thì họ khoe thôi. Chớ nhiều ông ngày nào cũng up hình, mới dị chủng. Già gần xuống lổ, ốm trơ xương cũng thích chớp hình, khoe sáu múi. Có ôn mặc quần đùi, ngồi câu cá cũng chớp cái sến up.
Mấy mệ chớp hình, cười mím mím, duyên dáng, dễ thương. Mấy cha ưa chớp, đi đứng ngồi làm điệu, cố cười cái nụ cười gượng gạo, như mang hàm răng giả nặng trịch, toe miệng thấy kinh.
Xã hội không sến, xã hội buồn thiu. Người không sến, đời không nể.
Nhưng mà sến vừa vừa thôi. Sến quá, người ta nói "Sến rện"


  Trở lại chuyên mục của : Bùi Thanh Xuân