BÙI THANH XUÂN


TIỆC TẤT NIÊN XÓM
 
Mỗi năm, qua giữa tháng Chạp người ta bắt đầu xôn xao Tết. Người mua, kẻ bán tất bật. Người lo chạy tiền sửa soạn trong nhà. Người đi đòi nợ, người chạy trốn. Nhiều nơi chuẩn bị tất niên. Làng trên, xóm dưới, ngoài đường, trong hẻm, đâu đâu cũng thấy tổ chức tất niên. Vui vẻ nhất, có lẽ là tất niên xóm. Trong hẻm ttast niên xóm. Ngoài đường cũng xóm tất niên.
Tiệc bắt đầu từ mười một giờ trưa. Kết thúc còn tùy. Những dãy bàn nhiều thức ăn được dọn ra, bia rượu ê hề. Ai uống được, cứ uống. Không uống được, cũng phải uống. Vui mà.
 MC giới thiệu:
Kính thưa quý vị!
Hôm nay, Mười sáu tháng Chạp, chúng tôi tổ chức tiệc tất niên, đưa tiễn một năm cũ xui xẻo, làm ăn thất bát cho thôn làng xóm.
Chương trình tiệc tất niên gồm có khai tiệc bằng đủ các món nhậu, bia rượu và nước ngọt. Ai muốn ăn chay thì có đậu phụng luộc, bắp luộc, rau muống chấm xì dầu. Thêm các loại thực phẩm chay giả heo bò gà vịt. Ai muốn uống bia, có bia. Muốn uống nước ngọt, có cô ca, xá xị.
Sau khi ăn uống no say, chúng tôi sẽ có chương trình ca nhạc “Hát cho nhau nghe”.
Chương trình ca nhạc bắt đầu vào lúc 1:30 CHIỀU với ca khúc bất hủ, mở màn. ĐẮP MỘ CUỘC TÌNH.
Chương trình sẽ kết thúc vào lúc 12g khuya với ca khúc bất tử, ĐỒI THÔNG HAI MỘ.
Âm thanh có thể làm phiền nhà cửa quý vị. Xin vui lòng đóng kín các cửa. Mưa phùn gió bấc, đề phòng gió máy.
Mỗi năm, chương trình tạp kỉ, tả bí lù của chúng tôi mới có cơ hội tổ chức một lần. Ai bực mình, khó chịu, khó tính, khó ngủ, lên huyết áp, tụt tăng xông, vui lòng ra hát với chúng tôi cho hạ hỏa.
Anh chị có thể hát đôi ca nam nữ, tam ca, tứ ca, tùy. Các anh chị, vợ hoặc chồng, đừng có mà lên tăng xông, hạ huyết áp, khi thấy vợ hoặc chồng mình, song ca với vợ hoặc chồng hàng xóm. Tất niên cuối năm mà. Vui là chính!
Buổi tiệc tất niên cuối năm của xóm chúng ta, bắt đầu.
Xin cám ơn!
 
Sau màn ăn uống, nhậu đã tưng tưng, đến phần quan trọng nhất. Hát cho nhau nghe. Ca hát luôn mang lại sự vui nhộn, phấn khích. Nhưng không phải ai cũng thích, nhất là những gia đình có người già yếu, bệnh tật. Loa thùng bự chảng kê lề đường, oang oang. Chương trình ca nhạc  tạp kỉ tất niên bắt đầu, với giọng ca khàn của lão già trưởng xóm. Lão hát: “Tôi đưa em sang sông”. Bà hàng xóm cầm hoa lên tặng lão, hát theo.
Mụ vợ chờ mãi không thấy lão về, nghe tiếng lão hát, chạy ra xem. Điên tiết, mụ vợ ném lon bia về phía gã, trúng mông.
Chồng bà hàng xóm thấy bà vợ mình tình tứ, hát chung với lão trưởng xóm, lên cơn ghen. Ông đến xách lổ tai, kéo về.
Tiệc tan!
 
 
CÓ KHI
KHÔNG ĐỊNH HƯỚNG NỔI CON ĐƯỜNG

Đường phố ngày cuối tuần như ma trận. Sau những ngày mưa, rét buốt, nắng lên ấm áp.
Không biết có cái chi ngoài đường mà người ta rườn rượt. Xe hơi lộn chung với xe máy. Nhưng được cái không ai vượt đèn đỏ. Chỉ có tâm thần bại liệt mới dại dột, vượt đèn đỏ. Nhích lên,  thấy xe tang liền.
Ông cần việc phải ra phố, lơ ngơ ở ngã sáu bùng binh. Sáu con đường, ông chẳng biết chọn lối nào? Tìm người hỏi đường:
  -Em ơi! Cho anh hỏi đường Trần Hữu Thọ ở đâu vậy em?
  =Dạ, không có THT anh à. Chỉ có Nguyễn Hữu Thọ thôi.
"  -A, Đúng rồi, NHT.
  -Anh đang đứng trên đường NHT đó.
  -Phường Hòa Thuận Tây ở chỗ nào, em?
  -Dạ, anh tới ngã tư đèn đỏ, quẹo phải, vô mấy chục mét là đến.
  -Cám ơn em.
Người phụ nữ tử tế, giọng ngọt ngào như mía, cười duyên với ông một nụ, mới chịu đi.
Người Đà Nẵng lúc nào chẳng dễ thương. May mà không gặp người nói tiếng lạ. Họ nói quẹo phải ba lần, queọ trái bốn lần, đi thẳng vài trăm mét, quẹo phải hai lần, tới. Có mà tẩu hỏa, nhập ma
Xong việc, chạy về.
Đi dễ, về khó. Tại lù đù, lạc giữa cái phố mình được đẻ ra. Ngã sáu, ngã bảy như cái mạng nhện, chạy tròn tròn bùng binh miết, không biết đường nào là Duy Tân. Thôi, chạy về Nguyến Tri Phương cho chắc.
Chạy miết, chạy miết, nhìn bên phải, thấy chợ Cẩm Lệ. Nhà ở ngã tư đèn đỏ Triệu Nữ Vương. Quay đầu xe ngược về gần chục cây số.
Phố xá như hội chợ phù hoa. Thứ Bảy, trời đẹp, người ta rủ nhau đi mua sắm, săn hàng khuyến mãi, vờn gió, bắt mây. Quần là, áo lược, tóc vàng, tóc tím, áo đầm, váy xòe. Ông hoa mắt, nổ đom đóm., không định hướng nỗi con đường quen thuộc.


  Trở lại chuyên mục của : Bùi Thanh Xuân