Hoa Cải Vàng
Tôi mười sáu tuổi, cái tuổi biết cảm nhận cái đẹp, biết rung động chỉ bởi một hạt sương, một cánh bướm bay qua, biết tha thẫn một mình trong vườn hoa cải, không như bọn trẻ con trong xóm hay tụ tập chơi trò đánh nhau. Điều này khiến cho mẹ tôi an lòng, và cũng có thể rất lạ với nhiều người chung quanh bởi cái tính lãng mạn nhưng nhút nhát.
Bên trái khu vườn là ngôi nhà ngói khá rộng, có nhiều phòng của người hàng xóm, nhiều chị gái trẻ trung làm việc và ở lại đây, họ đến từ những thành phố xa xôi tận trong nam. Người Bạc Liêu, người Sóc Trăng, Vĩnh Long, Cần Thơ.. Bà chủ là người Saigon nên người ta gọi là bà Saigon, họ nói giọng miền nam, ấm áp .
Tôi không quan tâm lắm bởi công việc của họ là một nghề khá phức tạp. Thời chiến tranh tại các thành phố lớn miền nam có nhiều binh lính Mỹ, Đại Hàn, Úc, có những ngôi nhà ồn ào lắm thứ tiếng bồi.
Và công việc của những người chị gái không cần giải thích thì chắc mọi người đều biết họ làm công việc gì.
Một lần lang thang trong vườn hoa, con chuồn ớt khá lớn đậu sát hàng rào, tôi nhìn màu sắc đỏ thắm mà ao ước được nắm chiếc đuôi nó thật chặt. Nhưng khó là nó đậu xoay đầu về hướng tôi đang ngẫn ngơ đứng nhìn. Tôi quyết định không bắt, thà để nó đậu ở đó cho tôi chiêm ngưỡng cái dung nhan màu lửa đỏ ấy còn hơn để nó bay đi.
Mười sáu tuổi, đâu còn trẻ con để mà bắt chuồn chuồn, đuổi theo bướm. Vậy mà tôi vẫn cứ thích, không phải thích mình mãi trẻ con, cái lãng mạn cứ mơn man trong tâm hồn thằng con trai đang lớn. Thay vì nghịch ngợm với bọn trẻ hàng xóm, tôi lại thơ thẫn trong vườn nhà mình nhiều hơn.
Tôi cũng thích ngắm nhìn những chị gái xinh đẹp mặc áo dài thướt tha đi học về ngang nhà mình, thỉnh thoảng cũng muốn ngắm nhìn mấy chị nhà bên cạnh trong những chiếc váy ngắn xanh đỏ đợi khách trước hiên nhà.
" Này, cậu bé. Em thích con chuồn chuồn ớt đỏ này không ?"
Tôi giật mình:
" Dạ thích "
" Chị biết em thích. Cho em đó, có con chuồn chuồn thôi mà ngẫn ngơ cả buổi chiều "
" Sao chị biết em ngẫn ngơ ? "
" À, Chị nhìn trộm đó mà, con trai gì mà yếu xìu "
Chị tên Dung, tôi biết tên bởi vì thường nghe bà chủ gọi tên mỗi khi khách vào, chị đến bên cạnh người lính Mỹ mĩm cười. Thân hình nhỏ bé của chị cao chưa tới ngực người lính ngoại quốc.
Tôi là cậu bé nhút nhát, chưa một lần dám đối diện với một cô gái nào mặc dù trong lớp học có nhiều con bé cũng rất dễ thương, chuyện bài vở chỉ tiếp xúc với bạn trai. Khi chị Dung đặt bàn tay lên vai tôi, một cảm giác ấm áp là lạ lẫn sợ hãi. Đối diện với chị, tôi thực sự bàng hoàng trước vẻ đẹp liêu trai, đôi môi đỏ không phải vì son phấn, cặp mắt tròn nheo nheo cười nhìn tôi chọc ghẹo.
Cảm giác thật êm ái, mặc dù bàn tay đặt hờ hững bên ngoài lớp vải của chiếc áo sơ mi màu trắng, chẳng hề đụng chạm vào da thịt nhưng đê mê, tôi, thực sự hoang mang. Từ lúc đó cho đến gần nửa thế kỷ trôi qua, đã đi qua nhiều nơi, gặp gỡ nhiều cô gái, đã nắm, vuốt ve hoặc có những bàn tay đặt lên má, lên vai mình nhưng khó có một cảm xúc như bàn tay của chị. Không phải là một sự khiêu khích, tôi nghĩ vậy.
Sau này, một lần ngồi bên cạnh chị trong sân vườn, tôi biết chị hơn tôi ba tuổi.
Những lúc không bận rộn tiếp khách, chị Dung hay tạt qua khu vườn nhà tôi. Thường thì chị thơ thẫn dạo quanh một mình, có khi đăm chiêu, u sầu dưới tán cây trứng cá, lại có lúc chị cười như trẻ thơ hoặc trò chuyện với tôi, những câu chuyện ngày thơ bé của chị. Tuyệt nhiên không bao giờ nghe chị than thở về số phận của mình.
Với chị, tôi dành một tình cảm riêng, tôn trọng và quý mến như người chị ruột nhưng có điều vẫn cứ là một thứ tình cảm trai gái, có một khoảng cách xa lắm. Mỗi khi nghe tiếng bà chủ gọi tên chị tiếp khách, tôi thật xót xa, nhìn chị cười cợt với những người lính Mỹ, tôi lại buồn phiền.
Chiều cuối năm thật tệ, cơn bão không đi qua nơi tôi ở nhưng sức mạnh của nó đáng sợ. Mẹ tôi trồng nhiều loại hoa để chơi tết, vậy mà tan hoang, khu vườn xơ xác sau cả tuần mưa dầm, ngồi trong nhà nhìn ra khu vườn xơ xác thèm một ngày nắng ấm. Tôi buồn, không chỉ tại không gian ảm đạm mà bởi còn thiếu đi hình ảnh một người con gái thường hay qua chơi.
Chị Dung về quê ăn Tết từ hơn một tuần trước, vội vã, không từ giã tôi, chỉ vài hàng chữ viết vội trên tờ giấy bạc bao thuốc lá Pall Mall, một chị gái khác trao lại cho tôi " Có xe quân xa đi nhờ, chị về nhà ăn tết chưa biết có trở lại hay không. Chúc em ăn tết vui vẻ. Chị Dung "
Tôi biết, những giòng chữ này chị nhờ người khác viết, chị không biết chữ.
Mẹ bảo qua tết là tôi tròn mười bảy tuổi, cũng thuộc loại đàn anh, đàn chị người ta rồi, cố gắng mà học hành, năm sau thi tú tài, có bị đi lính cũng làm quan làm tướng với người ta. Tất nhiên là tôi cố gắng học chăm chỉ cho mẹ không phiền lòng.
Mùng ba, mùng bốn, mùng năm..chậm chạp trôi đi, tôi chờ
Mẹ sai tôi soạn chiếc bàn để trước sân chuẩn bị cúng rằm tháng giêng, vừa chạng vạng tối, tôi nghe tiếng chị Dung " Nguyên ơi ! Chị ra rồi nè " Tôi vui mừng đón mùa xuân trở về
Buổi tối, ngồi cà phê Quỳnh Châu tôi rụt rè hỏi chị sao không bỏ nghề, ở lại quê kiếm công việc gì đó mà làm, chị im lặng. Tôi không có tiền để trả hai ly cà phê, chị hiểu điều đó và tự gọi tính tiền.
Định về nhưng chị nói dạo một vòng phố chơi, tôi sợ ba mẹ trông nhưng lại nghe theo chị. Chở chị trên chiếc xe đạp lang thang ra biển, chưa phải là mùa nắng nên biển khá vắng, dưới những gốc thông có những đôi tình nhân đang tâm sự, tôi muốn ngồi trên cát ướt sát mé nước nhưng chị thích nghe tiếng thông reo hơn. Chị nắm tay tôi đến ngồi dựa vào gốc thông, bên phải, bên trái, phía trước, phía sau, tôi nghe những lời thì thầm, có cả âm thanh rất lạ khiến cho cậu con trai như tôi xấu hổ.
Chuyện muốn nghe tiếng thông reo chỉ là cái cớ, điều này về sau khá lâu, khi đã làm một người lớn, một gã đàn ông thật sự tôi mới hiểu được.
Tôi ngồi bó gối vì lạnh, chị hít hà, rụt vai, thỉnh thoảng lại rùng mình khi cơn gió thổi qua. Muốn ngồi thật sát chị cho ấm, nhưng cái khoảng cách hơn môt gang tay còn quá xa để tôi đủ can đảm nghiêng mình cho chị tựa vai mình, còn có cái khoảng cách khác nữa, nó mơ hồ, nhưng dù thế nào đi nữa, trong tôi rạo rực thứ cảm giác rất lạ.
" Chị không có ý định trở lại nhưng rồi không hiểu duyên nợ sao có mặt nơi đây "
...
" Thôi kệ, kiếm thêm ít tiền nữa rồi về quê lấy chồng cũng được "
...
" Mưa rồi, thôi mình về đi em "
Bản lĩnh thằng con trai bất chợt trong tôi, không còn là cậu nhỏ mê hoa bướm, tôi ôm chầm lấy chị.
" Chị đừng về "
Khi ra đến bãi giữ xe có lẽ quá khuya, người ta đóng cửa, tôi hoảng hốt còn chị thì thản nhiên " Đi bộ cũng được "
Tôi không thể gọi cửa để vào nhà, đèn tắt, chắc Ba Mẹ đã ngủ từ lâu, chắc ngày mai sẽ có cơn bão tố. Chị nói với tôi thôi thì em có thể qua ngủ bên phòng chị cũng được. Chẳng có một lựa chọn nào khác, tôi đi theo chị.
Hành lang tù mù, thấp thoáng vài bóng người qua lại, có những bóng đàn ông to lớn, cũng có những người nhỏ nhắn như tôi, chẳng ai nhìn thấy rõ ai, tôi như người khách đi chơi đêm.
Lúc nằm bên cạnh chị, thao thức, rạo rực, một thứ cảm xúc không phải trong tâm hồn, nó mạnh mẽ chạy loạn xạ trong cơ thể tôi.
Chiêc váy ngắn màu xanh nhạt không làm cho chị già đi, trải đời hơn, chị vẫn là cô gái xinh đẹp mười chín tuổi, đẹp liêu trai, ma quái, quyến rũ, ngỡ ngàng vừa sợ nhưng lại muốn cuốn hút vào, muốn làm người lớn nhưng tôi lại quá vụng về.
Làm gì có sự tử tế thánh thiện giữa một cô gái xinh đẹp, hấp dẫn đang nằm cạnh cậu con trai.
Tất nhiên, tôi không đủ bản lĩnh để từ chối một nụ hôn, không thể có sự can đảm vô lý của thằng con trai để khước từ sự đụng chạm da thịt với một người con gái. Thật tệ, mặc dù người tôi run lên bần bật, nhưng sự cám dỗ của nụ hôn đầu đời làm tê liệt sự sợ hãi, tôi muốn khám phá cảm giác đó và không ngần ngại hưởng ứng.
Mọi thứ quá chân thật, tôi trở thành gã đàn ông thực thụ. Cho đến mãi về sau này, không cố tìm hiểu để làm gì tại sao tôi có thể dễ dàng trở thành một gã đàn ông thực thụ khi mình chỉ là cậu học trò mười sáu tuổi, bởi vì tôi trân trọng những giây phút đó, bởi vì chị giúp tôi dũng cảm trút bỏ sự nhút nhát.
Cũng nhờ có sự dũng cảm, tôi đã chỉ huy trung đội trinh sát chiến đấu, thoát khỏi ổ phục kích của lính Polpot tại Campuchia. Cũng nhờ dũng cảm, tôi mất đi một ngón tay.
Hai hôm sau từ giã tôi, chị bảo rằng phải trở về cái địa ngục ấy vì cô em gái cần sự che chở của mình. Tôi không rõ gia đình chị có cuộc sống như thế nào, tại sao phải vì đứa em gái, không hề kể cho tôi nghe vì sao số phận lại đưa đẩy ra cái xứ này để làm gái bán dâm cho lính Mỹ, tại sao gia đình chị là địa ngục.
Tháng giêng, vườn hoa cải chỉ còn lại màu đất, tôi tặng chị nhánh hoa cải khô mẹ dành lấy hạt làm giống.
Những ngày sau đó tôi thật sự hoang mang.
Thi đỗ tú tài IBM năm bảy mươi tư. Chiến tranh đến hồi khốc liệt, tôi và nhiều bạn bè nữa đâm ra chán học, nhiều đứa nộp đơn thi vào võ bị Đà Lạt, sỹ quan Thủ Đức. Tôi chần chừ chưa quyết định con đường cho tương lai mình thì đất nước thống nhất. Cuộc sống mới, xa lạ, khó khăn hơn, gia đình tôi lây lất sống qua ngày.
Chiến tranh biên giới bùng nổ, năm bảy tám tôi đi bộ đội, tham gia chiến trường Campuchia. Trong trận chiến phản công đánh chiếm bờ đông sông MeKong, tôi bị thương ở chân và mất ngón tay trỏ bàn tay trái.
Trên chuyến xe đò chật chội từ Tây Ninh về Saigon, tôi ngồi bệt dưới sàn xe, tựa lưng vào ba lô. Trong hàng ghế trước mặt, người phụ nữ nhìn tôi chăm chăm, bên cạnh gã đàn ông phục phịch hờ hững choàng vai chị nhìn ra cửa xe. Tôi không để ý lắm cái nhìn của chị dành cho mình bởi đang bận rộn với suy nghĩ được trở về nhà. Đến lúc tôi cũng phải nhận ra đôi mắt, xuyên qua lớp lớp người chen chúc nhau đứng lắc lư trước mặt tôi, rất đẹp, rất quen, chị nhìn xuống bàn tay tôi đang nắm chặt chân ghế, bàn tay thiêu một ngón.
Chị khẽ lắc đầu, hình như chị đang quệt nước mắt.
Người phụ nữ không giống như những người đi buôn chuyến ngồi đầy trên xe kia suy nghĩ gì về tôi, một gã thương binh mặc áo lính mà thương cảm hay có thể coi thường, nhưng đôi mắt chị rất buồn.
Trở về nhà tôi quên hết, quên chiến trường Campuchia, quên những ngày êm đềm no ấm trước đây sống bên cha mẹ, quên hết để bắt đầu cuộc sống mới, tôi lao động vất vả để tồn tại.
Tám năm sau tôi cưới vợ.
Chuyến tàu giáp tết xình xịch thét khói giữa đêm khuya, còn vài chục cây số nữa là về đến ga.
Gã đàn ông đồng hương nằm giường bên cạnh nhìn ra cửa sổ tối hù. Một tiếng nữa tôi và gã sẽ chia tay nhau, câu chuyện gã kể chẳng hấp dẫn lắm nhưng cũng xua hết mấy tiếng mệt nhọc trên tàu. Tôi hỏi gã.
" Ông chưa kể hết cho tôi nghe về người phụ nữ trên xe đò.."
" À..à..tôi không nhớ chị ấy là ai, thực đó. Chiến trường tàn khốc, sống chết từng giờ, trí nhớ tôi tồi tệ quá, quên hết, có thể là một người quen "
" Tôi cũng nghĩ là một người quen cũ của ông "
"Đúng vậy, chị Dung đó, mãi sau này, gần ba mươi năm sau tôi mới biết, chị kể lại "
" Ông gặp chị ấy à ? "
" Ồ, không ! Con gái chị ấy tìm tôi. Chị Dung đã mất bên Mỹ. Khi còn sống có dặn cô con gái lúc nào về Việt Nam hãy tìm đến tôi. May mắn là gia đình tôi vẫn ở chổ cũ. Con bé mang theo cuốn hồi ký " Một đời hồng nhan " của mẹ, cho tôi đọc những trang liên quan đến mình "
" Một trang chị viết " Người thương binh còn trẻ ngồi dưới sàn xe, khuôn mặt gầy gò, tóc tai bù xù có vẻ an phận.."
" Chắc chắn là cậu ấy, không thể khác được. Tôi muốn gật đầu chào nhưng không thể "
" Phải đi với gã đàn ông người Tàu này, tôi cần gã để lên chuyến tàu vượt biên vào tối mai, không thể nói gì với cậu ấy. Trời ơi ! Cậu ấy có còn nhớ nhánh hoa cải khô đã tặng cho mình không ? "
" Còn cái địa ngục với cô em gái là sao, ông có biết không ? "
" Biết, người cha độc ác, cuồng dâm đó mà "
Tôi hỏi, ông kể chị ấy mù chữ, sao viết được hồi ký, ông bịa câu chuyện phải không ? Gã nhăn mặt
Không ! Người phụ nữ trẻ ấy là con gái tôi, nó viết hồi ký giúp mẹ "
Tàu xình xịch về ga, tiếng còi hét vang giữa đêm khuya, câu chuyện kết thúc, tuy rằng còn nhiều điều gã chưa kể.