BÙI THANH XUÂN


Lão Thợ Cúp

Cả nước có mấy chục ngàn Tiên sư giáo sỹ nhưng chẳng ai phong cho mấy lão thợ cúp tóc danh hiệu này thật là một thiếu sót lớn . Chuyện gì mấy ổng cũng biết
Mỗi ngày hớt được mấy cái đầu, đương nhiên mấy ổng biết được thêm chừng đó câu chuyện. Chẳng hạn như chuyện thời tiết, chuyện nắng mưa. Những người đến nghe diễn thuyết là khách hàng cũng tham gia sôi nỗi về nhiều vấn để tiểu sự đến đại sự quốc gia đến quốc tế. Kiến thức tầm tầm thì chuyện chó cán xe hay xe cán chó. Chuyện tình yêu dang dỡ, chuyện đánh đấm trong phim ảnh cũng như ngoài đời, chân dài chưn ngắn. Người hiểu biết hơn thì chuyện công sở, chuyện kinh doanh, chuyện ông này lên xe, bà kia xuống ngựa. Nhà buôn thì nói chuyện đất đai, chuyện xe cộ, hàng hóa, xăng nhớt. Mấy ông học thức cao hơn hay nói chuyện Cung trăng, sao hỏa, mặt trời, phi thuyền..
Ai không biết điều gì, cứ ra đó ngồi chờ đến phiên mình được dựa ngửa trên băng ghế, lắng nghe hay hỏi một điều gì đó, sẽ được giải đáp ngay tức thì.
Mấy ông sồn sồn, nhiều lúc rãnh quá không biết làm gì, lại chạy ra đây ngồi hóng chuyện. Nhưng muốn tham gia phải có một ít kiến thức nhất định, hoặc giả ngu ngồi nghe thiên hạ bàn luận chính trị, kinh tế văn hóa, thể thao, làm tình hay bất cứ đề tài, sự việc gì xảy ra trên trái đất này.
Mỗi tháng tôi tìm một quán hớt tóc lạ để hóng chuyện. Nghĩa là một năm tôi có mười hai kiểu đầu khác nhau. Lúc thì như thằng ku Ủn. Khi giống em búp bê, lúc ca rê, lúc như bãi đáp trực thăng.. Đường ngang ngỏ dọc nào tôi cũng tìm đến, hễ chổ nào có quán cúp là tôi sà vô để “truy cập “ đủ loại tin tức thời sự nóng hổi
Không biết mấy cái tiệm làm nail, uốn éo tóc dập của mấy bà có lắm chuyện như mấy tiệm hớt tóc nam, nơi nào nhiều chuyện hơn.
Tháng chạp, gần Tết là thời gian mần ăn của mấy lão thợ cúp. Tôi cũng muốn ủi cái đầu cho sạch để đón Xuân.
Quán khá sang, cửa kính bóng loáng
Lão chủ kiêm thợ cúp có đầu tóc như Robinson, thấy tôi bước vào, hất hàm : “ Cúp hả? “ Tôi đáp tỉnh bơ “ Không cúp, vô đây chi choa”. Lão cười “ Ngồi chờ xí. Còn hai người nữa. Lấy báo đọc đi..”
Ông khách đang nằm ngửa trên ghế, hai mắt riu riu, còn lão thợ cúp méo miệng, xoáy ánh sáng từ cái đèn gắn trên trán vào lỗ tai người khách, ngoáy. Ghế bên cạnh, ông khách khác đang cúi gằm, cằm đụng ngực cho một lão thợ tay cầm kéo xoẹt xoẹt, miệng liếng thoắng : “ Kì này ông X trúng chắc chức Tổng bí thư..” Ông khách gật gật đầu. Lão thợ nhắp nhắp cái kéo, tay kia đè đầu ông khách, ngụ ý chỉ việc nghe thôi chớ có mà gật đầu. Bay cái lỗ tai như chơi. Xoẹt! Một mớ tóc rơi xuống nền nhà. “ Tui đoán không sai mô. Ông X ngon hơn mấy lão kia. Dám nói, dám làm..” Ông khách lại ngửa đầu, lão thợ lại đè xuống. Xặp, xặp ! Tiếng kéo rít lên sát mang tai, cảnh cáo nhưng ông khách không chịu yên, ngẫng đầu lên “ Thì tui cũng nghĩ rứa. Nói thiệt, ông mô theo Mỹ là tui ưng. Bọn tàu thâm quá. Theo hắn có nước chết” Tôi xía vô : “ Răng ông biết?” Ông khách liếc xéo qua tôi một nhát bén ngọt hơn lưỡi dao lam
Lão thợ bên ngoài nhìn ra đường, than thở “ Mưa miết, Tết nhứt rồi không cho người ta mần ăn. Ông trời ác thiệt!” Người khách vào trước tôi đang ngồi chờ, lẩm bẩm : “ Người nghèo lúc mô cũng khổ. Tiên sư nó! Bọn chúng làm cái thứ chi mà giàu dễ sợ ” Tôi không hiểu ông này nói ai giàu dễ sợ.
“Xong!” Lão thợ hớt phía ngoài nhìn tôi “ Leo lên!” Tôi lật đật phóng lên ghế. “Hớt kiểu chi đây?”. “ Tỉa sơ thôi . Trời lạnh”
Xặp xặp, xoẹt xoẹt. Tôi nhìn vô gương, ngón tay trỏ và tay cái lão thợ nhắp liên tục
“Thằng” Bu tin trước sau chi cũng chết thôi. Ngu quá mà. Dám chống lại cả thế giới “ Lão thợ khòm lưng, nghiêng người nhìn vào đầu tôi ngắm nghía. “ Dân Nga rồi cũng không có cơm mà ăn” Ông khách ghế bên kia đứng dậy, phủi phủi vạt áo “ Còn đỡ hơn cái bọn I Ếch ( IS ). Tàn bạo quá!”
Đề tài bàn luận sôi nỗi nhất là tham nhũng. Hai ông khách đang ngồi chờ cũng nhào vô tham gia. Ông áo trắng “ Tui thấy mấy ông làm cán bộ nào cũng không khá nỗi. Toàn là giàu “ Tôi cà khịa “ Sao ông không giỏi đi mà làm cán bộ” Lão thợ bên trong ngứa miệng “ Bộ tưởng dễ, ông ?“
Lão thợ bên ngoài bật ghế cho tôi nằm ngửa. Lưỡi dao lam bén ngọt bắt đầu di chuyển trên mặt tôi. Lão cầm lỗ tai phải kéo căng ra “ Làm cán bộ thì ai làm không được. Nhưng dễ chi..” Lão bỏ lững câu nói, soạt soạt cạo vành tai “ Hôm trước có một ông cán bộ gần nhà tui vô đây hớt. Thằng cha này hắn làm trưởng phó ban chi đó về nhà đất. Ai cũng biết hắn giàu là nhờ tham nhũng..” Lưỡi dao lam di chuyển xuống cắm, gần trái khế “..Tui thấy hắn là gai con mắt rồi nên cà khịa cho bỏ ghét. Gỉa lơ như không biết, tui chửi cha mấy cái thằng tham nhũng, quơ cào vơ vét của dân..” Lưỡi dao chạy xuống ngang cổ “ Tui nói với hắn. “Tiên sư cái thằng làm dự án đền bù ở gần nhà tui. Anh biết không? Hắn có mấy cái nhà to tổ bố, cái mặt hắn câng câng. Đi ăn cướp của dân mà hắn láo “ Lão thợ hớt bỗng nhiên cười sặc sụa. Lưỡi dao dừng ngay cổ họng.Tôi nín thở. “Hắn hỏi nhà tui ở chổ mô. Tui nói ở đó đó. Thằng cha hớt xong trả tiền, lủi một hơi. Ha ha. Lần đầu cũng là lần cuối. Tui mất mẹ thằng khách ngon ăn “
Lão thợ ngưng cười, chồm người, kéo vành tai trái của tôi. Lưỡi dao cứa mấy sợi lông kêu lạo xạo. ” Mấy tháng sau tui đọc báo biết hắn bị truy tố. Sướng cái bụng..” Lão quay sang nói với ông khách bên kia. Lưỡi dao nhứ nhứ trên mặt tôi, gần mũi. “ Nói thiệt! Tui mà làm chủ tịch là tui tiêu diệt tham nhũng hết. Hốt hết..” Hai con mắt tôi trợn trừng nhìn theo cái dao đang xẹt qua, xẹt lại. Lúc thì kê sát miệng, lúc thì phớt cái mũi. Mu bàn tay của lão đè lên cằm tôi. Cái dao di chuyển theo âm lượng phát ra từ miệng lão thợ hớt đang ấm ức “ Đập chuột mà sợ vỡ cái bình thì làm răng mà đâp..” Lão huyên thuyên chuyện cái bình, không cần nhìn lưỡi dao đang nhẹ nhàng đáp xuống sóng mũi tôi. Căng cứng người, tôi thì thào : “ Choa! Cái mũi..” Không cần nhìn cũng chẳng nghe tôi nói, lưỡi dao bén ngọt chạy dọc xuống má, quẹt qua, quẹt lại mấy cái rồi dừng lại. Sóng tay lão chặn ngang cổ ”Mấy ông thấy không? Thời buổi chi mà lại đi ăn của dân nghèo “ Tôi phản đối lại câu nói khi biết chắc bàn tay cầm dao của lão thợ di chuyển xuống, nằm trên bụng mình “ Ông nói bậy đi..” Cái dao chuyển lên vai trái. Lưỡi dao dài tám phân lắc lắc nơi mang tai “ Bậy là bậy thế nào? Tui mới đọc báo Thanh Niên in rõ ràng. Lão bí thư huyện mô ngoài Bắc, ăn mười hai con dê của dân đó đó..”
Tôi im lăng không nói nữa khi lão thợ lấy đồ nghề ngoáy tai đặt lên ngực mình.Thường thì những lúc như vậy, tôi nhắm mắt để hưởng cảm giác sung sướng. Nhưng lúc này đây, cái đầu không xoay nhưng hai con mắt tôi liếc ngang, liếc dọc rồi mở trừng trừng đề phòng lão thợ hớt vừa ngoáy tai, vừa nói chuyện. Không dám mở miệng nói câu nào. Cha nội này mà bắt được đài là huyên thuyên, lỡ thọc luôn cái ngoáy tai từ bên này qua bên kia, có mà đi đám
Xong cái tai bên phải, lão kéo ghế qua bên trái. Không khí im lặng lâu quá, không ai lên tiếng, lão thợ lại nhập đồng khi thấy một người phụ nữ vừa băng ngang cửa kính “ Con mệ ni đẹp rứa mà bỏ chồng theo trai. Thời buổi loạn thiệt!” Chẳng ai hưởng ứng, lão chuyển qua chuyện khác “ Mụ bán trái cây ngoài chợ đang sung rứa tự nhiên nhảy cầu. Uổng thiệt!”
Tôi biết cái uổng thiệt của lão, định cà khịa nhưng sợ lủng màng nhĩ nên thôi
Cúp xong cái đầu ăn Tết, tôi bước ra khỏi ghế, sờ nắn quanh cổ, chà hai bàn tay lên mặt xem có vết cắt nào không. May quá! Cái mũi, cái tai vẫn còn nguyên. Móc túi lấy tiền trả. Khi mở cánh cửa kính bước ra ngoài, tôi còn kịp kính cẩn gập lưng, cúi đầu chào lão thợ cúp
“ Lạy choa ! Vĩnh biệt “
  Trở lại chuyên mục của : Bùi Thanh Xuân