Người Thầy Đầu Tiên
( Lời mở đầu cho tập truyện ngắn " Về Với Mẹ " )
Suốt đời mình, trong thời nào, kể cả lúc đã già đi, trở thành một lão bạc tóc, gã nghĩ rằng mình vẫn còn cần có những người Thầy, học hỏi để biết thêm kiến thức, mình không thể không có những người chỉ bày một điều gì đó
Mặc dù điều gã biết được thêm nhỏ nhoi thôi, cũng cần phải tôn trọng, cám ơn người chỉ bày cho mình
Khó có thể nhớ hết những người Thầy bắt ván cho mình qua cầu, nhưng có những người Thầy gã không được phép quên
Vậy mà có một người Thầy có thể vì quá gần gũi, yêu thương gã, lại không để tâm
Cho đến khi già đi, qua bao năm tháng làm cha rồi làm ông nội, day dỗ, chăm sóc con rồi đến cháu, gã mới nhận ra được người Thầy đầu tiên của mình
Người Thầy đầu tiên cho gã nhận ra ánh sáng, chào thế gian tiếng oe oe
Người Thầy đầu tiên dạy gã biết dang tay nắm bắt bình minh, nhìn lên bầu trời, cảm nhận màu xanh thanh bình, dìu gã đi, dạy gã biết hát ca dao
Ngươi Thầy đầu tiên không bày cho gã đánh vần “ mờ e Me “ Người tập cho gã ê a “ bê a Ba ”. Tay cầm tay, những nét chì thẳng đứng, những vòng tròn và hai cái miệng cùng tròn xoe
Người Thầy đầu tiên dạy cho gã biết phân biệt ngày và đêm, đen và trắng, trăng và sao, biết nhìn ra biển khơi, lên núi cao. Màu xanh nào của biển, màu xanh nào của cỏ cây, dạy cho gã biết lắng nghe tiếng chim hót sáng mai, tiếng côn trùng kêu khi đêm về
Người Thầy đầu tiên dìu gã đi trong vườn cổ tích để một ngày gã biết làm chàng hoàng tử, dìu cô bé hàng xóm cùng mộng mơ trong vườn hoa cải vàng, biết lấy trăng làm chiếc độc bình và hoa là những vì sao
Người Thầy đầu tiên dạy cho gã đạo lý làm người, lòng hiếu thảo và nghĩa vợ chồng, lòng độ lượng, làm người tử tế, biết sẻ chia
Người Thầy đầu tiên trải hoa trên con đường gã đi, vui mừng khi ngoan và khóc khi gã lầm đường lạc lối,
Người tiễn gã đi xa và đợi gã về
Sáu mươi năm trôi qua, người Thầy đầu tiên của gã yếu dần, không còn đi lại được nhiều, quanh quẩn trong không gian đầy bóng tối, mò mẫm từng bước đi, ngày ngày, sáng chiều Người lại trông ngóng bước chân, đợi gã về, lo lắng cho sức khỏe, sờ nắn trên da thịt gã và Người lại thở dài
Chiều nay về tắm rửa rồi ngồi cạnh Người, mớm cho Người ăn, sờ mái tóc nửa bạc của gã, Người gọi đứa học trò yêu quý là thằng khỉ khọt, dạy hoài vẫn cứ lơn tơn, không chịu lớn. Người chạm tìm cái ly, pha nước cho gã uống.
Nhận ly nước, gã mang tội bất hiếu, không nhận, mang tội bất nhân
Người Thầy đầu tiên và cũng là người dạy cho gã điều tốt đẹp cuối cùng
Lòng vị tha
Đi qua ngày nắng, ngày mưa, đi qua ngày khốn khó cho đến khi đủ đầy, lúc ốm đau hay khỏe mạnh, đi gần hết cuộc đời, hài lòng vì những việc đã làm được hay lo âu những việc chưa làm, thì cũng chẳng còn nhiều thời gian để mà tiếc, mà nhớ. Đến lúc bạc đầu mới nhận ra công ơn to lớn của người Thầy đầu tiên đã luôn theo bước chân gã, từ ấu thơ cho đến tận bây giờ
Mẹ gã! Người Thầy vĩ đại
Gã ghi lại những câu chuyện ngắn, những lần hai mẹ con ngồi gần nhau buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều trong suốt những năm tháng đã qua, mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm. Có thể nhiều hơn, từ khi mắt mẹ gã còn nhìn rõ bầu trời, nhìn những đứa con yêu quý của mình phải vật lộn với cơm áo, gạo tiền cho đến khi đủ đầy, từ thời khốn khó cho đến lúc mỗi đứa có một mái ấm riêng của mình
Mắt mẹ gã mờ dần đi, rồi mù hẳn, nhưng tình yêu bà dành cho con cái vẫn không thay đổi. Sự lo lắng rất là “ Mẹ “ mặc dù con mình đã lớn khôn, đã già đi, có đứa trên đầu hai thứ tóc cũng phải cần dạy dỗ
Trong tập truyện này, phần “ Về Với Mẹ “ là những mẫu chuyện có thật, những mẫu đối thoại ngắn rất đáng yêu. Một người mẹ lắm chuyện nhưng đầy lòng trắc ẩn, vị tha, bao dung. Một người mẹ xem gã, thằng con trai hơn sáu mươi tuổi như một đứa trẻ
Gã, ngày ngày về với mẹ, dù có mưa gió bão bùng, dù có nắng cháy da, có bận rộn với cơm áo gạo tiền cũng luôn dành thời gian vài tiếng đồng hồ cho mẹ. Khi trời chưa sáng tỏ đã xuất hiện bên cạnh mẹ, ngồi với mẹ, thủ thỉ, rù rì, cãi nhau, giận hờn nhau
Hai người già, hai mẹ con như hai đứa bé
Rồi một ngày buồn, một ngày bão giông, một ngày bầu trời như đổ ập xuống
Người mẹ không còn thở nữa, bà vội vàng bỏ gã mà đi, đi mãi