BÙI THANH XUÂN


Con Gái Về "Nhà Mình"
 
Cô gái lấy chồng xa, mỗi năm mới được về thăm ba mẹ một lần vào dịp Tết. Nhưng không phải Tết nào cũng được ngồi bên bếp lửa đỏ cùng với Mẹ, đón giao thừa.
 
Lần này về, cô gái cùng hai con chùng chình trên đường làng, gần ngôi nhà cũ của mình. Cô đợi khoảnh khắc Ba mẹ chạy ào ra ôm hai đứa cháu, rồi ôm mình. Cô gái òa khóc. Ba Mẹ cô quệt những giọt nước mắt trên má nhăn nheo.
 
Người Cha quỳ gối xuống nền cỏ xanh, ôm chặt hai đứa bé cháu ngoại vào lòng, vuốt ve thân thể chúng nó. Ông gọi con gái:
-Đến đây! Ba ôm cái nào.
Cô gái sà vào lòng cha như hồi còn bé. Người mẹ bước đến, giật con gái ra khỏi tay ông:
-Cho Mẹ ôm con một cái.
Hai mẹ con ôm chặt lấy nhau. Nước mắt bà mẹ ướt trên tóc cô gái.
 
Cô gái ngập ngừng bước vào nhà. “Ngôi nhà của mình” bây giờ xa lạ quá. Cũng chái bếp, mái hiên, vườn cây, ao cá. Nhưng tất cả không còn thuộc về mình nữa. Những đứa cháu, con anh trai, nhìn cô như người khách đến thăm. Cô em dâu, người bạn cũ, rụt rè, giữ kẽ. Chỉ còn Ba Mẹ mới thuộc về mình.
Nhưng cô gái không còn thuộc về Ba Mẹ nữa.
 
Chiều, cô ra ngoài nhìn ngắm sân vườn. Mấy cây vạn thọ trước nhà nở hoa vàng rực. Gốc mai già đang bung nụ, he hé nở. Gà mẹ dẫn bầy con dạo quanh sân. Con chó đen vừa lớn nhìn cô nghi hoặc. Sau hè, dưới gốc cây sầu đông, lu nước vẫn vậy, nghiêng một tí. Những đêm trăng, cô gái múc nước tắm gội bằng chiếc gáo dừa từ chiếc lu này. Chiếc gáo dừa có cán dài, không còn thấy móc trên thân cây sầu đông nữa. Thay vào đó là chiếc gàu nhựa màu đen vô hồn, úp ngược trên miệng lu.
 
Khu vườn không rộng lớn bằng xã hội ngoài kia. Nơi có những thứ mà trong khu vườn này không có. Ngôi nhà cũng nhỏ bé. Nhưng cô gái thấy mình ấm áp, an toàn trong “thánh địa” hơn bất cứ nơi đâu.
Những món ăn mẹ nấu, không cao lương, mỹ vị. Chỉ là ngọn bí luộc, chấm mắm nêm, dĩa cá kho khô nghệ, bát canh mồng tơi. Nhưng mà sao ngọt ngào quá. Đó là những món ăn thời con gái chưa lấy chồng. Những ngày Tết như thế này, lại có thêm mùi bánh trái làng quê. Mùi vị thịt heo, gà cũng khác hơn, ngon hơn.
 
Qua Tết, cô gái chuẩn bị về lại chốn phồn hoa đô thị ồn ào. Buổi sáng, nắm tay hai con đi trên đường làng, cô gái quay lại nhìn “ngôi nhà của mình”. Cha mẹ cô đứng đó, trước cổng nhà, nhìn theo. Phải đi thôi, chồng cô đang đợi ngoài xe, nơi có bến sông, hồi nhỏ cô cùng bọn trẻ con hay ra tắm giặt.
“Ngôi nhà của mình” ngày ấy đâu rồi? Cô gái tủi thân, cố bước thật nhanh trên đường cỏ dại. Nhủ lòng rằng, cuối năm, Tết đến, lại được “về nhà mình”. Được lần nữa tắm trong dòng sông cũ quê hương.

  Trở lại chuyên mục của : Bùi Thanh Xuân