BÙI THANH XUÂN


Một Ngày Tử Tế

Đông về chưa? Hôm nay thấy lành lạnh. Chẳng quan tâm lắm khi nào sẽ Đông sang. Cũng chẳng tò mò tìm hiểu thử khi nào là lập đông. Nhưng cái mưa phùn se se lạnh, gã biết mùa đông đang từ từ lẻn tới.
Trần gian phải có bốn mùa. Quy luật bất biến mà. Đông, cứ thủng thỉnh mà chạm tới nó, chạm tới cái nhếch nhác, ướt át, run run. Chạm tới cái đáng yêu hoặc đáng ghét của nó.
Sáu mấy cái mùa đông qua đời gã, đầu đội trời chưn đạp đất cũng được hai mươi hai ngàn ngày đêm, vèo vèo tuổi. Chưn gác chưn, tay gối đầu, gã suy ngẫm thấy mình bất tài, chưa mần được chi tốt cho đẹp đời, tròn đạo. Chỉ được cái ăn với hại với chọc thiên hạ mắng.
Rồi một ngày không còn phong tỏa, vắng đi tiếng còi xe cứu thương, đường phố trở nên quyến rũ. Người ta lũ lượt ra phố.
Hơn một trăm ngày, người ta bị nhốt trong bốn bức tường, lắng nghe nơi này, nơi kia có người rời cõi tạm, để lại hủ tro tàn. Họ để lại tất cả những gì kiếm được. Không lời trăn trối, không người thân để nói lời từ biệt. Họ trở về cũng như lúc đến, mênh mênh, mang mang.
Người ta tự nhủ sẽ sống độ lượng, tử tế hơn. Họ bảo đời vô thường. Người ta dặn lòng sẽ thân thiện, bác ái với những người chung quanh hơn.
Rồi người ta được tự do, người ta quên phức đi lời hứa, trôi xoáy vào cuộc chơi cơm áo gạo tiền, công danh địa vị. Trôi xoáy vào nhỏ nhen, ích kỉ, vô lương, đố kị, tham lam.
Gã chẳng bận lòng lắm với xã hội ngoài kia đang mất gì, có gì. Gã lười suy nghĩ, chẳng động lòng vì cái gì.
Rồi một ngày mưa, đông về chạm ngõ. Gã thấy lương tâm cắn rứt. Có thể lắm những ngày tháng qua gã thấy đơì vô thường thật.
Gã nghĩ, mình cần phải làm một cái gì đó để đời. Một người tử tế chẳng hạn. Đại loại như vậy.
Gã thức dậy sớm, lau chùi nhà cửa, dọn dẹp một vài thứ. Gã xuống bếp, rửa mấy cái chén còn sót đêm qua ăn muộn.
Vợ gã thấy lạ, đăm chiêu, nhìn ra cửa sổ lẩm bẩm chắc ngày ni có cơn bão ập vào, mưa miết. Kệ, gã cứ âm thầm làm. Không quan tâm vợ gã đang lẩm bẩm thêm mấy câu nữa, nghe không rõ.
Gã tự thưởng cho mình vì đã có một buổi sáng có ích. Gã chạy xe ra phố. Chậm rãi, tới ngã tư đèn đỏ. Người văn minh, lịch sự phải biết đợi đèn đỏ. Gã thanh thản gật gật đầu, lòng rộn ràng huýt một bài ca. Một vài người liếc ngó, một vài người háy nguýt, có tiếng nói gió đồ già điên.
Rờ túi sau, gã tự tin bước vào quán phở mua gói mang về. Gã tự tin móc ví trả tiên. Lâu lắm rồi mới tự tin móc ví, thuờng thì vợ hay ai đó trả giùm.
Chọn con đường đông đúc, chạy theo đoàn người vội vã cho ngày mới. Vài người vẫn để đèn signal, vài người khác không gạt chưn chống, chẳng ai nhắc nhở ai. Gã muốn làm người tử tế xem sao, tại sao không chứ.
-Này cô bé, hất chân chống xe lên.
-Dạ, cám ơn chú
..
-Anh! Tắt đèn signal
-!!?
..
-Vén vạt áo dài lên, cô gái.
-!!@#!??
..
-Cẩn thận, con bé ngồi sau đang ngủ gật tề.
-!!o-o!!ô ô ô..!!!
..
Va chạm nhỏ, gã xen vô:
-Thôi, bỏ đi anh. Chị ấy đang vội. Lại chở con nhỏ. Trầy xước nhẹ thôi mà.
-Nhẹ là nhẹ thế nào? Ông biết đéo gì nói. Biến!
-Ơ..!@#?!!..
Thằng cha lái xe hơi tung nước vô cô gái. Gã chạy theo, láu táu gõ gõ ca bô. Thằng cha thắng cái bụp, hạ kính xe, mặt lông lá:
-Ê, lão già chán sống hả?
-Ơ...?!!//@^^))00!?.
Gã thấy buồn. Làm người tốt khó vậy sao? Chẳng ai quan tâm bạn là ai? Đang làm gì? Nhưng bạn sống khác, tốt hơn, có nghĩa là.. không bình thường, thì bạn sẽ được chú ý đó. Đôi khi còn được tặng câu đồ già điên rảnh.
Gã chạy xe về nhà, thấy em đang loay hoay bếp núc, nhảy vô lặt giùm mớ rau. Em liếc phát, nói sáng ra đường có chi vui lắm hả? Gã cười gượng, cố lặt hết rỗ rau rồi biến.
Rứa mới thấy, cứ sống ngày mô như ngày nấy cho bình an.
Thôi thì hôm qua, hôm tê, hôm tể, hôm tề mấy chục năm qua sống răng, chừ cứ rứa cho phẻ. Có thấy chướng tai gai mắt cũng đui điếc, chớ có láu táu mà xương thành gân. Gã nghĩ.
Đông đang thủng thỉnh bò tới.
Như người ta già, cũng đang từ từ bò tới cái lổ một nhân hai. Tau vẫn khỏe mà, có chi mô? Mặc kệ nó cuộc đời.
Gã lẩm bẩm kệ cha thiên hạ diễn trò, cười lên đi ha ha ha..

  Trở lại chuyên mục của : Bùi Thanh Xuân