CA DAO


Chùa Khánh Long

 
Cơn bão Damrey đi qua Khánh Hòa vào lúc 6h30 phút sáng ngày 4/11/2017 để lại sự tàn phá khốc liệt. Phía sau dấu chân của bão là: cây xanh bật gốc; nhà cửa căn đổ sập, căn tốc mái; đường sá hư hại; tính mạng và tài sản của người dân bị thiệt hại nhiều. Vùng bị ảnh hưởng nặng nhất là thị xã Ninh Hòa, một vùng đất hiền lành quanh năm mang màu xanh biếc, quanh năm luôn thơm mùa lúa vậy mà bây giờ lại chìm trong sự đổ nát, hoang tàn. Nét hoảng hốt, buồn lo còn đọng trên khuôn mặt của những người dân nơi đây. Bây giờ họ đang phải khắc phục hậu quả của “con voi” để lại.
Tôi về thăm nhà một vài người bạn bị ảnh hưởng của bão tại thôn Tuân Thừa xã Ninh Bình. Nhìn cảnh nhà bạn mà lòng nặng trĩu nỗi buồn. Thế nên, khi đi ngang qua chùa Khánh Long, nghe tiếng chuông sâu lắng, nghe thoang thoảng hương trầm, tôi đã dừng chân ghé lại để mong mình có được một chút tĩnh tâm. Nhưng…


 
Cổng chùa Khánh Long
 
Trời ạ, chùa cũng cùng chung số phận với người dân Ninh Hòa trong cơn bão Damrey: Mái tốc, tường sập, cây cối gãy đổ. Chao ôi, một cảnh điêu tàn! Hai con rồng trên mái chánh điện đã theo con gió bay đi biền biệt, hai chú phụng con mất cánh, con gãy đầu! Hàng gạch làm con lươn dọc mái ngói cũng viên còn viên nát,  giữa trần nhà là một khoảng trống (dù đã được chùa tạm che lợp lại) đứng dưới chánh điện nhìn lên vẫn thấy cả một khoảng trời xanh! Phía trước, bức tường gạch thấm nước mưa lở loét, mảng vôi mềm rơi rớt để lộ  từng viên gạch bên trong!
 
 
Mặt trước của Chánh điện – Thầy Thích Thánh Vương (Trụ trì chùa Khánh Long)



 
Mặt sau chánh điện, mái tôn đã bay đâu mất


 
Mái nhà chánh điện vẫn còn thủng


 
Bức tường rào đổ nát được nhặt lại để bao quanh thềm giếng đã bị nước xói lở.
 
Thầy Thích Thánh Vương - trụ trì chùa – thở dài, khuôn mặt buồn rầu, lo lắng do không biết rồi Phật tử về chùa sẽ tu tập ra sao! Chánh điện rộng khoảng chừng 40 mét vuông, bên trong thì nước mưa nhỏ giọt, hàng hiên bên ngoài thì gần sập, thầy không dám để mọi người ngồi.
Khi biết được hoàn cảnh của chùa, nhà thơ Mai Quang đã có bài thơ cảm thán:
 
Cầu Chóng Qua
-Ghi lại năm Đinh Dậu (2017), Ninh Hòa- Khánh Hòa bị bão “Damrey”,
-Và để kính tặng thầy trụ trì Thích Thánh Vương.

 
Năm Dậu, Ninh Hòa quá tả tưa,
Con Voi (1) gầm rống: bão và mưa
Nóc chùa chánh điện trống toác hoác
Vách bếp nhà dân mặc gió đừa (2)
Chẳng phải “Lánh Không” (3) mà “lấy Có” (4)
Kính vì Tam Bảo mới “Tuân Thừa” (5)
Cầu xin nghiệp chướng tiêu ma sớm
Rực nét son vàng dấu tích xưa! (6)
Mai Quang
 
Tôi trao đổi, tìm hiểu qua Thầy Thích Thánh Vương và được biết: Chùa Khánh Long được trùng tu xây dựng năm 1920, tức vào năm thứ 5 đời vua Khải Định. Ngài Tổ trụ trì chùa đầu tiên họ Nguyễn, thế danh Nguyễn Đông sinh năm 1850, pháp danh Ngộ An, pháp hiệu Phổ Tịnh thuộc chi tông Lâm Tế - Nghĩa Huyền đời thứ 39 được truyền thừa theo dòng Kệ “Vạn Phong” do Ngài Tổ Định – Tuyết Phong khai sáng. Ngài là đệ tử của Tổ Sư Đạt Chính, pháp hiệu Trì Nghiêm, Tổ đình Thiên Phước làng Phú Nghĩa. Ngài xuất gia tu hành từ nhỏ, chánh quán làng Tuân Thừa, Tổng Hiệp Trung, Phủ Ninh Hòa nay là Thôn Tuân Thừa xã Ninh Bình thị xã Ninh Hòa.
Trong thời gian từ sau khi Tổ quy tịch, việc trụ trì và thủ tự trải qua nhiều Thầy, nhiều lớp người kế thừa nhau lo Phật sự, trong đó Đại Đức Thích Từ Vân, Pháp danh Tâm Đại, pháp hiệu Hạnh Định thế danh Phan Hưng trụ trì chùa từ năm 1942 cho đến 27/10/ 1956 thời vua Bảo Đại là có nhiều công hạnh góp phần xây dựng và bảo tồn ngôi Tam Bảo. Trong giai đoạn lịch sử khó khăn, Thầy đã chủ xướng việc đúc một Đại Hồng Chung.Tiền có được là  do thầy vận động tín đồ, bổn đạo cộng thêm ngân quỹ của làng để thực hiện. Sự kiện này có ý nghĩa vô cùng to lớn, tác động sâu sắc đến đời sống Đạo, là niềm khích lệ, niền hoan hỉ vô bờ đối với những người con của Phật. Từ nay, mỗi khi chiều xuống, tiếng chuông chùa công phu vang lên, ngân vọng xa xa, như từng giọt nước cam lồ thấm vào lòng, bao dung an ủi, xóa đi hết những muộn phiền.
Năm 1945, là thời kỳ Tổng khởi nghĩa, đến năm 1946, chiến tranh Việt- Pháp bùng nổ, chiến sự mở rộng, binh lửa tràn lan, nhân dân ly tán, nước nhà gặp cơn nguy biến, đạo pháp cũng chung vận mệnh với dân tộc. Phật tượng, từ khí phải chôn giấu; pháp bảo cũng sơ tán. Người dân nơi đây khiêng Đại Hồng Chung dìm sâu dưới  hồ nước vì sợ “Tây” (Pháp) lấy đúc làm đạn dược. Thầy Hạnh Định với tấm lòng thành đã giữ gìn ngôi Tam Bảo, bảo quản nghiêm ngặt những di vật cổ tích quý hiếm của chùa, giữ gìn các từ khí một cách cẩn thận. Cho đến năm 1955, đất nước tạm dứt chiến tranh, Thầy quy tập lại mọi thứ đã tản mác, mời nhân dân hội đồng Hương Chánh sở tại về kiểm kê, tất cả còn nguyên vẹn như cũ. Việc này có Thầy Thích Tấn Đức, đại diện Cổ Sơn Môn Tăng già huyện Hội Ninh Hòa ấn chứng. Công đức này thật đáng ca ngợi, tán thán!


 
 
Chuông chùa Khánh Long
 
Minh văn trên Đại Hồng Chung (Thầy Nam Hoa Dương Tử đọc và dịch);
 
Nguyên văn:

上祝
皇圍鞏固帝道()()()
佛日增輝法輪常轉
保大十七年十二月吉日

 
Phiên âm
 
Thượng chúc
Hoàng vi củng cố, đế đạo (liên) (biên) (nghinh) xương.
Phật nhựt tăng huy, Pháp luân thường chuyển.
Bảo Đại thập thất niên  thập nhị nguyệt kiết nhựt

 
Tạm dịch:

Trên kính chúc
Hoàng triều được củng cố, đời đạo  đều phát triển.
Đạo Phật ngày càng rạng rỡ, xe Pháp thường chuyển vận.
Triều Bảo Đại thứ 17 (1942) ngày lành tháng 12.

 
Lời người dịch: Nguyên văn theo văn chuông có chữ  không đoán nét được chỉ có mỗi bộ (sước) nên có thể theo ngữ cảnh tạm chấp nhận 3 giả thuyết: Liên (đều, liên tục) (biên, hoặc biến: khắp nơi) và (nghinh: đón mừng) vậy nếu dùng đều có nghĩa như nhau: (liên xương): đời đạo đều tốt đẹp, (biên xương): đời đạo khắp nơi đều tốt đẹp, (nghinh xương): đời đạo đón mừng tốt đẹp.
 
Về từ khí của chùa, đặc biệt có một lư hương ở Chánh điện thuộc “bộ môn sứ men lam”, không xác minh được chính thức niên đại, nhưng căn cứ vào những đặc điểm như: vòng tròn ký hiệu dưới đáy lư, người nghệ sĩ vẽ rồng 4 móng, mặt rồng hung hãn, nước men lam “ngưng đọng” do “hỏa biến” có thể tạm suy đoán đó là cổ vật khoảng cuối đời nhà Minh. Chiếc lư hương này do nhân sĩ Huỳnh Du cúng dường cho chùa vào năm 1955


 
 
Lư hương
 
Trong khuôn viên chùa, về hướng Đông Bắc, còn có một ngôi bảo tháp lưu dấu nơi cát táng huyễn thân Tổ Ngộ An.



Ngôi Bảo tháp
 
Bia tháp ghi dòng chữ (Thầy Nam Hoa Dương Tử đọc và dịch):
 
Nguyên văn:


嗣臨濟正宗三十九世慶隆寺住持諱悟安號普靜禪師寶塔

Hàng bên phải

陽曆一千九百六十年建立

Phiên âm:

Tự Lâm Tế Chánh Tông Tam thập cửu thế Khánh Long Tự trú trì húy Ngộ An, hiệu Phổ Tịnh thiền sư bảo tháp.
Dương lịch nhất thiên cửu bách lục thập niên kiến lập


Dịch nghĩa:

Từ Tổ Lâm Tế theo tông môn là đời thứ 39
trú trì chùa Khánh Long. Bảo tháp thiền sư húy Ngộ An, hiệu Phổ Tịnh
Tạo lập năm 1960 Dương lịch.

 (Đọc xuôi:  Bảo tháp  Thiền sư trụ trì Phổ Tịnh húy Ngộ An (là) Tổ Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 39. Tạo lập năm 1960 Dương lịch)
 
Ngoài ra còn có:
-Một bảng ghi công đức bằng chữ Hán ghi tên các hào mục, nhân sĩ và chức sắc đã đóng góp công, của trong lần trùng tu, xây dựng năm 1920, Khải Định năm thứ 5.
-Một long vị thờ có ghi 3 hàng chữ Hán:




Long vị
 
Nguyên văn:

Hàng chính giữa:

祀臨歲 (嗣臨濟)正尊()三十九世開山慶隆寺

Hàng bên trái:

諱悟安號普淨禪師之靈位

Hàng bên phải:

寂壬戌年初月廿一日


Phiên âm:

Tự Lâm Tế Chánh Tông Tam thập cửu thế khai sơn Khánh Long Tự
Húy Ngộ An, Hiệu Phổ Tịnh thiền sư chi linh vị
Tịch Nhâm Tuất niên sơ nguyệt nhập nhất nhật

 
Dịch nghĩa:

Giữa: Từ Tổ Lâm Tế chánh tông  đời thứ 39 khai sơn chùa Khánh Long.
 Trái: Linh vị Thiền sư húy Ngộ An tên hiệu Phổ Tịnh
 Phải: Thị tịch năm Nhâm Tuất tháng 1 ngày 21.

 
(Đọc xuôi: Linh vị Thiền sư Phổ Tịnh húy Ngộ An (là) Tổ  Lâm Tế chánh tông đời thứ 39,(người) khai sơn chùa Khánh Long. (Ngài) thị tịch ngày 21 tháng 1 năm Nhâm Tuất).

Long vị này do Thầy Hạnh Định thiết trí thờ để tưởng nhớ đến ân sư thế độ và huynh đệ đạo hữu ngài Trừng Phát là một vị cao tăng đồng thời là một chí sĩ yêu nước. Nhân dân địa phương rất tôn kính Long vị và hoan hỉ khi thấy Long vị được thờ chung trên hương án bên cạnh Long vị Tổ khai sơn.
Chùa Khánh Long có một bề dày lịch sử khoảng gần 100 năm với một số cổ vật quý giá. Chùa tọa lạc tại vị trí đầu làng. Vào những đêm rằm, ánh trăng êm dịu trải nhẹ nhàng trong không gian tĩnh lặng, gió đông nam từ ngoài đồng nội thổi vào, quyện lấy mùi hương trầm phảng phất, quyện lấy tiếng chuông trầm lắng ngân ngân...làm cho lòng người mộ đạo có được cảm giác siêu phàm thoát tục và có một thoáng quên đi những cạnh tranh, lo lắng đời thường...
Vậy mà giờ đây, Chùa lại lâm vào tình thế bi đát. Phật tử chung quanh cũng nhà nông, cũng cùng tình trạng đâu làm sao chia sẻ được! Nhìn cảnh chùa, lòng tôi bỗng ước ao: phải chi mình là người có “nguồn kinh tế” khá để giúp chùa được nhiều hơn.Than ôi!
Đứng trước Phật đài, trước các bài vị, tôi chợt vỡ được lẽ Đạo của các bậc Cao Tăng đã tự dặn mình (và nhắn nhủ thế nhân?): “coi thân danh là huyễn mộng, xem mọi việc như cánh nhạn lướt trên mặt hồ, tất cả như chìm dần vào quá khứ, chìm vào sương khói của thời gian”. Tuy hiểu là Người Xưa thân giả hiệp gửi bóng chiều tà nhưng  hậu sinh cũng không thể vô tình quên lãng. Nhân được cơ duyên đến với chùa, tôi xin đôi dòng sưu tầm tư liệu, khảo chứng văn bia, tìm về với cội nguồn.
Chánh pháp nhiệm màu, diệu lý Như Lai thâm ảo, vài hàng giấy mực làm sao ghi hết! Chỉ xin nương theo mối pháp duyên này có vài lời cầu nguyện: Mong chùa Khánh Long tồn tại mãi với núi sông vĩnh truyền bất hủ.
                                      Ca Dao (Tục danh: Trần Hằng)
                                                      Nha Trang Khánh Hòa, ngày 12/12/2017
 
Ghi chú về bài thơ của nhà thơ Mai Quang
 (1) “Bão Damrey (Việt Nam: Cơn bão số 12) là một cơn bão nhiệt đới, trong mùa bão ở Thái Bình Dương năm 2017”. Từ "Damrey" trong tiếng Khmer nghĩa là "con voi" (Wikipedia).
(2) Đùa đẩy đi
(3) Chơi chữ lái  tên Chùa “Khánh Long”
(4) Chữ địa phương Ninh Hòa “làm lấy có”, “làm lấy được” “làm lấy lệ”.
(5) Chùa tọa lạc tại làng Tuân Thừa, xã Ninh Ninh Bình, Ninh Hòa Khánh Hòa
(6) Ngầm ý về đạo, pháp thời hưng quốc.
 
P/S:
Thầy trụ trì rất mong được sự giúp đỡ của quý phật tử, quý đồng hương hảo tâm.
Có thể liên lạc với Thầy Thích Thánh Vương qua địa chỉ:
Chùa Khánh Long thôn Tuân Thừa xã Ninh Bình Thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa
Điện thoại: 0905042019

  Trở lại chuyên mục của : Ca Dao