CA DAO
Về Bài Thơ Đường Luật
“Dưới Chân Triều Sơn Phương” của Song Nguyên
Tản mạn
Về Bài Thơ Đường Luật
“Dưới Chân Triều Sơn Phương” của Song Nguyên
Tản mạn
Bài thơ: Dưới Chân TRIỀU SƠN PHƯƠNG
Kính tặng Thiền Sư Minh Đức TriềuT âm Ảnh
Song Nguyên
Tiếng gậy thiền sư ngỡ tiếng sương,
Nghe như trúc hát Triều Sơn Phương
Mây giăng đỉnh biếc chùng tơ lụa
Y hiện tầng cao điệp khói hương
Mấy thuở đam mê chìm mộng ảo
Bao lần thầm nhủ sống chân lương
Mơ sao đến lúc bừng hoa tuệ
Thoắt nhập trăng sao chiếu cõi thường.
Kính tặng Thiền Sư Minh Đức TriềuT âm Ảnh
Song Nguyên
Tiếng gậy thiền sư ngỡ tiếng sương,
Nghe như trúc hát Triều Sơn Phương
Mây giăng đỉnh biếc chùng tơ lụa
Y hiện tầng cao điệp khói hương
Mấy thuở đam mê chìm mộng ảo
Bao lần thầm nhủ sống chân lương
Mơ sao đến lúc bừng hoa tuệ
Thoắt nhập trăng sao chiếu cõi thường.
Còn nhớ mới ngày nào, cùng Thầy tôi - Song Nguyên (Thư pháp gia, nhà thơ, nghệ sĩ sáo trúc) với vài người bạn đến thăm viếng Thiền sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh và Huyền Không Sơn Thượng … Vậy mà giờ đây, Thầy Song Nguyên đã cưỡi hạc quy tiên, để lại cho nhiều người nỗi tiếc thương vô hạn!
Hôm nay, trong nỗi nhớ về Thầy - cũng là một người bạn vong niên, đọc lại những bài thơ của Thầy tôi, trong đó có bài Đường luật “Dưới Chân Triều Sơn Phương” (Thầy Song Nguyên đề tặng Sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh) mà lòng rưng rưng!
Bài thơ thật hay!
Với tôi, bài thơ ngoài vần điệu, tiết tấu nhịp nhàng, niêm đối chỉnh chu còn có sự kết hợp giữa màu sắc, âm thanh, hình ảnh chọn lọc. Bài thơ ngắn gọn trong thể thất ngôn bát cú, tác giả đã dẫn dắt tôi qua vườn ngôn ngữ âm thanh màu sắc khói sương nhẹ tênh, ngước nhìn lên chân trời sáng tạo, để rồi bước vào một cõi mênh mông trong cảm nhận:
Tiếng gậy thiền sư ngỡ tiếng sương
Nghe như trúc hát Triều Sơn Phương
Một hình ảnh cụ thể về nhân vật và nơi chốn kết hợp với những hình ảnh trừu tượng sống động và linh hoạt. Thi nhân chỉ miêu tả bằng vài nét chấm phá, nhưng thể hiện rất rõ chi tiết của sự liên kết giữa hai hình ảnh “tiếng sương & trúc hát”. Tiếng gậy trúc của Thiền sư điểm xuống, nhẹ nhõm và tinh khiết như tiếng hạt sương rơi, ban niềm an lạc đến muôn loài trong bối cảnh rừng trúc rì rào khúc Triều Sơn Phương (ngọn núi của Thiền viện). Tiếng gậy trúc nhắc nhở điểm xuống, khai thị cho cả rừng trúc òa ca vì chợt nhận ra tiền kiếp của mình? Ý thơ mang lại cho tôi những rung động, có gì đó thật xao xuyến, sâu sắc và vi tế! Nó giải bày trong trí tưởng tượng của tôi những ý nghĩa vừa tàng vừa ẩn của cái đẹp, của thiên nhiên, về con người với con người, về con người với vạn vật trong không gian và thời gian. Hình như “hơi” Thiền vừa khơi dậy trong tôi một cảnh giới lồng lộng an bình của Tâm!
Mây giăng đỉnh biếc chùng tơ lụa
Y hiện tầng cao điệp khói hương
Mới đọc qua như có cảm giác nhuốm buồn qua tiếng thở nhẹ ngút ngát sâu thẳm trong tâm hồn thế nhân, nhưng đọc kỹ lại toàn bài, tôi có cảm nhận: với hai câu thơ trên, Thầy Song Nguyên như đã giao cảm và chứng ngộ được sự ban phát vô lượng tình thương của đất trời đến vạn loại chúng sinh.
Ở đây, tôi thấy thi nhân sử dụng hai hình ảnh:
Mây giăng / Y hiện…
chùng tơ lụa / điệp khói hương…
Một nghệ thuật tổng hợp tinh tế tuyệt vời, giữa cụ thể và trừu tượng, giữa thiên nhiên vũ trụ và nội tâm con người.
Thi nhân đã đi từ một sự việc cụ thể để dẫn dắt người đọc đi vào cõi mênh mông bát ngát không hình tượng… Tôi xin mượn lời một thiền sư đã nói : "gom góp tất cả lời nói để hoàn thành trong một câu…"
Thi ca, nghệ thuật của ngôn ngữ thẩm thấu đã tạo hình, thêu dệt nên chữ, câu, ý, tứ, vần, điệu, truyền tải sự rung động cùng thế giới chung quanh chúng ta đến con người. Bằng nghệ thuật ngôn ngữ ấy bài thơ đã được gieo:
Mấy thuở đam mê chìm mộng ảo
Bao lần thầm nhủ sống chân lương
Thi nhân đã gửi vào đó nỗi lòng, gửi vào đó tâm tư, mong thoát khỏi những khổ lụy để sống vui, sống thanh thản, không thắc mắc, không hoài nghi, yếm thế, hòa đồng với mọi điều, mọi thứ trong vũ trụ để giải thoát con người ra khỏi vô minh bởi đã hiểu kiếp người cũng chỉ là phù sinh hư ảo!
Mơ sao đến lúc bừng hoa tuệ
Thoắt nhập trăng sao chiếu cõi thường.
Đối cảnh, thi nhân chiếu soi lại với chính mình, vần điệu dù có viết ra, nhưng đó chỉ là âm bản của cảnh giới tâm “Không”, “vô âm”, “vô tướng”, “diệu hữu”, “phi vô”.
Bài thơ trên đánh động tôi thức dậy tự khám phá chính mình. Hình như tôi vừa tìm ra cho mình một lối đi theo ánh sáng hương Thiền vừa chợt lóe!
“ Giữa vầng trăng một niệm vô ngôn”, xin mượn câu này của tác giả Tuệ Thiền Lê Bá Bôn làm câu kết cho bài viết.
Dâng nén tâm hương cầu nguyện Hương Linh Thầy phiêu diêu Miền Cực Lạc
CaDao
(Nha Trang, ngày 14/12/2019, tuần thất thứ 3 sau ngày mất của Thầy Song Nguyên)