CA DAO

Chùa Thanh Lương
  Gọi Thức Một Lối Về


 
Tôi vừa mất Mẹ!
Ôm bình tro cốt Mẹ về từ nơi hỏa táng, nước mắt tôi rơi  trong thầm lặng, lòng bỗng chợt mong con đường về nơi mẹ yên nghỉ thật dài, để tôi vẫn còn được ôm Mẹ trong tay, để hơi ấm của Mẹ mãi còn. Bốn chị em chúng tôi ngồi bên nhau yên lặng, nhưng tất cả cùng chung một câu tâm niệm: “Cầu xin Ơn Trên gia hộ cho Mẹ được siêu thoát, được về cảnh giới an lành”. Cây hương tỏa nhẹ một làn khói trắng xoay quanh bình tro cốt, vờn nhẹ lên mái tóc chúng tôi như bàn tay Mẹ vuốt ve an ủi. Chúng tôi nhìn nhau, mắt lệ rưng rưng. Đau xót vô cùng! Mẹ ơi!
Và rồi cũng phải về đến nơi Mẹ an nghỉ. Chùa Thanh Lương thấp thoáng dưới bóng tà huy, tất cả gợn một màu vàng nhạt. Tiếng chuông chùa êm dịu, ngân ngân trong gió, cùng với khung cảnh thanh tịnh khiến chị em tôi  thấy một chút nhẹ lòng.
 
Chùa Thanh Lương

Tại cổng chùa,  Đại đức Thích Thiện Hoan đón bình tro cốt của Mẹ từ tay tôi đặt vào nơi đã chuẩn bị sẵn, rồi bắt đầu nghi lễ . Chúng tôi quỳ lạy trong  khói hương nghi ngút, trong câu kinh tiếng kệ mà  lòng bùi ngùi, xúc cảm.

Lễ an cốt cho Mẹ
 
Tôi đi một vòng viếng cảnh chùa sau khi lễ xong. Khung cảnh nơi đây thật êm đềm thư thái.
Chùa Thanh Lương tọa lạc tại thôn Nhĩ Sự, xã Ninh Thân, cách thị xã Ninh Hòa 10 cây số về hướng Tây- Bắc. Theo lời kể của sư trụ trì: Đây là một ngôi chùa cổ được xây dựng trước thời kì Lê Cảnh Hưng thứ 24, năm Giáp Thân 1764. Tính đến nay đã gần 3 thế kỷ. Đất chùa do bậc tiền nhân Võ Văn Sành hiến cúng với diện tích đất 3 mẫu và số ruộng là 1 mẫu 2 sào.


Trong sân chùa
 
Chùa có một quả đại hồng chung rất xưa, trên thành có khắc ngày tháng chú tạo .
Để tránh nạn dùng chuông đúc súng thời chiến tranh, chùa Thanh Lương cũng như phần nhiều chùa trong tỉnh, đem quả đại hồng chung dấu nơi bàu Bơi (xã Ninh Thân); nhưng sau tìm không thấy. Người làng Đại Cát, Đại Tập, Nhĩ Sự đến thả câu nơi bàu, thình lình thấy chuông tự nhiên nổi lên rồi chìm xuống. Lặn xem thử thì thấy chuông úp sấp trên cát. Họ xúm nhau kéo lên, kéo hết hơi sức, vẫn không chút di chuyển.
Theo lời kể, chùa Đại Cát (Xã Ninh Phụng) gần bàu Bơi khoảng 500 m, lập đàn tràng, cầu nguyện 3 ngày 3 đêm, chiếu trải từ bầu đến chùa, dân làng thỉnh chuông về nhưng không khiêng nổi, họ còn dùng sức trâu để kéo cũng không được. Sau làng Nhĩ Sự cũng thiết hương án như vậy, cầu nguyện thì chuông tự nhiên nhẹ bổng, chỉ có hai người khiêng về chùa một cách dễ dàng.
Từ khi đại hồng chung về lại chùa làng Nhĩ Sự, bà con sống rất bình an. Tương tuyền có  ai đau ốm chi thì thành tâm đến ngồi dưới, thỉnh đại hồng chung gióng lên,  bệnh sẽ khỏi. Có những tư gia thiết lập đàn tràng làm chay  bố thí, cúng dường cũng đến thỉnh chuông về. Có một lần, họ khiêng nửa đường, nặng quá, lấy chiếu lót ở dưới rồi đặt đại hồng chung xuống để nghỉ. Không ngờ chiếu đặt trên bãi phân khô, chuông bị “uế trược”, họ nhấc lên không nổi, phải mời thầy trụ trì đến khấn nguyện mới xong. Đó là sự linh hiển của đại hồng chung được dân làng truyền miệng cho đến ngày nay.
 
Đại hồng chung
 

Minh văn khắc trên đại hồng chung:

上 寳 下  楊  和  尚, 証 明.
大 越 國, 廣 南  處, 平 康 府, 新  定  縣,  中 總, 平 安 社,平  安  村, 住 持 僧    積  仁 大 師,  清  涼  寺奉 佛.
今本道 及  十方 善男信 女供 等.
景 興二 十   四  年, 四月, 吉 日, 鑄 洪 鐘  柒 手.
 會  首何 福 幸 大 徳, 張  氏條 大 識 賴 供   寄  双   親  何文 平, 阮  氏 狹, 廣先 ,張 文春, 呉氏 韋.

 
Phiên âm:
 
Thượng Bửu hạ Dương hòa thượng chứng minh.
 
Đại Việt quốc, Quảng Nam xứ, Bình Khang phủ, Tân Định huyện, Trung tổng, Bình An xã, Bình An thôn, trụ trì tăng Tích Nhơn đại sư, Thanh Lương tự phụng Phật.
Kim bổn đạo cập thập phương thiện nam tín nữ tín cung đẳng.
Cảnh Hưng nhị thập tứ niên, tứ nguyệt, cát nhật, chú Hồng Chung thất thủ.
Hội thủ Hà Phước Hạnh Đại Đức, Trương Thị Điều Đại Thức lại cung ký  song thân, Hà Văn Bình, Nguyễn Thị Hiệp, Quảng Tiên, Trương Văn Xuân, Ngô Thị Vi.
 

Dịch:
 
Hòa thượng thượng Bửu hạ Dương chứng minh.
Tại thôn Bình An, Xã Bình An, tổng Trung, huyện Tân Định, phủ Bình Khang, xứ Quảng Nam, nước Đại Việt.
Vào ngày lành tháng Tư, năm Cảnh Hưng thứ 24, trụ trì chùa Thanh Lương là Tích Nhơn Đại Sư cùng bổn đạo và thập phương thiện nam tín nữ phúng cúng đúc hồng chung.
Hội thủ Hà Phước Hạnh (pháp danh) Đại Đức (và vợ) Trương Thị Điều (pháp danh) Đại Thức cúng dường nhờ cầu siêu cho cha mẹ (đôi bên là): (cha) Hà Văn Bình (mẹ) Nguyễn Thị Hiệp (pháp danh) Quảng Tiên và (cha) Trương Văn Xuân (mẹ) Ngô Thị Vi.

( Chữ Hán và bản dịch: Mai Quang - có tham khảo bản dịch của Đại Đức Thích Thiện Hoan, trụ trì)
 
Đọc minh văn trên chuông, nhà thơ Mai Quang, gốc người Ninh Quang, Ninh Hòa có bài cảm tác sau:
 
Đọc Minh Văn trên chuông chùa Thanh Lương, làng Nhĩ Sự, Cảm Tác
 

Đúc hồng chung cổ tự Thanh Lương,
Minh chứng công trình: Tổ Bửu Dương
Đại Việt nét thơm hồn thúy trúc
Cảnh Hưng vẻ đọng nét triều cương
Ba trăm năm đó bao hưng phế
Một sát na kia mấy tịch thường
Nhĩ Sự gió đưa hồi gọi thức
Người xưa ơi, bóng dáng hà phương?!

 (Mai Quang)
 
Chính nhờ quả đại hồng chung này mà các vị trụ trì đời sau mới biết được vị Tổ khai sơn chùa Thanh Lương sống thời Hậu Lê. Và chùa được tạo lập thời Cảnh Hưng.
Phía sau chùa có một cây me cổ kính lâu đời, do các bậc tiền nhân trồng vào năm 1889 tức năm Kỷ Tỵ, tính đến nay đã 120 năm, cây cao, xanh tốt, gốc cây to 5 người ôm không xuể.


Cây me 120 năm tuổi
 
Theo lời đại đức Thích Thiện Hoan, chùa không rõ những vị trụ trì trước,  được biết chỉ  có Long vị thờ Ngài Chơn Giác, Ngài Phước Trường và một bài vị thờ tiền nhân Võ Văn Sành đã hiến ruộng đất cho chùa. Năm 1936, năm Bính Tý, các cụ trong làng đã thỉnh được Ngài Thích Trừng Thơ, hiệu Từ Nhẫn về trụ trì, hương khói cho chùa đến năm 1974. Trong thời gian này, Ngài giữ gìn mối Đạo và chăm sóc đời sống tâm linh cho Phật tử. Đến năm 1974, vì tuổi già sức yếu, Ngài đã vãng sanh vào ngày mùng 2 tháng 5 năm Giáp Dần. Dân làng và bổn đạo đã xây tháp thờ Ngài.  Tháp cao 3 tầng, nằm trong khuôn viên chùa.


                                     Bảo tháp Ngài Thích Trừng Thơ
 
Năm 1975, trụ trì chùa là Thầy Thích Thiện Hoan, pháp danh Nguyên Hân, hiệu Minh Hỷ (lúc đó thầy mới 15 tuổi). Noi gương người đi trước, thầy đã dành nhiều công sức để xây dựng lại ngôi chùa đang dần xuống cấp cả về cơ sở vật chất, về cảnh sống, về cách sinh hoạt của bổn đạo. Lúc đầu, Đại đức gặp nhiều chướng duyên trở ngại. Nhưng với niềm tin mãnh liệt nơi Tam Bảo, tin vào sự mầu nhiệm của Phật pháp, nhờ vào sự ủng hộ tinh thần lẫn vật chất của toàn thể Phật tử, cùng với hạnh nguyện phát tâm, chùa  vượt qua rất nhiều khó khăn để trùng tu và đã làm lễ Khánh tạ vào ngày 19, 20 tháng 7 năm Mậu Tý, tức năm 2008. Và cũng từ đó, nhà chùa lập quỹ từ thiện. Hàng năm, cứ đến tháng 7, Vu lan, Đại đức lại tổ chức việc từ thiện, tặng quà cho những người già cô đơn, người tàn tật, những mảnh đời  cơ nhỡ, bất hạnh…


Đại đức Thích Thiện Hoan


 


Trước chánh điện
 
Ngôi chùa được Đại đức dốc lòng chăm nom nên khung cảnh thật nhẹ nhàng, khoáng đạt. Cây cối xanh um tỏa bóng mát, hương hoa, hương trầm thoang thoảng cùng với tiếng kinh kệ hòa quyện vào nhau tạo nên một cảnh giới an lành, đầy sinh khí và thiền vị. Chánh điện và nhà Tổ rộng rãi đều có 3 gian thờ. Tại nhà Tổ hiện giờ đang  tạm thời dành một chỗ để đặt bàn thờ các hương linh và tro cốt vì Vãng Sanh Đường (nơi  đặt hương linh và cốt kí gửi về chùa) đang được xây dựng.


                       Vãng Sanh Đường đang được xây dựng
 
Nghe đại đức nói, tuy không có sẵn kinh phí, nhưng cũng vì nhu cầu tâm linh của Phật tử, chùa cố gắng xây một “Vãng Sanh Đường”. Rất may là được các cửa hàng bán vật liệu  xây dựng phát tâm giúp đỡ, họ cung cấp trước vật liệu, đến khi nào chùa có tiền trả lại sau. Tuy nhiên, khoản kinh phí xây dựng không phải là nhỏ. Với một ngôi chùa quê trong cuộc sống rất khó khăn hiện nay, không biết cho đến khi nào chùa mới hoàn trả hết phí khoản.
Tôi chưa quy y Tam bảo, không đi chùa nhiều, không thường xuyên bái Phật. Nhưng lần đầu tiên đến nơi đây, lòng tôi cảm thấy thật bình an. Tôi mừng vì Mẹ được yên nghỉ nơi đây, được nghe kinh kệ hàng ngày –  đó cũng là điều Mẹ từng ước mơ ngày còn sống- Được rõ hoàn cảnh của chùa, nhân đó, tôi  đã phát tâm đóng góp một phần rất nhỏ vào Quỹ Từ Thiện cũng như vào kinh phí chùa tôn tạo “Vãng Sanh Đường” .
Có một câu nói rất minh triết: “Hạnh phúc là khi ta bằng lòng với những gì mình đang có và sống là phải biết yêu thương, biết chia sẻ, biết cho đi, biết trao tặng những gì tốt nhất mà mình có, bởi cuộc sống chính là quá trình trao tặng và đón nhận không ngừng”. (Nguồn Internet)
Tôi ngưỡng mong rằng sau khi mọi người đọc bài viết này, chùa Thanh Lương sẽ nhận được tấm lòng vàng của quý Phật tử, quý Đồng hương, các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm trong cũng như ngoài nước trong tinh thần chia xẻ với tha nhân, lấy niềm vui của người làm hạnh phúc, “bầu ơi thương lấy bí cùng”, hằng tâm bố thí chúng sinh cúng dường Phật pháp. Cùng chung sức góp một bàn tay giúp nhà chùa có chút ngân quỹ  trong việc làm từ thiện, giúp nhà chùa viên mãn công đức xây dựng Vãng Sanh Đường phục vụ nhu cầu tâm linh cho đồng bào và Phật tử  tín ngưỡng.
 Xin cầu nguyện hồng ân Tam Bảo gia hộ cho quý vị và gia quyến được vô lượng kiết tường - an khang - thịnh vượng.
                                                                                       Nha Trang, 18/6/2016
                                                                                                  CaDao
 
P/s: Mọi sự đóng góp  xin liên lạc trực tiếp  với :

Đại đức Thích Thiện Hoan
Chùa Thanh Lương, Thôn Nhĩ Sự, Xã Ninh Thân, Thị xã Ninh Hòa , Tỉnh Khánh Hòa
Số điện thoại: 0935373875


 
 

  Trở lại chuyên mục của : Ca Dao