CA DAO


NINH GIANG THU CÚC
Một Nữ Lưu Miền Hương Ngự



Chân dung NINH GIANG THU CÚC

Chị Ninh Giang Thu Cúc với tôi vừa là người chị có nhiều kiến thức uyên bác vừa là người bạn lớn tri âm trong mối đồng cảm có cùng nặng nợ với văn chương. Tôi thuộc lớp người sau nên chỉ mới quen chị từ năm 2016, tuy vậy,  rất nhanh, tình cảm chị em chúng tôi đã đậm đà, thân thiết. Chị gửi cho tôi rất nhiều bài viết không chỉ mảng thơ, văn  mà còn các bài tiểu luận, nghiên cứu, biên khảo. Chị như con tằm nhả tơ rút ruột để có những tác phẩm sâu sắc, trong đó ẩn chứa  lòng nhiệt tình, sự say mê sáng tác mang đầy giá trị nhân văn, thấm đẫm tình người.
Trong  tác phẩm “Nữ Lưu Miền Hương Ngự”, chị cặn kẽ, rõ ràng từng dòng tiểu sử, từng hoạt  động văn học, từng tác phẩm cụ thể của các nhà văn, nhà thơ nữ ở quê hương. Qua  những lời văn súc tích, chân tình và thiết tha, tôi thấy bồi hồi xúc động vì sự ngưỡng mộ, biết ơn của chị dành cho các bậc tiền bối.
“Con đã làm mẹ của sáu đứa con vừa trai vừa gái - con thấu hiểu đến tận cùng niềm hạnh phúc vô biên và nỗi khổ đau dài vô tận của người làm mẹ. Con mang ơn những người phụ nữ, những người mẹ trong từng phân ly da thịt, trong từng ngóc ngách tế bào và con thấy cần phải viết về họ, về những đóng góp từ thực thể đến tâm hồn trí tuệ của người người phụ nữ cho gia đình, xã hội mà tiêu biểu là ở bộ phận văn học nghệ thuật.”
(Đôi Dòng Tâm Huyết Gửi Về Quê Mẹ - Trích: Nữ Lưu Miền Hương Ngự)

Trong tôi, chị thật sự là một trong các “Nữ Lưu Miền Hương Ngự” ấy. Tôi thích thú đọc các tác phẩm chị gửi, rồi tìm hiểu sâu hơn về mảng thơ của chị.
Thơ chị mang ngôn ngữ chứa chan tình người với nhiều hình ảnh, âm thanh đầy xúc cảm, là sự cảm nhận của tâm hồn với thế giới quan bên ngoài hoặc có thể là sự bâng khuâng từ tâm khảm với nhiều vấn đề giả hợp giữa cái trường tồn và cái giả tạm. Nhiều sợi dây vô hình và vi diệu như ràng buộc tâm hồn với cảnh vật làm cho cảnh vật chỉ còn là phản ảnh của tâm hồn, cảnh vật gợi cảm bao nhiêu thì tâm hồn gợi cảm bấy nhiêu
Miền thơ của chị là thế giới nội tâm đầy màu sắc. Giọng thơ êm nhẹ, trong sáng, và rất thi vị. Cái thi vị đó là sự kết hợp giữa văn và tình. Văn là cái vỏ bên ngoài, tình là cái nòng cốt bên trong, là tình yêu quê hương, là sự ngưỡng mộ đối với các bậc tiền bối, là tình bạn, là cái nết thảo hiền của người phụ nữ với bổn phận làm vợ, làm mẹ ... Thơ của chị nhẹ lắm, mềm lắm, mềm như hơi thở của nắng mai, như làn sương buổi sớm, là ngọn gió thổi bạt qua tâm hồn tôi, làm bừng dậy bao mối cảm hoài với một quá khứ xa xôi, thanh bình và cổ kính. 
 
Này đây, nhà thơ trầm ngâm trước sự yên lặng của cảnh vật. Đây là nơi mà chị có thể gửi vào những thầm kín của tâm tư, kết hợp với sự xao xuyến của lòng mình trong những biến chuyển nhỏ
 
Chừ về vẫn những sợi mưa
Với tôi cùng những dạ thưa nhà người
Với tôi – nắng khóc, mưa cười
Với tôi ngõ cũ có tươi hoa vàng

(Đoản Khúc Mưa )

Tâm hồn thi nhân có những giao cảm với thiên nhiên màu nhiệm. Những sợi mưa nho nhỏ  thay đổi gam màu cây cỏ trong “ ngõ cũ có tươi hoa vàng” bằng những hạt nước ngọt mềm khiến mọi thứ trở nên lung linh và dịu mát. Mưa làm xoa dịu nỗi lòng, mưa nhẹ tênh mềm mại và ngọt như chính cảm thức của thi nhân. Xem bài thơ “Đoản Khúc Mưa”,  lòng tôi vương chút sầu, chút thương nhớ kỉ niệm xưa.
Thiên nhiên  như những thực thể sống động hữu tình bởi người nghệ sĩ đã đem cái tâm của mình mà gắn kết với thiên nhiên:

Đất trời tạm khoác phong phiêu
Nghe chăng cuộc lữ vạn triều sóng dâng

(Sám Hối)

Để rồi:

Nợ sách đèn vay trả biết bao lần
Xếp nghiên bút... hóa thân... buồn thiếu phụ
(Dòng Sông Quê Mẹ)
 
Một trạng thái tâm hồn nữa của chị đó là mối tình yêu mến quê hương, làng mạc đậm đà xâm chiếm cõi lòng. Trong khung cảnh quê hương, tâm hồn nhẹ nhàng của chị có điểm một chút buồn xa vắng. Quê hương vốn là một khái niệm trừu tượng. Ở đây, chị cụ thể hóa hình ảnh quê hương, đó là hồi chuông Thiên Mụ, Dòng sông xanh, tháp u hoài , làn điệu Nam ai…
 
Nơi xa ngái thương hồi chuông Thiên Mụ
Dòng sông xanh soi bóng tháp u hoài
Phút chia lìa... thê thiết điệu Nam ai
Chân dợm bước... mắt lưng tròng... giọt đọng
(Dòng Sông Quê Mẹ)
 
Quê hương là máu thịt, là hồn cốt. Quê hương là cội nguồn sinh dưỡng và cũng là nơi đón nhận con người khi sự sống chấm dứt. Quê hương đâu chỉ là nơi để gắn bó, để hướng về, mà còn có ý nghĩa tâm linh rất quan trọng đối với đời sống tinh thần của mỗi con người.
Trước khung cảnh của quê hương, chị có thái độ của một thi nhân dồi dào tình cảm, thái độ của một triết gia, và thái độ của một nghệ sĩ có những cảm xúc tinh tế và linh động:
 
Khuya lạnh trở mình nhớ Huế
Một trời kỷ niệm xa xôi
“Quá giang” lời thương lời nhớ
Ai về Huế, Huế quê tôi!
(Đêm Lạnh)
 
Những dòng thơ êm dịu chậm rãi  nhè nhẹ đưa tôi dần dần đi vào thế giới thanh tao nửa thực nửa mộng, làm tôi không phân biệt đây là ngoại cảnh hay nội tâm trải rộng trong không gian. 
 
Sương lãng đãng đồi thơ
Áo em – trắng đợi chờ
Mùa yêu – về chạm ngõ
Thơ rung – hồn nguyên sơ
 ( Trẩy Hội Tháng Giêng)
 

 Chính thi nhân cũng tỏ ra bâng khuâng ngợp trong cảm giác xáo trộn cảm xúc vô biên trước khôn cùng của vạn vật
 
Lang thang với cõi vô cùng
Với yêu với nhớ mông lung một thời
Với ngày tháng nhỏ rong chơi
Với giây phút khóc đầy vơi cuộc tình
 (Chiều Huế)
 
Và đây, tình mẫu tử là tình cảm có vị trí đặc biệt và thiêng liêng trong lòng mỗi người, là niềm sống và điểm tựa để chúng ta vượt qua những khó khăn và giông bão của cuộc đời qua những dòng thơ ngọt mềm của chị:
 
Tìm dư hương thuở xa xưa
Tìm hình bóng mẹ sớm trưa bên thềm
Đường trần chân cứng đá mềm
Thương sao tiếng mẹ ngọt êm trưa hè
( Tiếng Mẹ)
 
Chị như bao người mẹ khác,  là người bao dung  con trong mọi hoàn cảnh, là nơi nương tựa của con mỗi lần vấp ngã, là nơi để  con gửi gắm những điều thầm kín, là nguồn động lực giúp  con vững vàng trong giông tố.
 
Con trăng sao lầu mộng đẹp huy hoàng
Mẹ ấm áp vô vàn nguồn phúc lạc
Con tung cánh mẹ ôm vùng hoang mạc
Xa con rồi thiếu một khoảng trời thơ
(Lời Mẹ)
 
Tình mẫu tử có thể soi sáng con đường cho mỗi người, giúp con người thức tỉnh khi lầm đường lạc lối, sống tốt hơn và sống có trách nhiệm hơn.
 
Lời ru chẳng cạn chẳng vơi
Theo con chân bước lệ rơi môi cười
Cho dù khản tiếng hao hơi
Trăm năm còn vẫn vọng lời mẹ ru
(Ru Mãi Nghìn Thu)
 
Đặc biệt, chị còn có chùm thơ viết về Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du với sự kính trọng sâu sắc
 
Tố Như ơi! Tam bách dư niên...
Dù chưa đủ nhưng muôn lòng đã khóc
Con trân trọng dâng Người niềm cảm xúc


Mười lăm năm... mấy đoạn trường
Thanh Hiên hỡi! Sóng Tiền Đường lặn chưa?!

(Vô Cùng)
 
Hãy đọc những câu thơ mang vẻ đẹp và buồn khi nhắc đến Đạm Tiên một cách cảm động: mối tình bâng quơ nhưng vô vọng. Đạm Tiên trong xã hội như một bông hoa đẹp tươi được mọi người nâng niu, chào đón nhưng khi mất đi lại rơi vào quên lãng, yên nghỉ dưới nấm mồ hoang lạnh, linh hồn phảng phất với cỏ hoa, chỉ được an ủi với khách phương xa là Kiều. Đây là một thi vị đặc biệt làm rung cảm sâu xa, làm cho người đọc bâng khuâng trước cái mong manh vô nghĩa của kiếp người qua những lời thơ của chị:
 
Chỉ nghe “nức tiếng” má đào
Tìm thăm cho thỏa nét hào hoa, chơi...
Nào ngờ “trâm gãy bình rơi”
“Buồng không lạnh ngắt” bời bời xót xa
“Đã không duyên trước chăng mà”
Sắm sanh hậu sự gọi là duyên sau
Tình sao đẹp tựa trân châu
Yêu mà như vậy cao sâu mấy tầng
Đẹp sao giữa cõi phù vân?!
Đạm Tiên ơi chút phước phần chiều hôm…
(Sao Nỡ Quên Một tấc Lòng)
 
Còn đây là trường thi KIỀU KINH chị mới gửi tôi cách đây không lâu. Thể lục bát thường dùng để diễn tả tình cảm êm đềm, xa xôi, thâm trầm, qua ngòi bút của chị đã giúp cho tôi hiểu được thêm về truyện Kiều, gây được sự cảm ứng mau lẹ dễ dàng. Chính những dòng thơ của chị với nỗi lòng bàng bạc giữa đất trời, tôi thấy được tâm hồn của cụ Nguyễn Du trong truyện Kiều một cách rõ ràng duyên dáng.
 
KIỀU KINH
 
I -      Am tranh lều cỏ sớm trưa
Nâu sòng đạm bạc muối dưa tịnh lòng
Qua rồi năm tháng long đong
Oan khiên rửa sạch thong dong cõi miền
Gieo duyên – khoác áo “Trạc Tuyền”
Mầm lành hé nhú – giữa miền trần lao
Nghiệp căn còn mãi lao xao…
(Kiều Kinh)
 
Qua Kiều Kinh, tôi có thể thấy chị đã thể hiện rất rõ điều cụ Nguyễn Du đã ký thác tâm sự vào truyện Kiều và cái bản  ngã tình cảm của cụ. Đó là khí chất, tính tình, là cái phong nhã hào hoa, đa sầu đa cảm. Đó là tâm sự nỗi lòng, là những mẫu chuyện éo le của đời người, những tình cảnh mà tác giả đã sống qua, và cả những mơ ước, nguyện vọng thầm kín của tâm hồn. Trong đó thể hiện rõ nền móng tư tưởng Nho giáo, biểu lộ cái quan niệm  đời người lúc bỉ, lúc thái, lúc thịnh, lúc suy theo cơ trời tuần hoàn biến đổi. Đời Kiều hết giai đoạn tăm tối qua giai đoạn tươi sáng, cái thời vận tốt đẹp của nàng đã đến như trong tạo vật đông hết xuân sang. Những dòng thơ chị thể hiện rất rõ cái triết lý trong truyện Kiều đó là tin tưởng vào định mệnh, và ta phải nuôi dưỡng  thiện tâm, tu nhân tích đức, hầu mong hoá giải được số mệnh và tin tưởng vào sự công minh cuối cùng của trời đất. Hướng  tâm hồn ta đến điều thiện, dạy người ta cố gắng thực hiện chữ nhân...đó là bài học sâu sắc.
Ung dung bước giữa ta bà
Băng tâm nhất phiến ngọc ngà – Tôi ơi!
Tâm từ vô lượng dâng đời
Tâm bi vô lượng gởi người trần gian
Tâm hỉ vô lượng lạc, an
Tâm xã vô lượng buông ngàn chấp mê

(Kiều Kinh)
 
Với những dòng thơ tả cảnh tả tình như kể chuyện này, chị sử dụng nét bút linh hoạt, khi buồn nhẹ bâng khuâng, khi êm đềm réo rắt, khi áo não đậm đà… Thơ chị không chỉ chân thực về chi tiết và hình ảnh  mà tôi còn nhận được những rung cảm tế nhị, kín đáo. Ninh Giang Thu Cúc là một nhà thơ có lối viết đầy cảm xúc nhẹ nhàng tiêu sái, luôn dịu dàng uyển chuyển, tất cả làm thành cái duyên dáng rất riêng từ một tâm hồn nhạy cảm…

Cảm ơn chị, cảm ơn những tác phẩm của chị đã mang đến cho người đọc những cảm xúc lắng đọng, ngọt ngào.
Bài viết ngắn ngủi này xin gửi đến chị để thể hiện lòng ngưỡng mộ.
 
Nha Trang, tháng 2/2023
Ca Dao


 

CHÚ THÍCH :
“Nữ Lưu Miền Hương Ngự”: tên tác phẩm của Ninh Giang Thu Cúc


  Trở lại chuyên mục của : Ca Dao