CHÂU THẠCH

                                       
Đọc “Bình Minh”, Bài Thơ Đường Luật của SưThích Tín Thuận*
 
Thích Tín Thuận là sư trù trì chùa Chính Phước thuộc xã Hải Thọ huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị. Thầy còn là một thi sĩ hay sáng tác Đường thi. Thơ của thầy sâu nhiệm giáo lý nhà Phật, đậm đà đạo nghĩa, tình người và bản sắc dân tộc, đem đến sự dạy dỗ cho phật tử và nhiều sự lảnh hội điều thiện cho người ngoại đạo. Đọc thơ thầy người con Phật và người không phải con Phật đều cảm thấy tâm hồn thanh thản, an vui, bình tịnh và cảm thấy có một tình yêu bao dung, tinh khiết  dậy lên trong lòng. Xin đơn cử một bài thơ như thế:Bình Minh
 
Rạng rỡ bình minh thắm cảnh trần
Hương ngào ngạt toả đón mừng xuân
Hồn dâng đất mẹ niềm ưu vắng
Phúc trải làng quê cõi tịnh gần
Lặng lẽ mưa tình mang đến hỷ
Êm đềm nắng nghĩa gởi về hân
Trời xanh lộc biếc thầm giao cảm
Hãy trả lời đi chớ ngại ngần…!

                      Thích Tín Thuận
 
Đọc vế khai đề của Đường thi ta biết ngay tác giả muốn giới thiệu một buổi sáng mùa xuân:
 
Rạng rỡ bình minh thắm cảnh trần
Hương ngào ngạt toả đón mừng xuân

 
Nhiều nhà thơ tả cảnh bình minh thường nói đến ánh sáng chan hoà trên vạn vật. Bình minh với họ chỉ là một hiện tượng vũ trụ tác động vô hồn trên quả đất đem đến vô vàn hiện tượng tươi đẹp.
Nhà thơ Thích Tín Thuận cũng viết như thế với các chữ “Rạng rỡ bình minh” nhưng khác hơn, thầy còn viết thêm “thắm cảnh trần”. Cảnh trần theo thuyết nhà Phật là sinh lão bệnh tử, hỉ nộ ái ố. Nói chung cảnh trần là cảnh đau khổ. Vậy ở đây “Rạng rỡ bình minh thắm cảnh trần” nghĩa là bình minh không những làm cho phong cảnh đẹp mà còn là nguồn sáng xoa diệu đau khổ của trần gian. Bình minh ở đây không còn chỉ là ánh sáng mặt trời mà còn là thứ ánh sáng cứu độ làm trần gian trở nên thắm tươi, không còn đau khổ. Chỉ với hai chữ “cảnh trần” Thích Tín Thuận thần hoá ánh sáng buổi bình minh, gởi vào đó hình ảnh của chân lý, của đạo pháp làm thắm tươi cõi thế gian mờ tối.
Câu thơ thứ hai “Hương ngào ngạt toả đón mừng xuân”. Đọc câu thơ nầy ta thấy ngay “Hương ngào ngạt toả” là hương thơm của buổi bình minh. “Hương ngào ngạt’ ấy đón mừng xuân, có ý nghĩa là bình minh đã toả mùi thơm ngào ngạt để đón mùa xuân đến với mình. Như thế bình minh là một chủ thể và mùa xuân là một chủ thể riêng biệt. Hai chủ thể nầy đón nhau như đôi bạn tri âm tương hợp. Câu thơ có tác dụng truyền vào tâm hồn người đọc một cảm nhận thân tình và thắm thiết. Dầu hiểu hay không hiểu ý thơ cao xa, vẫn lan toả tự nhiên trong tâm hồn ta niềm vui của bình minh  đón chào mùa xuân tươi thắm.
 
Qua vế thơ thứ hai tác giả mở rộng tầm nhìn, cho bình minh trải ra trên “miền” và “cõi”:
 
Hồn dâng đất mẹ miền ưu vắng
Phúc trải làng quê cõi tịnh gần

 
“Ưu” là tốt, “vắng” là “vắng vẻ”, miền ưu vắng là miền tốt và bình tịnh. “Hồn” ở đây không phải là hồn của tác giả mà hồn của buổi bình minh. Bình minh được thánh hoá có hồn, và hồn đó hiến dâng cho miền đất mẹ sự an vui và bình tịnh. Thật ra nhà thơ đã mượn bình minh để gởi chính linh hồn mình vào đó. Một ngày mới theo Phật thuyết là quay lại một chu kỳ đau khổ trên trần gian. Chỉ có linh hồn của bậc tu hành mới trở nên “miền ưu vắng”được.
Tác giả muốn đem “ miền ưu vắng” hay sự giải thoát trong mình hiến dâng cho đất mẹ hay đúng ra đem đạo pháp thanh lọc cõi ta bà trở nên an tịnh. Qua câu thơ thứ tư “Phúc trải làng quê cõi tịnh gần” khẳng định thêm ước muốn của nhà thơ ở câu thơ trên. Nhà thơ muốn đem cái “ưu vắng” trong lòng trải khắp làng quê, làm cho phước hạnh gần thêm với cuộc sống.
Hai câu trạng vỗ về tâm hồn người đọc, làm tâm trí thăng hoa vào một miền, một cõi an vui, xa rời những buổi bình minh mà con người phải nhập cuộc đấu tranh giành sự sống.
 
 Bước qua vế luận nhà thơ tả một bình minh rất đẹp, một bình minh có mưa hoà trong nắng:
 
Lặng lẽ mưa tình mang đến hỷ
Êm đềm nắng nghĩa gởi về hân

 
Đây không phải một bình minh chợt mưa chợt nắng. Đây là một bình minh mà mưa và nắng như kết nghĩa tình yêu, hiệp cùng nhau đem niềm vui (hỷ) và sự hân hoan ( hân) đến trần. Một buổi sáng mưa rơi dưới ánh nắng mặt trời phải là một buổi sáng đẹp biết bao vì mưa làm cho bầu trời diệu mát và nắng thì khúc xạ trong mưa hoá ra muôn màu tươi đẹp. Vế đối nầy đã biến hoá không gian thành bức tranh tuyệt mỹ và sự thần kỳ của nó là trút  và chiếu xuống trần gian nguồn vui của trời. Đó cũng là phong cách mà người tu hành lặng lẽ, âm thầm hành đạo giữa thế gian, đem “hỷ” và “hân” về cho nhân thế.
 
Vế kết của bài thơ thật là độc đáo:
 
Trời xanh lộc biếc thầm giao cảm
Hãy trả lời đi chớ ngại ngần…!
 
Sự giao cảm giữa trời xanh và lộc biếc là sự quang hợp giữa ánh nắng và cây. Sự quang hợp cung cấp hầu hết các năng lượng cần thiết cho sự sống trên trái đất. Trong thơ sự quang hợp nầy không chỉ là hiện hiện tượng vật lý mà là một hiện tượng tinh thần vì nó “thầm giao cảm” cùng nhau, nghĩa là bầu trời và cây lá trong giờ phút nầy mang bản sắc của con người. Ý thơ diễn tả sự hoà hợp sâu xa của vạn vật trong buổi bình minh nầy . Và trong giờ phút thiêng liêng đó trời đất giải đáp được mọi bí ẩn, để con người khám phá và trả lời ngay được những tư duy còn thắc mắc trong lòng: “Hãy trả lời đi chớ ngại ngần…! “Câu thơ nầy độc đáo như một câu chú truyền tâm pháp khai ngộ các bậc chân tu. Nó cũng có thể khai sáng tâm trí của người trần mắt thịt. Ai trong chúng ta không băn khoăn với biết bao câu hỏi giữa cuộc đời. Câu thơ cho ta thấy hãy để tâm hồn lắng đọng như buổi bình minh nầy thì đáp án sẽ có. Câu thơ cũng thúc dục chúng ta “hãy trả lời đi” nghĩa là phải hạ quyết tâm, không ngại ngần tiếp nhận chân lý “ưu vắng’ trong linh hồn, “hân, hỷ” trong cuộc sống và “giao cảm” với vạn vật như bình minh đến với đất trời mùa xuân vậy.   
 
 Nhiều tác giả thâm Nho thường kẹt cứng trong Hán tự khi làm thơ, khiến cho sự cao siêu trong suy tư làm nhiều người khó hiểu. Nhiều bài thơ thoát ra được sự bí hiểm của từ nhưng lại vấp phải sự hời hợt vì không có chữ để diễn tả hết ý của thơ. “Bình Minh” của Thích Tín Thuận không thế, chữ Hán vẫn dùng nhưng câu thơ  rất bình dị, tư tưởng thâm thuý khiến trình độ người đọc ở mức độ nào cũng thấy thơ hay. Tôi là một bạn đọc không biết chữ Hán, không am tường Phật pháp, chỉ cảm kích bài thơ theo hiểu biết nông cạn của mình mà lòng thôi thúc phải viết cảm nhận ngay nên tôi cứ viết. Xin cúi đầu tạ lỗi với thầy Thích Tín Thuận, với quý bạn đọc về mọi thiếu sót, sai lầm trong bài viết nầy ./.

 Châu Thạch
 
 
 * Ghi chú:
BBT đã biên tập lại. Nguyên của tác giả là;"Đọc “Bình Minh” Đường thi Thích Tín Thuận"
  Trở lại chuyên mục của : Châu Thạch