CHÂU THẠCH
 
Đọc “ CÓ CÒN MÙA THU” thơ Đan Thụy 

                 
 
CÓ CÒN MÙA THU ...?   
Đan Thuỵ

Thu phương anh có vàng hoa cúc ?
Thu chốn đây hương cốm vờ quên
Nửa đời người
Nửa cuộc tình dâu bể
Tim chạm nhau rồi
Sao tình cứ chênh vênh?

Sợi nắng Thu
Vò tơ miền nhớ
Cái nhớ mong manh
Cái nhớ bộn bề
Đêm chóng vánh ...
Se hồn trăng vỡ
Lối mơ xưa  ...
Lá nhớ đợi ai về?


Em muốn cùng anh
Xanh mãi cuộc tình
Để níu giữ...
Thu vàng trăng buổi ấy…!

  
Cảm nghĩ: Châu Thạch
 
Tôi đã đọc nhiều bài thơ của Đan Thụy. Tuy tôi muốn lắm nhưng chưa viết được bài cảm nghĩ nào về thơ tác giả. Chưa viết được là vì thơ Đan Thụy dễ đọc mà khó viết. Dễ đọc vì thơ Đan Thụy thường ngắn, lời đơn sơ bình dị. Khó viết vì trong những lời thơ ngắn, đơn sơ và bình dị đó lại xúc tích, bàng bạc những ý thơ tiềm ẩn khiến cho tôi thưởng thức được cái hay trong đó nhưng lại khó phân định được vì sao mà nó hay như thế. Hôm nay tôi thử viết một vài cảm nghĩ về bài thơ “Có còn mùa thu?” của Đan Thụy để giải tỏa cho tôi những chất chứa về sự mến mộ trong lòng chưa có cơ hội được nói ra. Đọc “ Có còn mùa thu?’” lần đầu  thấy đã hay, đọc lần thứ hai thấy hay thêm và đọc nhiều lần thì thấy sự nhẹ nhàng thanh thoát của thơ vỗ về tâm hồn ta càng thêm êm ái.
Đan Thụy vào đề với hai câu thơ đậm đà nhiều ý nghĩa :
                    
                             Thu phương anh có vàng hoa cúc?
                             Thu chốn đây hương cốm vờ quên
 
Ai cũng biết mùa thu là mùa của hoa cúc và của hương cốm. Hoa là ngôn ngữ chân thành của tình yêu. Hoa bộc lộ nỗi niềm thầm kín và hoa cúc thường khiến người ta nghĩ đến mùa thu. Vào mùa thu hầu hết các loài hoa khác rụi tàn thì ngược lại hoa cúc bắt đầu khoe sắc. Thu vốn mang một ấn tượng buồn, cúc đua nở trong mùa thu đã đem lại một bầu trời tươi đẹp. Hoa cúc khi héo tàn chẳng lìa thân của nó là biểu tượng cho sự thanh tao, trung trinh của một tâm hồn chung thủy. Hoa cúc là hình ảnh của sự khoáng đạt, sự chung tình. Trong các loài hoa cúc, hoa cúc vàng tượng trưng cho lòng kính yêu, quý mến, hân hoan. Vì thế người ta ví hoa cúc vàng là chúa của mùa thu.   
 
Cốm từ nếp non làm ra.  Vào mùa thu, khi vụ nếp mùa trổ đòng, ngậm sữa. tạo hạt thì những hạt nếp non vừa căng vỏ tỏa hương thơm ngào ngạt, được dùng để làm cốm.Vì thế cốm được đem bán nhiều vào thời điểm mùa thu và cốm thường được dùng trong các dịp cưới hỏi.  Hương cốm thơm ngon biểu hiện cho tình quê hương đậm đà và tình yêu nam nữ mộc mạc, chân thành, thắm thiết và thanh cao.
 
Với hai câu thơ mở đầu, Đan Thụy đã khôn khéo dùng lời nói ví von như ca dao để thăm hỏi người tình và bày tỏ lòng ta. Câu thứ nhất Đan Thụy dùng chữ “ vàng hoa cúc” để hỏi người mình yêu rằng anh có vui trong mùa thu?, anh có tình yêu trong mùa thu?, anh có chung tình trong mùa thu ? và anh có những tính cách mà loài hoa kia làm biểu tượng hay không?. Nghĩa là hỏi tất cả những gì mà tác giả lo lắng, băn khoắn về người mình yêu chỉ trong ba chữ “ vàng hoa cúc?”
 
Qua câu thứ hai tác giả dùng hương thơm của cốm để bày tỏ về mình. Tác giả cho biết rằng: Chốn đây hương cốm vờ quên. Vờ quên không có nghĩa rằng chốn đây hương cốm không có, nhưng “ vờ quên “ có nghĩa là tác giả làm ngơ với nó. Hương cốm trong thơ biểu hiện cho hương vị tình yêu. Hương vị tình yêu còn đó nhưng tác giả vờ quên vì lý do gì? Rỏ ràng là vì “ Phương anh” và “ chốn đây” là hai nơi xa cách nên tình thì còn mà đành ngoảnh mặt, dằn lòng để cố quên đi. Câu hai của bài thơ bày tỏ được tất cả tấm lòng thủy chung, lưu luyến, khắc khoải, dằn vặt trong lòng tác giả chỉ bằng hai chữ “ vờ quên”.
 
Hai câu thơ kế tiếp của vế đầu bổ nghĩa thêm, nhấn mạnh cho người đọc hiểu thời gian chia lìa không phải tính theo ngày tháng mà bằng cả nửa đời người:
 
                                                  Nửa đời người
                                                  Nửa cuộc tình dâu bể
 
Rồi hai câu thơ tiếp nữa tác giả giải bày hoàn cảnh chia ly, lý do để mùa thu nửa đời người tình yêu kia phân cách:
 
                                                 Tim chạm nhau rồi
                                                  Sao tình cứ chênh vênh?
 
À ra vì tình cứ mãi chênh vênh! Khi đọc câu thơ “ Tim chạm nhau rồi” tự nhiên tôi cứ nhớ đến câu thơ mà Nguyễn Du diễn tả  Kim Trọng và Thúy Kiều gặp nhau lần đầu bên mộ Đạm Tiên: “ Tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Tôi xin mạn phép đặt hai câu thơ của Nguyễn Du và của Đan Thụy tá khách nhau để chúng ta cùng đọc thử:
 
                                 “ Tình trong như đã mặt ngoài còn e
                                    Thì ra tim chạm nhau rồi”
 
Tôi không dám so sánh Đan Thụy với Nguyễn Du nhưng có thể nói hai câu thơ nầy cùng giải thích một hiện tượng khó diễn đạt của tâm hồn một cách thần kỳ bằng lời thơ vô cùng bình dị.
 
Bước qua vế hai của bài thơ, tác giả diễn tả toàn bộ nỗi nhớ bằng những từ thanh thoát nhưng lại biểu hiện được sự vùi dập, tan tác như những hình ảnh diễn ra trong cơn mơ, dày vò người đang gối mộng :
 
                                     Sợi nắng thu
                                     Vò tơ miền nhớ
                                     Cái nhớ mong manh
                                     Cái nhớ bộn bề
                                      Đêm chóng vánh…
                                      Se hồn trăng vỡ
                                      Lối mơ xưa…
                                      Lá nhớ đợi ai về?
 
Người ta thường dùng chữ “ ánh nắng thu”, ít ai dùng chữ “ sợi nắng thu”. Ở đây tác giả dùng chữ “ sợi ” không cốt để tả trời mùa thu mà cốt để nói về “ sợi thương, sợi nhớ” diễn ra trong lòng. Người ta cũng không nói “ Tơ miền nhớ” vì miền nhớ là hư không. Ở đây tác giả viết “ Sợi nắng thu/ Vò tơ miền nhớ” như nắng có sợi và nhớ có tơ. Hình ảnh nầy chỉ cốt diễn tả sự quyện vào nhau, sự dày vò giữa tình yêu và nỗi nhớ trong lòng, làm cho người đọc thấy niềm đau quặn thắt vẫn có nhưng cũng cảm nhận được cái thi vị trong tình trường, như đã cảm  nhận vẻ đẹp của hoa cúc và hương thơm của cốm dầu tình yêu đang lúc phân ly được tỏ bày ở vế thơ trên. Tác giả dùng tiếp hai câu thơ “ cái nhớ mong manh/ cái nhớ bộn bề” để nói lên sự đầy ắp nỗi nhớ trong lòng. Tác giả dùng từ “ mong manh” không phải để diễn tả cái nhớ mau phôi pha, cái nhớ mau tan biến mà hình ảnh của sự mong manh như một màn sương mỏng giá lạnh phủ lên tâm hồn. Màn sương mỏng đó cũng chính là nỗi đau trong thương nhớ đợi chờ khiến cho đêm chóng qua mà tác giả thốt lên: Đêm chóng vánh/ Se hồn trăng vỡ. “ Chóng vánh” vì thời gian tâm lý trôi qua mau. “ Se hồn trăng vỡ” vì bầu trời tâm lý cũng tan hoang như sự tan tác trong lòng.
 
Rồi thì cái nỗi nhớ được diễn tả vừa mong manh vừa bộn bề ấy lại được hiện thân trong lá khi từng chiếc lá của “ Lối mơ xưa” trở nên có linh hồn để “ lá nhớ đợi ai về?”. Mỗi chiếc lá nhớ chính là cái nhớ mong manh, nhiều chiếc lá nhớ chính là cái nhớ bộn bề. Sự mong manh và sự bộn bề ấy chính là biểu lộ mọi nỗi niềm diễn ra trong tâm hồn vừa yêu vừa đợi chờ, vừa thấy thú vị trong tình yêu, vừa thấy đau khổ trong ly cách, khiến cho tâm hồn hòa cùng thiên nhiên biến thành tơ, thành sợi ngân lên trong trăng và trong lá.
  
Sự ước mơ trong vế chót bài thơ có tác dụng sưởi ấm lại tâm hồn, làm le lói một niềm hy vọng xa vời :
 
                                  Em muốn cùng anh
                                  Xanh mãi cuộc tình
                                  Để níu giữ…
                                  Thu vàng trăng buổi ấy…!
 
Đã “ Nửa đời người/ Nửa cuộc tình dâu bể”  thì sự muốn “ Xanh mãi cuộc tình”  nếu không nói là vu vơ cũng là điều khó đạt. Hình như ở đây tác giả muốn cuộc tình “xanh” nghĩa là đơn phương tự giữ cho cuộc tình ấy còn mãi mãi trong lòng.  Đan Thụy là một nhà thơ nữ nên muốn để cho cuộc tình luôn luôn có hậu. Chính cái có hậu của vế thơ cuối bày tỏ cái nhân cách của người đang yêu, cái bằng chứng về sự hy sinh cao thượng trong tình trường, cái lớn của tâm hồn và cái thiết tha, nhu mì. hiền thục và lãng mạn một cách thanh tao trong toàn bộ bài thơ.
 
 “ Có còn mùa thu?” là một trong những bài thơ hay của Đan Thụy, nó đem tình yêu vào lòng người như cái se lạnh của bầu trời mùa thu, cái se lạnh thú vị là nguồn thơ của biết bao người từ ngàn xưa cho đến ngày nay.
 
 
  Trở lại chuyên mục của : Châu Thạch