CHÂU THẠCH
 

 
Đọc  “CHẬP CHỜN GỐI CHĂN” 
Thơ TRẦN MAI NGÂN
                                       
 
CHẬP CHỜN GỐI CHĂN
 
Chập chờn gối, chập chờn chăn
Chập chờn giấc mộng băn khoăn một đời
Chập chờn phai nhạt rã rời
Mỏi mòn quang gánh bao giờ trả xong...
 
Chập chờn sương khói dòng sông
Ta về buông nhẹ thong dong hẹn hò
Chập chờn duyên hoá chuyến đò
Đưa qua bờ lạ lạc rời nẻo mê
 
Chập chờn ta ở hay về
Nương theo Bỉ Ngạn lời thề vàng phai
Chập chờn ta mãi là ai
Để vùi quên lãng ngày mai không còn...
 
Chập chờn ôm lấy héo hon
Trắng canh gầy guộc lối mòn vọng âm
Chập chờn khóc với trăm năm
Kiếp này thôi những cầm bằng là không
 
Tiếng chuông , tiếng mõ não nùng
Lời riêng lạc lối, lời chung nghẹn ngào!
                 Trần Mai Ngân

 

                          Chân dung Trần Mai Ngân
 
Lời bình: Châu Thạch
 
 “Chập chờn” có nghĩa là gì? Đó là một tĩnh từ chỉ hình ảnh lúc ẩn lúc hiện, khi mờ khi tỏ như ngọn lửa chập chờn ở chân trời xa, hay như ánh sáng đom đóm chập chờn bay trong đêm. Chập chờn còn là một tĩnh từ chỉ trạng thái của người nửa thức nửa ngủ, nửa tỉnh nửa mê như câu thơ “Chập chờn cơn tỉnh cơn mê” của Nguyễn Du trong truyện Kiều.
 
    Bài thơ “Chập Chờn Gối Chăn” của Trần Mai Ngân cho ta hiểu đó là sự chập chờn nửa thức nửa ngủ, nửa tỉnh nửa mê. Nó còn cho ta hiểu đó là sự chập chờn lúc ẩn lúc hiện bởi những hình ảnh chập chờn về cuộc đời đến trong giấc ngủ:
 
Chập chờn gối, chập chờn chăn
Chập chờn giấc mộng băn khoăn một đời
Chập chờn phai nhạt rã rời
Mỏi mòn quang gánh bao giờ trả xong...
 
   Qua khổ thơ đầu. từ hình ảnh “Chập chờn gối chập chờn chăn” chỉ giấc ngủ lơ mơ của mình, nhà thơ mở rộng ra hình ảnh chập chờn của cả cuộc đời. Trần Mai Ngân đã luyến láy 4 câu thơ rất tài tình để đưa vào một cách tự nhiên những băn khoăn, những lo âu, những phôi pha, những khó nhọc trong cả cuộc đời vào trong giấc ngủ không an giấc của mình.
 
   Đọc tựa đề bài thơ “Chập Chờn Gối Chăn” ai cũng nghĩ đến chuyện vợ chồng trong phòng kín, hay chuyện cô đơn lẻ bóng của một cuộc tình nào đó. Thế nhưng khổ thơ đầu khác hẳn, mở đề cho ta ưu tư về những nối niềm trong cuộc sống, chuẩn bị cho ta bước qua khổ thơ thứ hai, đến với những triết lý sâu xa về kiếp sống cúa đời người:
 
Chập chờn sương khói dòng sông
Ta về buông nhẹ thong dong hẹn hò
Chập chờn duyên hoá chuyến đò
Đưa qua bờ lạ lạc rời nẻo mê
 
   “Sương khói dòng sông” có thể là dòng sông của một quê hương nào đó, có thể là dòng đời của tác giả, hay của chúng ta, tất cả trôi như một dòng sông chập chờn. Đời trong câu thơ nầy được tác giả quan niệm như một giấc mơ, một giấc mơ nửa tỉnh nửa mê mà muôn vật chập chờn nửa ẩn nửa hiện trong bóng đêm của cuộc sống.
 
   “Đức Phật dạy, mọi thứ trên đời đều huyền ảo như mộng, như bào, như ảnh, như lộ, như điện, không bền vững, vĩnh hằng. Chính điều này đã hình thành nên tư duy mộng ảo, xem cuộc đời như giấc mộng thoáng qua. Mộng là những hình ảnh hiện lên khi ngủ, ảo là cái không có thực, kín đáo, không lộ diện trực tiếp, hư hoặc, đánh lừa cảm giác con người, chỉ sự không có thực, hư ảo của thế gian. Tất cả mọi người trên thế gian này đều là những con người mơ mộng và họ nhìn thấy thế gian này là thường hằng, bất biến, song những gì xét cơ bản đều là vô thường. Chỉ có những ai thức tỉnh và giác ngộ như chư Phật và chư vị Bồ Tát mới chứng được thực tại”.
 
   Những triết thuyết sâu xa trên, Trần Mai Ngân đã đem vào hết trong 4 câu thơ của mình. Đọc thơ. ta hiểu bằng liên tưởng, hay bằng suy luận, hay bằng cảm nhận một cách vô thức, tất cả đều cho ta  hình ảnh dòng sông đời, chuyến đò đời, và bờ lạc bến mê mà ta đi trong cuộc sống.
 
   Trong giấc ngủ nửa tỉnh nửa mê, Trần Mai Ngân không chỉ chứng ngộ đươc mình đang lạc bước giữa đời nầy, mà nhà thơ còn đau đáu trước những ngả ba dòng đời mình phải chọn lựa, lòng phân vân  không biết giấc thụy du của mình nên đi tiếp hay quay về :
 
Chập chờn ta ở hay về
Nương theo Bỉ Ngạn lời thề vàng phai
Chập chờn ta mãi là ai
Để vùi quên lãng ngày mai không còn...
 
    “Bỉ Ngạn” là một loài hoa mang trong mình một ý nghĩa độc đáo. Hoa Bỉ Ngạn là truyền thuyết của một mối tình trên thiên giới bị Ngọc Hoàng cấm đoan phân ly, biến họ thành một loài hoa lạ kỳ, cô gái làm những đóa hoa xinh còn chàng trai làm ngọn lá. Loài hoa nầy mang hình ảnh chia ly trong gang tấc, vì khi cây ra hoa thì lá phải phai tàn, hai người chẳng bao giờ gặp nhau. Theo truyền thuyết, hoa bỉ ngạn còn là loài hoa duy nhất mọc trên đường xuống hoàng tuyền. Trước khi đi qua cầu Nại Hà bắc ngang bờ Vong Xuyên, các linh hồn sẽ gửi toàn bộ ký ức của mình cho hoa Bỉ Ngạn để có thể an tâm đi đầu thai sang kiếp khác. Loài hoa này sẽ thu nhận những hồi ức đó, dù là đau khổ tột cùng hay yêu thương thắm thiết.
  
    Trong giấc ngủ chập chờn, linh hồn Tràn Mai Ngân khó quyết định đi luôn hay quay về. Đi luôn thì canh Mạnh Bà hay hoa Bỉ Ngạn sẽ làm cho “lời thề vàng phai”, tình sẽ mất đi vì hoa sẽ làm cho quên vĩnh viễn. Quay về thì lời thề còn đó nhưng tình thì “Chập chờn duyên hóa chuyến đò/ đưa qua bờ lạ lạc rời nẻo mê” nghĩa là tình vẫn còn, nhớ vẫn còn,  nhưng còn là còn cay đắng với chia ly.
  
     Trong tư thế tiến thoái lưỡng nan đó, nhà thơ nhìn vào nội tâm mình cũng thấy chập chờn, không biết chính mình là ai nữa. Nhà thơ thấy mình đi chơi lạc lối, để giấc thụy du đưa vào một cơn mơ quên lãng ngày mai, quên lãng cuộc đời: “Chập chờn ta mãi là ai/ Để vui quên lãng ngày mai không còn…”
 
    Có lẽ nhà thơ Trần Mai Ngân trong cơn chập chờn đã đứng bên cầu Nại Hà, bên bờ sông Vong Xuyên để khóc. Bốn câu thơ áp chót ta thấy có lệ, có sự khắc khoải trong một tâm hồn bi lụy:
 
Chập chờn ôm lấy héo hon
Trắng canh gầy guộc lối mòn vọng âm
Chập chờn khóc với trăm năm
Kiếp nầy thôi những cầm bằng là không
   
   Bôn câu thơ không còn đề cập đến sự châp chờn ngắn ngủi trên gối chăn nữa, mà nhà thơ “chập chờn ôm lấy héo hon” là đề cập đến sự chập chờn trong một giấc miên du dài năm tháng. Trong giấc miên du đó, nhà thơ đã đi  suốt trên lối đời, dưới ánh trăng gầy guộc để khóc trong quá khứ, khóc trong hiện tại và sẽ khóc trong tương lai. Tiếng khóc đó Trần Mai Ngân nghe vọng âm trên lối mòn và dưới ánh trăng, bởi thế nhà thơ mơi thốt lên: “Châp chờn khóc với trăm năm/ Kiếp nầy thôi những cầm bằng là không” là khóc suốt cả một đời người.
 
    Cuối cùng ta thấy Trần Mai Ngân lau lệ và quay về với thực tại, quay về với kiếp này:
 
Tiếng chuông , tiếng mõ não nùng
Lời riêng lạc lối, lời chung nghẹn ngào!
 
   Nhà thơ đã tỉnh giấc, trong đêm khuya nghe tiếng chuông tiếng mõ từ một ngôi chùa nào đó vọng đến. Trong đêm khuya, nhà thơ suy nghiệm bi quan về một kiếp vô thường trong cuộc sống hiện tại, rồi thì từ đó, hệ lụy của giấc ngủ chập chờn đã làm cho nhà thơ yếm thế, cảm thấy lạc lối trong hướng đời, bơ vơ giữa trần thế, lại khóc nghẹn ngào trong tiếng chuông mõ vọng trên không gian. 
 
   Tôi thường viết, thơ Trần Mai Ngân - Khúc thụy du giữa đời. Thụy du có nghĩa là đi trong mơ, thường là những giấc mơ đẹp. Thế nhưng thơ Trần Mai Ngân có những giấc mơ đẹp và những giấc mơ không đẹp như giấc mơ hôm nay. Tuy nhiên giấc mơ nào của Trần Mai Ngân cũng đem đến cho ta nhiều cái đẹp trong hình ảnh, trong suy tư, trong ý nghĩa để tạo thành những bài thơ tuyệt hay.
 
   “Chập Chờn Gối Chăn” cũng là một khúc thụy du, từ một khúc thụy du ngẵn, nhà thơ đưa ta đi đến khúc thụy du dài của cả một vòng đời, cho ta chiêm nghiêm lẽ vô thường bằng tính thơ, cho ta đến bên sông Vong Xuyên, bên cầu Nại Hà để nhìn hoa Bỉ Ngạn độc đáo biết bao, còn cho ta  chập chờn với nỗi băn khoăn, với tình phai nhạt, với trăn trở cuộc đời, với lạc lỏng chính ta, với bơ vơ giữa trần thế, để quay về trong tiếng chuông mõ ngân êm đềm giữa canh khuya,
Chập Chờn Gối Chăn” đã đưa ta đi trọn một kiếp người bằng một khúc thụy du quyến luyến sầu, trong thi vị thơm ngan ngát của thơ!
                              Châu Thạch
 


  Trở lại chuyên mục của : Châu Thạch