CHÂU THẠCH

 
Đọc “GIEO”, Thơ LANG TRƯƠNG

 
GIEO
Lang Trương
 
Người gieo hạt cho mùa vàng trĩu nặng
Gieo vần thơ, trong vắt giọng em cười
Gieo giai điệu cho ngọt lành câu hát
Gieo ân tình để nhịp đập hồng tươi.
 
Em đi qua gieo mộng ước tuổi đôi mươi.
Trong bóng nắng, hoàng hôn về chợt tắt.
Vương khói thuốc, cay xè nơi khóe mắt
Hạt sương nào, rơi mặn đắng bờ môi.
 
Ta gieo gì trong tiền kiếp xa xôi
Phải chăng đã gieo nhầm mầm bội bạc ?
Gặt cơn gió, đưa thuyền em sang bến khác
Để hồn mình bàng bạc ánh sao khuya !
                              Lang Trương 05/07/2014
 
Đây là một bài thơ có bố cục gọn, nhẹ, sít sao và nhuần nhuyễn. Bốn chữ “gieo” ở khổ thơ đầu cho ta bốn niềm vui no nê và tràn trề hanh phúc. Nhà thơ “gieo hạt” đầu tiên rồi tiếp theo “gieo vần thơ”, “gieo giai điệu”, “gieo ân tình” để trực tiếp gieo vào tâm hồn hình ảnh của một mùa bội thu “vàng trĩu hạt”, đặt vào lòng người đọc bức tranh cụ thể, thể hiện niềm vui của sự gieo tinh thần. Mỗi câu thơ trong khổ một là một bức tranh sống động, khiến cho dẫu ai đang có tâm trạng buồn thì bốn câu thơ cũng tràn vào lòng tiếng cười trong vắt, hương thơm của lúa, câu hát ngọt lành và nhịp đập hồng tươi của trái tim làm cho niềm vui sẽ đến:

Người gieo hạt cho mùa vàng trĩu nặng
Gieo vần thơ, trong vắt giọng em cười
Gieo giai điệu cho ngọt lành câu hát
Gieo ân tình để nhịp đập hồng tươi.
 
Rồi thì cung đàn đang dồn dập niềm vui bỗng chuyển âm bất ngờ đưa nỗi buồn nhẹ nhàng len lỏi vào nội tâm. Bốn câu thơ ở khổ thứ hai có tác dụng kéo ta ra khỏi cuộc vui, đặt ta vào mặt trái,lắng đọng hồn ta và kích thích cho hồn ta nẩy sinh một cảm xúc ngược lại: Cảm xúc buồn. Đó là nghệ thuật của thi ca, nghệ thuật làm cho cười rồi khóc, vui rồi bi luỵ với trường đời trong vài phút giây. Nhà thơ Lang Trương cũng thế, tác giả chuyển âm chuyển cảnh rất mau, đặt vào hồn ta thụ hưởng hai mùi thơm thi vị, mùi thơm ngát của niềm vui và mùi thơm chùng xuống của nỗi buồn:
 
Em đi qua gieo mộng ước tuổi đôi mươi.
Trong bóng nắng, hoàng hôn về chợt tắt.
Vương khói thuốc, cay xè nơi khóe mắt
Hạt sương nào, rơi mặn đắng bờ môi.
 
Qua vế thứ ba, vế thơ cuối của sự gieo, tác giả quay về tiền kiếp, để cho lời than van vọng ngược về quá khứ, hư cấu cho nỗi buồn trở nên sâu thẳm, cắt mọi phông cảnh tươi thắm vừa cho hiện ra, dẫn hồn người đi vào cõi lạ với gió, với bến lạ, với sao khuya. Bây giờ nhà thơ không còn gieo hạt, gieo thơ, gieo giai điệu, gieo ân tình mà gieo nỗi hoang mang vào tiền kiếp, gieo mầm bội bạc, gieo cơn gió và gieo ánh sao khuya bàng bạc. Đây là vế thơ làm giai điệu kết thúc một bản tình ca, gieo vào lòng người sự thổn thức, sự thú vi và sự mê ly:
 
Ta gieo gì trong tiền kiếp xa xôi
Phải chăng đã gieo nhầm mầm bội bạc ?
Gặt cơn gió, đưa thuyền em sang bến khác
Để hồn mình bàng bạc ánh sao khuya !
 
Bài thơ chỉ có ba khổ nhưng âm vọng của một trường thi, trường thi vì nó đi từ hiện tại quay về quá khứ xa xăm từ tiền kiếp. Sự thăng trầm của cuộc tình trong thơ kích thích tâm trạng người đọc chuyển biến vội vàng với thi vị ngập tràn vào lòng như con nước vỡ bờ. Bài thơ ngắn nhưng đôi cánh bay của nó bổng lên cao, thật cao ./.
 
 

  Trở lại chuyên mục của : Châu Thạch