CHÂU THẠCH
Đọc “MÙA XOAN NỞ”
Thơ NGUYỄN GIA KHANH
Đọc “MÙA XOAN NỞ”
Thơ NGUYỄN GIA KHANH
Mùa Xoan Nở
Ai hẹn mà xoan đã nở đầy
Ngày Xưa...ào ạt bủa về đây!
Vẫn màu hoa nhuộm vườn xuân thắm
Và sắc trời buông sợi nắng gầy
Đau đáu một chiều bông tím rụng
Xót xa đôi bóng bướm vàng bay
Bồi hồi mộng cũ loang đường vắng
Ngóng bước người đi, chạnh nỗi này
Nguyễn Gia Khanh
Ai hẹn mà xoan đã nở đầy
Ngày Xưa...ào ạt bủa về đây!
Vẫn màu hoa nhuộm vườn xuân thắm
Và sắc trời buông sợi nắng gầy
Đau đáu một chiều bông tím rụng
Xót xa đôi bóng bướm vàng bay
Bồi hồi mộng cũ loang đường vắng
Ngóng bước người đi, chạnh nỗi này
Nguyễn Gia Khanh
Lời bình:
Nhiều người nói thơ Đường vì phải tuân theo luật lệ gò bó nên khô khan. Đọc “Mùa Xoan Nở” của Nguyễn Gia Khanh tôi thấy quan niệm trên chỉ đúng cho những bài thơ chưa đạt. Thơ Đường mà hay thì cũng giống như viên kim cương lóng lánh, tuy nhỏ nhưng thâu cả tinh hoa, phản chiếu bầu trời trong cái hạt bé tí kia. Đọc “Mùa Xoan Nở” của Nguyễn Gia Khanh, cảm nhận của tôi có thể thiếu sót nhưng chắc không sai: đây là một viên kim cương thơ lóng lánh.
Chỉ hai câu thơ mở đầu tác giả đã cho ta hưởng trọn niềm vui ập đến trong mắt xen lẫn nỗi buồn ập đến trong lòng ngay trong cùng một điểm của thời gian:
Ai hẹn mà xoan đã nở đầy
Ngày Xưa…ào ạt bủa về đây!
Mắt nhìn thấy hoa xoan nở đầy là vẻ đẹp ào ạt đến trong hiện tại nhưng lòng thấy kỷ niệm ngày xưa cũng ào ạt đến thì chắc sẽ buồn. Thời gian của bây giờ và thời gian của quá khứ được đồng hóa trong hai câu mở đề, làm cho cái màu sắc đang thưởng thức có chút mơ hồ như đang mơ, và từ đó tranh được vẽ ra trong thơ như rộng giữa không gian, như dài giữa thời gian, thênh thang và vời vợi.
Qua hai câu trạng, cả bầu trời phản chiếu trên rừng hoa đẹp đến vô cùng, được diễn tả bằng hai câu thơ bay bướm:
Vẫn màu hoa nhuôm vườn xuân thắm
Và sắc trời buông sợi nắng gầy
Chỉ một chữ “Vẫn” tác giả dựng nên hai bức tranh giống nhau hoàn toàn về phong cảnh nhưng lại gây tác động khác nhau trong tâm trạng người đang nhìn nó. Mắt thì nhìn thấy cảnh bây giờ nhưng lòng thì lại nhớ đến cảnh ngày xưa. Đây là một bức tranh vô cùng thắm tươi. Bức tranh thắm tươi quá sẽ không làm cho người xem mơ màng nhưng nhờ chữ “Vẫn” mà tác giả đưa cả tâm hồn hoài vọng của mình vào đó, khiến cho bức tranh trước mắt trở nên xa vời trong mộng tưởng.
Bước qua hai câu luận, tác giả đổi ngay phương pháp miêu tả. Bắng một vế đối thanh nhã, không dùng cái phương pháp đồng hóa quá khứ và hiện tại vào nhau nữa, tác giả dùng phương pháp ước lệ vẽ hai bức tranh của hiện tại và quá khứ riêng biệt nhưng lại để kề cận nhau, đối xứng nhau, phản chiếu nhau làm cho hình ảnh trong tranh nổi bật thêm lên:
Đau đáu một chiều bông tím rụng
Xót xa đôi bóng bướm vàng bay
Chữ “Đau đáu” là hướng về quá khứ và chữ “bông tím rụng”phản chiếu nỗi buồn biền biệt hoang liêu trong trí nhớ. Chữ “Xót xa” thể hiện tâm trạng bây giờ và chữ “bướm vàng bay” phản chiếu khung cảnh nên thơ và thi vị bây giờ. Cách dùng từ đặt vào trong vế đối của tác giả không thể khen là điêu luyện và chính xác mà phải khen là tài hoa và bay bướm. Trong hai câu luận, “Đau đáu” và “Xót xa”, “bông tím rụng” và “bướm vàng bay”là hai tâm trạng, hai hình ảnh khác biết cách nhau nhiều năm được đưa vào trong hai câu thơ đối nhau nhưng lại kết nối tâm tư của tác giả giữa hai thời gian, giữa vẽ đẹp của hiện thân mùa xuân quá khứ trong mùa xuân hiện tại một cách hài hòa, êm ái như tiếng thời gian không nghe được mà có, không nhìn được mà biết nó đang trôi.
Qua vế kết của bài thơ, phương pháp miêu tả thành công ở vế luận được dùng lại nơi đây, nhưng hai bức tranh được vẽ ra trở nên mơ hồ và cô liêu, thể hiện cho nỗi buồn chùng xuống, u trầm:
Bồi hồi mộng cũ loang đường vắng
Ngóng bước người đi, chạnh nỗi này.
“Mộng cũ” mà “Loang đường vắng” là một bức tranh rất mờ. “Bước người đi” mà “chạnh nỗi này”thì nên tưởng tượng chĩ có duy bóng một người đi ở xa xa mới hay. Vế kết của bài thơ cũng là hai bức tranh của hai thời điểm đem đặt bên nhau, nhưng là hai bức tranh buồn và rất buồn, có tác dụng lũy thừa nỗi buồn lên bậc hai, bậc ba hay bậc mười còn tùy thuộc vào sự nhạy cảm của tâm hồn người đọc.
Đọc bài thơ “Mùa Xoan Nở”như xem một đoạn phim mở ra một rừng hoa, rồi thu nhỏ lại thấy từng bông hoa rơi rụng, từng cánh bướm vàng bay, rồi sau đó mở ra cả không gian rộng lớn. Từ cảnh trong phim, tiếng lòng như tiếng nhạc giao hưởng diễn đạt vui buồn, liên kết tâm trạng, hoài vọng, hưng phấn từ quá khứ đến thực tại, chất chứa trong lòng sự đau đáu, sự xót xa và sự bồi hồi, tạo nên rất nhiều cảm xúc cho kẻ yêu thơ đọc thơ ./.