CHÂU THẠCH


 
Đọc “MẤY DÒNG XUÂN GỞI BẠN”
Thơ NGUYỄN NGUYÊN PHƯỢNG

                   
MẤY DÒNG XUÂN GỞI BẠN
Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ- Đỗ Phủ

 
Nửa phía biển dạt trôi…miền vọng nhớ
Tan tác chiều chia biệt bởi vì đâu
Nắng Cali chập chờn tầng ngất phố
Những bông li rụng trắng dưới chân cầu.
 
Ảo tình em cuốn mê đời phiêu bạt
Giảng đường xưa Cường Để * giữ mà thương
Mộng bình nguyên
Bên trời
Chất ngất
Một nhành mơ phất gọi mấy nẻo đường!
 
Thơ ta đọc vỉa hè run rẩy gió
Nhà Tây Hồ đằm ngọt cọng rau tươi
Về Phú Nhuận, ngã ba đời đứng ngó
Sóng ưu tư lên chờn chợn mặt người.
 
Em đừng hỏi tuổi xanh pha sợi bạc
Hỏi này sông thả lá đợi chờ Thu
Như thuở ngu ngơ cầm nhầm Thạch thảo
Tìm thấy nhau cuối bến lạ sương mù ?
 
Giọt thơm đắng
Sài Gòn
Năm tháng tận
Bạn bè ta mây trắng lãng đãng trôi
Rưng hồn quê cúc vàng thơ Đỗ Phủ
Nỗi hoài hương da diết,
Sài Gòn ơi!
Cuối Chạp, Canh Tý 2021
NGUYỄN NGUYÊN PHƯỢNG
 
Lời Bình:  Châu Thạch
 
     Còn mấy ngày nữa là mùa đông năm Canh Tý sẽ qua và mùa xuân năm Tân Sửu sẽ đến, tôi đọc bài thơ “Mấy Dòng Xuân Gởi Bạn” của nhà thơ Nguyễn Nguyên Phượng, thấy lòng mình se lại.  Bài thơ viết cho một người bạn, nhưng đọc thơ, ai cũng biết bạn và nhà thơ đồng điệu nhau trong từng cảm xúc. Tôi cảm thấy bạn nhà thơ với nhà thơ và với tôi như ở trong nhau, hòa quyện nhau trong “miền vọng nhớ”.
 
Trước hết, nhà thơ Nguyễn Nguyên Phượng đã dùng câu thơ “Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ” trong bài thơ “Thu Hứng Kỳ 1”  của Đỗ Phủ để dẫn nhập  bài thơ của mình. Đây là một bài thơ vẽ bức tranh mùa thu ảm đạm, mang tâm trạng trĩu nặng âu sầu của Đỗ Phủ trong mùa ly loạn, thương nhớ quê hương xa xôi, ngậm ngùi cho thân phận mình nơi đất khách. Bài thơ như sau:

Thu hứng kỳ 1

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm.
Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm.
Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.
Hàn y xứ xứ thôi đao xích,
Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.

Bản dịch của Lê Nguyễn Lưu

Rừng phong xao xác móc thê lương
Vu Giáp Vu Sơn luống thảm thương
Trời ngút sông dài làn sóng dậy
Đất liền ải vắng bóng mây vương
Đôi chòm cúc nở tuôn dòng lệ
Một chiếc thuyền neo nhớ cố hương
Giục giã thước dao may áo rét
Chày khua Bạch Đế rộn tà dương.

     Dùng câu thơ thứ 5 trong bài thơ nầy để dẫn nhập cho bài thơ của mình, nhà thơ Nguyễn Nguyên Phượng muốn đưa người đọc vào khung trời sử tích, đưa người đọc đi vào dấu xưa trong cảo thơm, hầu cho cảm nhận thấu đáo thêm thi vị trong cảm xúc thời nay của mình. Vậy bây giờ, xin hãy mở cửa khung trời thơ của “Mấy Dòng Xuân Gởi Bạn”.
     Đọc khổ thơ đầu ta có cảm tưởng dường như cả thế giới đang trôi, nhà thơ đang đứng trên dòng trôi thực tế trước mắt để nhớ mơ hồ về một dòng trôi trong quá khứ:
Nửa phía biển dạt trôi…miền vọng nhớ
Tan tác chiều chia biệt bởi vì đâu
Nắng Cali chập chờn tầng ngất phố
Những bông li rụng trắng dưới chân cầu.
 
     Hai câu thơ đầu là dòng trôi trong quá khứ. Dòng trôi trong quá khứ đã đưa dạt miền đại dương bên kía trở thành miền vọng nhớ trong ký ức người đang đứng ở đây bây giờ. Như thế quá khứ đã “tan tác chiều chia biệt” trở thành dấu hỏi “bởi vì đâu” suốt đời trong tâm tư người viễn xứ.
     Hai câu thơ sau là khung cảnh thực tại, nắng chập chờn trên những nhà tầng cao ngất ờ đường phố CaLi, và những bông hoa Li thì đang rụng trắng dưới chân cầu. Hai câu thơ diễn tả cái trôi trong thực tại, không phải cảnh vật trôi mà tâm trạng người đứng đó đang bồng bềnh, mơ hồ, như vừa lạ vừa quen, như  thấy mình cũng đang trôi trước những gì có trong hiện tại.
     Toàn bộ khổ thớ đưa người đọc đi vào một nỗi nhớ, nỗi nhớ triền miên về một miền đất đã mất. Người trong cuộc vọng nhớ quá khứ, không hòa nhập hiện tại  và chắc chắn tương lai cũng để linh hồn theo “Nửa phía biển dạt trôi”
     Hai câu thơ đầu diễn đạt nội tâm. Hai câu thơ sau tả cảnh vật, nhưng ẩn chứa trong cảnh vật đìu hiu đó là sự lạc lỏng, sự cô dơn của người sống nơi viễn xứ. Bốn câu thơ tạo thành hai vết đau âm ỉ trong lòng, vết của quá khứ và vết của hiện tại. Cả hai vết đau kéo dài cho đến tương lại.  
     Thế rồi từ nỗi nhớ miền quá khứ, từ cái nhìn chập chờn miền hiện tại, kỷ niệm quay về trong tâm tưởng người đang đứng bơ vơ nơi đất khách:
Ảo tình em cuốn mê đời phiêu bạt
Giảng đường xưa Cường Để  giữ mà thương
Mộng bình nguyên
Bên trời
Chất ngất
Một nhành mơ phất gọi mấy nẻo đường!
 
    “Áo tình em” cùng với “Giảng đường xưa Cường Để” được người viễn xứ “giữ mà thương”, “cuốn mê” người ấy trong suốt  cuộc “đời phiêu bạc”. Đây là một một cuộc tình thời sinh viên xảy ra nơi khung trời đại học nằm trên đường Cường Để của Sài Gòn thuở trước. Khung trời nầy ngày xưa rợp bóng những hàng cây, mang dấu tích những bước chân song hành của từng cặp sinh viên yêu nhau.
 
     Bình nguyên là đồng bằng. “Mộng bình nguyên” là dự phóng về một tương lai an lành của người trẻ tuổi còn ngồi trong giảng đường đại học. Mộng đó cao chất ngất trong lý tưởng người trai trẻ, nó đâm chồi, trổ nhánh trong tâm hồn mơ mộng, như nhánh cây rợp bóng trên những con đường của khung trời đại học.
 
    Khổ thơ vọng về quá khứ, thương nhớ cuộc tình, nuối tiếc khung trời đại học, tha thiết với những ước vọng  của một thời lạc quan yêu đời.
 
    Thế rồi, từ sự lạc quan yêu đời của một chàng sinh viên, những đổi thay bởi vô thường đã đến, khiến nỗi ưu tư của chàng như những áng mây che bớt bầu trời quang đảng:
 
Thơ ta đọc vỉa hè run rẩy gió
Nhà Tây Hồ đằm ngọt cọng rau tươi
Về Phú Nhuận, ngã ba đời đứng ngó
Sóng ưu tư lên chờn chợn mặt người.
 
    Thơ không đọc cho nàng nghe mà đọc ở “vỉa hè run rẩy gió” thì chắc chắn là thơ thất tình rồi. Nhà ở đường Tây Hồ vào thời trước là một con hẻm nhỏ ở quận Phú Nhuận- Sài Gòn.  “Nhà Tây hồ đắm ngọt cọng rau tươi” vì khi đó tình yêu còn thắm thiết. Thế nhưng, cũng trên vùng đất  Phú Nhuận nầy, tình tan vỡ, thế cuộc đổi thay nên tâm hồn bất an, tâm trạng phân vân ở giữa “ngã ba đời đứng ngó”, để lộ ra nỗi ưu tư tràn lên khuôn mặt: “Sóng ưu tư lên chờn chợn mặt người”.
 
    Qua khổ thơ thứ bốn, tình yêu sinh viên đó vĩnh viễn mất đi, vụt xa tầm tay, để chàng sinh viên năm xưa thổn thức, đến nổi sợi thương sợi bạc đã có trên mái đầu:
 
Em đừng hỏi tuổi xanh pha sợi bạc
Hỏi này sông thả lá đợi chờ Thu
Như thuở ngu ngơ cầm nhầm Thạch thảo
Tìm thấy nhau cuối bến lạ sương mù ?
 
       Hoa Thạch Thảo tượng trưng cho một tình yêu nhẹ nhàng, bình dị, đong đầy tình cảm với lời hứa hẹn không quên, mãi mãi có nhau trên cuộc đời dầu sóng gió, gập ghềnh. Thế nhưng nhà thơ đã thốt lên “Như thuở ngu ngơ cầm nhầm hoa Thạch Thảo” để tiếc thương một mối tình trôi mất, rồi tự hỏi hay tự than có tìm thấy lại nhau  ở “cuối bến lạ sương mù” hay không.
 
     Khổ thơ nhắc ta nhớ đến bài thơ tiếng Pháp “Lời Vĩnh Biệt”  được dịch như sau:
“Anh đã hái nhành hoa thạch thảo
Mùa thu chết rồi, em nhớ cho
Dẫu chúng ta không còn gặp trên đời
Vẫn còn đây hương thời gian thạch thảo
Và em nhớ cho, anh vẫn chờ em”

     Nhạc Sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc bài thơ nầy với tựa đề “Mùa Thu Chết” và ca từ như sau:
“Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi
Mùa thu đã chết, em nhớ cho
Mùa thu đã chết, em nhớ cho
Mùa thu đã chết, đã chết rồi
Em nhớ cho, em nhớ cho.”

     Ý chính cúa bài thơ thì “Anh vẫn chờ em”. Ý trong ca từ Phạm Duy thì “Mùa thu đã chết, em nhớ cho” nghĩa là tình yêu đã vĩnh viễn ra đi. Thế nhưng ý trong thơ Nguyễn Nguyên Phượng thì anh vẫn chờ em nhưng bao giờ mới gặp nhau đây? hay sẽ gặp nhau ở một chân trời nào đó mà hai đứa đã già, sức sống đã tàn phai như “Bến lạ sương mù”, hay ta sẽ gặp nhau nhưng sẽ gặp khi mùa thu đã chết đã chết rồi!
    
    Toàn bộ khổ thơ nổi trội, đậm nét, đầy kịch tính và đầy lãng mạn. Đầu tiên là sợi tóc bạc trên mái đầu xanh. Tiếp theo là chiêc lá xanh trôi trên sông khi mùa thu chưa về như cuộc tình vội chết. Cuối cùng mượn ý bài thơ Lời Vĩnh Biệt và ca từ Mùa Thu Chết để đưa âm thanh gợn vào thơ, gợi lên bao niềm hoài cảm, luyến lưu và nuối tiếc, du dương ru hồn, reo rắc trong lòng người viễn xứ.
     Khổ thơ cuối cùng thổ lộ hết tâm tư của người viễn xứ. Giọt đắng ngày xưa trở thành giọt thơm bây giờ, vì kỷ niệm bao giờ cũng đẹp. Sài Gòn năm tháng tận, đã đẩy đưa bạn bè  trôi như mây trắng bay, để những ai của Sài Gòn ngày ấy, đều  mang tâm sự của nhà thơ Đỗ Phủ thời xưa: Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ (Khóm cúc nở ra làm rơi giọt nước mắt hay khóm cúc nở ra giọt nước mắt. Hai ý đều đúng cả hai):
Giọt thơm đắng
Sài Gòn
Năm tháng tận
Bạn bè ta mây trắng lãng đãng trôi
Rưng hồn quê cúc vàng thơ Đỗ Phủ
Nỗi hoài hương da diết,
Sài Gòn ơi!
 
    Bài thơ “Mấy Dòng Xuân Gởi Bạn” nghĩa là bài thơ làm ra vào mùa xuân nhưng những vần thơ của nó se lạnh như nhưng cơn gió mùa thu. Gió mùa thu tuy rét nhưng không làm cho ai run rẩy. Đọc thơ ta như thấy, bóng dáng một quê hương thân yêu đã trôi về một chân trời xa ngăn ngắt, ta như thấy một miền phồn hoa khiến người viễn xứ ngụ cư bơ vơ lạc lỏng, ta như thấy con thuyèn tâm hồn bơi ngược dòng sông ký ức, tìm về nguồn xanh trong dĩ vãng, để niềm đau mất tình yêu, mất tuổi trẻ, mất quê hương khiến tháng ngày còn lại như cơn mộng du đi hoài không thấy bóng mặt trời.
 
   Toàn bộ bài thơ cho ta mơ màng trong viễn cảnh xa xưa, mơ màng trong cận cảnh hiện tại, mang linh hồn của một nhân vật ly hương, tiềm tàng nỗi đau và niềm nhớ trong con tim lãng tử, quyến luyến với dự vị tình yêu, với bạn bè, với cả một thời hoa bướm đã trôi xa vào miền dĩ vãng./.
 
                                   Châu Thạch 
 


  Trở lại chuyên mục của : Châu Thạch