CHÂU THẠCH
Đọc Nhà Thơ Trẻ Phan Nam
Phan Nam là bạn thơ của tôi đã lâu, có thể là từ khi hai chúng tôi mới khởi viết. Tuy là bạn thơ nhưng Phan Nam và tôi cách nhau 53 tuổi nên chúng tôi xưng hô nhau là bác cháu. Thú thật tôi rất mến Phan Nam về tánh tình nhưng thơ Phan Nam thì không hợp với tôi lắm, vì thật là khó hiểu đối với tôi. Tuy thế tôi vẫn biết thơ Phan Nam có tầm cở. Bởi vì các báo giấy, các tuyển tập khắp nơi cũng như các trang web trong và ngoài nước đều đăng thơ Phan Nam. Đặc biệt các trang web của các nhà thơ thành danh trước 75 ở miền Nam mà tôi tôn trọng như Luân Hoán, Du Tử Lê, Chu vương Miện đều có đăng thơ Phan Nam. Tôi nghĩ, các nhà thơ đó họ chọn bài rất khó, không dễ gì họ đăng lên trang web của mình những bài thơ mà họ không hiểu hoặc không hay.Đọc Nhà Thơ Trẻ Phan Nam
Hôm nay ngồi đọc lại thơ Phan Nam, tôi ngộ ra được câu nói “bụt nhà không linh”. Phan Nam chắc là bụt nhà tôi nên tôi thấy bình thường. Thế nhưng, bụt nhà tôi hôm nay đã khác trong mắt tôi rồi. Ngồi rỉ rả đọc lại thơ của người bạn trẻ, tôi cũng thấy mình trẻ lại đàng sau những ý thơ, những tứ thơ tưởng như là bí hiểm nhưng chất chứa nhiều tư duy thâm thúy và đẹp lạ lùng.
Trong bài thơ “làm Tình” ở khổ thơ đầu Phan Nam viết:
những con tinh trùng
làm tình làm tội
sau cơn say
những đứa trẻ ra đời
Khổ thơ không khó hiểu mấy. Đọc thơ ta liên tưởng ngay cả một thế hệ vùi trong bia rượu suốt dãy đất hình cong chữ S nầy, và những đứa trẻ ra đời không trong tình yêu, chỉ trong tình dục. Nhà thơ dùng cái tứ thơ lạ hoắc, cái tứ thơ “những con tinh trùng/ làm tình làm tội” cho ta hình ảnh những con bọ gậy, loăng quăng vật vã khổ đau trong hơi men, rồi nó sẽ lớn lên thành những đứa trẻ còi cọc,
Qua những khổ thơ giữa của bài thơ, Phan Nam nói về những đứa trẻ đó sẽ lớn lên “như cây cỏ”, “chúng bám víu trần gian” để “ nghe giọt nước mắt chảy ngược”. Chúng có “ những giấc mơ hoang dại” và những khúc ca của đời chúng chỉ là “những khúc ca phơi mình dưới ánh chiều tà”, nghĩa là đời chúng chỉ có những khúc ca của người sắp chết. Đó không là khúc ca. Đó chỉ là sự rên rỉ trong khổ đau.
Ở khổ thơ cuối Phan Nam viết:
người đàn ông đi không bao giờ ngoảnh mặt lại
giọt máu khô cằn
bên tổ mối đục khoét nguồn cội
hạnh phúc ăn mòn đế giày
Người đàn ông đi “không bao giờ ngoảnh mặt lại”. “Không bao giờ ngoảnh mặt lại” có nghĩa là người đàn ông bỏ giọt máu của mình, mà cũng có nghĩa là người đàn ông ăn chơi sa đọa không lo chi hết cho con. Tác giả ví những trẻ kia như thân cây khô, và tác giả đặt nó nằm bên tổ mối là sự phá hoại của đời. Cây khô mà nằm bên tổ mối thì nó bị ăn mục ruỗng ra tức thì. Cuối cùng đời những đứa trẻ hèn hạ như những chiếc giày dưới chân, những chiếc giày mà đế bị ăn mòn vì chạy nhiều trong lao khổ.
Tôi nghĩ bài thơ là bản án cho những người cha tội phạm, không tội hình sự mà tội phạm đạo đức, với lương tâm con người.
Bài thơ thứ hai xin giới thiệu là bài thơ “Cưỡng Bức” của Phan Nam cho tôi một truy hoan, không trong dục vọng mà trong khổ đau của thứ tình rất lạ, thường nhân ít có. Khổ thơ đầu tác giả viết:
Tôi đang đói, rất đói
Tôi chạy về cuối con đường
Chỉ thấy rơi rớt vài giọt sương
Tôi uống cầm hơi trong nỗi đau quằn quại
Đọc như thế ai cúng nghĩ rằng nhà thơ thiếu cơm thiếu gạo. Đói đến nỗi không có gì ăn mà phải uống cầm hơi những giọt sương. Nhờ những giọt sương ta cảm nhận cái đói vô cùng nhưng trong thâm tâm hình như thấy cái đói của Phan Nam vẫn đẹp. Quả vậy, qua những khổ thơ sau nhà thơ cho ta biết một cái đói lạ kỳ. Không phải đói cơm mà cũng chẳng phải đói tình. Phan Nam đói vì tâm hồn bị cưởng bức bởi chính mình:
tôi nhắm mắt đâm sầm vào con chữ
tôi cưỡng bức chính tôi
nụ cười ai sống soài
chờ hút máu linh hồn bia mộ
Vậy thì Phan Nam đói cái gì và tự cưỡng bức mình cái gì? Nếu không lầm thì nhà thơ Phan Nam chỉ đói văn chương. Là thi nhân thì tất cả là thơ. Đói thơ nên nhà thơ không ăn cây ăn quả mà chỉ ăn những giọt sương. Đói thơ nên nhà thơ “nhắm mắt đâm sầm vào những con chữ”. Cái đói nầy là cái đói nguồn cảm hứng, là cái đói nàng Ly Tao bỏ đi biền biệt không về. Đói thơ là không sáng tác được nên nhà thơ cảm thấy linh hồn mình khô khan như bia mộ và có con quỹ nào đang chờ hút máu của mình. Trong cơn đói khát văn chương đó nhà thơ đã sinh ra hoan tưởng đủ điều. Phan Nam thấy “những hình ảnh đang cầm dao rượt đuổi/ trước vùng ảo ảnh toàn đá quý kim cương”. Ta biết “đá quý kim cương” đây hoàn toàn để chỉ cho từ ngữ của thơ mà Phan Nam đang đói. Ta hiểu thêm khi nhà thơ viết tiếp: “tôi dừng lại đong đếm bài thơ vô thường/Ngấm từng giọt từng giọt vào da thịt”. Và cuối cùng Phan Nam viết:
dẫu trút hơi thở cuối cùng chẳng còn ai luyến tiếc
em đang nhắm mắt gọi tôi
khai quật hình hài núi đôi
bàn chân run run sợ yêu thương lạc lối.
Nhà thơ mà cạn kiệt nguồn thơ thì phải chết trong cô đơn là đúng rồi. Nhưng với một tâm hồn thơ lãng mạn đên vô bờ Phan Nam còn tưởng tượng ra tiếng gọi của người tình “khai quật cả hình hài núi đồi’ trong khi nàng rất yêu đuối, bàn chân run vì sợ “yêu thương lạc lối.
Đây là một bài thơ đầy ẩn dụ, bày tỏ tình yêu siêu việt với thơ và nỗi đau vô giá của thơ khi người thi sĩ mất đi nguồn cảm hứng. Bài thơ “Cưỡng Bức” không là bài thơ tình nhưng yêu đương đam mê bằng vạn thứ tình yêu nam nữ.
Bài thơ thứ ba xin giới thiệu trong bài viết nầy là bài thơ Phan Nam khóc cho một dòng sông có tựa đề “Dòng sông cổ tích”. Bài thơ có 5 khổ, xin mạo muội rút ngắn lại chỉ còn những ý chính của thơ:
Tôi viết về dòng sông
Bây chừ ký ức xa xôi
Cơn lũ cuốn trôi thực tại
Biết bao linh hồn không tên
Tôi chưa đi hết ngọn nguồn
Đã thấy con nước giãy chết
Những chiếc xà lan hối hả
Hút cạn sỏi đá tự bao giờ
dòng sông trôi về đâu
khi những ngôi mộ gió
hằng năm dần biến mất
lòng người thẩn thờ hướng mắt
chờ văn bản chỉ đạo: “ngược dòng”
Rõ ràng ai cũng biết đây là một bài thơ nói về môi trường sống, khóc cho một dòng sông bị phá nát không chỉ bởi thiên tai mà còn cả bàn tay con người. Đọc toàn bộ bài thơ ta thấy được ở Phan Nam lời thơ phản kháng nhẹ nhàng, ôn hòa nhưng biểu lộ sự đau đớn làm động đến trái tim. Khi nhà thơ nói về những ngôi mộ gió biến mất hằng năm, tức là nhà thơ khơi dậy sự buồn thảm cùng kiệt của quê hương chỉ còn sót lại những ngôi mộ gió, nhưng rồi cái di sản cuối cùng đó cũng bị cướp đi. Câu thơ cuối “chờ văn bản chỉ đạo:”ngược dòng” cho ta nhận biết bao điều uất ức, phi lý , và vô trách nhiệm của con người. Bài thơ không ẩn dụ, dễ hiểu nhưng chứa một thứ nước mắt ngầm cho ta thấy hình ảnh một nhà thơ Phan Nam không phải là hoàn toàn bí hiểm, mà có lúc sáng tỏ nhưng vẫn chứa đựng nhiều cái hay tiềm ẩn để cho ta khám phá được nhiều điều thú vị trong thơ.
Ba bài thơ của Phan Nam được giới thiệu ở trên chỉ là ba bài thơ mà người viết vừa tình cở đọc trên trang web Du Tử Lê. Đó chưa phải là những bài thơ hay nhất của Phan Nam. Thật tình đọc xong ba bài thơ nầy con mắt người viết nhìn nhà thơ Phan Nam đã khác xa rồi, và tâm trạng thì rất mừng. Mừng vì mình đã già, thấy được thế hệ trẻ đầy năng lực và tư duy sâu nhiệm. Thơ Phan Nam không có sự thương vay khóc mướn, mơ trăng ru gió của sự lãng mạn vô ích cho đời. Dầu vẫn yêu, dầu vẫn mơ, thơ Phan Nam luôn chứa đựng những ẩn dụ có ích cho con người, cho xã hội và cho đời nầy./.
Làm Tình
những con tinh trùng
làm tình làm tội
sau cơn say
những đứa trẻ ra đời
chúng lớn lên như cây như cỏ
chúng bám víu trần gian
nghe giọt nước mắt chảy ngược
nghe mái ấm hoang tàn
những giấc mơ man dại
ngắm nghía vẻ mặt kham khổ của người đàn bà
trong phút giây thoát xác
những khúc ca phơi mình dưới ánh chiều tà
người đàn ông ra đi không bao giờ ngoảnh mặt lại
giọt máu cằn khô
bên tổ mối đục khoét nguồn cội
hạnh phúc ăn mòn đế giày
Cưỡng Bức
tôi đang đói, rất đói
tôi chạy về cuối con đường
chỉ thấy rơi rớt vài giọt sương
tôi uống cầm hơi trong nỗi đau quằn quại
thân xác tan rã
giấc mơ lụi tàn
tim phổi ruột gan
lộn tùng phèo như mảnh thủy tinh vỡ vụn
tôi nhắm mắt đâm sầm sập vào con chữ
tôi cưỡng bức chính tôi
nụ cười ai sõng soài
chờ hút máu linh hồn bia mộ
những hình nhân đang cầm dao rượt đuổi
trước vùng ảo ảnh toàn đá quý kim cương
tôi dừng lại đong đếm bài thơ vô thường
ngấm từng giọt, từng giọt vào da thịt
dẫu trút hơi thở cuối cùng chẳng còn ai luyến tiếc
em đang nhắm mắt gọi tôi
khai quật hình hài núi đôi
bàn chân run run sợ yêu thương lạc lối
DÒNG SÔNG CỔ TÍCH
tôi viết về dòng sông
về tuổi thơ gieo mình xuống
vị ngọt vẫn còn đầu lưỡi
bây chừ ký ức hóa xa xôi
dòng sông ơi ! dòng sông ơi
bờ tre phất phơ rác thải
cơn lũ cuốn trôi thực tại
biết bao linh hồn không tên
tôi chưa đi hết ngọn nguồn
đã thấy con nước giãy chết
dòng sông bên bồi bên lở
khi con người đặt lợi ích lên trên
ngày ngày hà bá vang rền
chực như nuốt trôi tất cả
những chiếc xà lan hối hả
hút cạn sỏi đá tự bao giờ
dòng sông trôi về đâu
khi những ngôi mộ gió
hằng năm dần biến mất
lòng người thẩn thờ hướng mắt
chờ văn bản chỉ đạo: “ngược dòng”