CHÂU THẠCH

 
Đọc "TRĂNG"
Thơ PHƯƠNG TẤN
 
Nhà thơ Phương Tấn tên thật Nguyễn Tấn Phương sinh năm 1946 tại Đà Nẵng. Phương Tấn còn ký nhiều bút hiệu viết cho các báo văn học có giá trị ở miền nam trước 1975 như Phổ Thông, Mai, Thời Nay, Bách Khoa, Văn, Đối Thoại, Văn Học v v… Đã xuất bản:, Thơ Tình Của Một Thi Sĩ Việt Nam Trên Đất Mỹ (thơ 1970), Khổ Lụy (thơ 1971), Trai Việt Gái Mỹ (bút ký 1972), Hòa Bình Ta Mơ Thấy Em (bút ký 1974) và nhiều tập thơ in chung khác.
 
Từ năm 1975 đến nay, nhà thơ còn dành nhiều tâm huyết cho việc nghiên cứu võ học Việt Nam, trở thành người bắt nhịp cầu hiệp thông văn hóa võ Việt, với nhiều liên hoan võ thuật cấp quốc gia và quốc tế.
 
Có thể nói nhà thơ Phương Tấn là thần tượng của tôi từ thời trai trẻ, nhưng cho đến nay tôi chưa viết một bài cảm nhận nào về thơ ông. Thật ra tôi hay né tránh viết cho các thần tượng vì sợ ngòi bút con Dế Già của mình không làm đẹp mà làm bẩn thêm bức tượng mà mình quý mến.
 
Hôm nay nhà thơ từ Mỹ về thăm quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng. Tôi được hân hạnh ngồi với nhà thơ tại quán cà phê Cố Quận, lòng rất vui và hãnh diện. Bài cảm nhận nầy tôi viết về bài thơ “Trăng” còn nhiều thiếu sót, nhưng tôi xin mạo muội đăng lên đây như để bày tỏ lời cảm ơn đến cây bút thượng thừa đã dành cho tôi sự ưu ái quý hiếm trên đời.
 
TRĂNG
 
Chân lướt thướt dẫm lên dòng trăng rụng
ta lùa trăng và ngậm hết hơi trăng
gió đừng thở kẻo lòng ta lạnh quá
đêm vi vu chao khuất ở trong trăng
 
Lòng sột soạt nơi đầu cây ngọn cỏ
trăm bơ vơ chụm lại ở chân mày
một bát sầu, đọng lại ở chân mây
a con nhạn lẻ bầy kêu thắt ruột
 
Nghe gờn gợn chút buồn trong kẽ núi
trên rừng kia phơ phất một trời thu
(có con quạ rỉa lông nơi bóng núi
bảo mùa xuân đâu phải mùa thu)
 
Ta chết ngất miệng toàn trăng thơm lạ
mây lao xao và gió cũng rộn ràng
ta lạnh quá ôi chao ta lạnh quá
gỡ hộ ta sợi nắng ở thu sang
 
E ta ngã giữa xó đời chật chội
trong sớm mai bên cỏ lá đìu hiu
mắt không vuốt để nhìn ra trăm cõi
lòng chợt cười hé lộ một buồng trăng.
Phương Tấn
 

 
Từ xưa, ánh trăng luôn là chủ đề bất tận của các thi nhân để bày tỏ những nỗi niềm. Lý Bạch, Đỗ Phủ, hai thi nhân xuất chúng của văn học Trung Hoa, đã có những áng thơ bất hủ về ánh trăng.
 
Trong bài thơ “Nguyệt hạ độc chước” (Một Mình Uống Rượu Dưới Trăng) Lý Bạch viết ra cảnh tượng kỳ lạ độc đáo, lấy bóng trăng làm tri kỷ để uống say mà ca hát. Khác với ánh trăng trong thơ Lý Bạch thường đậm chất lãng mạn, trăng trong thơ Đỗ Phủ đậm chất hiện thực cuộc sống. Từ hai bài thơ về trăng như Nguyệt Dạ (Đêm Trăng) và Nguyệt Dạ ức Xá Đệ (Đêm Trăng Nhớ Em) chúng ta có thể cảm nhận được niềm khao khát thái bình và tình yêu của Đỗ Phủ dành cho gia đình.
 
Ở Việt Nam, trong thời kỳ thơ mới, bài thơ Bẽn Lẽn của Hàn Mạc Tử đã nhân cách hoá trăng như thiếu nữ biết rạo rực nằm chờ tình yêu đến:
 
Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi.
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi!
 
Nhà thơ Xuân Diệu tả trăng đẹp đến mê ly, đến nỗi đôi tình nhân không dám bước mạnh, sợ trăng vàng sẽ vỡ đi, sẽ gãy vụn làm xáo động không gian yên tĩnh.
 
Trong vườn đêm ấy nhiều trăng quá,
Ánh sáng tuôn đầy các lối đi.
Tôi với người yêu qua nhẹ nhẹ...
Im lìm, không dám nói năng chi.
 
Bâng khuâng chân tiếc giậm lên vàng,
Tôi sợ đường trăng tiếng dậy vang,
 
Và gần với ta trong thế kỷ 20, nghĩa là trước năm 1975, ở miền nam Việt Nam, nhà thơ Phương Tấn đã viết một bài thơ Trăng. Bài thơ Trăng của Phương Tấn theo tôi, chứa đựng chất lãng mạn của Lý Bạch, pha chất hiện thực cuộc sống như Đỗ Phủ, nhân cách trăng thành người như Hàn Mạc Tử và vịnh trăng đẹp mê ly như thơ Xuân Diệu. Thật thế, thơ Phương Tấn có hay bằng các vị tiền nhân hay không thì tôi không dám nói, nhưng tôi dám nói Trăng của Phương Tấn mang đủ tính chất thơ của tiền nhân mà không phải đạo thơ hay bắt chước thơ tiền nhân, bởi vì thơ của Phương Tấn âm vọng tiếng lòng, nỗi đau, niềm đam mê của thời đại chúng ta đang sống, khác xa tiếng thơ thuở xa xưa hay tiếng thơ thời cận đại. Các thứ tiếng thơ ấy đã lạc về quá khứ, không cho ta một sự cảm nhận gần gũi như khi ta đọc bài Trăng của Phương Tấn.
 
Bây giờ xin quý vị hãy cùng tôi mở cổng bước vào vườn trăng của Phương Tấn. Ở khổ thơ đầu tiên Phương Tấn viết:
 
Chân lướt thướt dẫm lên dòng trăng rụng
ta lùa trăng và ngậm hết hơi trăng
gió đừng thở kẻo lòng ta lạnh quá
đêm vi vu chao khuất ở trong trăng
 
Như vậy ta thấy Hàn Mạc Tử ngắm trăng nằm trên cành liễu như một thiếu nữ trông chờ ái ân, Xuân Diệu e dè sợ động đến cảnh đẹp của vườn trăng. Phương Tấn thì khác, nhà thơ lội trong trăng, tắm trong trăng và lạnh giá trong trăng. Chữ “lướt thướt” cho ta hình ảnh một người đang say đi không vững. Nhà thơ say rượu hay say trăng thì không biết, nhưng ta biết là nhà thơ không phải khoái lạc trong trăng như bao thi nhân khác mà linh hồn nhà thơ Phương Tấn tê tái trong trăng, đến nỗi ông thốt lên tiếng than “Gió đừng thổi kẻo lòng ta lạnh quá”.
 
Quả vậy, qua khổ thơ thứ hai nhà thơ Phương Tấn diễn tả linh hồn ông lúc bấy giờ vất vưởng như bóng ma ở đầu cây ngọn cỏ, tâm trạng ông lúc đó là trăm nỗi bơ vơ chụm lại ở cái nhíu mày và không gian tuy đầy trăng nhưng như một bát sầu. Sầu hơn nữa trong không gian đó, có tiếng kêu của con chim nhạn lẻ bầy làm cho thắt ruột.
 
Lòng sột soạt nơi đầu cây ngọn cỏ
trăm bơ vơ chụm lại ở chân mày
một bát sầu, đọng lại ở chân mây
a con nhạn lẻ bầy kêu thắt ruột
 
Thế rồi qua khổ thơ thứ ba Phương Tấn nghe cả tiếng buồn trong kẽ núi, thấy cả một bầu trời thu phơ phất trên rừng, nghe cả tiếng quạ kêu, ý nghĩa của tiếng quạ kêu trong thơ là “báo một mùa xuân mà sầu như thể một mùa thu”:
 
Nghe gờn gợn chút buồn trong kẽ núi
trên rừng kia phơ phất một trời thu
(có con quạ rỉa lông nơi bóng núi
bảo mùa xuân đâu phải mùa thu)
 
Ta tự biết nhà thơ không có con mắt thần để thấy đươc kẽ núi, để thấy con quạ rỉa lông trong bóng tối và không có lổ tai thần để nghe được quạ “bảo mùa xuân đâu phải mùa thu”. Vậy đây chỉ là ảo giác, ảo giác từ trong cơn say hay trong nỗi sầu. Ảo giác nầy cũng như ảo giác của Hàn Mạc Tử. Hàn Mạc Tử viết “Cả miệng ta là trăng/cả lòng ta vô số gái hồng nhan”. Hàn Mạc Tử có ảo gíac ấy vì Hàn đang yêu, yêu đến độ bùng nổ thành Thơ Điên trong trăng.
 
Phương Tấn vừa giống Hàn mạc Tử vừa khác Hàn Mạc Tử. Phương Tấn cũng điên, nhưng Phương Tấn không điên vì yêu, Phương Tấn điên vì buồn, buồn đến độ ảo giác dựng lên núi, ảo giác dựng lên rừng cây phơ phất trời thu, ảo giác dựng lên con quạ rỉa lông nơi bóng núi và báo cho thi nhân rằng mùa xuân buồn quá. Như vậy ảo giác kia thể hiện nỗi buồn của Phương Tấn không phải là nỗi buồn nhỏ cho cá nhân ông, mà là nỗi buồn lớn, nỗi buồn cho những điều rất lớn, có thể cho xã hội, cho tha nhân.
 
Thế rồi ta hãy đọc khổ thơ thứ tư:
 
Ta chết ngất miệng toàn trăng thơm lạ
mây lao xao và gió cũng rộn ràng
ta lạnh quá ôi chao ta lạnh quá
gỡ hộ ta sợi nắng ở thu sang
 
Cũng như Hàn Mạc Tử, bây giờ Phương Tấn cũng ngậm một miệng trăng nhưng ông không nhả ra một hồng nhan để hưởng trăng mật như họ Hàn, mà ngược lại Phương Tấn đau thương: “Ta lạnh quá ôi chao ta lạnh quá/gỡ hộ ta sợi nắng ở thu sang”. Sợi nắng thì phải làm cho ấm, chứ sao sợi nắng lại làm cho lạnh khiến cho nhà thơ nhờ người gỡ hộ? Ta phải hiểu đó là căn bệnh của tất cả thi sĩ, đó là căn bệnh “Thú Đau Thương”. Mang căn bệnh thú đau thương đó nên thi nhân tự nguyện như con tằm nhả tơ rồi nhốt mình vào trong cái kén. Mang căn bệnh đó nên khi cái kén bị luộc chín trong nồi nước sôi thì người ta quay được lụa đem cống hiến cho đời. Ta có thể tưởng tượng sợi nắng là những vần thơ, muốn vần thơ được trác tuyệt thì thi nhân phải bị đời vui dập, như thế khi thích thú làm thơ thì thi nhân nhận chịu “Thú Đau Thương” vậy.
 
Khổ thơ cuối là khổ thơ tác giả bộc lộ hết tâm hồn mình, một tâm hồn hy sinh như Thiên Chúa chết trên cây thập giá, một tâm hồn từ bi như Đức Phật rời ngai vàng để mở con mắt trí tuệ của mình nhìn ra trăm cõi. Tôi không nói Phương Tấn là Chúa là Phật, tôi nói thơ Phương Tấn trong đau thương mang tinh thần thâm sâu của triết thuyết vị tha làm đẹp cho thơ mình!
 
E ta ngã giữa xó đời chật chội
trong sớm mai bên cỏ lá đìu hiu
mắt không vuốt để nhìn ra trăm cõi
lòng chợt cười hé lộ một buồng trăng
 
Thánh Phê – Rô của đạo Thiên Chúa khi bị đóng đinh trên cây thập giá, ông yêu cầu đóng đinh mình quay đầu xuống để nhìn trần gian. Thơ của Phương Tấn yêu cầu khi ngã xuống giữa xó đời, đừng ai vuốt mắt để nhìn ra trăm cõi. Thánh và người, không ai tiếc sự sống của mình nhưngmuốn mở mắt nhìn đời để bày tỏ tình yêu yêu thế gian vô đối.
 
Cuối cùng tôi muốn nhắc lại lời tôi nói ở trên, trăng Phương Tấn một mặt chứa đủ tính chất của trăng Lý Bạch, trăng Đỗ Phủ, trăng Hàn Mạc Tử và trăng Xuân Diệu, một mặt lại khác xa với trăng của các thi nhân trên. Không khó hiểu lắm đâu, bởi Phương Tấn sinh ra và lớn lên trong thời đại nhiễu nhương. Là nhà thơ thì có tâm hồn ngàn đời của một thi nhân, nghĩa là rất lãng mạn, ru theo gió mơ theo trăng và vơ vẫn cùng mây, nhưng vì sống trong thời đại đầy biến cố, nhà thơ cũng chứng kiến vô vàn máu đổ xương rơi, gánh chịu bao nỗi đau thương của chiến tranh, của khói lửa trong cuộc đời mình. Vậy nên trăng của Phương Tấn không chỉ chứa đựng sự rung cảm trước vẻ đẹp thiên nhiên mà còn chứa đựng nỗi đắng cay, khắc khoải sầu đau trong con tim nhà thơ nữa. Từ đó, trăng Phương Tấn cũng rất đẹp, nhưng đẹp như ánh sáng u buồn, chất chứa những điều uẩn khúc dấu kín trong lòng. Thơ ấy rất gần với tôi và quý vị, những người không nhiều thì ít cũng tự cho mình sinh ra nhầm thế kỷ hay thế kỷ đã sinh nhầm ta vậy ./. Châu Thạch

  Trở lại chuyên mục của : Châu Thạch