CHÂU THẠCH
Đọc Tập Thơ “PHÚT GIÂY VĨNH CỬU”
Của TẦN HOÀI DẠ VŨ
Đọc Tập Thơ “PHÚT GIÂY VĨNH CỬU”
Của TẦN HOÀI DẠ VŨ
Thật bất ngờ, vừa vui vừa hãnh diện, khi nhận được tập thơ “Phút Giây Vĩnh Cửu” của nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ gởi tặng tôi, do nhân viên bưu điện đem dến. Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ đã từng tặng tôi nguyên bộ sách “Văn Học Dân Gian Quảng Nam- Đà Nẵng” gồm 4 tập, mỗi tập dày trên 500 trang và một số tập thơ mà ông đã xuất bản trong những năm gần đây. Tôi không ngần ngại khoe ra và nói thật lòng mình, bởi vì tôi chỉ là một cây bút nghiệp dư vô danh, mà ông là một cây đại thụ từ lâu trong nền văn học nước nhà.
Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ xuất hiên trên thi đàn từ năm 1963 trên các báo văn học có danh ở miền Nam Việt Nam như Bách Khoa, Văn, Phổ Thông…khi ông còn là chàng học sinh học lớp Đệ Tam (lớp 10) tại trường Quốc Học- Huế. Từ đó đến nay, gần 60 năm, nhà thơ vẫn theo con đường sáng tác; lặn lội 30 năm khắp quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng, nghiện cứu văn hóa dân gian để viết nên bộ sách vô cùng giá trị mà hiện nay không thể thiếu trong các thư viện của các trường trung học, đại học.
“Phút Giây Vĩnh Cửu” là một tập thơ văn xuôi mà theo PGS.TS. Trần Hoài Anh nhận xét là “mang ý nghĩa triết luận của một cảm thức hiện sinh”, là “tuyên ngôn sống và tuyên ngôn sáng tạo” của nhà thơ. Còn Võ Mai Trang viết trong lời Bạt như sau: “Lắng lại trong chiêm nghiệm của tâm hồn, có thể nói rằng, thơ xuôi Tần Hòa Dạ Vũ trong thi phẩm Phút Giây Vĩĩnh Cửu này, là cuộc hành trình đi tìm bản thể”.
Châu Thạch tôi, không có mấy kiến thức về triết lý, chỉ biết cảm nhận thơ theo con tim bình dân của mình, xin nói thơ văn xuôi của Tần Hoài Dạ Vũ trong “ Phút Giây Vĩnh Cửu” là “Một Tập Nhã Ca”. Vì sao tôi nói “Phút Giây Vĩnh Cửu”, thơ văn xuôi của Tần Hoài Dạ Vũ, là một “Một Tập Nhã Ca”? Vì đó là một tập thơ có hình thức văn chương cô đọng, có thật nhiều ý tưởng trong mỗi dòng thơ, ngắn gọn, đầy ẩn dụ, đầy ngụ ngôn, có tiếng thơ vang vọng 5 cung trầm bổng “Trong như tiếng hạt..., đục như tiếng suối..., tiếng khoan như gió... , tiếng mau như trời đổ mưa”, khiến cho người đọc thơ có tâm trạng không khác chi Kim Trong nghe Kiều đàn thuở trước, trong thơ Nguyễn Du.
“Phút Giây Vĩnh Cửu” có tất cả 50 bài thơ không vần. Không vần không có nghĩa là không trôi chảy. Mỗi bài thơ vẫn trôi chảy như những dòng sông có âm thanh của sóng, âm hưởng của dòng trôi giữa gió giữa trăng, qua ghềnh qua thác và êm đềm khi đến bình nguyên có mé nước bình tịnh bên đồng cỏ xanh tươi!
Đầu tiên, bài thơ “Hy Vọng Của Trần Gian Nhân Ái” ta đã đọc được:
“Niềm vui cúa trái tim yêu thương là phép mầu của những đám mây phía chân trời hò hẹn. Em thân yêu, hãy dâng bài ca bất tuyệt cho những niềm vui không hẹn trước và hãy đặt lòng em trước ngưỡng cửa của những ước mơ như mây trắng trên trời”... “Tôi đương đi trên con đường dài và tôi luôn thấy ánh sáng của trái tim em”.
Bài thơ cho ta một niềm hy vong lãng mạn tuyệt vời, không là tiền tài danh vọng mà là “EM”. Em là ánh sáng lý tưởng nhân ái của đời anh trong kiếp sống trần gian.
Bài thơ thứ 19, “Mùa Xuân Đi Qua” Tần Hoài Dạ Vũ đã thổ lộ: “Với tất cả nỗi đau dày vò anh nhớ tới em”. Nhà thơ dã yêu em bằng Danh dự: “chưa bao giờ bày tỏ lời tán tụng trước những kẻ quyền lực. Đó chẳng phải là niềm kiêu hảnh vinh danh con người?”. Nhà thơ yêu em bằng Trách nhiệm; “Không hề chối bỏ những gì có liên hệ đến đời nhau”. Nhà thơ yêu nhau bằng Thủy chung: “Chẳng có nhan sắc nào còn làm trái tim anh xao xuyến, cũng chưa hề có nụ hôn nào khiến anh phải đắm say”. Nhà thơ yêu như thế, nhưng đời thật là phi lý khi “Em đã ra đi, những chiếc hoa kèn thổi mãi tiếng u buồn trong khu vườn vắng, chuỗi cười trong suốt ngày nào đã tắt trong niềm quên lãng, và mắt em đã lặn rồi vì sao kỷ niệm. Có bao giờ tình yêu không là nỗi đắng cay?”
Đọc bài thơ như thẩm thấu vào lòng ta tiếng thở dài cao thượng!
Bài thơ áp chót là bài thơ có tựa đề lấy làm tựa đề của cả tập thơ: “Phút Giây Vĩnh Cửu”. Phút giây là thời gian ngắn, vĩnh cửu là thời gia vô tận. Phút giây mà gọi là vĩnh cửu thì nghe ra tương phản. PGS.TS Trần Hoài Anh trong "Lời Giới thiệu" đã giải thích như sau: “Nhưng là sự tương phản mang tính biện chứng, đặt ra cho người đọc nhiều vấn đề suy nghiệm về thế sự, nhân sinh, về sinh mệnh của thơ”. Châu Thạch tôi nghĩ thô thiển: “Phút giây vĩnh cửu” là cái phút giây đem đến cho nhà thơ hiểu được, chứng được, ngộ được giá trị vĩnh viễn của cuộc đời.
Vào đề bài thơ “Phút Giây Vĩnh Cửu” Tần Hoài Dạ Vũ đã viết:
“Tôi không nhớ tôi đã bắt đầu yêu em tự bao giờ. Chỉ biết rằng lòng tôi thổn thức trước gương mặt ẩn hiện cả nỗi đau thương thầm lặng của cuộc đời”. Vậy em ở đây không chỉ là người nữ, mà em ở đây mang hình ảnh niềm vui và nỗi buồn của cuộc đời. Nhà thơ yêu em như yêu cuộc đời và yêu cuộc đời như yêu em.
Đoạn giữa của bài thơ, nhà thơ viết những câu thơ như sau:
“Đôi môi em ngào ngạt hương hoa hồng, thơm lừng hơn sửa mật, em xinh đẹp biết bao. Này người bạn đời không hôn ước, em tươi đẹp biết bao. Mắt em là mặt biển dậy sóng, miệng em là hương rừng nồng cay, ngực em là hai chùm nho óng ả, rốn em là cốc rượu đầy ắp đắm say”, “hai đầu gối em là hai viên đá quý”... “Tôi đánh mất cả thế giới - hiểu vì sao mình đánh mất- và tự nguyện lao vào ân sủng của tình em.”
Với đoạn thơ tôn vinh em ở trên, nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ đã viết hoàn toàn một cung nhã ca đầy ảnh tượng lung linh với chữ nghĩa lưu ly màu kim cương. "Em" ở đây không là em bé bỏng mà là em của thiên nhiên, là em của cuộc đời, cũng có thể là em của tạo hóa, là giáo chủ, là cao siêu, là chân lý...
Cuối bài thơ, Tần Hoài Dạ Vũ viết:
“Tình yêu đã phát sinh sự hợp nhất, vẻ dịu dàng, điều thiện, cái đẹp và cả sự viên mãn.
Có bao giờ tôi đã dại khờ nghi ngờ tình yêu? Em là nơi ẩn náu, cõi lãng quên và là sức mạnh cho chính phút giây yếu đuối của đời tôi”
Đến đây, bây giờ, không còn nghi ngờ gì nữa, Tần Hòa Dạ Vũ đã công nhận em chính là "Thương Đế", vì em là “Nơi ẩn náu, cõi lãng quên, và là sức mạnh cho chính phút giây yếu đuối” của đời nhà thơ.
Trong lời Bạt đặt ở cuối sách, Võ Mai Trang đã viết; “Thơ xuôi Tần Hoài Dạ Vũ trong thi phẩm Phút Giây Vĩnh Cửu này, là cuộc hành trình đi tìm bản thể. Cuộc hàng trình ấy, chuyến đi tưởng như nhẹ nhàng mà khổ ải ấy, có thể không bao giờ đến, nhưng có hề chi”.
Châu Thạch tôi nghĩ khác, Tần Hoài Dạ Vũ đã đến!
PGS.TS Trần Hoài Anh đã viết: “Tập thơ Phút Giây Vĩnh Cửu của Tần Hoài Dạ Vũ, vì thế, là cuộc hành trình đi tìm cái tôi bản thể của một thi sĩ đã chọn thơ và tình yêu như một “tôn giáo” để “sống” và “thành đạo” trong cuộc đời”.
Từ đó, Châu Thạch tôi nghĩ, Tần Hoài Dạ Vũ đã khởi đầu cuộc hành trình từ 60 năm trước: “Anh đi xa trên con đường dài của sự sồng, của niềm vui sáng tạo và tiếng chim hót bên trời”. Đi để tìm em là niềm hy vọng như đi tìm bản thể của mình: “Phải rồi, trai tim em là ánh sáng, đôi mắt em và bàn tay từ ái của ẹm cũng là ánh sáng luôn chiếu dọi đời anh” (Hy Vọng Của Trần Gian Nhân Ái). Và rồi, Tần Hoài Dạ Vũ đã tìm được chính bản thể của mình, đó là tình yêu dành cho em, cũng chính là ngộ được "lẽ đạo của thơ và tình yêu" để sống: “Em là nơi ẩn náu, cõi lãng quên và là sức manh cho chính phút giây yếu đuôi của đời anh” (đoạn cuối của bài thơ Phút Giây Vĩnh Cửu). Người có tôn giáo trông cậy điều đó vào giáo chủ của mình, còn Tần Hoài Dạ Vũ trông cậy điều đó vào em, nghĩa là cuộc hành trình của nhà thơ đã đến đich mà ông hằng mơ ước, thành đạo trong cõi thơ và sống với tình yêu mà ông dành riêng và trọn cho em./.
Châu Thạch
19/1/2022