CHÂU THẠCH
 


DUNG THI VÂN  
Bài Thơ Ngắn Không Đề
Và Nỗi Đau Phù Vân
                             
Chiều vạn dặm côn trùng còn biết khóc  
Huống chi ta tâm huyết đoạn thế nhân  
Tình nhân ơi có nghe mùi hương tóc  
Đâu ngọc ngà hay chỉ thoáng phù vân  
               DUNG THỊ VÂN 
 
Lời bình: Châu Thạch 
   
      Dung Thị Vân, một nhà thơ đã xuất bản nhiều tác phẩm được bạn đọc mến mộ và giới văn học khen ngợi đã nhiều, Viết về bốn câu thơ có  lẽ tác giả ứng tác ngay cho một tấm hình đăng trên facebook của mình, tôi nghĩ dư thừa. Thế nhưng, thật tình tôi không viết vì Dung Thị Vân mà tôi viết vì tôi, để thổ lộ những cảm xúc xảy ra trong lòng tôi bởi bốn câu thơ mang vẻ đẹp của nỗi buồn trầm kha mà khó có nhà thơ nào đem vào được trong thơ mình như Dung Thị Vân. 
 
   Đọc câu thơ đầu tiên “Chiều vạn dăm côn trùng còn biết khóc” đã cho tôi thấy cả một buổi chiều ảm đạm hơn cả vạn buổi chiều ảm đạm tại khắp mọi nơi trên mặt đất.  Dung Thị Vân không gởi tâm trạng mình vào tiếng kêu của côn trùng như nhiều nhà thơ khác đã làm, mà Dung Thị Vân đã nhân cách côn trùng thành người, cho côn trùng có linh hồn nên mới biết khóc, và tiếng khóc đó ta hãy tưởng tương nó đồng vọng đầy không gian trong một buổi chiều ảm đạm thì nó buồn thảm đến dường nào! Nhà thơ cho biết con trùng vô tri còn biết khóc để mà chi? Để nhà thơ thổ lộ tâm trạng thê lương của riêng mình do tiếng khóc của côn trùng đánh động, khơi lên, truyền cảm tâm huyết vào nỗi buồn đứt đoạn thế nhân của tác giả. 
 
     Câu thơ thứ hai rõ ý hơn về việc nhà thơ không dùng côn trùng để gởi mình vào đó, mà ngược lại, nhà thơ dùng mình mang tâm trạng của loài côn trùng vì tiếng khóc của nó: “Huống chi ta tâm huyết đoạn thế nhân”. Côn trùng vô tri còn biết khóc huống chi ta con người có tâm huyết lại không khóc vì cuộc chia ly với thế nhân: Câu thơ bình dị và chơn chất nhưng mang cả một đạo lý làm Người viết hoa.  
 
    Thế nhân đây có thể là một người, thế nhân đây có thể nhiều người, cũng có thể là tha nhân, cũng có thể là toàn nhân loại. Từ đó ta biết nhà thơ “đoạn thế nhân” có thể hiểu là chia ly với ai đó, có thể hiểu là chía ly với nhiều người, cũng có thể hiểu là tách biệt xã hội để trầm cảm, để  quay về  nội tâm của mình. Câu thơ “Huống chi ta tâm huyết đoạn thế nhân” đem nỗi sầu nhẹ hay nặng, hay như ngọn thái sơn tùy theo người đọc nó có tâm sự nhiều hay ít, có con tim vô tư hay đa sầu đa cảm. Với người viết bài này, câu thơ truyền cảm xúc để tưởng nhớ những ngày thất tình ở tuổi thanh xuân, để tưởng nhớ những năm tháng tù tội, thời gian cô đơn, lăn lộn với đắng cay, lòng luôn luôn nghĩ mình sinh nhầm thế kỷ hay thế kỷ đã sinh nhầm mình vì khi đó  mình bị “Thế gian ruồng bỏ giống nòi khinh”. 
 
   Thế rồi qua câu thơ thứ ba Dung Thị Vân gọi đến người tình. Tiếng kêu của nhà thơ vừa âu yếm, vừa muốn hỏi một lời, vừa muốn  gợi cho người yêu tưởng nhớ hương vị nồng nàn của tình. Câu thơ như một cung đàn bật lên những âm thanh du dương, truyền cảm, ve vuốt như bàn tay êm ái trên làn da cảm xúc của người yêu: “Tình nhân ơi có nghe mùi hương tóc”.  Chữ “Mùi hương tóc” ở đây đại diện cho hương vị tình yêu, cho tuổi trẻ, cho sức sống, cho tất cả vàng son của một thời mà nhà thơ chưa “đoạn thế nhân”  để khóc cùng giun cùng dế cùng côn trùng. 
 
   Với câu thơ thứ ba, qua tiếng kêu “Tình nhân ơi”, nhà thơ Dung Thị Vân dựng lên một khôi tình tuyệt mỹ, đầy âm thanh ngọt ngào như lời mây nước, để qua câu thơ thứ tư, Dung Thi Vân biến thứ tình ngọc ngà ấy thành tan tóc,  biến đổi như áng phù vân: “Đâu ngọc ngà hay chỉ thoáng phu vân”. Phù vân là đám mây thoáng nổi lên rồi tan ngay, thường dùng để ví cái không lâu bền, có được rồi lại mất ngay. Vậy hai câu thơ “Tình nhân ơi có nghe mùi hương tóc/ Đâu ngọc ngà hay chỉ thoáng phù vân” tá khách vào nhau để nói lên hiện tượng phủ phàng của tình yêu, của thân thể con người hay của toàn kiếp sống. Hai câu thơ như đốm lửa bùng lên, rơi vửa và tắt ngấm trong bóng đêm trừ tịch. Sự thê thiết của câu thơ cuối gây sự hụt hẫng, bất ngờ, khiến nổi đau len vào con tim và nằm vĩnh viễn nơi đó. 
 
  Tóm lại, bốn câu thơ không đề của Dung Thị Vân là một bài thơ cô đọng, như thu cả buổi chiều vạn dăm xa ảm đạm vào bầu hồ lô nhỏ bé là con tim u hoài cho sự phù vân của trần thế. Mỗi câu thơ như một tiếng chuông ngân dài trong buổi hoàng hôn, mang đầy âm hưởng của nỗi buồn phân ly, nỗi sầu đứt đoạn, nỗi đau phù vân. Tiếng chuông ấy của thơ, đồng vọng vào hồn người, có tiếng khóc côn trùng, có gió lạnh cô đơn,  có lời tình êm ái và có những đám mây biến đổi, tan ra, mất tích  trong tâm hồn thi nhân mênh mông, vô biên và khô dòng nước mắt! 
                                             

  Trở lại chuyên mục của : Châu Thạch