CHÂU THẠCH


Đọc Đoản Thơ Của ZULU DC

9 -EM EM
 
Em cất giấu điều gì sau trang sách
Biết đâu chừng còn một lá diêu bông
Anh cứ sợ vô tình em đánh mất
Là ngàn sau rồi cũng hoá hư không.
 
Nhà thơ ZuLu DC có một bài thơ hay, không đề, đại ý như sau: “Đi hết núi anh tìm mà không gặp”, nhưng nhà thơ vẫn quyết tâm “Anh cứ đi, đi mãi tới đầu sông”, để rồi một ngày đó “Đến tận man thiên nước chảy xuôi dòng/Anh chợt nhận ra một điều rất thật/Tay Em sau lưng dấu lá diêu bông”. Vậy là nhà thơ bị nàng lừa đau hơn người chị trong bài thơ lá Diêu Bông của Hoàng Cầm.
 
Trong bài thơ ngắn trên đây, chắc ZuLu DC bị “Hà ăn Chân” một lần nên sinh nghi ngờ, đến nỗi tưởng em còn dấu cả lá Diêu Bông sau trang sách. Có lẽ nhà thơ muốn nhắc đến một mối tình học trò trong đời mình mà sách là nơi cất dấu những lá thơ tình để trao qua trao lại. Lá Diêu Bông trong thơ nầy chẳng phải là thứ lá không có trên đời mà Hoàng Cầm đã đi tìm cho đến lúc chị có 3 con , cũng chẳng phải là thứ lá mà em cầm trên tay dấu nó sau lưng để ZuLu DC phải trèo non lặn suối.
 
Lá Diêu Bông trong đoản thơ nầy là thứ tình yêu mà em dành cho anh chưa trọn vẹn, chưa trọn vẹn bởi vì anh hay ghen bóng gió hay bởi vì anh đòi hỏi quá nhiều chăng? Điều đó thì chỉ có hai người biết với nhau thôi. Bởi vậy, trong hai câu thơ sau, nhà thơ sợ em vô tình đánh mất lá Diêu Bông là một ẩn ý. Thật ra ý thơ, chàng sợ em phụ bạc tình yêu của chàng, khiến cho khối tình chàng ôm ấp bao lâu nay sẽ hoá hư không cho đến ngàn sau.
 
Bài thơ ngắn nhưng sự lo âu trong lòng thì lớn. Bài thơ ngắn nhưng chiếc lá Diêu Bông bí ẩn, biểu tượng của thứ lễ vật tình yêu không tìm thấy trên đời, khó hơn lễ vật mà vua Hùng Vương thách Sơn Tinh, Thuỷ Tinh đem đến để xin cưới Mỵ Nương. Lễ vật khó ấy đã được ZuLu DC hư cấu vào trang sách học trò, làm thành một tứ thơ khác lạ, như một đoá hoa tình yêu tha thiết, thơ ngây, có nỗi bâng khuâng, lo âu, sẽ nằm trong ký ức không bao giờ phai nhạt.
 
10-CÔ LIÊU
 
Chia sớt cho ta vài đứa bạn
Bên ni trời lạnh uống cà phê
Cô liêu bổ xuống như tên bắn
Từng mũi ghim vào nỗi nhớ quê.
 
Trong tập Đoản Thơ của ZuLu DC có bài thơ “Vô Âm”: “Khi uống cà phê một mình/ Là uống cả tội tình trăm năm/Tội tình từng giọt vô âm/Sao như sóng vỗ ì ầm quanh ta” cho thấy tất cả sự bi thiết xảy ra trong tâm hồn nhà thơ, sự bi thiết đó xảy ra do cảm thấy cô liêu vì không có ai bên cạnh.
 
Trong bài thơ “Trăng Vu Lan” nhà thơ ZuLu DC viết khi thương mẹ và nhớ em thì ông thành ra đứa bé, mà khi thành đứa bé thì khóc là chuyện thường tình, huống chi bây giờ “Mẹ chừ thân hoá đá/Em giờ hiu hắt thêm”. Những khi thành đứa bé như thế thì ai mà không cần một nguồn an ủi quyến luyến vô biên và ấm áp cho mình.
 
Trong “Cô Liêu” tác giả cần một vài đứa bạn để chia sẻ nỗi nhớ quê như từng mũi tên bắn ghim vào con tim khi ông ngồi cà phê một mình. Đó là tâm trạng chung, không phải chỉ riêng ông, mà ông còn nói giúp cho hàng triệu người ly tan, ly hương, kể cả người đang ở trên đất mẹ hiện nay nhưng quê hương không còn là “chùm khế ngọt”, bạn bè cũng cuốn theo chiều gió đến chân trời góc biển hết rồi.
 
Bài thơ “Cô Liêu” không lạ nhưng sự đồng cảm thì nhiều, bởi nó là nỗi đau thế hệ, nỗi đau triền miên kéo dài cho đến khi lớp người mang thân phận lưu vong chết hết!
 
11-BÁCH HỶ BÁCH HỶ
 
Ừ thì mai mốt tìm nhau gặp
Uống một trận cho tình chứa chan
Cho những bình minh còn sót lại
Trở thành bách hỷ phải không em!
 
Bách hỷ là gì? bách là trăm, hỷ là vui, bách hỷ là trăm điều vui vẻ tốt lành. Nhà thơ hẹn với em mai mốt trùng phùng uống với nhau một trận để cho ngày tháng còn lại có trăm điều vui. Uống với nhau một trận để rồi “Bạn ơi quan hà xin cạn chén ly bôi” thì “những bình minh còn sót lại” trong đời làm gì có bách hỷ?
 
Bài thơ không cho biết em là người tình hay em là bạn vong niên, nhưng bài thơ gián tiếp cho biết ước vọng của tác giả là niềm vui có mãi từ đây. Suy từ chữ “song hỷ” để chỉ ngày thành hôn và chữ “bách niên giai lão” là lời chúc sống với nhau đến già cho ta đoán hiểu nhà thơ hẹn với người tình năm xưa một cuộc đoàn viên để nối lại tơ duyên, hẹn trong quản đời còn lại sẽ hạnh phúc bên nhau trong chữ “bách hỷ”. Có như thế cuộc rượu mới trở thành bách hỷ, là chữ kết hợp "song hỷ" và "bách niên giai lão" thành một..
 
Người được hẹn hò trong bài thơ phải là một hồng nhan tri kỷ, tri kỷ mọi mặt kể cả uống rượu như lưu linh thì mới cùng nhau “Uống một trận cho tình chứa chan” được. Đầu đề bài thơ là “Bách hỷ bách hỷ” như một tiếng reo vui mừng, phấn chấn, nhưng thật ra niềm vui ấy chỉ là tưởng tượng. Điều đó chứng tỏ trong niềm vui tưởng tượng nhà thơ bộc lộ nỗi chờ mong khắc khoải trong lòng, thổ lộ nỗi đau dấu trong tâm khảm và giả tưởng những điều thú vị. Bài thơ cho ta suy tư hai mặt, vui và buồn lẩn lộn vơi nhau!
 
12- BIỂN EM BIỂN EM
 
Em nằm xoã tóc em xuống biển
Nỗi buồn nào thấm muối cũng thành vui
Là thuỷ thủ anh bây giờ lạc lõng
Trùng khơi kia bạn anh nằm đó em ơi!
 
Nhà thơ Xuân Quỳnh có bài thơ “Thuyền Và Biển” được ca tụng đã nhiều năm, trong đó Xuân Quỳnh viết “Biển như cô gái nhỏ” nghĩa là biển là em, còn anh chắc chắn là con thuyền. Nhà thơ ZuLu DC viết “Biển Em Biển Em” thì cũng xác nhận đã ví em là biển. Từ hình ảnh em nằm xoả tóc xuống biển đã làm tan nỗi buồn, làm nhà thơ vui lại, ông đã nhớ mình là thuỷ thủ từng lênh đênh trên đại dương.
 
Biển ngày xưa đã có “tình biển bao la” chứa chấp “ thuyền đi hoài không mỏi” như thơ Xuân Quỳnh, thì biển cũng chứa chấp người thuỷ thủ đi hoài không mỏi có khác chi đã chứa chấp con thuyền, có nghĩa là biển và thuỷ thủ cũng là hình ảnh của tình yêu khắng khít bao la như thuyền với biển trong thơ Xuân Quỳnh.
 
Thế nhưng bây giờ em vẫn là biển còn anh đã khác đi rồi, bởi “Là thuỷ thủ anh bây giờ lạc lõng” và “Trùng khơi kia bạn anh nằm đó em ơi”. Hai câu thơ chót bày tỏ sự bâng khuâng, em vẫn là biển, còn anh không còn là thuỷ thủ, vậy tình đôi ta có còn khắng khít, còn bao la nữa hay không?
 
Bài thơ khởi thuỷ bằng hình ảnh đẹp của người yệu nằm xoã tóc dài xuống biển, dẫn tâm tư nhà thơ quay về quá khứ đau thương, khơi gợi nỗi bi quan trong tâm hồn nhà thơ, nỗi bi quan đưa đến lòng nghi ngại tình yêu đang hiện có. Thơ là vậy, nó ẩn chứa nội tâm trong sâu kín của từ ngữ, phải đi vào thơ bằng cảm thụ của mình để tìm những bông hoa như những chiếc nấm búp còn nằm trong mặt đất./.

  Trở lại chuyên mục của : Châu Thạch