CHÂU THẠCH
 

        Đọc  “HẠT NẮNG MỒ CÔI
Tập Thơ Của HOÀI HUYỀN THANH

 
  Nhà thơ Hoài Huyền Thanh, sống ở thành phố Hồ Chí Minh là một cây bút nữ mà nhiểu người ái mộ và mến phục, không chỉ bởi văn thơ của tác giả, mà còn bởi tấm chân tình của nhà thơ đối với văn thi hữu và với tha nhân trong cuộc sống.
 
   Nhận được tập thơ tác giả gởi tặng, cụm từ “Hạt Nắng Mồ Côi” buộc tôi phải suy nghĩ nhiều. Mồ côi nghĩa là bị mất cha hay mẹ, hoặc bị mất cả hai khi còn bé. Hạt nắng không là sinh vật thì không cha không mẹ là đương nhiên. Vậy đâu có hạt nắng nào  mà chẳng mồ côi. Cũng có thể nói một cách ngược lại,  hạt nắng có từ ánh sáng mặt trời. nên mặt trời có thể gọi là cha mẹ của nắng. Vậy hạt nắng nào cũng có cha mẹ, và cha mẹ của hạt nắng thì vĩ đại vô cùng.
 
   Vậy Hoài Huyền Thanh dùng riêng một hạt nắng, cho nó mồ côi, đem hạt nắng ấy làm hình ảnh cho tập thơ của mình là ý nghĩa gì?.
 
   Đọc bài thơ “Hạt Nắng Mồ Côi” đăng ở tráng 42 của tập thơ, ta hiểu được nhà thơ Hoài Huyền Thanh quan niệm có một thứ hạt nắng khác và một thứ mồ côi khác. đó là thứ hạt nắng của tình yêu chiếu rọi trong tâm hồn mình và một thứ mồ côi được cảm nhận xảy ra trong cuộc đời tình ái của nhà thơ. Nhà  thơ dùng hình ảnh nắng cho mình và gió cho anh như muốn bày tỏ tình yêu của họ là rất lớn, như nguồn năng lượng rất mạnh của thiên nhiên.
 
  Ta hãy nghe Hoài Huyền Thanh thỏ thẻ ở khổ đầu :
 
        Người ta nói
        Em là ánh nắng
        Anh là gió trời
        Từng là tình nhân
         Can cớ gì
         Đau nhói trong tim
 
    Rất rõ ràng, tác giả ví mình là hạt nắng và ví anh là gió trời. Vậy nắng và gió  ở đây không sinh ra trong vạn vật mà sinh ra trong lòng của họ, trong tình yêu của họ. Nói cho đúng, tình yêu của họ mới chính là thân sinh của hạt nắng, và tất nhiên hạt nắng đã sinh ra dưới một ngôi sao xấu, nên cuộc tình đã khiến nhà thơ phải thốt lên “Can cớ / Đau nhói trong tim”.
 
   Rồi ta hãy đọc khổ chót của bài thơ “Hạt Nắng Mồ Côi”:
 
                 Người ta nói
                 Gió mãi lang thang
                 Nắng xuân nồng nàn
                  Hạ về rực rỡ
                  Thu tàn
                  Đông tận
                  Nắng rạn vỡ
                  Người ta nói...
                  Hạt nắng mồ côi !
 
   Đoc khổ thơ nầy, dễ hiểu rằng tác giả có một cuộc tình lớn, yêu nhau quanh năm suốt tháng, yêu nhau suốt cả cuộc đời, nhưng suốt cả cuộc đời không bao giời là đoàn tụ được.
 
   “Người ta nói/ anh là gió” rồi “Người ta nói/ Gió mãi lang thang”. Gió thì mùa nào cũng có nhưng gió không bao giờ dừng lại bao giờ, cho nên mùa xuân của đời em có “Nắng xuân nồng nàn” nhưng gió cũng bay qua, rồi mùa hạ của đời em có “Hạ về rực rỡ” thì gió cũng bay qua, rồi “Mùa thu tàn/ Mùa đông tận” gió cũng bay qua. Tất nhiên nắng từ buổi xuân nồng nàn đến khi rạn vỡ gió đều thấy, gió đều biết và chắc gió cũng đau lòng, nhưng gió thì không thể dừng lại được để ôm nắng vào lòng, để ấp nắng trong tay. Có chăng gió ôm tình nắng trong quả tim mình và bay cùng năm tháng. Bởi thế người ta  nói em là “Hạt nắng mồ côi!
 
   Vậy “Hạt Nắng Mồ Côi” là một cụm từ mà nhà thơ Hoài Huyền Thanh sáng tạo  để để mang trọn vẹn hình ảnh một cuộc tình trong trẻo, vô biên, quyến luyến, thanh tao, có suốt bên nhau trong bốn mùa của tuổi như một đôi bạn tri âm tri kỷ giữa cuộc đời này, nhưng sầu thay, vẫn song song bên nhau mãi mãi đi về miền vô cực!
 
   Bài thơ  của nhà thơ Nguyễn Cân, cảm tác  khi đọc “Hạt Nắng Mồ Côi”, đã nói lên đủ ý nghĩa của cụm từ nầy. Bài thơ có 16 câu, Châu Thạch xin rút còn 7  câu để bài viết ngắn đi:
                   
                          Một chút gió bay qua thời thiếu nữ
                      …Một chút nhớ cho ngày xưa xanh mãi
                      …Một chút thơ đủ cho đời còn ấm
                      …Một chút lạnh khi hoàng hôn xuống vội
                          Sợi tóc rơi ai biết đã thu rồi
                          Tình ủ kín ngăn kéo nào quá tội
                          Mãi chờ người hạt nắng hóa mồ côi!
                                 (Một Chút Và Mãi Mãi)
 
    Thơ Hoài Huyền Thanh là vậy, thơ tình yêu thì tình yêu lóng lánh như hạt sương mà không dễ vỡ như hạt sương, ngược lại nó kết tụ tinh hoa và bền vững như hạt kiêm cương giữa đời.
 
    Phải nói thơ Hoài Huyền Thanh là thơ tình, nhiều thứ tình, tình yêu cho ta nhiều cảm xúc bởi hạt nắng mồ côi , còn tình người, tình quê hương, tình bạn hữu … là những ánh nắng sáng soi đôi bờ giấy, là những tiếng thơ truyền cảm tâm tư, gợi vui, gợi buồn, gợi nhớ, bắt suy tư, làm cho ai đọc cũng thấy tâm hồn mình rung động.
 
Hoài Huyền Thanh với tình yêu cuộc đời:
 
           Xa gần rồi cũng thế
           Nước sẽ chảy về nguồn
           Cát bụi nào tự tại!?
           Bến mơ lòng an nhiên
                    (Chút An Nhiên)
 
  Đây là tình yêu cuộc đời của các bậc thiền sư, an nhiện và tự tại. Tất nhiên nhà thơ không phải là thiền sư nhưng định hướng cho tình yêu cuộc đời như thế làm cho Giọt Nắng Mô Côi an tịnh trong năm tháng mồ côi của đời mình.
 
  Hoài Huyền Thanh yêu quê hương:
 
     Ai cũng đi chuyến xe đời vô tận
     Tùy duyên ta gặp gỡ mỗi cung đường
      Nào ai biết bao ga đời lận đận
      Còn kip về tiễn biệt hạt mù sương
        (Chưa Khuất Bóng…)
 
Khổ thơ không nói gì quê hương nhưng quê hương là nỗi nhớ và niềm mong ước quay lại trong lòng.
 
Hoài Huyền Thánh với tình yêu tuổi học trò:
 
     Đường phương bay ấp yêu nhiều mơ mộng
     Cánh hoa xưa thành bướm lượn nao lòng
     Trang lưu bút chở một thời mới lớn
      Mấy mươi năm còn đó một dòng sông?!
                   (Chùm Phương Vỹ Long Đong)
 
Khổ thơ cho ta cả một dòng sông ký ức đầy hoa và đầy bướm lung linh không bao giờ ta quên được trong đời.
 
  “Hạt Nắng Mồ Côi” dày trên 160 trang, trên 80 bài thơ, người viết chỉ xin giới thiệu  tập thơ bằng cách viết lướt qua vài cảm nhận của mình. Thế nhưng, chỉ đọc một vài vần thơ nhẹ nhàng của Hoài Huyền Thanh, ta cũng thấy được đó như con đường hương hoa dẫn  đến những khu vườn thanh sắc mang ý nghĩa đầm đà của những thứ tình yêu cao thượng. Cuối cùng xin gởi đến bạn đọc mấy câu thơ trích từ bài cảm tác của Châu Thạch về thơ Hoài Huyền Thanh để thay lời tạm biệt:
 
                Hoài là nhớ chuyện ngày xưa
              Huyền là màu của đong đưa nỗi sầu
              Thanh như chuông vọng kinh cầu
              Bút danh ai đẹp mà đau giũa đời…
 
           …Tiếng thơ như tiếng tơ giăng
              Để câu thành gió để vần thành sương
              Để người lây bệnh yêu thương
              Đọc thơ, hồn cứ vấn vương thơ hoài  ./.
 
                                         Châu Thạch                                                             
 


  Trở lại chuyên mục của : Châu Thạch