CHÂU THẠCH
 
Đọc “KHÔNG CÓ LẼ…” Thơ VĨNH THUYÊN
                                     
Không Có Lẽ…
 
Không có lẽ một tôi đứng đợi
Mây trên đầu và nước ở trên non
Vì không phải loài chim trốn bão
Bay thật cao nên mỏi cánh lưng chừng
 
Không có lẽ yêu thương là tội
Khi chợ tình đã hết người mua
Em đừng sợ mùa đông qua vội
Nắng không về!
em đã về chưa?
 
Không có lẽ dòng sông chạy mất
Chỉ tên em khắc kín nơi này
Nơi không có, có không, có lẽ
Đêm hoang tàn gió cũng sang ngang
 
Không có lẽ mình tôi có lẽ…
        
         Vĩnh Thuyên
 
Lời Bình:
Lâu quá hôm nay mới đọc lại được thơ Vĩnh Thuyên.
Thật lòng nếu chọn giữa thương và ghét  thì tôi không thể nào chọn thương được khi đọc thơ  Vĩnh Thuyên. Vì thơ Vĩnh Thuyên ngắn quá, để ngâm vịnh ngoài miệng thì ít, mà để nghiền ngẫm ở trong lòng thì nhiều. Thế cho nên khi lấy cái ý của mình để đoán định được phần nào tâm tư của tác giả gởi vào thơ thì tôi lại thấy yêu, yêu vì thơ anh ấy cô đọng biết bao nhiêu, dằn vặt như một vài tiếng đàn bật lên từ một cây đàn muôn điệu, không đủ cho ta nghe nhưng vừa đủ để cảm ngay tiếng tơ đồng của nó.
Cái tựa đề “Không Có Lẽ…” của bài thơ đã cho ta ngay hàng vạn nỗi ưu tư giữa cuộc đời nầy. Rồi thì hai câu thơ mở đầu cho ta thấy hết tất cả sự cô đơn trong đợi chờ của tác giả :
 
 Không có lẽ một tôi đứng đợi
Mây trên đầu và nước ở trên non

 
Khi nói “không có lẽ” nghĩa là còn chút hy vọng. Cái hy vọng đó chỉ cách tuyệt vọng một hơi thở, mang nhiều dấu hỏi trên mình, nó như mang cơn đau của những vết thương đang dằn xé đời mình. Người “đứng đợi” giữa “mây trên đầu và nước ở trên non” là đứng đợi giữa hư vô lồng lộng, cô đơn giữa đất trời. Hai câu thơ tưởng là viển vông nhưng nó gợi hình và gợi cảm khung cảnh một cuộc đứng chờ vượt thời gian như hòn vọng phu trên triền núi đá.
Hai câu thơ kế tiếp chở trên đôi cánh nhỏ bé của nó những cơn phong ba bão táp: 
 
                   Vì không phải loài chim trốn bão
                   Bay thật cao nên mỏi cánh lưng chừng
 

Đa phần các loài chim đều trốn bão, nếu đi vào vùng bão thì phải bay thật cao để tranh gió. Vì phải bay cao và bay xa nên có khi phải sa vào cơn lốc.  Vĩnh Thuyên không phải là loài chim trốn bão. Tác giả là con chim bay vào trong cơn bão, hoặc bay trên bão.
Tôi nghĩ đó chính là lý do anh không viết "gãy cánh lưng chừng" mà xác định chỉ “mỏi cánh lưng chừng”. 
Mà dầu có mỏi cánh, nó cũng thi gan cùng mưa gió, quyết đến chốn bình an nơi  đất lành chim đậu.
 
Khổ thơ đầu cho ta hiểu gi? Hiểu một người đang khắc khoải chờ đợi, thách thức với biến động cuộc đời cũng như biến động xảy ra trong chính lòng mình. Người ấy kiên gan trước nghịch cảnh và vượt qua mọi thử thách chỉ để chờ. Người ấy chờ đợi một cái gì?
Chờ đợi một tình yêu được bày tỏ trong những câu thơ sau:
 
                       Không có lẽ yêu thương là tội
                       Khi chợ tình đã hết người mua
                       Em đừng sợ mùa đông qua vội
                       Nắng không về!
                       em đã về chưa?

 
Ở khổ thơ thứ nhất tác giả tự hỏi “Không có lẽ một tôi đứng đợi”, nhưng hỏi là vì còn hy vọng bên chân trời nào đó cũng có một người đang đứng đợi mình. Chữ  “không có lẽ” ở đây bày tỏ một niềm hy vọng. Ở khổ thơ thứ hai tác giả cũng dùng chữ “không có lẽ”, nhưng chữ không có lẽ ở đây là một tán thán từ, là một tiếng kêu nghẹn ngào, bi thương bày tỏ một khối tình tuyệt vọng. Khi tác giả vụt kêu lên “ không có lẽ yêu thương là tội”là khi trạng thái tuyệt vọng đến trong tâm hồn, là khi tác giả nhìn thấy “chợ tình đã hết người mua”, là khi “mùa đông qua vội” mà “nắng vẫn không về!” nghĩa là mùa xuân sẽ không đến, nghĩa là cuộc đoàn tụ chắc sẽ không thành. Khi tác giả hỏi “em đã về chưa?” có đánh dấu hỏi tử tế, là tiếng kêu tuyệt vọng cuối cùng trước khi để cuộc tình dẫy chết. Khi tác giả nhắn với em “đừng sợ mùa đông qua vội” thì đó chỉ là lời vỗ về, an ủi cho em và cho chính cả mình để níu lại chút hy vọng cuối cùng cho cuộc tình tan vỡ.
 
Khổ thơ thứ nhì cho ta hiểu gì? Hiểu sự bơ vơ lạc lõng cúa tác giả giữa chợ tình. Chợ tình rộn rịp biết bao, nay không còn người mua bán. Còn chợ tình thì còn mong em đến. Hết chợ tình thì hết hy vọng. Dầu anh đem trái tim dâng hiến trọn cho em, nhưng không có người mua thì tình bán cho ai?
Đến khổ thứ ba của bài thơ, sự bấn loạn đã xảy ra trong tâm hồn tác giả. Câu thơ nhấn mạnh các từ “không có, có không, có lẽ” biểu hiện hoàn toàn sự ức chế xảy ra trong lòng:
 
                       Không có lẽ dòng sông chạy mất
                       Chỉ tên em khắc kín nơi này
                       Nơi không có, có không, có lẽ
                       Đêm hoang tàn gió cũng sang ngang

 
Khi tác giả nói “Không có lẽ dòng sông chạy mất” là khi tác giả thấy dòng sông đã biến mất rồi. Tất nhiên dòng sông của thiên nhiên thì khó mà biến mất,  nhưng cuộc tình đẹp như một dòng sông, hay cuộc tình bên một dòng sông nào đó đã biến mất. Cuộc tình xưa ấy nay chỉ còn dấu tích trong dòng sông ký ức của mình hay sự hồi tưởng khi đứng bên dòng sông hiện thực mà thôi. Con sông ngoài đời đôi khi cũng thay dòng đổi khúc, huống chi con sông của cuộc tình cũng đổi cũng thay. Giờ đây, không có con thuyền tình năm xưa để đưa người sang sông, vì sông đã biến mất. Tất cả đã trở thành hoang tàn. Bây giờ chỉ còn có gió, nhưng “gió cũng sang ngang” nghĩa là gió cũng bay đi như người xưa biền biệt. 
 
Khổ thơ cho ta hiểu gì? Cho ta hiểu sự cô đơn cùng tận. Cho ta hiểu nỗi trăn trở, ngỡ ngàng trước điều phi lý của một cuộc tình dang dở xảy ra trong lòng tác giả. Người đứng đó lảm nhảm như điên, nói một mình  để cho gió mang lời mình sang ngang trên một dòng sông khô héo, và gió ấy cũng mang lời mình bay biền biệt...
Cuối cùng “không có lẽ mình tôi có lẽ…” là một dấu hỏi rất lớn kết tụ của băng giá, của nỗi ưu tư, của sự phiền muộn, của kết quả tháng năm chờ đợi và của chân lý tác giả chiêm nghiệm cho mình. Chân lý ấy là: Không có lẽ nghĩa là có lẽ. Điều tôi nghĩ không có lẽ nào xảy ra thì lại xảy ra với tôi, với chính tôi.
 
Có lẽ”, là khẩu ngữ biểu thị ý phỏng đoán hoặc khẳng định một cách dè dặt về điều nghĩ rằng có thể là như thế”. Bài thơ “Không Có Lẽ” tất nhiên biểu thị ý phỏng đoán hoặc khẳng định điều nghĩ rằng không thể xảy ra như thế. Vậy mà bài thơ cho ta nghĩ nó đã xảy ra như thế. Bằng ba khổ thơ ngắn, tác giả đã dùng một cánh chim bay vào bão, dùng một chợ tình đã tan và dùng một dòng sông đã bị mất không những chỉ để thổ lộ một cuộc tình buồn, mà còn gởi vào lòng người những suy nghiệm về lẽ tồn vong nghịch lý giữa cuộc đời nầy. Bài thơ dùng những câu thơ ở thể nghi vấn nhưng không đặt dấu hỏi (?)sau câu, dụng ý khẳng định những điều “không có lẽ” trở thành “có lẽ”, gởi vào lòng người sự bâng khuâng trong những suy tư triết lý mà đời đem lại cho mình.
Đọc bài thơ ta thấy nỗi buồn ập đến nhưng ta cũng thấy hình như tri thức mình bay cao lên, đến một miền có lẽ là chân lý./.
                                                         
 
 
 
 

  Trở lại chuyên mục của : Châu Thạch