CHÂU THẠCH



Đọc Thơ Của tác Giả VUA ĂN MÀY

 

Một hôm. Có một cái tên tôi không quen biết, có vẽ ngỗ ngáo, nhảy vào like bài viết của tôi: Vua Ăn Mày. Cảm thấy hơi lạ với Vua Ăn Mày. tôi bèn mở dòng thời gian facebook của nhân vật nầy xem thử. Hình ảnh đại diện là một thư sinh rất trẻ tuổi, đẹp trai. Bài thơ đăng cùng với ảnh tác giả làm tôi mê ngay. Đầu đề của bài thơ là “Dưới Áng Phù vân” gồm 24 câu thơ già dặn. Tôi chọn 10 câu trong bài, xin giữ lại 14 câu làm bí mật, hầu khuyến dụ bạn đọc tìm mà thưởng thức toàn bài:
 
              Tháng giêng qua phố ta tìm bạn
               Giẩm nát hoang tàn dưới gót chân
            …Nhà bạn nằm sau am cổ tự
            …Dưới áng phù vân tựa niết bàn
            …Bạn gởi tâm tình trong tĩnh lặng
            …Ta thề yêu quý đến thiên thu
            …Giật mình chợt nhớ ta lưu lạc
               Trong chốn hoang tàn của thế nhân
               Nhặt ánh tà dương sau hốc đá
               Khóc mình dang dở chiếc môi hôn
                                (Dưới Áng Phù vân)

Đọc bài nầy tôi nhớ ngay đến “ Chuyện Lan Và Điệp” của Nguyễn Công Hoan, đến “Hồn Bướm mơ Tiên” của Thế Lữ được viết lại dưới hình thức thơ ngắn, gọn, xúc tích và lãng mạn. Thật ra truyện và thơ viết về tình yêu với tu sĩ đã có rât nhiều. Thế nhưng đọc bài thơ nầy ta cảm nhận trong đó hình bóng cổ tích và thời nay, liêu trai và đời thực như hòa lẫn trong nhau.Thi vị đậm đà của bài thơ  lôi cuốn tâm hồn ta đi vào trong một khung cảnh tỉnh lặng với một đam mê khám phá sự kín nhiệm của cảnh vật và tâm hồn trong thơ và trong cuộc tình lạ ấy.
Tiếp đó tôi độc bài thơ “Em Có chịu Không” của Vua Ăn mày. Bài thơ thật là trẻ trung với nhưng ý thơ độc đáo. Bài thơ có 16 câu, tôi cũng mạo muội ngắt bớt 8 câu cho ngắn lại:
 
             Em có chịu theo ta về quê ngoại
             Cơ đồ nầy bỏ lại cho đàn em
             Chuyện  ngàn năm cứ để ngàn năm vậy
             Chuyện bây giờ, em có thích ta không
          …Theo ta nhé ngồi bên bờ suối lạnh
             Xem mây bay và cá lội dưới khe
             Khi ngẫu hứng khều nhau cười một cái
             Thuở Địa Đàng chưa biết lá cây che.
                     ( Em có chịu không)

 
Bài thơ như lời đùa cợt của một chàng thanh niên ghẹo gái, thế nhưng nó êm ái mượt mà đến lạ, càng đọc càng thấy có cái gì đi vào lòng ta vừa cao thượng, vừa ngông nghênh vừa ngộ nghĩnh mà lại vừa thấm thía thiết tha đến vô cùng. Hai câu thơ“Chuyện ngàn năm cứ để ngàn năm vậy/Chuyện bây giờ em có thích ta không” như một lời ca dao gợi tình  dí dỏm tuyệt hay, Hai câu thơ “Khi ngẫu hứng khều nhau cười một cái/ Thuở Địa Đàng chưa biết lá cây che” nhắc lại tình yêu của A-Đam và Ê-Va thời kỳ chưa ăn trái cấm, chưa phạm tội, như một tứ thơ mới lạ chưa ai  từng dùng  để dẩn ý đến một thời tình yêu tinh khiết, trong lành và mộc mạc đến vô cùng. Cái cụm từ “khều nhau cười một cái” nó làm tâm hồn ta sảng khoái đến quên hết mọi nỗi buồn, trẻ trung trở lại như thuở thanh xuân.
Đọc thơ Vua Ăn Mày, đến sự chết cũng nhẹ nhàng và ngộ nghĩnh. Lời thơ  của Vua Ăn mày như một sự đùa cợt nhưng ngập tràn vẻ đẹp của hoa, ngạo nghễ hào khí của hảo hán, hào sảng  của một tay ăn chơi sành điệu và si tình cả đến phút lâm chung:
          
           Khi ta chết liệm ta bằng hoa cúc
           Bằng hoa mai, và những cánh hoa cà
           Hoa cúc trắng, mai thì vàng năm cánh
           Cánh hoa cà, màu tím áo em ta
 
            Khi ta chết, liệm ta dăm lít rượu
            Đừng đổ bia, bia lạc quá không ngon
            Đừng rượu ngoại, nhiều tiền nhưng vị lạ
            Rượu quê mình: rượu đế gạo nàng thơm
 
           Khi ta chết, mua nhiều hình gái đẹp
           Chất cao đầy kín mít cỗ áo quan
           Ta thich nhất là những cô gái Việt
           Tóc ngắn, tóc dài, tóc đuỗi, tóc quăn
 
            Khi ta chết, xin mùa thu chiếc lá
            Trãi lưng nằm thêm một tối nay thôi
            Và em nữa, giữa đêm trường trăng mật
            Hôn môi người nhớ hộ một làn hơi…
                           ( Di chúc)

Tác giả thật khôn khéo vô cùng khi đưa khổ chót vào bài thơ. Với bốn câu thơ cuối, nó hóa giãi tất cả những lời thơ như đùa ở trên, nó như chiếc đầu tàu đẩy tất cả những toa thơ đi vào trong thung lũng tình yêu đầy màu sắc, và nó biến bài thơ thành chan chứa tình yêu.
Thơ Vua Ăn Mày còn có cái khẩu khí anh hùng của kiếm sĩ trong truyện kiếm hiệp Kiêm Dung:
         
              Mai ta sẽ dắt em về sa mạc
              Thảo nguyên xanh trải mộng để ta nằm
               Mắt hờ nhắm, nét mày cong lá cỏ
               Đẹp mê hồn, em mặc áo thiên thanh
 
               Bờ vai mảnh thon mềm như ma mỵ
               Em, Linh San hay Nhậm Doanh  Doanh
               Ta dù luyện được khinh công tuyệt thế
               Cũng mọp quỳ trước chiếc môi xinh
                                 ( Rửa Tay Gác Kiếm)

 
Những bài thơ như thế nầy cho tâm hồn ta thư giãn, đưa tinh thần ta nằm duỗi thoải mái trên sa mạc của tưởng tượng và bên một nữ nhân tài sắc vẹn toàn  ta hình dung qua những pho truyện dày mà ta từng nghiền ngẫm. Đọc nó hình như ta nghe được trong ta có dòng máu nóng đang chảy nhưng chảy rất êm đềm.
Tôi đã từng say mê với thơ uống rượu của Kha Tiệm Ly, Hoàng Anh 79, Đặng Xuân Xuyến và Khúc Thụy Du..v v. Nay tôi lại khám phá thêm một người uống rượu lạ nữa, chỉ thích độc ẩm mà thôi:
 
                    Dự là sẽ rũ nỗi buồn làm bạn
                    Nhưng ta già, sợ chẳng bén duyên nhau
                    Buồn nhí nhảnh với muôn vàn biến ảo
                    Ta cỗi cằn chỉ có mỗi hanh hao
 
                     Dự sẽ rũ màng đêm làm bạn
                     Nhưng mà đêm không đủ độ dai bền
                     Ta thức đếm giọt sương mềm trên lá
                     Đêm vô tình trốn chạy tiếng chim buông
 
                     Dự là sẽ rũ em về làm bạn
                     Nhưng girl xinh thì lại chẳng chung tình
                     Ta mềm yếu, biết đấu chừng tuyệt vọng
                     Ngồi nhớ em, nước mắt lại lưng tròng
 
                      Thôi ta cứ ở bên đời đôc ẩm
                      Cảm xúc gì rượu cũng sẽ chia thôi
                      Rượu làm máu cả đời nuôi ước mộng
                      Mai lìa đời: ly rượu cũng chia phôi!
                                    ( Bạn Rượu)

Khác với những bài thơ uống rượu khác, Vua Ăn Mày uống rượu không túy lúy đến độ nghiêng cả đất trời. Phong cách uống rượu của Vua Ăn mày thâm thúy như uống trà. Nhà thơ vừa uống rượu một mình,  vừa thưởng thức cảnh vật, vừa  chiêm nghiệm sự đời và lý giải tình yêu. Rượu với Vua Ăn Mày không phải dùng để giải sầu mà thật sự là một người bạn, một tri kỷ để tri âm nhau suốt cả cuộc đời. Cho đến khi lìa đời cũng được cúng một ly rượu để chia phôi. Bài thơ như một triết lý sống với rượu, nhân cách hóa rượu và nâng tầm uống rượu lên mức thanh thoát, không là tiên nhưng  xa lìa những cơn say đôi khi làm hư hỏng con người.
 
  Thật tình thơ Vua Ăn mày càng đọc càng thích, bài nào cũng có sắc thái lạ, môi miệng như đùa cợt nhưng  ý nghĩa thật hay. Mỗi bài thơ của Vua Ăn Mày đều kích thích ta một khoái cảm khó định nghĩa khi đọc nó, bởi vì hình như Vua Ăn Mày chơi thơ như một cầu thủ đá banh hay, tung banh lên  trời rồi dẫn banh đi luyến láy, khiến cho banh Lúc bấy giờ thành một đóa hoa bay để cho thiên hạ reo hò cổ vũ.  Ai chưa tin hãy vào dòng thời gian facebook của Vua Ăn mày mà đọc ./.



  Trở lại chuyên mục của : Châu Thạch