CHÂU THẠCH
 
 
Hai Cái Khùng Đẹp Gặp Nhau!
                 Tản Mạn
 
      Thơ là gì nhỉ? Có rất nhiều định nghĩa về thơ nhưng chưa có ai định nghĩa thật đúng về thơ. Châu Thạch cũng học đòi dịnh nghĩa thơ theo ý riêng của mình. Thơ đối với tôi là cái đẹp. Những bài viết ra có vần có điệu thực chất nó không phải là thơ, nó chỉ diễn tả cái đẹp và chính cái đẹp mà nó diễn tả mới là thơ.  Như vậy thơ là bông hoa, là cánh bướm, là bầu trời, là tâm hồn con người, là tất cả cái gì trên thế gian nầy làm cho con người cảm động và khen ngợi, kể cả thứ tầm thường, nhỏ nhất như tấm ảnh của một ai kía, được chụp trong một cơ duyên nào đó.
 
     Sáng hôm nay tôi đã thưởng thức thơ như vậy trong một tấm ảnh chụp hai người bạn tôi. Một người là nhà thơ đã có danh: Lê Thiên Minh Khoa. Người  kia chưa phải nhà thơ và chưa có danh gì giữa cuộc đời: một phụ nữ có tên facebook To Doan. Họ chụp chung một tấm hình ngồi trên ghế đá ở một công viên nào đó tại thành phố Vũng Tàu. Nhìn hình tôi nghĩ, họ là hai bài thơ ngồi với nhau tạo nên một bài thơ khác. Bài thơ khác là tấm hình thật đẹp, đã khơi động thơ trong tâm hồn tôi cảm xúc.
 
     Tôi dùng cụm từ “Hai cái khùng” để nói về hai người ấy không biết có làm họ nổi giận không. Có lẽ tôi thêm chữ “đẹp” phía sau sẽ làm cho họ không nổi nóng được. Nhà thơ Bùi Giáng được đời gọi là điên. Chính cái điên của ông đã được đời tôn vinh ca tụng, biến ông thành thần tượng thi nhân. Vậy khùng có chi mà phải bất bình, vì khùng nhẹ hơn điên, vì khùng đây là khùng đẹp thì cũng là thơ, thì cũng được đời yêu mến. Những cặp tình nhân họ cũng thường gọi nhau là khùng đó vậy! 
 
     Bây giờ nói về khùng của Lê Thiên Minh Khoa:
 
     Trước đây Châu Thạch có viết bài “Thơ Ngắn Lạ Đời Của Lê Thiên Minh Khoa” đăng trên nhiều trang web. Trong bài viết đó tôi có viết về Khoa như sau: “Với tôi, Lê thiên Minh Khoa là nhà thơ lạ đời. Khoa lạ đời ở chổ có mái tóc bồng bềnh trên khuôn mặt toàn xương mà nhìn vào thấy ngay mình rất dễ làm thân, lại có giọng nói ngập ngừng… mà nghe thấy hay như những bài thơ”.  Bình bài thơ “Lên Cơn” của Lê Thiên Minh Khoa tôi đã viết: “Đọc bài thơ ta thấy chất nghệ sĩ khùng khùng thật đáng yêu, và trong ta biết bao xao xuyến trong lòng  khi liên tưởng cuốn phim quay cảnh đi, về của anh người rừng làm thi sĩ đang yêu”. Bài thơ ấy như sau:
 
                    Từ trong góc núi lên cơn
                    Về góc phố hỏi em còn đó chăng
                     Ngó lên ngó xuống ngó quanh
                     Uống ly đen nóng lại băng về rừng
                     Hôm sau thèm được lên cơn
                     Về góc phố hỏi còn không cô nàng…
 
     Vậy ai muốn biết kỷ hơn cái khùng của Khoa thì tìm bài viết nói trên mà đọc.
 
     Bây giờ xin bàn thêm về Khoa một chút:
 
     Lê Thiên Minh Khoa bộc bạch cái khùng của mình:
                
                  Ta giờ nửa phật nửa ma
                  Đành xin hẹn để ta bà với em
                  Ru rồi, ru nữa, ru thêm
                  Ru thênh thang tóc ê hèm trắng phau
                        (Đùa với nhà thơ Quảng Trị)
 
     Nửa Phật nửa ma thì đã nghi là khùng rồi, lại hẹn em ở cõi ta bà để ru nhiều như thế thì không khùng mới lạ, có thể là gọi là điên như Bùi Giáng nữa kia.
             
                    Đi dọc rồi lại đi ngang
                    Đi lên đi xuống đi làn nhàn chơi
                    Bỗng người lạ mặt quàng vai
                    Thì ra tôi gặp thằng tôi ấy mà?
                            (ĐI…)
     Không khùng nặng thì đi lang thang làm gì nhiều thế? Không khùng nặng mà lại thấy ảo tưởng mình ôm vai mình à?
 
                     Ta ra giữa phố la làng
                     Từ trên hoang phế lạc đàng xuống đây…
                      Đi từ cõi giữa bao vây
                      Trở về như thể ngây ngây tà tà…
 
     Thế thì hết chối rồi nhé! La làng giữa phố, ngây ngây tà tà chính là khùng chính hiệu.
 
     Bây giờ nói về khùng của To Doan:
 
     Trước đây tôi có viết bài “Đọc Truyện Đời Tôi của Nguyên Thị Ngọc Diệp”. Nguyễn Thị Ngọc Diệp là tên thật của To Doan. Trong bài viết ấy có một đoạn như sau: “Bằng những lời văn không chuyên, lối văn chấm, phết, sắp xép câu từ không đúng cú pháp nhưng vẫn trôi chảy, mạch lạc, tác giả đã cuống hút người đọc say mê theo dõi câu chuyện, gây cảm xúc cho nhiều người phải rơi lệ. Nếu không nói quá thì một cách vô thức, Nguyễn Thi Ngọc Diệp đã tạo ra một phong cách viết độc đáo mà các nhà văn chuyên nghiệp cũng khó mà làm được như thế.”
 
     Hồi ký “Chuyện Đời Tôi”của Nguyễn Thị Ngọc Diệp đã làm rơi nước mắt của không biết bao nhiêu bạn facebook. Ai đọc chắc cũng thấy cái khùng của một con bé rất nghèo, 1o tuổi còn ở truồng, với những trò chơi nghịch ngợm cùng chàng trai yêu bé đơn phương. Lớn lên cô bé ấy cũmg khùng nên mới không biết một chữ a,b tiếng việt mà học được rành tiếng nước Đức, rồi trở thành một y tá đa tài của ngành y khoa nước họ. Thế nhưng cái khùng của Nguyễn Thị Ngọc Diệp là cái khùng của một tâm hồn vô  tư chất phát, của bản năng vươn lên để sinh tồn. Nghịch cảnh của cuộc đời xảy ra cho một tâm hồn chơn chất đã tạo nên cái khùng đáng yêu và cao thượng. Vậy ai muốn biết cái khùng của cô bé nhà quê ấy nó đẹp ra sao xin mời vào dòng thời gian facebook có tên To Doan mà đọc.
 
     To Doan tìm đến những người bạn như Lê Thiên Minh Khoa để những ngọn đèn sáng khác màu làm lung linh cuộc sống! Thế nhưng, tuy khác nhau về mọi mặt, chẳng phải To Doan không có gì giống Lê Thiên Minh Khoa. Họ ở xa ngàn dặm mà tìm đến nhau thì không tri kỷ cũng là tri âm. Nếu họ không có cái khùng tương ứng thì họ không gặp nhau rồi. Hãy đọc một vài câu cảm tác của To Doan, một phụ nứ chưa biết làm thơ. Đây chỉ là những cảm tác mà tác gỉả nói ra bất ngờ, chỉ để gởi đến bạn bè trên trang facebook:
 
     Khi đứng bên vách đá:
                           
                               Chỉ cần gần đá
                               Đã thấy cứng như đá.
                               Hãy tin vào chính mình.
                               Không tin lời lẽ ngọt ngào.

 
Nhờ đá mới tin vào mình phải chăng là cái khùng ý vị?
 
Nơi thâm sơn cùng cốc:
                                              Rất hạnh phúc nơi này.
                                              Nơi mà em đã tìm kiếm bấy lâu nay...
                                              Danh lam thắng cảnh là đây...
                                              Chỉ một mái tôn và vách ván

                                              Lổ đổ mục theo thời gian.
 
     Cái khùng vì trốn phồn hoa để tìm kiếm mình nơi rừng rú.
 
     Ca hát viễn vông:
 
                             Cô gái quê lê thê đếm bước.
                             Cô gái quê tha thiết mộng ban đầu.
                             Cô gái quê ngỡ ngàng khi vỡ mộng.
                             Cô gái quê trân trọng câu duyên thề.
                             Và từ đó cô gái quê chỉ muốn về quê.
                              Quên câu thề,quên người đã hứa.
                              Quên phổ phường quên hết giàu sang.
                              Mang tâm hồn quê mùa chất phát

                              Về quê ta hát ta hò đồng xanh gốc rạ con cò bay bay.
 
     Hãy tưởng tượng một cô gái áo quần bạc thếch, tay cầm một nhánh cây vừa đi vừa hát, sẽ thấy ngay một hình ảnh khùng hiện ra trước mắt.
 
     Ở Guten Morgen:
                                        Bình minh quê em...
                                        Một sáng mùa thu..
                                        Không có sương mù
                                        Không có anh bên em..

 
     Bài nầy có khùng không? Chưa biết làm thơ mà ghép vần một bài tứ  tuyệt hay đến thế thì chắc chỉ khi khùng lên mới nói được.
 
     Và đây là khùng thật sự, đem mình so với bò:
                                      
                                        Bò quê có vợ có chồng.
                                        Em đây còn mãi độc thân quớ trời.
                                        Bởi anh lỗi hẹn đó thôi...
                                        Hay em xấu xí nên anh không thèm...

 
     Người viết bài nầy chỉ cảm xúc tấm ảnh bạn mình chụp với nhau mà nói lang mang dài dòng. Tất nhiên hai người họ không khùng, vì nếu họ khùng thì tôi mới chính là người khùng trước, bởi có khùng mới đi tôn vinh người khùng thế ấy. Gọi họ là khùng vì tính chất của họ đẹp hơn người thường. Thật ra, tôi yêu mến họ vì thật sự họ là hai tâm hồn nghệ sĩ. Thơ văn của họ hay, hay dỡ thì tùy theo nhận xét của mỗi người, nhưng tánh lãng mạn, nghệ sĩ  trong nép sông của họ thì không chê trách được, như một bài thơ hay  để đời thưởng thức.
 
     Cuối cùng tôi thành thật xin lỗi những ai không đồng tình với bài viết của tôi. Đời không có cái gì như ý cho tất cả mọi người./.
                                       Châu Thạch
 
           
                                 
                                         
 
     



 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 


  Trở lại chuyên mục của : Châu Thạch