CHÂU THẠCH


 
THÚY KIỀU Đàn 4 Lần
Qua Thơ Đường Luật Của
HỒ VĂN CHI
  
 Tản mạn 

 
     Xưa có câu “Thi trung hữu nhạc” (trong thơ có nhạc). Cụ Nguyễn Du đã lấy thơ tả nhạc, đã viết về tiếng đàn của Thuý Kiều với rất nhiều cung bậc cảm xúc, lay động lòng người. Trong truyện Thúy Kiều, thật sự Kiều phải gảy đàn tám lần tất cả. Thế nhưng có bốn lần tiếng đàn Kiều được mô tả kỷ, gây nhiều ấn tượng khi ta đọc thơ.
 
    Hồi  còn sống, cụ Nguyễn Du, hiệu là Thanh Hiên, tên tự là Tố Như đã viết “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” nghĩa là “Ba trăm năm nữa ta đâu biết?/ Thiên hạ ai người khóc Tố Như”. Thế nhưng, mới 200 năm thôi, người khóc Tố Như thì không thấy, mà người tôn vinh ca tụng Tố Như thì rất nhiều trên đất. Trong số đó, có một nhà thơ tên Hồ Văn Chi đã có những cảm xúc vô vàn với truyện Kiều của cụ, đã trở thành niềm say mê mãnh liệt đeo đẳng, đánh thức nơi ông niềm  khao khát sáng tác cho Truyện Kiều để tôn vinh Tốn Như . Từ đó Hồ Văn Chi đã sáng tác ra tác phảm “Đọc Kiều” gồm 100 bài thơ theo thể Đường Luật. Trong khuôn khổ bài viết nầy tôi chí xin giới thiệu 4 bài thơ Hồ Văn Chi đã cảm tác cho 4 lần Thúy kiều đánh đàn mà Nguyễn Du mô tả trong kiệt tác văn học của mình.
 
    Lần thứ nhất, Kiều đàn khi băng qua nhà Kim Trọng. Kim Trọng tự tay cầm cây đàn “Cầm Trăng”, dâng đàn lên ngang mày rất trân trọng, rồi đưa đàn cho Thúy Kiều khảy để mình nghe:
 
Rằng nghe nổi tiếng cầm đài
Nước non luống những lắng tai chung kỳ
Thưa rằng: “Tiện kỹ sá chi
Đã lòng dạy đến, dạy thì phải vâng”
Hiên sau treo sẳn cầm trăng
Vội vàng sinh đã tay nâng ngang mày.
 
Khúc nhạc đầu của thiên truyện được cụ Nguyễn Du mô tả như sau :
 
.. Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời.
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.
Ngọn đèn khi tỏ khi mờ,
Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu.
Khi tựa gối khi cúi đầu.
Khi vò chín khúc khi chau đôi mày...
 
     Nhà thơ Hồ Văn Chi đã cảm tác tiếng đàn lần thứ nhất  của Thúy kiều  qua bài thơ sau đây:
 
                  Kiều Đàn Lần Thứ Nhất
                 
                   So dần dây vũ với dây văn
                  Trầm bổng cung thương thánh thót vần
                   Hán Sở tranh hùng, tàn cốt nhục
                   Chiêu Quân Luyến chúa, xót tình nhân
                   Trong như hạc gọi…bầy xa vợi
                   Đục tợ mưa sa…suối đỏ dần
                   Tựa gối, cúi đầu, vò chín khúc…
                   Đoạn trường điềm báo…não nùng thân!
                             Hồ Văn Chi
                   
     Lần thứ hai Thúy Kiều đàn cho Hoạn Thư và Thúc Sinh nghe. Khi đó, Thuý Kiều bị Hoạn Thư bắt về làm con hầu và sai nàng phải đàn cho mình nghe: "Trúc tơ hỏi đến nghề chơi mọi ngày/ Lĩnh lời nàng mới lựa dây". Tiếng đàn của Kiều lúc bấy giờ ai oán:
 
Bốn dây như khóc như than
Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng
Cùng trong một tiếng tơ đồng
Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm
Giọt châu lã chã khôn cầm
Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt Tương
 
      Nhà thơ Hồ Văn Chi đã cảm tác tiếng đàn lần thứ hai của Thúy Kiều như sau:
 
                    Kiều Đàn Lần Thứ Hai
 
             Bốn dây nhứ oán lại như than
             Giot đắng dòng cay quyện tiếng đàn
             Lả chả hàng châu rầu tắc dạ
             Bần thần vẻ mắt thắt buồng gan
             Người cười nụ bởi…hay màng kịch
             Kẻ khóc thầm do…xót nỗi nàng
             Một tiếng tơ đồng phân hỷ nộ
             Bi, hài có lẻ nhất trần gian!
                          Hồ Văn Chi
 
     Và đây là khúc thứ ba, Kiều hầu đàn cho Hồ Tôn Hiến. Hồ Tôn Hiến sau khi phục binh giết được Từ Hải thì mở tiệc mừng chiến thắng và ép Thuý Kiều gãy đàn giúp vui trong buổi tiệc: "Dở say lại ép cung đàn nhặt tâu". Khúc đàn nầy Thúy Kiều đàn trong đau đớn:
 
Một cung gió thảm mưa sầu
Bốn dây rỏ máu năm đầu ngón tay
Ve ngâm vượn hót nào tày
Lọt tay Hồ cũng nhăn mày rơi châu
 
     Nhà thơ Hồ Văn Chi đã cảm tác tiếng đàn lần thứ ba của Thúy kiều như sau:
 
                    Kiều Đàn Lần Thứ Ba
 
               Hồ Công thị yến thưởng quân quan
               Lệnh bắt nàng dâng mấy bản đàn
               Vượn hót ve ngâm…dây máu đỏ
               Mưa sầu gió thảm…mặt châu chan
               Lòng tang quặn thắt bao chua xót
               Mặt sắt đần ngây bất bẽ bàng
               Người nát buồng tim ôm mối hận
               Kẻ cười khoái trá thỏa mưu gian!
                                  Hồ Văn Chi
 
     Lần thứ bốn, Thuý Kiều đàn cho Kim Trọng nghe lúc hai bên tái ngộ đoàn viên, "Phím đàn dìu dặt tay tiên/ Khói trầm cao thấp tiếng huyền gần xa".
Cũng là người đàn ấy, cũng là người nghe ấy, nhưng mười lăm năm sau vật đổi sao dời, khúc đàn thứ tư vẫn hay nhưng đã khác xưa rất nhiều:
 
Khúc đâu đầm ấm dương hòa
Ấy là hồ điệp hay là Trang Sinh
Khúc đâu êm ái xuân tình
Ấy hồn Thục Đế hay mình đỗ quyên
Trong sao châu dỏ duềnh quyên
Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông
Lọt tai nghe suốt năm cung
Tiếng nào là chẳng não nùng xôn xao
 
     Nhà thơ Hồ Văn Chi đã cảm tác tiếng đàn lần thứ tư của Thúy Kiều như sau:
 
                    Kiều Đàn Lần Thứ Tư
 
                 Nhớ ngón đàn xưa lại  ngỏ lời
                 Nể tình, nàng gảy mấy chương chơi
                 Trang Sinh – Hồ Điệp…mơ hình bướm
                 Thục Đế - Đỗ Quyên…lánh sự đời
                 Trước thảm sầu vì…lo mệnh bạc
                 Giờ vui vưi vầy bởi…được tâm thơi
                 Đoạn trường bản ấy từ nay dứt
                 Hỷ nộ tùy duyên, mệnh tại trời!
                                  Hồ Văn Chi
 
      Theo giáo sư Trần Văn Khê , Thuý Kiều đã xử dụng cây đàn Nguyễn Tỳ Bà tên thật là Nguyễn Cầm, có thùng đàn tròn như Mặt trăng và có 4 dây,
Bốn lần Kiều đàn ở bốn hoàn cảnh, tâm trạng khác nhau, nhưng đều hay như nhau, yêu đương và đau khổ.
 
     Đọc những vần thơ lục bát của Nguyễn Du  tả Thúy Kiều đánh đàn, không ai không cảm nhận sự tuyệt vời của nó.  Thế nhưng, để thẩm thấu cái hay của nó vào tâm hồn, không phải ai cũng hiểu hết. Bốn bài thơ cảm tác của nhà thơ Hồ Văn Chi cho ta biết thêm những ẩn chứa trong tiếng đàn của Thúy Kiều,  như ngọn đèn soi thêm vào những ngóc ngách của hang động hóa thạch, để ta nhìn thấy thêm thứ ánh sáng lung linh mà ánh mặt trời không chiếu tới. Thơ Hồ Văn Chi đủ sự lôi cuốn mời gọi,  khiến cho ta dừng lại lâu hơn, cho ta thưởng thức nhiều hơn những đoạn thơ lý thú mà nhà thơ Nguyễn Du, bằng tuyệt tác văn chương, đã hiển thi trên sân khấu của Truyện Kiều, trong tập cảo thơm của mình.
 
    Nếu còn có dip, tôi sẽ viết, để phân tích kỷ hơn về những bài thơ Đường Luật trên,  mà Hồ Văn Chi đã sáng tạo trong một thể thơ xưa và khó, nhưng âm vọng của nó, không khác xa mấy với tiếng đàn của Thúy Kiều  mà Nguyễn Du đã tả ./,
                                    Châu Thạch
 
 


  Trở lại chuyên mục của : Châu Thạch