ĐÀM LAN
Án Không Tuyên
Truyện Ngắn
Ông Thuận Nghĩa bước vào nhà, vẻ mặt bơ phờ mệt mỏi chán nản, quẳng cái mũ lên bàn, ông thả phịch người xuống chiếc ghế. Ông ngồi dựa người, tựa đầu lên thành ghế, đôi mắt ngước ngược trần nhà, hai tay buông thõng, hơi thở liên tục dài thườn thuợt, và rồi từ khoé mắt ông rấn ra ánh nước. Bà Thuận Nghĩa từ nhà dưới đi lên, nhìn thấy ông trong trạng thái đó, bà đoán hiểu việc gì đã xảy đến với ông, bà dừng chân, nhìn ông và cũng thở ra một hơi dài rồi lặng lẽ quay trở xuống. Xuồng đến bếp, bà không cầm nổi nỗi cay nhức trào lên trong lòng, bà gục đầu vào chiếc tủ lạnh, hai bờ vai rung lên rung lên. Gần một năm nay, gia đình bà rơi vào một thảm trạng, từ sau cái ngày ác nghiệt ấy. Bà thốt lên não nề trong tiếng nấc “Con ơi”. Tiếng xèo xèo của nồi canh hầm trào ra trên bếp khiến bà sực tỉnh, một tay quệt vội hai mắt, một tay nhấc cái nắp vung, nóng quá làm bà suýt làm rơi cái nắp. Nhìn nồi canh bà lại khóc. Đây là món cậu con trai bà rất thích.Án Không Tuyên
Truyện Ngắn
Hồng Thuỷ chạy thẳng cái xe vào góc sân, cô không kịp thắc mắc vì sao hôm nay cổng lại mở sẵn, thường ngày cô về hay phải đợi mẹ cô ra mở cổng. Gạt chống xong, cô bước vội vào nhà, không nhìn thấy ba cô đang ngồi ở ghế, cô bước những bước chân cồm cộp về phòng, biểu hiện một trạng thái đang hết sức giận dữ. Đóng cửa phòng rồi, cô nằm úp lên giường bật khóc. Những thanh âm tức tưởi bùng bục trong cổ họng, không phải chỉ đến hôm nay cơn giận này mới xuất hiện, nó đã âm ỉ từ lâu, nhưng cô không được phép cho nó lộ ra mặt, cô vẫn cứ phải đè nén nó trong những cái cười, lời nói vui vẻ nhẹ nhàng, trong những tập hồ sơ cô cần mẫn hoàn thành mỗi ngày. Cô không thể để lộ vì không có lý do chính đáng cho nó lộ ra, vì những gì xào xạc chung quanh đã lẩn rất nhanh khi cô xuất hiện, cho dù chỉ với sự nhạy cảm, cô cũng đã nghe được, đọc được qua những ánh mắt vội vàng lảng tránh, qua những hành vi khoả lấp miễn cưỡng. Cô không được để lộ vì cô hiểu rõ nguồn cơn của những biểu hiện đó. Ban đầu cô ấm ức và cố lắng mình chịu đựng, vì nghĩ rằng người ta cũng không phải vô cớ mà xử sự như thế. Những cảm nhận mơ hồ ấy rõ dần, và một vài người không cần phải giữ ý khi có những tranh cạnh ngấm ngầm với cô trong công việc, họ xa xôi bóng gió, họ mập mờ cạnh khoé. Cô có phải con ngốc đâu mà không hiểu. Hiểu nhưng vẫn cứ phải tỏ ra không hiểu. ức nhưng vẫn cứ phải hoà hoãn tươi tỉnh. Nhưng hôm nay thì mọi sự đã vỡ bung ra rồi. Khi người ta ném thẳng vào mặt cô những lời cay nghiệt, và cô không phản kháng được gì cho dù gốc gác sự thể không phải là lỗi của cô. Cô bỗng bật dậy, hai con mắt nhoè nhoẹt trừng trừng vào khoảng không, và cô nảy ra một quyết định. Cô quả quyết với quyết định ấy bằng những cái quẹt mắt thật nhanh, ngay lập tức cô ngồi vào bàn lấy giấy bút hý hoáy những dòng chữ.
Thuận Nhiên bước vào nhà, hơi khựng lại một chút khi nhìn thấy ba mình, cậu cất tiếng :
- Thưa ba con đi học về.
Ông Thuận Nghĩa như sực tỉnh, hơi ngọ nguậy, khẽ gật đầu rồi nhìn theo vóc dáng mảnh khảnh của cậu con trai, cậu lâu nay trở nên ít nói hẳn, không tí toét đùa cha giỡn mẹ, chọc phá anh chị nữa. Ngày trước, cứ thấy mặt cậu về nhà, là không khí gia đình khác hẳn, ôn ào náo nhiệt hơn, vì tiếng cười, tiếng cãi vã châm chọc, tiếng quan toà bất đắc dĩ phải phân xử, những sự phân xử hầu như không chấm dứt cho đến bữa cơm. Vậy mà những thanh âm ấy đã vắng dần đi tự lúc nào. Thay và đó là một sự lặng lẽ, và ánh nhìn ngơ ngác mênh mang trong mắt một cậu trai đang thời sôi nổi. Không phải chỉ ở nhà, mà cả ở trường, chính sự tác động nơi đây đã làm nên sự thay đổi ấy. Đầu tiên là những tiếng xầm xì từng tốp bạn nhỏ to, và vội vàng lảng tránh khi cậu đến gần, tiếp đến là những rụt rè có phần như sợ sệt khi có việc gì cần trao đổi với cậu, sau nữa là một cuộc họp ngắn trong đội bóng đá của trường, với biểu quyết khá cao chuyển cậu từ vị trí tiền đạo xuống hậu vệ cánh, sau nữa thì thời gian cậu ngồi trên ghế dự bị nhiều hơn. Trong bộ óc non nớt vô tư của cậu thì cần có thêm thời gian để hiểu vì sao lại thế. Cho dù câu chuyện xảy ra trong gia đình cậu cũng đã làm cậu chênh vênh mất tự tin vài phần. Và mọi sự trở nên rõ ràng hơn, khi một lần va chạm với cầu thủ đội bạn, có ai đó hét bảo cầu thủ kia là tránh xa cậu ngay kẻo…Cậu rời khỏi đội bóng ngay hôm ấy, và cảm nhận rõ hơn thái độ của bạn bè chung quanh, dù vẫn nhận được dăm cái vỗ vai, vài lời an ủi. Cùng với sự cảm nhận ấy là các điểm số cũng bắt đầu chệch choạc hơn. Cậu đã gây sự chú ý với thầy cô sau những buổi vắng mặt không phép. Có lẽ sẽ có một kết cục thực sự tồi tệ hơn thế, nếu mẹ cậu không nói một câu trong màn nước mắt nhoè nhoẹt “Con ơi, anh con đã vậy rồi, con mà bỏ học để thành một thằng như anh con nữa thì mẹ chết, mẹ cắn lưỡi mẹ chết ngay trước mắt con chứ mẹ không sống nổi trong sự nhục nhã đến tận cùng như vậy đâu con ạ, một mình anh con đã đủ dìm cái nhà này xuống bùn rồi, con phải cố gắng để cứu vãn lại chút danh dự cho mẹ cha chứ, mẹ xin con đấy con ơi.” Cùng một số động thái quan tâm của thầy cô mà cậu dần vững lại. Nhưng điều quan tâm nhất với cậu chỉ còn là những trang sách. Người lớn bảo nhau “Thôi được thế cũng là tốt lắm rồi, mong rằng thời gian…”
Bữa cơm diễn ra trong sự buồn tẻ nặng nề. Dường như mỗi người chỉ có mỗi một việc là chu cấp nhiên liệu cho cái dạ dày. Gần cuối bữa, ông Thuận Nghĩa mới chầm chậm nói :
-Tuần tới là đến ngày thăm nuôi nó phải không ?
-Ừ.
-Lần này ai đi, bà hay tôi ?
-Thôi để tôi đi, ông để thời gian mà lo công chuyện.
-Công chuyện. Còn được bao lâu nữa đâu.
-Thì ông cứ ráng đi, cầm cự qua đận này, dần dần người ta sẽ hiểu ra thôi mà. Không lẽ người đời không biết quên sao.
Ông Thuận Nghĩa thở dài buông đũa. Hồng Thuỷ nuốt xong miếng cơm, như cân nhắc chuyện gì, rồi nói :
-Ba má à, sắp tới con chuyển công tác.
-Chuyển công tác, con đi đâu ?
-Có lẽ ra miền Trung.
-Sao đi xa vậy ? Ờ mà…
Ông Thuận Nghĩa bỏ lửng câu nói, nó là con gái, nó nên đi xa khỏi chỗ này, may ra…nếu có cơ hội chắc ông cũng đi. Đi đến nơi chẳng ai biết mình, gây dựng lại có khi còn là hay, ở đây thế này, biết bao giờ…
Bà Thuận Nghĩa ngừng nhai, nhìn con với ánh nhìn khắc khoải :
-Con à đi xa một mình, con có tự lo liệu được không ?
-Được mà, má đừng lo, có cơ quan bố trí nơi chỗ rồi. Con phải đi.
Hồng Thuỷ ngừng ngang, cô không thể nói tiếp được điều cần nói. Cô nuốt ực một cái rồi tiếp :
-Tuần tới con đi với má nha.
-Thôi, con gái đừng nên đến chỗ đó, để má nói chuyện cho nó nghe là được rồi.
Thuận Nhiên bỏ bát đứng dậy đi vào phòng cầm ra một thứ :
-Má, má đem cái này vô cho ảnh nghe má.
-Cái gì vậy ? à, cục ru bich à, biết công an họ có cho đem vô không ?
-Thì má cứ đem đi, nếu họ không cho thì mang về.
-Không biết nó còn cần đến bao nhiêu cục ru bich ?
Cả nhà lại rơi vào im lặng. Bà Thuận Nghĩa cùng Hồng Thuỷ đứng lên dọn bàn. Tiếng lách cách bát đĩa va nhau cũng không làm thay đổi khoảng không yên lặng của gian phòng.
Thuận Kỷ ngồi chống cằm nhìn chăm chăm vào vách tường. Vách tường trước mắt không phải là một vách tường hiện hữu, mà nó như một cái màn ảnh rộng, nó đang trình chiếu một bộ phim dài tập chỉ dành cho một khán giả. Một khán giả đã từng là diễn viên chính của những thước phim. Những thước phim khá kịch tính, ào ạt như những con sóng lúc biển giông, hừng hực như những ngọn cuồng phong quét ngang khu rừng rào rào lá trút. Cảm giác vũ bão ấy sao mà sung sướng thế. Chỉ có điều, những con sóng ào ạt ấy, những ngọn cuồng phong vũ bão ấy đã cuốn đi chính cuộc đời của nhân vật chính. “Cha mẹ sinh con trời sinh tính”. Nếu không thế thì có cha mẹ nào muốn sinh ra một đứa con ngỗ ngược hoang đàng thích lập bè tụ đảng, thích vỗ ngực xưng anh hùng, thích đi đến đâu người ta phải dạt ra đến đó, thích làm những việc mà ai nghe cũng muốn tháo mồ hôi. Khổ cái, không muốn mà vẫn có, không muốn mà vẫn phải, không muốn mà vẫn cứ…Để rồi năm trầy bảy trật đâu đóng đó. Mẹ cha đền bồi chỗ nọ đắp bù chỗ kia mãi cũng đành buông tay. Cái gì có mở đầu thì cũng phải có kết thúc. Và cái kết cho những thước phim ấy là một căn phòng ẩm thấp, một nơi có hoàn cảnh sống hoàn toàn khác biệt, có một thứ rào cản gần như không thể bước qua, và nó gần như đóng lại hết mọi cánh cửa, để một con đài bàng gãy cánh ngồi gặm nhấm một thời và cắn đắng một đời. Nỗi chờ trông duy nhất là một tháng một lần được gặp bóng dáng một người. Một người mà sau mỗi lần gặp Thuận Kỷ có cảm giác cái lưng ấy khòng thêm một chút, cái cổ như ngấn đi một chút, và đôi mắt như mờ đi một chút. Đôi lần là một bóng dáng khác, khác về hình thái nhưng không khác mấy về thần sắc, chỉ có những câu hỏi là giống nhau, và cảm xúc để lại trong lòng cậu sau khi bóng dáng ấy khuất sau cánh cửa cũng giống nhau.
Bà Thuận Nghĩa khép nép ngồi vào hàng ghế chờ sau khi đã nộp tờ giấy vào một ô cửa nhỏ. Cùng hàng ghế chờ với bà là một dãy người nhiều cỡ tuổi, nhiều dáng vẻ, nhưng dường như ánh mắt thì như nhau. Có gì như ngơ ngác, có gì như ẩn chứa, có gì như lảng tránh, mặc dù biết rằng ai đến chốn này cũng có cùng một lý do, nhưng người ta vẫn cố lảng tránh, vẫn ngượng ngùng không dám hỏi chuyện nhau. Nhiều người nhưng không có không khi sôi nổi huyên náo hay ít nhất cũng tự nhiên cười nói như ở bối cảnh khác. Người ta dùng thời gian của sự chờ đợi bằng nhìn cái nhìn đồng hồ, bằng những chiếc điện thoại nhấp nháy những dòng tin nhắn, bằng những cái giật mình khi từ trong ô cửa phát ra tiếng kêu một cái tên. Cứ như là một thứ ý thức tôn trọng trật tự được nâng cao tột cùng vậy.Và rồi, không ai bảo ai, khi một cái tên được xướng lên thì một dáng đi vẻ khúm núm sợ sệt e dè lấm lét, cho dù chẳng phải là tên trộm cắp, nhưng trước màu áo đồng phục kia thì cứ thấy mình như một tên tội phạm vậy. Rồi những thứ đồ vật mang theo bị bày ra săm soi khám xét tất tật một cách đáng xấu hổ. Và cuộc gặp mặt giữa một người vừa đến và một kẻ mặc áo sọc, cũng không thể diễn ra trong một không gian riêng tư trước một cặp mắt và đôi tai trách vụ. Thế nhưng được thế đã là tốt, còn một số người thì nhếch nhải van xin, thiếu điều lạy lục, nhưng trước những cái lắc đầu lạnh lùng thì đành thất thểu mà ra về. Đó là khi, kẻ mặc áo sọc đằng sau bức tường kia bị phạt, hoặc bị chuyển đi nơi khác, hoặc đang bị thẩm tra. Thế cho nên cái sự chờ đợi ấy cứ như một chiếc dây đàn kéo căng, mà một tiếng động mạnh e cũng bị chạm đứt.
Bà Thuận Nghĩa chăm chú nhìn con, mắt rưng rưng, Thuận Kỷ cúi đầu tránh ánh mắt mẹ, cậu miết ngón tay xuống mặt bàn, cậu muốn hỏi thật nhiều, những câu hỏi mà khi đối diện với vách tường nó nảy ra hàng loạt, nhưng lúc này nó chạy mất tiêu đâu cả. Và rồi cũng như mọi lần, rốt cuộc cậu lại là người chỉ biết trả lời, những câu trả lời cụt lủn :
-Con có đau ốm gì không ?
-Không.
-Con có ăn được không ?
-Được.
-Có ai đánh con không ?
-Không
-Con có bị phạt không ?
-Không
-Đêm ngủ con có lạnh không ?
-Không
-Con đi lao động có vất vả lắm không ?
-Không.
-Con có thích cái gì không, lần sau vào mẹ đem vào cho.
Cậu im lặng. Thích ư ? Cậu thích nhiều thứ lắm, nhưng những điều cậu thích đâu thể lọt qua cánh cửa phòng giam. Bà Thuận Nghĩa cũng vừa nhận ra điều ấy, bà khẽ thở dài, đưa tay quệt mắt rồi nói cho cậu nghe những chuyện ở nhà. Bà nói nhiều, nhưng bà không thể nói cho cậu nghe rằng : Công ty của ba cậu đang trên đà phá sản, vì những đơn đặt hàng cứ giảm dần đi. Chị gái cậu thì phải tìm đến một nơi xa xôi để mong có một cuộc sống êm đẹp hơn, có một tương lai tốt lành hơn. Em trai cậu thì đã gần như mất đi cái hồn nhiên của lứa tuổi, nó đang dần trở thành một con người khác, ưu tư sầu muộn nhiều hơn, khép mình với xã hội nhiều hơn, và chẳng biết ngày sau rồi sẽ ra sao nữa. Bà cũng chẳng thể kể cho cậu nghe mỗi lúc đi chợ hay có việc ra ngoài với bà là cả một gánh nặng. Bà như nghe thấy hết những câu bàn soạn, những lời chỉ trích cho dù người ta vu vơ như thể là ai đâu xa lạ lắm. Bà không thể. Bà không thể nói với cậu rằng : Cái án chung thân của một kẻ sát nhân, không chỉ là cái giá phải trả cho chính thủ phạm, mà những người thân trong gia đình cậu cũng đang phải lãnh một cái án chung của cộng đồng mặc nhiên gán cho. Cái án tuy không được tuyên cáo tại phiên toà nhưng nó nặng nề, dai dẳng và cũng khốc liệt không kém.
Bà Thuận Nghĩa rời khỏi cánh cổng sắt có trạm gác bằng những bước đi thất thểu. Cái giỏ nhẹ tênh lúc lắc đong đưa. Cái nón úp sụp nửa mặt, che đôi dòng lệ lã chã. Nắng lưng chiều soi bóng người mẹ tội nghiệp liêu xiêu trên đường. Sẽ còn bao lần liêu xiêu thế nữa hỡi chiếc bóng đời ngả nghiêng