ĐÀM LAN


Cho Phép
Tản Mạn
 
          Trong một số chương trình ứng dụng trên mạng, ta thường gặp một cái bảng có hai khung chữ “Cho phép” và “chặn”. Là một số yêu cầu của ứng dụng đó đối với thông tin của ta. Thường thì ta hay chọn “Cho phép”, để tiếp tục, cũng nhiều khi, ta không chọn không được, ứng dụng sẽ dừng lại. Như vậy, “cho phép” ở đây là có điều kiện mang tính “Chủ quyền một cách áp đặt”.
         Xét trên bình diện rộng của cuộc sống, sẽ thấy rất nhiều “sự cho phép” khác.
Ví dụ “Cứ sai đi vì cuộc đời cho phép”, một cách nói như khuyến khích, rằng cứ mạnh dạn làm đi, sai thì sửa, nhưng lưu ý đây là cho phép sai có giới hạn, vì có những sai mang tính thử nghiệm đúc kết,còn kịp sửa, nhưng cũng có những sai hối hận cả đời không kéo lại được, hoặc sự đánh đổi là quá lớn. Đôi khi dùng nó như một sự bao biện cho những cái sai mà hoàn toàn không được phép sai, và cả biết sai nhưng vẫn cứ làm sai.
          Không phải cứ gật đầu hay lên tiếng đồng ý mới là cho phép, đôi khi tự bản thân vô tình hay hữu ý tạo ra một cảnh huống có thể nhã ý mà cũng có thể không rõ ràng, như một cách cho phép đối phương lấn thêm một bước. Rất nhiều khi kết quả hay hậu quả đã được đo lường trước nhưng vì một lý do bất đắc dĩ nào đó, người ta đành tặc lưỡi “cho phép” vậy.
         Người kia người nọ có lừa được ta hay không có xử tệ với ta được hay không, một phần cũng bởi ta cho phép họ bằng sự ngây ngô hoặc đặt niềm tin không đúng chỗ. Rất nhiều khi vì sự tin tưởng và chân thật, người ta bộc bạch hay chia sẻ những thông tin cá nhân, mà gặp phải những đối tượng bất hợp lý, dùng thông tin đó vào mục đích sai lệch, có nghĩa ta đã vô hình chung cho phép họ nhẩy xổ vào đời tư của ta mà xả rác.
         Hoặc trong những trường hợp mà lẽ ra phải lên tiếng vì sự công bằng hay phản ảnh những hành vi thiếu lành tính thiếu văn hóa, nhưng sự im lặng né tránh hay chưa hiểu rõ bản chất vấn đề đã a dua, đấy có thể xem như một sự dung túng cho phép cái sai và cái ác hoành hành.
         Phần lớn con người ta thường tự cho phép mình những hành động can thiệp chi phối thao túng rất sâu nhiều khi còn là thô bạo vô lý vào cuộc sống của nhiều người khác chỉ bằng tâm lý cái gì mình cũng đúng, nhất là khi người đó phải chịu ảnh hưởng nhất định với sự quyền khiến của mình.
          Khi còn nhỏ, mỗi người đều được học nhiều lần tính từ “cho phép” trong một hạn mục, nhưng khi dần lớn lên nghiễm nhiên mà sử dụng nó một cách khá tùy tiện vô thức và không phù hợp. Để rồi đẻ ra không biết bao nhiêu là đáng tiếc.


  Trở lại chuyên mục của : Đàm Lan