ĐÀM LAN


Chuyện Tình Của Hạ
Truyện Ngắn
 
 
         Cơn mưa xối xả suốt từ đầu giờ chiều, nó chỉ ngắt quãng trong một khoảng thời gian ngắn, rồi lại ấm ức tuôn không ngừng. Những con đường lõng bõng nước, nước duềnh lên khắp ngõ ngách, lềnh bềnh những thứ rác rưởi. Những chiếc xe may mắn còn động cơ xé làn nước thành nhiều mảnh, vuột đi vuột đi. Hạ khật khừ với cái xe chết máy. Chiếc áo mưa mỏng không đủ che chắn, khiến cô lạnh run với nước thấm vào người. Không còn cách nào khác, phải cố thôi. Hai cái bánh xe nhẫn nại quay từng vòng theo mỗi bước chân gắng gỏi của cô. Hai bàn chân dìm trong dòng nước đến ngang ống, dọ dẫm dọ dẫm. Những sợi tóc bết trên khuôn mặt tái mét. Cô run rẩy run rẩy…chiếc xe vẫn cố trôi đi.
-         Cô ơi ! cô mệt lắm rồi hả ? Có cố được không ?
         Câu nói vọng vào tai Hạ nghe lùng bùng sau lớp áo mưa. Hạ muốn trả lời nhưng miệng cô như cứng lại. Cô khựng lại, chiếc xe muốn chao về một bên. Nó kịp giữ lại được thăng bằng nhờ một đôi tay chụp vội. Đôi tay ấy nắm luôn tay lái kéo về phía mình.
-         Cô để tôi dắt cho. Gần đây có tiệm sửa xe.
         Một chút lo ngại khiến Hạ muốn giằng chiếc xe lại, nhưng sức lực cô không cho phép, cô đành níu tay vào càng xe bước theo. May cho cô, đó không phải là người cô đã sợ. Chiếc xe được tấp vào một bờ lề, trên bờ lề ấy cũng đã mấy chiếc chống chân chờ đến lượt. Chờ đến mấy cũng phải chờ thôi, biết làm gì hơn được nữa. Hạ bám lấy cái cột, cô chỉ muốn ngã ngồi xuống.
-         Cô sao thế ? Ôi, người lạnh ngắt thế này. Chị chủ nhà ơi, có chai
dầu không, cho tôi mượn đi. Cô này sắp ngất đến nơi rồi. Khổ vì mưa với gió.
-         Tôi…tôi không sao…
         Ngại ngùng, Hạ cố phềo phào.
-         Cô đừng ngại, xoa dầu vào cho nóng người lên, nhà cô ở đâu ?
-         Nhà em ở…
         Hạ không nói được hết câu, cô buông người xuống cái ghế, và phó mặc mình cho bàn tay ấy. Dầu nóng cộng với sức chà sát làm nóng lên làn da lưng, và trán cô tay cô cũng đều được nóng lên bởi động tác ấy. Hạ cảm giác khoẻ lên được một chút. Do lạnh mệt quá đấy mà. Tan giờ làm, chần chừ mãi không có dấu hiệu tạnh mưa, cô đành ào ra đường, nếu xe không bị chết máy thì cũng không đến nỗi thế này. Một lúc sau, người cũng đã ấm lên, xe cũng đã sửa xong, Hạ cảm thấy mình đã tạm đủ sức để đi tiếp. Cô nhìn quanh tìm người vừa giúp cô, không thấy đâu, lúc nãy sau khi xoa dầu xong thì người ấy lại quay quả đi, cô ngơ ngác, cảm thấy mình thật có lỗi khi chưa kịp nói một lời cảm ơn, và cũng không kịp nhìn mặt, liệu có lần gặp lại ?
-         May quá, cô đã khoẻ rồi à, cô uống chút sữa nóng đi này.
-         Ôi chị. Em đang tìm chị, em có lỗi quá đã làm phiền chị.
-         Không sao, chuyện bình thường ấy mà, cô uống ngay đi cho nóng.
         Đón ly sữa với ánh mắt hàm ơn, Hạ nhấp từng ngụm từng ngụm cho đến hết ly sữa. Dòng sữa nóng vào đến đâu biết đến đấy, thật là thần dược, cơn mệt đã giảm đi rát nhiều.
-         Chị mua ở đâu để em đi trả ly ạ ?
-         Thôi khỏi, tôi có nói họ qua đây lấy giùm rồi. Cô khoẻ nhiều chưa ?
-         Dạ em khoẻ lên nhiều rồi, em cảm ơn chị nhiều lắm, không có chị...
-         Thôi mà, ơn huệ gì đâu, nhà cô ở đâu ? có đi được xe về không ?
-         Dạ nhà em ở….lúc nào rảnh mời chị ghé chơi. À chị cho em số
điện thoại và địa chỉ nhà chị luôn được không ạ.
         Cả hai trao đổi sô điện thoại cho nhau, rồi chia tay nhau trong lưu luyến. Hạ cho xe chạy chầm chậm trong cảm giác bồi hồi “đời nay vẫn còn có người tốt thế nhỉ ? Nếu không gặp chị ấy không biết mình ra sao nữa.” Trong thâm tâm, Hạ tự hứa sẽ giữ mãi mối quan hệ này. Cuộc đời có những hữu duyên không hẹn trước, nên được gặp một thiện duyên là điều may mắn và hạnh phúc, và chắn chắc chẳng có ai từ bỏ niềm hạnh phúc và may mắn của mình cả.
-         Mẹ ơi ! Cô Hạ đến rồi.
         Tiếng reo của bé Họa Mi như một làn gió mát ùa vào tâm hồn, khiến người nghe như tở mở cả cõi lòng. Đó không chỉ là tiếng reo chào đón của một đứa trẻ, mà nó còn là một hiện chứng của một thứ tình cảm thân thiết đã được đắp xây tự bao giờ. Hạ vừa cười xoa đầu bé Họa Mi, vừa đặt mấy cái túi xách lên bàn. Diệu Hồng đon đả từ nhà sau lên :
-         Nó thấy cô Hạ đến nó còn mừng hơn mẹ nó đi chợ về nữa.
-         Đây cái này cho con nè.
-         Đó thấy chưa ? Lần nào cô Hạ đến cũng có quà sao không mừng
được. Con cám ơn cô chưa ?
-         Con cám ơn cô Hạ.
-         Chị Hồng, bữa nay chị em mình làm bún chả giò đi. Em mua đồ đủ
hết rồi nè.
-         May mà chị chưa đi chợ. Đâu đưa chị coi.
         Hai chị em lúi húi rồi xách cả mấy cái túi xuống bếp. Nơi ấy rộn lên một không khí ấm áp và tươi trẻ nhờ những tiếng va của dao thớt nồi xoong cộng tiếng nói cười rôm rả. Họ đã trở thành những người chị em thân tình của nhau từ ngày đó. Cứ cuối tuần, họ lại bày ra một món ăn, và trên bàn ăn của những ngày ấy là một bữa ăn nhiều phong vị. Hai đứa con của Diệu Hồng, một trai mười tám và một gái hơn mười, nhanh chóng chiếm cảm tình của Hạ. Hạ là một cô gái xấp xỉ ba mươi. Cái tuổi xon ven chợ chiều của những câu chuyện tình ái. Là một công chức có chuyên môn có nghiệp vụ khá vững trong một công ty, ngoại hình thuộc dạng trung bình khá, Hạ không phải típ phụ nữ bị bỏ quên, nhưng với bản tính căn chỉ mực thước và trầm tĩnh, Hạ không dễ dãi trong những mối quan hệ nam nữ. Thời tuổi trẻ Hạ cũng lớt phớt vài mối tình đông sang hè về. Và cô thấy tìm được người phù hợp với mình thật không dễ. Bởi những đối tượng ngang hoặc hơn cô vài ba tuổi, cô cảm thấy họ còn non trẻ. Bạn bè bảo cô dở hơi “thế mày định lấy ông già à, người đâu mới tí tuổi đã như cụ non ấy.” Hạ chỉ cười, biết làm sao được trời sinh mỗi người mỗi tính, từ tính mà dẫn đến cách, và người ta chỉ có thể sống với cách của chính mình chứ không thể ai bày biểu được. Ba mẹ giục giã mãi mỏi mồm, Hạ cười trừ, không thì “Ba mẹ đừng lo, thời buổi này không chồng con có khi lại là phúc, người ta sống độc thân đầy ra kìa, có sao đâu, nếu con không gặp được người hợp ý thì thà sống độc thân cho sướng, chứ chả tội gì mang cái gông to đùng vào cổ rồi than thở rồi héo mòn.” Dù ăn mấy cái cốc vào đầu, nhưng nhiều người phải thừa nhận Hạ nói đúng. Thế nên ông ba bà mẹ cũng chép miệng “thôi đành duyên phận vậy, không đủ duyên đủ phận thì có ép vào nó cũng chuồi ra.” Vậy nên Hạ tha hồ tung tẩy, có cơ hội nuôi dưỡng cái tính hồn nhiên vui vẻ khoáng hoạt. Nhờ vậy mà cô có một đời sống khá phong phú thú vị. Trong cuộc sống hiện đại hôm nay, mẫu phụ nữ như cô khá phổ biến, và họ là kiểu người dễ thu hút, khiến đàn ông thích nhưng lại e dè. Họ có đủ tự tin, đủ bản lĩnh, đủ điều kiện để tự lo cho cuộc sống bản thân mà không cần nghĩ đến chuyện phải lệ thuộc vào ai. Và như vậy, con đường để họ bước vào hôn nhân chỉ có một khả năng : “Yêu”. Đúng vậy, chỉ khi họ buộc phải tuân thủ mệnh lệnh trái tim thì người đàn ông may mắn nào đó mới có cơ hội chi phối đời sống họ. 
         Chiếc bàn ăn sáng rực bởi những gì nó được tô điểm. Một bản giao hưởng màu sắc nhiều cung bậc từ rau xanh bún trắng chả ram vàng, tô nước mắm với những lát vụn ớt tỏi băm nhuyễn như một tiểu họa phẩm, từ những chiếc bát sứ hoa văn tinh tế những đôi đũa màu ngà sang trọng, cả những chiếc ly kiểu dáng thon gọn với vài lá cỏ trang trí, nó sẽ long lanh hơn khi chứa trong mình vài viên đá và một màu vàng óng sủi bọt, trang nhã thêm một chút là những chiếc khăn ăn xếp gọn màu xanh lơ. Diệu Hồng xoa tay đứng im chiêm ngưỡng công trình của hai chị em suốt từ xế sáng tới giờ. Một công trình với những niềm say mê riêng của những người phụ nữ sống cho nhịp đập trái tim. Bữa ăn, không đơn giản chỉ là những công thức đơn thuần để đưa dưỡng chất vào cơ thể, mà nó còn là một liệu pháp bồi bổ tinh thần đặc hiệu cho những tâm hồn gắn bó trong một mái nhà, nó càng trở nên lung linh hơn khi những ánh mắt yêu thương đằm thắm trao gửi về nhau. Và kia. Một chú mèo mũm mĩm xinh xinh trong bộ lông trắng điểm vàng đang ngồi lim dim ngoan ngoãn trên một chiếc ghế, và chú thật xứng đáng với một cái vuốt tay âu yếm của chủ. Chú mèo dễ thương sau khi nhận cái vuốt ve vươn vai đứng cong vổng lưng dáng vẻ sảng khoái rồi lại xếp chân ngồi xuống khi chủ nó vung vẩy đôi tay vừa đi vừa gọi :
-         Hạ ơi, xong chưa ? Thôi để đó đi lát nữa dọn rửa luôn. Lên đi.
-         Chờ anh và cháu Hiếu Khanh về đã chị.
-         Cũng về ngay giờ đó. Đó vừa nhắc tới đã nghe tiếng xe rồi kìa.
         Hiếu Khanh dựng cái xe xong chạy bổ vào nhà, mũi thì hít miệng thì la
-         Thơm quá thơm quá, bữa nay má làm gì mà thơm ác, đói bụng ghê
luôn. A…quá đã…
         Tiếng reo ngắt ngang bởi một cuốn chả ram đã ngồm ngoàm trong miệng cậu.
-         Cái thằng háu đói, đi rửa mặt rửa tay đi đã rồi ăn. Cô Hạ đang cười
cho kìa.
-         A, có cô Hạ đến ạ. Dzui quá ta. Cháu chào cô. Cô xinh ghê cơ.
-         Cái miệng lém không ai bằng. Kiểu này mấy cô đổ xô vô hết quá.
         Hạ cười cầm khăn lau tay, nhìn cậu trai mười tám tuổi trẻ trung hoạt bát. Hiều Khanh vừa năm đầu đại học Hàng Không, câu nuôi ước mơ trở thành phi công từ khi còn rất bé, hình ảnh một anh phi công hào hoa uy phong trong bộ trang phục đặc trưng đã gieo cho cậu bé một ấn tượng khó phai từ khi hơn mười tuổi. Và hình ảnh ấy đi vào một giấc mơ đang dần trở thành hiện thực. Được cái cậu giống cha ở tướng tá cao to, khi mười sáu tuổi cậu đã dềnh dàng một dáng vóc, vì vậy mà cậu đạt yêu cầu đầu tiên khi dự tuyển sinh của trường. Với sức học tương đối khá, tương lai cho ước mơ không quá tầm tay, cậu càng thêm hưng phấn khi được sự ủng hộ của gia đình. Có thể nói, con đường của cậu cho tới giờ phút này khá trơn tru.
-         A ba về.
         Đang ngồi chống cằm ngóng ra cửa, bé Hoạ Mi nhảy ngay xuống đất chạy tưng tưng ra mừng ba. Trần Đình dựng xe rồi bế thốc con gái lên hôn chụt vào má, cô bé thích chí cười khanh khách. Tiếng reo của bé Họa Mi khiến Hạ đột nhiên một cảm giác choáng nhẹ. Cô ngạc nhiên với chính mình, nhưng nhanh chóng lướt qua khi có tiếng Diệu Hồng í ới. Lát sau, tất cả ngồi vào bàn, vô tình Hạ ngồi đối diện với Trần Đình, khi so đũa đưa cho anh, hai ánh mắt chập vào nhau một khắc, như một luồng điện chạm vào người, Hạ bất ngờ và bối rối. Những tiếng nói cười và chạm ly đã xua tan trong Hạ cảm giác lạ ấy, nhưng cô vẫn cảm thấy có gì bất an trong suốt bữa ăn. Những ngày kế tiếp, đôi lúc cô lại bồi hồi khi nhớ lại khoảnh khắc ấy. Dường như có một cái gì ẩn ẩn hiện hiện, nhưng nó còn khá mông lung khi cô muốn nhận diện đó là gì. Thế rồi điều mơ mơ hồ hồ ấy cũng có vẻ như tan loãng đi, khi công việc và một chuyến công tác xa choán hết tâm trí Hạ.
-         Dạ em vừa về sáng nay chị ạ. Dạ…dạ mai em qua. Có chứ, làm sao
quên được…hì hì…vậy chị nha.
         Hạ buông máy trong nụ cười phấn chấn. Sau một chuyến công tác nước ngoài, điều đầu tiên mà Hạ nghĩ đến khi bước chân xuống máy bay là gia đình Diệu Hồng. Lâu nay, hình ảnh của gia đình này trở thành một yếu tố thân thuộc tự nhiên trong trái tim cô. Đôi lúc cô mơ hồ cảm giác một cái gì đó thật gần gũi, thật ân tình cứ như một thuỷ mực dâng dần trong tâm cảm. Và trong cái vạch thuỷ mực ấy, có một thứ gần như hữu hình thi thoảng trồi lên va đập. Đó là đôi mắt của một người đàn ông. Những lúc ấy, cô thường hít một hơi thở sâu để dằn xuống.
         Gần như cả nhà túm quanh đống quà mà Hạ đem đến. Bé Hoạ Mi cười ré với chiếc áo đầm, với con thỏ bông, và cả một búp bê xinh xắn. Hiếu Khanh thì mê tơi với mô hình anh phi công đứng chống nạnh bên chiếc máy bay. Còn Diệu Hồng thì thích thú với chiếc khăn choàng voan màu nhẹ với chiếc áo váy xám nhạt. Trần Đình ngồi trên một cái ghế gần đó mỉm cười, anh có một cái bút máy trong chiếc hộp sang trọng. Hạ ngồi xệp nhìn mọi người vui thích với những thứ cô tặng. Hạnh phúc của người cho và người nhận có lẽ sánh ngang nhau. Và má cô nóng lên khi bất chợt ngẩng lên thấy Trần Đình đang nhìn mình với nụ cười ấm. Sau lúc nhận quà là một cuộc vui quanh chiếc bàn ăn. Việc có mặt của Hạ trong không khí gia đình đã như một lẽ tất nhiên vậy. Sau bữa ăn là một cuộc hát karaoke, niềm hưng phấn hạnh phúc rờ rỡ trên gương mặt mỗi người. Có vẻ như hạnh phúc của gia đình này là điều vĩnh cửu. Trời về khuya, Hạ ra về vì mai cô phải đi làm. Dắt chiếc xe Hạ cảm thấy chiếc xe như nặng hơn, thôi rồi, bánh sau xẹp lép rồi. Giờ này làm gì còn ai vá xe. Diệu Hồng nhanh miệng :
-         Thôi em để nó lại đây, mai Khanh nó dắt đi vá cho. Để chị bảo anh
Đình chở em về.
-         Thôi, phiền anh ấy, hay để em gọi taxi.
-         Phiền hà gì cái cô này. Anh Đình ơi ! Anh giúp em chờ Hạ về tí, xe
cô ấy xẹp lốp rồi.
-         Ừ, chờ anh chút.
         Trần Đình nhanh chóng khoác thêm chiếc áo ngoài rồi dắt xe ra. Hạ ngại ngùng ngồi lên yên. Chiếc xe bon nhanh, Diệu Hồng còn đứng nhìn theo cho đến khuất. Phố về đêm yên tĩnh mát rượi. Không gian nhẹ nhõm hẳn khi không còn cái nóng bức đông đúc của buổi ngày. Hạ ngây ngây không chỉ vì sự dễ chịu ấy, mà còn vì một thứ mùi nhè nhẹ toát ra từ lưng áo Trần Đình. Cô khẽ nhắm mắt thả cảm xúc mình trong một tâm thái mơn man dìu dịu. Dọc đường Trần Đình cũng không nói một tiếng nào, có vẻ anh chỉ thực thi nhiệm vụ một cách tận tình mà thôi. Khi xe dừng trước cửa nhà Hạ, cô bước xuống với hơi một chút tiếc nuối, nhưng mỉm cười với một lời cảm ơn, và Hạ bất ngờ khi Trần Đình đưa bàn tay :
-         Chào tạm biệt.
         Hơi một chút lần chần khi nắm bàn tay của anh, Hạ cười nhẹ :
-         Vâng, em chúc anh ngủ ngon.
         Trần Đình siết chặt bàn tay cô trước khi cho xe chạy. Hạ ngây người nhìn theo. Cảm giác bàn tay ấm nóng vẫn lan trong cô, và một đêm nữa, cô chập chờn giấc ngủ với một hình bóng và những nỗi niềm tâm can.
         Chiếc xe truờn nhẹ vào sân vì cổng đã mở sẵn. Hạ bước xuống, tháo mũ và khẩu trang, rồi gỡ những chiếc túi treo bên sườn xe. Rồi cô đi vào nhà, một không gian vắng vẻ làm cô lẩm bẩm “đi đâu hết mở để cửa cổng thế này?”, cô thằng đưòng đến tận nhà sau, vẫn không thấy ai. Có lẽ chị Hồng chạy quanh đâu đấy, Hạ đi trở lên, ngang qua phòng giữa một thứ âm thanh mơ hồ vọng vào tai khiến cô dừng chân. Một giây cho sự kinh ngạc vì thứ âm thanh đó rõ dần, cô thận trọng ghé mắt qua khe cửa, một cảnh tượng trước mắt làm cô nhói tim và sững sờ. Diệu Hồng đang khóc trong tay chồng, Trần Đình thì ôm vợ và vỗ liên tục vào lưng, miệng thì thầm những lời gì ấy, nhưng Diệu Hồng thì không dằn được cơn thổn thức, cô cứ nấc lên nấc lên. Hạ thần người ra, và cô rón rén đi ra cửa, nhẹ dắt cái xe ra ngoài. Nỗi lo lắng lẫn ngại ngùng lẫn một cảm xúc khang khác chen lẫn, khiến cô ngồi thừ một hồi trên xe. Có chuyện gì đang xảy ra với gia đình này? Xưa nay chị Hồng không phải là người yếu đuối, chị có tính cách xông xáo mạnh mẽ và sôi nổi. Với chị, những chuyện có thể làm chị đau khổ đến mức ấy phải là chuyện nghiêm trọng, chuyện có một mức độ ảnh hưởng lớn. Nhưng đó là chuyện gì ? Với một người phụ nữ đã làm vợ làm mẹ lâu năm, thì mối quan tâm lớn nhất của họ là chồng và con. Xét theo diễn biến lâu nay trong gia đình mà Hạ được biết, thì chồng và con chị hầu như không có vấn đề lớn gì. Hơn nữa, chị khóc trong tay chồng, thì rõ ràng vấn đề không ở anh ấy. Vậy con cái thì sao ? Hiếu Khanh đang đi học, và thành tích học tập rất khá, bé Hoạ Mi cũng đang ăn học bình thường, nếu có chuyện gì hẳn chị đã phôn ngay cho Hạ rồi. Sự chia sẻ những vui buồn lâu nay giữa hai chị em là điều hẳn nhiên hàng ngày. Vậy thì chuyện gì chứ ? Hay có dính líu đến mình ? Hạ giật thót mình khi nghĩ đến khả năng này. Bất giác cô nổ máy và chạy vụt đi. Cảm giác có lỗi làm cô bứt rứt. Ghé vào một quán cà phê ven đường, cô đắm chìm vào miên man ngẫm ngợi. Trần Đình. Cái tên ấy một lần nữa trồi lên trong cô một nỗi cồn cào. Lần này thì cô không thể dằn nó xuống được nữa, nó như đang kêu đòi một sự hiện hữu. Từ sau cái siết tay của đêm hôm ấy, Hạ đã nhận diện rõ cảm xúc của mình. Chính điều này làm tăng nỗi lo sợ và tâm trạng mặc cảm tội lỗi. Hình ảnh Diệu Hồng khóc nức lại càng làm Hạ rối lòng hơn. Chẳng lẽ chị ấy đã biết những điều sâu kín trong cô ? Nhưng làm sao chị ấy có thể biết được ? Cô kiểm điểm lại những hành vi của mình, và nghĩ chưa có biểu hiện nào khiến Hồng có thể nghi ngờ. Nhưng người ta vẫn nói, tình yêu là điều cho dẫu muốn giấu nó vẫn cứ hiện ra. Có khi chỉ thoáng một ánh mắt cũng đã đủ cho một hoài nghi. Không. Không thể. Mình không thể có lỗi với chị ấy, chị ấy tốt với mình thế cơ mà. Phải bằng mọi cách mà chôn dấu đi cảm xúc của mình. Mình không thể là kẻ đánh cắp hạnh phúc đang có thật trong gia đình này. Nếu thế thì mình thật là đồ tồi, rất tồi. Nhưng liệu mình có thể quên được anh ấy không ? Có thể không đến ngôi nhà ấy nữa không ? Trời ơi trời ! Biết làm sao bây giờ ? Tâm trạng hỗn loạn ấy cứ đeo đẳng Hạ mãi. Cô không dám gọi điện thăm hỏi, cũng không dám đến nhà. Cô luôn giật mình khi nhận điện của Hồng, nhưng cũng chỉ là hỏi han vu vơ, và cô cũng quấy quá rồi cáo bận để cúp máy. Cô sợ phải đối diện với Diệu Hồng, cô vẫn biết những người phụ nữ có gia đình rất nhạy cảm. Bởi nỗi ám ảnh về người chồng không chung thủy là thường trực. Người ta vẫn luôn có những ánh nhìn hoài nghi bâng quơ huống chi là…Cuối cùng, giải pháp của Hạ là bằng mọi giá cô phải thu xếp lấy chính mình. Và có lẽ Hạ đã có thể làm được…
-         Cô Hạ ơi ! Má con vô bệnh viện rồi.
-         Sao ? Má con bị sao ? Vô viện hồi nào ?
         Những câu trả lời ngắt quãng của Hiếu Khanh làm Hạ tức tốc chạy ngay đến nhà. Nhưng cô cũng không biết được gì nhiều hơn tâm trạng hoảng hốt bấn loạn của hai anh em kể từ lúc Diệu Hồng đột ngột ngã ngất và Trần Đình vội vã đưa vợ đi bệnh viện.
         Hạ rụng rời khi nghe Trần Đình nói địa chỉ mà cô phải đến trong bệnh viện là khoa não thần kinh. Hai bộ phận cực kỳ nguy hiểm trong cơ thể người là não và tim, nên vướng một trong hai có nghĩa…Hạ tất tưởi len giữa đám người ngổn ngang nằm ngồi trên hành lang bênh viện. Cô nhớn nhác tìm gương mặt một người đàn ông, kia rồi, Trần Đình đang phờ phạc ngồi ở một góc ghế chờ trước một cửa phòng. Hạ đến sát bên gọi, Trần Đình mới bật nhìn lên. Hai mắt anh hoe đỏ và nặng trĩu. Anh định đứng dậy nhường chỗ cho Hạ, nhưng cô ấn anh ngồi trở lại.
-         Chị bị sao hở anh ?
-         U não.
-         Trời !
         Hạ lặng người khi nghe, đó là một kết cuộc được báo trước. Nhưng từ bao giờ ? Bất giác trong tâm trí Hạ, hình ảnh Diệu Hồng khóc nấc hiện ra, vậy là chuyện này sao ? Và cô càng thấy mình có lỗi nhiều hơn khi trong suốt thời gian qua tránh mặt Diệu Hồng. Hơn hai năm trước, Diệu Hồng thi thoảng bị cơn choáng nhẹ, sau nữa là những cơn đau đầu, cho là những chứng bệnh vặt, chị chỉ đi khám thường bên ngoài, và uống những đơn thuốc nhì nhằng. Khoảng gần một năm trở lại, những cơn đau đầu thường xuyên hơn và kéo dài hơn. Trần Đình thúc giục chị đi khám chuyên khoa. Và rồi cả hai choáng váng với kết quả chẩn đoán. Khối u chèn dây thần kinh là thủ phạm của những cơn đau, nhưng rất phúc tạp để can thiệp bằng phẫu thuật, xác xuất thành công không đến 50%. Đau dớn, nhưng rồi Trần Đình cũng buộc phải đồng ý với vợ, rằng đây là một căn bệnh không thể chữa, rằng không nên tốn kém tiền bạc vào điều mà biết trước là không mang lại kết quả, trong khi hai con còn cần lắm những điều kiện vật chất. Lòng can nghị của Hồng đã biến một không khí gia đình lẽ ra là đau thương khổ ải thành một thiên đường hạnh phúc có thật. Chị luôn tìm mọi cách để tạo ra những niềm vui cho con trẻ. Hai anh em nào biết rằng có những lúc bố mẹ mình khóc vùi trong nhau với nỗi đau rảt ruột. Hạ đã xuất hiện vào thời điểm đó, cũng thêm một góp sức tự nhiên cho không khí vui vẻ của gia đình. Nghe qua, Hạ càng tự trách mình, vì sao trong suốt thời gian ấy, cô lại không hề biết Diệu Hồng đang mang trọng bệnh. Vì chị giấu quá tài hay vì cô quá vô tâm ? Hạ đã không còn cơ hội để giải toả niềm ân hận dẫu chỉ một phần. Những cơn đau cuối cùng đã nhanh chóng đem Diệu Hồng đi rất xa.
         Hai anh em Hiếu Khanh và Họa Mi thất thần ngơ ngác, nhất là Hiếu Khanh, cậu đã đủ suy nghĩ để hiểu chuyện gì xảy ra, nhưng cậu như không tin đó là sự thật. Không thể tin người mẹ thân yêu luôn cười nói và nấu cho cả nhà những bữa ăn ngon, dành cho anh em cậu một tình thương yêu vô bờ bến mà cậu luôn cảm nhận được thật rõ rệt từ thuở bé, giờ đây đã không còn. Cậu càng không tin mẹ cậu đã mang một căn bệnh nan y từ lâu nay. Sao cậu không hề thấy mẹ nhăn nhó kêu ca ? Sao cậu chưa hề thấy mẹ tỏ ra đau đớn mỏi mệt ? Có phải cậu đã quá ít thời gian dành cho mẹ ? Mà đúng là vậy, chuyện học, chuyện vui chơi bạn bè, ngoài lúc ngồi vào bàn ăn thì có mấy khi cậu trò chuyện hỏi han mẹ, có thêm nữa thì chỉ là những lúc cần xin mẹ tiền, cần mẹ mua cho những thứ gì đó. Bé Hoạ Mi lại càng không thể biết. Cô bé tung tăng với cái tuổi hồn nhiên, làm sao có thể nhận ra được chút gì khác thường nơi mẹ. Chỉ có bố, bố đã biết tất cả, và cũng như mẹ, bố đã giấu tất cả. Nỗi đau âm ỉ trong người đàn ông lâu nay giờ đã bộc lộ trên một thân xác sọm đi cả chục tuổi. Dù đã biết ngày này sẽ đến, nhưng để chấp nhận được một sự thật đau lòng như thế này có là người đàn ông sắt đá mấy cũng đã không phải là chuyện dễ, huống chi Trần Đình là một người đàn ông luôn đặt tình yêu gia đình lên trên hết. Cho dù anh là một người đàn ông có một phong thái, một tính cách, một vị trí xã hội vào hạng có tầm. Giữ được một nhịp độ cân bằng giữa gia đình và xã hội bằng một bản lĩnh người đàn ông thời hiện đại là một điều thật khó khăn. Nhưng anh vẫn có một hạn định vừa phải cho mọi sự, vì anh hiểu, tất cả đều có một cái giá nhất định, nên không thể đánh đổi một cách tuỳ tiện. Vậy mà giờ đây…
         Hạ ngồi dựa lưng vào tường, căn phòng đã sẫm tối, cô không buồn nhúc nhích, những chuyện vừa xảy ra khiến Hạ bời bời lòng dạ. Cô không biết mình phải làm gì, nên làm gì ? Nhìn ba cha con Trần Đình, rồi lại nhìn di ảnh của Diệu Hồng, Hạ cảm thấy mình như đang rơi vào một vũng sâu mờ tối. Cảm giác lỗi lệch cứ đeo bám mãi tâm khảm, một câu hỏi cứ ray rứt mãi mà cô không thể tự trả lời “Liệu Diệu Hồng có biết gì không ? Và liệu có phải điều đó đã làm chị ấy thêm buồn khổ mà mất sớm vậy không ?” Cho dù có một thoáng lướt qua như mách cô đang có một cơ hội cho tình cảm của mình. Nhưng đó cũng là một sự mắng mỏ khi cái giá đánh đổi là sinh mạng của người khác. Nhưng điều đau xót trong cô hơn cả là sự mất mát, cô đã mất đi một người bạn, một người chị mà giờ phút này cô cảm nhận rất rõ là một người thật sự thân thiết với cô. Những hình ảnh của chiều mưa hôm ấy, cái buổi đầu tiên của hai chị em, như một thước phim quay ngược thời gian. Tại sao vậy chứ ? Tại sao một người tốt bụng nhiệt tình với cuộc sống như chị mà phải giã từ quá sớm với cuộc đời ? Mới ngoài bốn mươi, chị còn ngời ngời những năm tháng hạnh phúc với một gia đình ăm ắp yêu thương ấy. Vậy mà ông Trời nỡ…thực ra thì chẳng có ông Trời nào cả. Con người chỉ dựng lên một hình tượng để mà tháo trút, mà giải toả, mà cấy gửi, mà biện luận cho những gì không thể tìm ra cho rõ căn nguyên. May cũng bảo nhờ Trời, rủi cũng đổ tại Trời. Thực sự thì tất cả những con người đã có mặt trong cuộc sống này, đều phải chịu mọi hệ luỵ được mất dở hay cả. Bằng cách này hay cách khác, hình thái mỗi người tiếp nhận có khác nhau, nhưng về mặt ý nghĩa vòng quay cuộc sống thì không khác. Và sự dài ngắn của một đời người là kiếp phận. Biết thế, nhưng mỗi khi thấy một người cất bước đi xa, nhất  lại là một người đáng yêu đáng quý thì lòng đau xót than trách điều bạc mệnh. Để người ở lại chơ vơ chống chếnh nỗi hư hoai.
         Trần Đình ngồi gục đầu bên mộ vợ. Hôm nay là bốn chín ngày của Diện Hồng. Anh ngồi gục ở đây không chỉ với một nỗi tiếc thương vợ, mà còn bởi một lời trăn trối của Hồng. Trong túi áo anh là một cái phong bì cồm cộm. Trong đầu anh là một mớ suy tư rối rắm. Trong tim anh là một nỗi bi thiết khôn cùng. Vẫn như vừa đây đôi mắt đẫm lệ của Diệu Hồng tha thiết nhìn anh “Anh, xin anh hãy nghe em, vì con và vì cả anh nữa, hãy hứa với em để em được yên lòng ra đi, hứa đi anh…” Trần Đình bật lên một tiếng rên “Hồng ơi, anh làm sao có thể làm như vậy chứ ? Làm sao anh có thể khi em vừa mới ra đi ?” Đôi vai anh khẽ rung lên, cơn khóc tức của một người đàn ông bên nấm mộ còn mới tinh của vợ thật ray rứt đến cháy lòng. Anh ngồi lặng mãi như thế, nếu không có hồi chuông điện thoại của ai đó gọi, chắc anh quên cả mình đang còn phải sống. Nghe xong cuộc điện, anh liêu xiêu đứng dậy, bàn tay rời dần thành mộ, mấy nén nhang vẫn còn một nửa lênh loang ngọn khói. Trần Đình ủ rũ đi ra xe, anh không biết đằng sau một bức tường cũng có một cặp mắt ẩm đục giàn giụa. Đợi Trần Đình đi khuất, Hạ mới bước đến ngôi mộ mới xây của Diệu Hồng, cô bật khóc nức nở khi nhìn tấm ảnh của người quá cố. Vẫn nét cười vui tươi ấy, vẫn ánh mắt thân tình ấy, mà giờ đây thân xác chị đã vùi sâu trong lòng đất. Thắp ba nén nhang, Hạ run run vái van trước tấm ảnh “Chị ơi ! xin chị hãy tha thứ cho em, dù chị có biết hay không thì em cũng thật sự có lỗi với chị. Em đâu ngờ duyên phận chị em mình lại ngắn ngủi đến thế. Chỉ vừa mới đây thôi mà…. chị ơi…Em biết làm sao bây giờ hở chị ? Nhìn anh ấy em đau thắt lòng, cả hai đứa nhỏ nữa, chúng nó cứ khóc gọi chị mãi thôi, sao chị lại sớm ra đi để lại một gia đình chênh vênh trống vắng thế chị ơi…”. Sụt sùi thêm lúc nữa rồi Hạ lau nước mắt quay về, cô ghé vào chợ mua một số thực phẩm. Từ ngày Hồng mất, những người thân ở xa đến chia buồn tiễn đưa rồi về, nhà chỉ có ba cha con, nên vào ngày cúng tuần Hạ thường đến để phụ giúp bữa cơm chay và lễ lạt. Hôm nay, có mời các sư thầy đến làm lễ nên cô mua nhiều hơn. Lẽ ra cô đã đi chợ từ sớm, nhưng cô muốn đến thăm mộ và thắp hương cho chị, nào ngờ khi đến đã thấy Trần Đình ở đó, nên cô nấp vào một chỗ. Nhìn sự đau khổ của anh cô hiểu tình yêu anh dành cho chị là rất lớn, nên nỗi đau mất mát này anh sẽ rất khó nguôi ngoai. Tình yêu của cô giờ đây thêm phần thưong cảm, và một góc thâm tâm cô biết rằng mình đã âm thầm là một chiếc bóng bên anh.
         Đã xong những nghi thức cần thiết của buổi lễ, Hiếu Khanh đứng dậy nắn nắn hai đầu gối vì quỳ lâu, bé Họa Mi đỏ hoe mắt với mảnh khăn trắng trên đầu. Đến hôm nay thì bé cũng đã quen phần nào với sự cúng lễ, và thật sự hiểu rõ mẹ sẽ không trở về được nữa. Mâm cơm có bốn người với một sự lặng lẽ. Hạ dọn rửa chén đĩa xong xuôi rồi bần thần nhìn gian bếp. Những ngày hai chị em tíu tít nấu nướng cười đùa đã không còn. Cô khẽ thở một hơi dài, mắt lại ngấn lệ. Trở lên để chuẩn bị ra về thì cô thấy Trần Đình ngồi ôm đầu ở ghế xalon. Theo phản xạ, cô định tránh đi thì bất ngờ anh ngẩng lên nhìn cô, khẽ giọng :
-         Em ngồi đây đi.
         Cô rón rén bước vào chiếc ghế ngồi xuống. Rót ly nước đẩy về phía Hạ, Trần Đình nén một hơi thở ra :
-         Em uống đi.
-         Dạ.
         Hạ cúi đầu, hai bàn tay vặn vào nhau, lần đầu tiên họ đối diện trong một không gian vắng lặng thế này. Hiếu Khanh và bé Hoạ Mi đâu nhỉ ?
-         Hạ à.
-         Dạ.
         Trần Đình ngập ngừng rồi tiếp :
-         Anh rất cảm ơn em những ngày qua đã giúp đỡ cha con anh. Không
có em thì anh cũng không biết phải làm sao nữa.
-         Anh đừng nói vậy, Cũng là việc em nên làm mà, chị…
         Hạ ngưng ngang vì nghẹn lời, Trần Đình thở dài rồi nói :
-         Thôi thì chị ngắn số phải chịu vậy, anh cũng không ngờ…
         Lại một khoảng trống rơi ngang, Hạ phập phồng “có khi nào anh ấy sẽ bảo mình đừng đến nữa không ? Mà cũng đúng thôi, mình có tư cách gì mà ra vào đây nữa, không khéo anh ấy lại mang tiếng là vợ vừa mới…”
         Hít một hơi thở sâu, Trần Đình lấy chiếc phong bì trong túi áo đặt xuống mặt bàn rồi đẩy nhẹ về phía Hạ.
-         Có cái này, chị Hồng dặn anh đưa cho em vào ngày hôm nay.
-         Đưa cho em ?
         Hạ mở lớn mắt kinh ngạc. Trần Đình khẽ gật. Hạ run tay cầm chiếc phong bì được dán kín. Cái gì trong này ? Nhưng cô không thể bóc ra e có gì bất tiện. Trần Đình chợt nói :
-         Không biết bé Mi đi ngủ có mắc mùng không nữa ?
         Nói xong, anh dợm đứng lên thì Hạ vội vã :
-         Thôi em về để anh còn đi nghỉ.
-         Ừ, em về nhé.
         Tiễn Hạ ra cổng xong, Trần Đình vào ngồi lại chỗ cũ, một lúc sau, anh đứng dậy đi lấy một cái ly và một chai rượu.
         Hạ dựng xong cái xe thì gần như cô đâm bổ vào nhà, không nghe cả câu hỏi của mẹ, cô lao vào  phòng chốt cửa lại rồi hấp tấp lấy cái phong bì mở ra. Sự nhạy cảm báo cho cô biết, trong phong bì ấy chứa đựng một điều thật quan trọng. Những dòng chữ nghiêng nghiêng của Diệu Hồng hiện ra :
         “Hạ thân yêu của chị.
         Khi em đọc những dòng chữ này thì em đã biết chuyện gì xảy ra. Chị đã nhìn thấy trước ngày này từ rất lâu rồi, nó lâu không phải vì con số của ngày tháng, mà nó lâu vì sự thắc thỏm, khắc khoải của chị với từng ngày từng ngày còn lại. Em biết không ? Chị đã rất rất đau cả thể xác lẫn tinh thần. Làm sao không đau khi thấy cuộc đời mình mỗi ngày đều có thể là mỗi ngày cuối cùng. Làm sao không đau khi nhìn những người mình yêu thương nhất đang xa dần xa dần khỏi tầm tay. Làm sao không đau khi trước mắt còn biết bao ước vọng cho chính mình và cả những người thân, nhưng lại đang phải khép dần lại. Trước mắt chị lúc này đang nhoà nhạt hình bóng cậu con trai và cô con gái bé bỏng mà chị đã luôn đem hết tâm sức mình để yêu thương và bảo bọc. Rồi đây chúng sẽ ra sao ? Các con chị, chúng còn quá bé, còn quá non nớt giữa cuộc đời này, chúng đang cần lắm sự yêu thương chăm sóc và dạy dỗ,n một mình anh Đình có lo liệu hết được không ? Có lẽ sẽ được cả thôi, vì cái gì cũng có thể tìm ra cách mà. Nhưng chị biết chắc rằng, không thể có cách nào để bù đắp sự mất mát trống vắng tình cảm của một người mẹ cho chúng. Hạ ơi ! Chị đang đau quặn lòng, đang nghe tim gan mình buốt nhói, đau đến từng tế bào cơ thể, đau hết cả tâm tư tình cảm, chị cảm thấy tất cả mình đang tan rã ra từng mảnh nhỏ vậy. Đau quá em ơi ! Sao ông Trời lại khắc nghiệt với chị thế chứ ? Đã cho chị rất nhiều nhưng rồi lại lấy đi tất cả…
         Hạ gục đầu khóc rưng rức, trong cô nghe như nỗi đau của Diệu Hồng lan sang. Một phần tâm thức cô đặt mình vào tâm trạng của chị. Đúng là quá đau, còn nỗi đau nào hơn thế nữa không ? Phải nhìn thấy trước ngày mình từ giã cõi đời, phải nhìn thấy những đứa con thân yêu của mình bơ vơ ngay khi mẹ nó đang còn sống, phải nhìn thấy người chồng thân yêu của mình vật vã thay mình trong cuộc sống ngày sau. Có người đàn bà nào đủ can đảm để chịu đựng nỗi đau ấy ? Vậy mà chị…
         “Hạ yêu thương của chị. Chị muốn gọi em như thế nhiều nhiều lần hơn nữa. Chị đã thầm cảm ơn cuộc đời đã cho chị gặp em, nếu chị có nhiều thời gian hơn nữa, chắc hẳn chị sẽ nói với em được rât nhiều, và chị tin cho dù thế nào thì chị em mình vẫn luôn giữ mãi trong nhau một tình cảm tốt đẹp và bền vững, phải không em ? Nhưng tiếc thay, chị đã không có đủ thời gian để chia sẻ cùng em, mà giờ đây, chị chỉ có thể nói với em vài điều qua trang giấy này. Như em biết đấy, ba mẹ và anh của chị đều ở xa, nên từ lâu chị thật sự xem em như là em gái của chị, và em cũng dành cho chị một tình cảm tốt phải không ? Không chỉ có chị, mà chị biết, em cũng rất yêu thương hai cháu Khanh và Hoạ Mi, đó là điều mà chị rất cảm ơn em. Hơn thế nữa, Hạ à, em đừng giận khi chị nói lời này với em nhé, em cũng rất quý mến anh Đình phải không ? Chị đã nhận ra điều này từ lâu, em đừng lo ngại gì, chị nói thật lòng, chị rất vui vì nhận ra điều ấy. Chắc em đang bảo chị điên, ai lại vui khi có một tình cảm khác chen vào gia đình mình, nhưng đúng thật là chị vui em ạ, tuy niềm vui ấy có pha lẫn chút ngậm ngùi. Lúc đầu quả là chị cũng có chút buồn và nghĩ ngợi, nhưng rồi chị nhận ra, đó là một điều hết sức hợp tình hợp lý trong trường hợp này. Hạ em. Nếu chị không phải là người đang ngấp nghé giữa một lằn ranh, thì hẳn câu chuyện này đã khác đi rất nhiều. Nhưng chỉ có ai ở vào hoàn cảnh như  chị, mới có thể hiểu hết lòng dạ của một ngươi biết mình  sắp chết là thế nào. Và trong lúc chị đang ngổn ngang tâm tưởng vì chồng vì con, thì em xuất hiện. Sự xuất hiện của em ngay từ lúc ban đầu đó mơ hồ cho chị một manh nha nào đó, về sau, hiểu em hơn, chị vừa yêu thương vừa tin cậy, rồi đến khi chị nhận ra một ánh nhìn khác trong mắt em với anh Đình, thì chị biết, em sẽ là cái phao của gia đình chị. Em còn nhớ buổi tối hôm xe em bị xẹp lốp và chị đã bảo anh Đình chở em về không ? Chắc em không thể ngờ rằng đó là chị chủ động tạo ra. Chị biết anh Đình cũng có chút cảm mến em, nói thật, phụ nữ như em, chiếm tình cảm đàn ông không khó, em rất rõ mà, đúng không ? Nên anh Đình có chút lao xao cũng phải thôi, đúng là chị có buồn, như chị đã nói, chuyện thường tình của phụ nữ mà. Nhưng chị đã gợi ý cho anh, để anh có thể bày tỏ với em. Chị không rõ đã có gì trong buổi tối ấy không, vì anh ấy không nói lại, nhưng sự lánh mặt của em đã cho chị đoán hiểu, dù sao thì diễn tiến cũng đúng như mong muốn của chị. Những ngày em không đến, lại là những ngày chị mong em nhiều nhất, vì bệnh tình chị đã xấu đi nhiều, chị biết rõ là vậy, chị rất mong gặp em để nói với em một lời, nhưng không được. Có khi thế này lại tốt hơn, vì đối diện nhau, chưa chắc chị đã có thể nói được ra lời, và em nữa, cũng chưa được chuẩn bị để tiếp nhận vấn đề. Nên giờ phút này, viết cho em những dòng chữ này đây, tâm trạng chị thật phức tạp, nhưng rất rõ là chị đang rất bình tĩnh và thanh thản. Em ạ, một khi đã chấp nhận thực tế, thì cho dù nghiệt ngã mấy người ta cũng vẫn có thể bước qua. Bây giờ chị có thể an bằng được với chính mình vì hiểu số phận mình chỉ được đến đây, và chị chắc sẽ nhẹ lòng hơn rất nhiều khi đạt được mong ước cuối cùng. Điều mong ước cuối cùng này, chỉ có em mới giúp chị hoàn thành. Em có thể giúp chị không hở Hạ ? Chắc em đã đoán ra chị định nói gì rồi phải không ? Chị nhờ em, chị khẩn thiết nhờ em thay chị chăm sóc anh Đình và hai cháu. Chị tin em với bản chất nhân hậu và tình cảm của mình, sẽ đem lại niềm vui sống cho gia đình chị. Em sẽ là một người mẹ tốt cho hai cháu, em sẽ là một người vợ tốt cho anh ấy. Chị thật lòng mong như thế. Em ơi ! Em có hiểu cho chị không ?
         Hạ thẫn thờ buông rơi tập giấy, đây là điều cô không hề nghĩ tới. Làm gì có người phụ nữ thời hiện đại này cam tâm tìm vợ cho chồng, tìm mẹ cho con mình chứ ? Nhưng như chị ấy nói, có ở trong tâm trạng hoàn cảnh ấy thì mới rõ. Trời ơi ! Chắc là chị ấy đau đớn lắm khi buộc phải làm một việc khó khăn như thế. Phải là một người mẹ hết lòng vì con, phải là một người vợ hết lòng yêu chồng, mới đủ ý chí cho một quyết định. Hạ nhắm mắt, cô cảm nhận một cái gì như làn sóng dợn nhẹ dâng lên. Cảm giác lỗi lệch đeo đẳng cô suốt thời gian qua đã biến mất. Bức thư như một tấm giấy phép cho cô bước qua một ngưỡng cửa. Như một bàn tay ấm áp dắt cô vào miền cỏ xanh ngun ngút. Nhưng sao nghe thống thiết ngậm ngùi đến vậy ? Một người đàn bà trước lúc đi xa, cắn răng đứt ruột mà trao lại chồng con cho một người đàn bà khác. Làm sao không lo toan khắc khoải về nỗi an nguy với con mình về sau. Thói thường cuộc sống, có mấy ai thương con người như con mình, lại lòng dạ nổi nênh của đàn bà, có những khúc nôi không dễ biết trước. Nhưng còn cách nào hơn là vin vào một lòng tin, vin vào một tình cảm, và một niềm hy vọng xa xôi.
         “…Hạ thân yêu. Chị biết hai đứa trẻ còn lắm ngây ngô, chắc chắn chúng sẽ luôn làm em phiền lòng. Hiếu Khanh có lớn mà chưa có khôn, lứa tuổi ấy lại rất nhiều biến dổi thất thường, lại trong bối cảnh xã hội hiện nay, phức tạp và xô bồ, liệu rồi cháu nó sẽ gây cho em bao điều rắc rối phiền hà. Còn bé Hoạ Mi lại càng vất vả, có những điều cháu nó chưa đủ sức để hiểu, chắc sẽ rất khó khăn khi chấp nhận một người phụ nữ thay thế mẹ mình, bé lại hay nhõng nhéo vòi vĩnh, đương nhiên sẽ làm khổ em rất nhiều. Với một người con gái chưa hề mang nặng đẻ đau, mà bỗng chốc lại phải cáng đáng hai đứa trẻ như thế, hẳn là một thiệt thòi rất lớn cho em. Chị biết, chị rất biết, vì chị là mẹ ruột chúng mà nhiều khi còn khốn khổ lo toan, ngay cả chuyện ăn uống của chúng cũng là một vấn đề, đứa thích món này, đứa đòi món kia, đứa đang tuổi trai tráng thì khác, đứa còn bé không thể ăn như nhau. Rồi lại suốt ngày bao thứ linh tinh vụn vặt nhũng nhiễu. Vì sao tạo hoá lại ban cho con người cảm xúc của  tình thương. Bởi chỉ có tình thương thì vợ chồng con cái mới có thể chịu đựng và chấp nhận vô vàn nỗi khổ mà cuộc sống bày ra. Vì vậy mà đòi hỏi một tình thưong giữa những người bàng quan là rẩt khó. Chị không dám đòi hỏi em, chỉ chỉ xin em, mong đợi ở em, van cầu ở em, em hãy thương các con chị bằng một tình thương mà em có thể, để may ra phần nào bù đắp cho chúng chút gì nỗi bất hạnh vì phải mất mẹ quá sớm. Nếu không phải là em, chị không biết các con mình rồi sẽ ra sao ?Em ơi ! Em có thử hình dung không ? nếu con mình phải chịu nỗi bất hạnh hay uất ức nào đó, mà bản thân mình thì bất lực vì không thể bênh vực chở che. Chỉ thử nghĩ đến thôi mà chị đã đau tức hết cả ngực, đã thấy ruột gan mình như bị xé ra từng mảnh. Ôi con tôi… 
         Hạ chong  đôi mắt đỏ hoe nhìn lên trần nhà. Cô hiểu vì sao Diệu Hồng phải nặng lòng lo toan đến thế. Cuộc đời đã quá nhiều mình chứng cho cảnh mẹ ghẻ con chồng. Cho dù không phải tất cả mọi trường hợp đều có chung một cảnh ngộ. Cũng đã có những người phụ nữ rộng lòng, họ bước qua được sự nhỏ nhen vị kỷ hờn ghen để tiếp nhận những đứa trẻ vô tội đang rất cần một bàn tay, một tấm lòng người mẹ chăm sóc.  Một trái tim. Một tình thương. Nếu chỉ nói ra một cụm từ thì thật quá dễ, nhưng thực hiện được đúng ý nghĩa của cụm từ ấy không phải là chuyện giản đơn. Liệu cô có thể thực sự yêu thương hai đứa trẻ như con ruột của mình ? Cứ cho là có thể đi, nhưng khi cô sinh ra đứa con của chính mình, thì trách nào không có sự thiên lệch. Vốn dân gian vẫn dãi dầu “bánh đúc có xương”, liệu với cõi tâm tư thưòng tình, con người trên phận đời đưa đẩy, lẽ tự nhiên có làm cô thành ích kỷ ?
         “Em ạ ! Khi đã qua cơn sốc phát hiện mình mắc bệnh, khi đã bình ổn được một tâm thế tiếp nhận, chị đã dần nhận ra hai từ “duyên mệnh”. Quả là vậy, mỗi người trong chúng ta khi sinh ra, nào có ai được biết những gì sẽ xảy đến với cuộc đời mình, cứ đi qua hôm nay thì đến ngày mai, cứ tiếp nối nhau từng sự kiện lớn nhỏ, và mỗi ngày lại đến với ta những điều không báo trước. Bởi nếu như chị biết trước sẽ một ngày mình không còn tồn tại, thì chắc chị sẽ không chọn lấy một người chồng, chị sẽ không sinh ra những đứa con, để bây giờ chị không phải tan nát cả ruột gan bởi nỗi đau chia lìa. Nhưng nếu cuộc đời mà cứ biết trước thì chẳng còn ai hứng thú sống với những ước mơ hoài bão nữa phải không em ? Thôi thì, sống cứ sống, mơ cứ mơ, và như chị bây giờ, vẫn tiếp tục mơ cho một ngày mai với những người thân yêu của mình. Trong đó có em, em thân yêu của chị ạ…
         “Duyên mệnh”. Trong đầu Hạ vụt ra hai từ như vết khắc. Phải rồi, duyên mệnh. Chỉ có nó mới bày ra và dẫn dắt mỗi chúng ta đi từng bước trong cuộc đời này. Vậy có nghĩa, cuộc gặp gỡ của hai chị em ngày ấy không phải là sự ngẫu nhiên tình cờ, mà đã là sự sắp xếp của duyên mệnh. Vậy có nghĩa số phận của cô và gia đình này có một sự gắn bó. Vậy có nghĩa, khi cô yêu một Trần Đình, thì không phải chỉ có một anh trong cuộc đời cô. Thì vẫn là những câu chuyện đời tương tự thôi mà. Khi yêu là chuyện chỉ hai người, nhưng khi lấy nhau lại là chuyện của nhiều người. Và người ta vốn không thể có một đời sống riêng lẻ chỉ với bản thân mình. Cuộc sống luôn là một sự thử thách và phấn đấu. Tình yêu cũng vậy. Nó chỉ được bền vững khi vượt qua được những yêu cầu của thực tế.
         “Hạ em, em có biết vì sao chị bảo anh Đình đưa cho em là thư này vào bốn chín ngày của chị ? Theo thuyết nhà Phật, sau bốn chín ngày, là lúc linh hồn con người sẽ đi vào một cảnh giới khác. Chị không biết điều đó có thật ? Hay chỉ là một cách hình tượng mà giáo pháp đưa ra để giáo huấn người đời. Thiên đường. Địa ngục. Hay một chốn nào đâu đó mà người ta gọi là Lục ngạ. Trước sáu ngả siêu linh chốn mênh mông bờ giác ấy, chị không biết sẽ đi về đâu ? Mà cho dù có đi về đâu thì cũng là không còn nương náu chốn nhân gian này nữa. Nên chị mong được gửi gắm đến em những lời gan ruột tâm tư, nếu được sự chấp thuận của em chắc chị sẽ an lòng thanh thản mà đi về cõi khác. Chị không dám nài ép em, em có sự chọn lựa của riêng mình, nếu em có một con đường khác thì cũng là lẽ tất nhiên thôi. Và cho dù thế nào, chị cũng rất thật lòng cầu mong cho em được thật nhiều hạnh phúc. Vì em rất xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Cuộc đời mỗi người có giá trị hay không là ở chỗ có tìm được cho mình một niềm hạnh phúc thực sự. Nếu có kiếp sau, chị em mình sẽ gặp lại, sẽ là những người thân yêu nhất của nhau, em nhé.”          
         Đọc lại rồi đọc lại. Bức thư nhoè nhoẹt những giọt lệ của cả người viết lẫn người đọc. Và rồi, mặc bao ngăn cản, ngẩn ngơ khó hiểu của gia đình và bạn bè. Hạ lặng lẽ bước vào một cuộc sống mới. Cô nhìn về phía trước với một tâm niệm “Hãy cứ yêu thương thật lòng đi đã, cho dù ngày mai có thế nào, thì ít nhất hôm nay mình cũng đã chạm được một tay vào hạnh phúc. Chị ơi ! Em không dám hứa với chị là em sẽ làm tốt được tất cả, nhưng ít nhất em sẽ làm với tất cả lòng minh. Chị hãy phù hộ cho em, chị nhé.”
         Thời gian là một sự chứng thực cụ thể nhất với mọi ước muốn. Kể ra thì Hạ cũng không gặp nhiều khó khăn lắm, nhờ vào những gì đã được xây đắp tự thuở ban đầu, bên cạnh đó là sự trợ giúp của Trần Đình. Anh luôn tôn trọng ý kiến và tình cảm của hai con, nên hai anh em cũng không cảm thấy có sự ép buộc, lại cả hai cũng sẵn đã quý mến Hạ từ lâu. Và câu chuyện dần ngả theo chiều hướng êm đềm tự nhiên.
-         Mẹ ơi ! Mẹ ơi ! Con được nhận vào phi đội rồi.
         Hiếu Khanh đã là một thanh niên chững chạc dềnh dàng, nhưng với niềm vui thì vẫn hồ hởi như một đứa trẻ. Hạ vội chùi tay vào vạt áo, chạy ùa lên, miệng tíu tít :
-         Đâu đâu, đưa mẹ xem nào ? Ồ đúng rồi, con trai của mẹ giỏi quá.
Thế thì mẹ phải đi chợ để cả nhà ăn mừng mới được.
-         Mẹ làm món chả rán nhá, mẹ làm món ấy là ngon nhất.
-         Được rồi. Mẹ làm cả cá hấp nữa được chưa ?
-         Dạ được. Ba con đâu hả mẹ ?
-         Ba con đi đón bé Mi rồi, chắc về bây giờ đấy. Thôi con ở nhà, mẹ
đi chợ đây.
         Thay vội bộ đồ, Hạ tất tưởi cầm cái giỏ mắc vào tay xe. Cô vừa ra công thì cha con bé Hoạ Mi về. Cô chỉ kịp quái tay chỉ vào nhà rồi đi thẳng. Một bữa trưa ngon miệng và vui vẻ với những gương mặt ngời ngời nụ cười.
-         Mẹ ơi ! Mẹ may cho con một cái áo dài mới đi, mấy cái này muốn
chật hết rồi.
-         Ừ để mẹ đi mua vải rồi chủ nhật này mình đi may nha.
         Nhìn Hoạ Mi đã trở thành một cô thiếu nữ thướt tha, cô bé rất giống mẹ, Hạ chợt nghĩ đến người đã vắng mặt. Cô thì thầm “Chị ơi ! Em đã không phụ lòng chị, đúng không ? Các con rất ngoan và rất yêu quý em. Ở nơi ấy,  chị hãy yên lòng an nghỉ, chị thân yêu nhé.” Dọn dẹp xong, Hạ đi vào phòng, ngang qua phòng của Diệu Hồng, Hạ thấy Trần Đình đang đứng trước bàn thờ vợ. Chắc anh đang báo tin mừng cho chị. Ngày đó, khi vừa mãn tang Diệu Hồng, Hạ chính thức thay thế chị trong ngôi nhà này, tôn trọng người đã khuất, Hạ bảo Trần Đình dành phòng riêng của vợ chồng anh lúc trước làm phòng thờ vợ, và cũng là một khoảng riêng mỗi khi anh có tâm sự. Trần Đình thầm cảm ơn Hạ vì sự tế nhị ấy. Cho đến bây giờ, anh thực sự cảm ơn số phận đã quá ưu đãi mà ban cho anh hai người vợ thật tuyệt vời. Thắp ba nén nhang cắm vào bát hương, Trần Đình thì thầm “Cảm ơn em.”

  Trở lại chuyên mục của : Đàm Lan