Góc Bể Chân Trời
Truyện Ngắn
- Anh Tú ơi ! Có ai hỏi anh này.
Tiếng cô em gái lanh lảnh, khiến tôi phải rời ngay bàn viết mà đi ra. Không nhiều thắc mắc xem vị khách đến bất ngờ vào giữa chiều này là ai, bởi chuyện tôi có bạn ghé thăm bất chừng này không phải là chuyện hiếm. Có thể đó là một người đã từng chung cạn chung đầy ở bất kỳ một quán nhỏ ven đường nào đó, hoặc cũng có thể là một người còn đọng nguyên vẻ phờ phạc, bụi bặm sau một chặng đường dài, mà cũng có thể là một ai đó chưa một lần gặp, nhưng chỉ cần tự xưng danh là sẽ vỡ ra một tràng cười vui vẻ và cái bắt tay thân thiện như đã từng là bạn thâm căn cố đế tự bao giờ rồi vậy. Chuyện tôi tiếp bạn bất kỳ không là chuyện lạ, nên trong nhà tôi lúc nào cũng có sẵn một bình rượu thuốc và một ít thức nhắm khô như mực, cá, đậu phụng rang, đôi khi còn có cả một hũ gân bò ngâm xì dầu, một món nhậu khoái khẩu mà cô vợ yêu quý của tôi tự tay làm cho. Chỉ cần dăm phút loay hoay, là tôi đã có ngay một mâm tàm tạm để đãi khách, sau đó thì nhờ vào đôi tay khéo léo của vợ tôi hoặc cô em gái hay phụng phịu làm cao, đợi tôi phải vài ba câu năn nỉ kèm theo một sự hứa hẹn hấp dẫn nào đấy rồi mới chịu miễn cưỡng vào bếp. Nhiều khi cũng thấy ngài ngại và thương cho cái tất tả của vợ, nào phải năm thì mười họa gì cho cam, một tuần thì hết già nửa phải đóng vai bà chủ nhà hiếu khách, phải lọ lem dầu mỡ nhưng lại phải tỏ ra hoan hỉ tươi cười với khách để giữ thể diện cho chồng. Tôi biết lắm là những suy nghĩ trong các nàng khi gặp phải những tình huống không mấy thích thú ấy. Trước tiên là dở công dở việc để ù té ra chợ, cũng may là chợ cũng gần nhà, nếu may hơn thì cũng là lúc có sẵn một vài thứ trong tủ lạnh, sau đó là củi lửa, là mâm bát, rồi sau đó là dọn rửa, là thở ra một hơi dài. Phụ nữ thường dễ yên phận với cuộc sống gia đình, nhu cầu của họ về giao tiếp có hạn hẹp hơn đàn ông, họ có thể cả một tuần chỉ có chồng con gia đình cùng các loại linh tinh lẩm cẩm trong nhà vẫn chẳng có gì đáng phàn nàn cả. Nhưng đàn ông thì không thế, đàn ông sống với bên ngoài nhiều hơn gia đình, có thể dăm bẩỳ ngày vắng vợ là chuyện bình thường, nhưng dăm bảy ngày mà không gặp gỡ, không cà phê hay gầy độ một đôi lần thì thật không bình thường. Đừng nghĩ chỉ có phụ nữ mới biết “ nhiều chuyện”, đàn ông cũng nhiều chuyện chẳng kém đâu, phụ nữ có những mối bận tâm và những phức tạp của phụ nữ thì đàn ông cũng có những bận tâm và phức tạp của đàn ông, mà những bận tâm và phức tạp ấy chỉ có thể nhỏ to hay trút xả với bạn bè. Nên phải nói rằng : Không có bạn là một tai họa khủng khiếp với mỗi người chứ chẳng chơi. Đôi khi để tránh cho vợ những vất vả ấy, tôi kéo bạn ra một cái quán bình dân nào đó, nói là bình dân, nhưng giá cả thì đôi khi cũng chẳng bình dân chút nào, với mức lương không cao, cộng thêm dăm cái nhuận bút, giỏi lắm chỉ vài lần đi quán là toi. Lại ở quán không xuề xòa thoải mái như ở nhà, ồn ào, ngồi lâu không tiện, chả nhẽ chỉ một dĩa mồi với vài xị mà chiếm chỗ của người ta đến nửa ngày sao. Quán hàng thì phải chìu khách, nên chẳng ai dám nặng nhẹ gì, nhưng tự mình phải biết chứ Thêm một lý do nữa là tôi không chỉ có những người bạn tại chỗ, mà bạn ngoại tỉnh cũng rất nhiều . Làm anh văn nghệ, đi đến đâu là giao lưu bạn bè đến đó. Thôi thì trong Nam ngoài Bắc, chỉ cần chỗ nào đã đặt chân đến là chỗ đó có bạn. Giờ lại thêm thế giới mạng, ngồi một chỗ cũng có thể kết bạn trên toàn cầu. Không phải bạn một cách xô bồ, lộn xộn đâu nhé, bạn hợp ý hẳn hoi, nói không phải khoe chứ, nếu thích, tôi chỉ cần một cái xách tay là có thể ngao du khắp nước Việt Nam này. Cái thú nhiều bạn là ở chỗ ấy, chẳng cần nhà cao cửa rộng, chẳng cần mâm cỗ đề huề, một quán cóc vỉa hè, một ổ bánh chia hai là cũng đủ. Thế nên chuyện bạn tìm đến nhà cả đã gặp lẫn chưa gặp vốn là chuyện tất nhiên vậy. Vì thế thôi thì cô vợ đảm cùng cô em gái yêu quý đành phải chấp nhận cái tính quảng giao và hoan hỉ với mọi người của tôi thôi.
Đấy, cô em đã lườm nguýt rồi đấy, miệng thì la lanh lảnh nhưng bụng thì đang tìm cách chuồn, vợ tôi vừa đấy lại chạy quanh đâu rồi ? Tôi nháy mắt cùng cái cười nhờ vả với cô em rồi đi nhanh ra cửa xem gương mặt nào đang cho tôi cái vinh hạnh được diện kiến kia. Hiện ra trước mắt tôi đầu tiên là một hàm rậu, rậm, rất rậm, kiểu râu đặc trưng của người vùng núi, ở thành phố quen “ mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao”, với một bộ râu thế này hẳn sẽ dễ dàng trở thành một tâm điểm giữa đám đông, kế đến là đôi mắt, một đôi mắt đang cười, đang chờ đợi một điểm nhấn trong bộ nhớ của tôi. Quen, rất quen, đã từng gặp, đã từng có một ấn tượng gì đấy, chẳng lẽ…
- A ! Anh Thỏn.
Cả hai cùng vỡ ra tiếng cười ngập tràn niềm vui hội ngộ, cùng lao vào đôi tay to rộng của nhau, cùng xiết, cùng vỗ bồm bộp vào lưng. Trời ơi trời. Cô em gái há hốc khi chứng kiến niềm vui hết hạn độ của ông anh, cô nghĩ đây hẳn là một người thật đặc biệt với ông anh quý hóa của mình đây. Thế này thì tránh sao khỏi một cuộc túy lúy càn khôn ( theo cái giọng văn chương nửa mùa của ông anh đấy mà). Lo chuẩn bị tinh thần khua dao động thớt đi là vừa.
- Ôi trời, ôi trời, thế bỏ bò bỏ dê, bỏ gà bỏ vịt cho ai mà làm một chuyến hạ san đột ngột vậy hả anh Thỏn ?
Sau cảm xúc vồ vập, tôi mới rời khỏi vòng ôm của anh, để nhìn gương mặt gân guốc với làn da sạm nắng, với đôi mắt đen hay háy lúc nào cũng như biết cười. Anh cũng cười hiền lành và vẫn đầy nét hớn hở :
- Hỏi thăm mãi mới tìm được đến đây đó, cứ tưởng…
- Thế sao anh không gọi điện, em ra bến xe đón thì đỡ vất vả không ?
- Tôi có biết số điện thọai của cậu đâu . Địa chỉ cũng không ?
- Ôi, thế địa chỉ hồi ấy em ghi cho anh đâu ?
- Lúc đi vội quá, thế là quên mất.
- Rồi làm sao mà anh tìm được ?
- Có khó gì, đến hội văn học nghệ thuật hỏi là ra thôi mà. Nhung mà nhà cậu ở trong hẻm quanh co thế này, nên xe ôm quành đi quành lại mấy lượt mới tìm được, tôi cứ lo cậu mà không nhận ra chắc tối này trải áo nằm hè đường quá.
- Không nhận ra anh thì còn gì là thằng em này nữa chứ.
- Ơ, hai anh em không vào nhà mà cứ đứng mãi ngoài cửa vậy sao? .
Tiếng vợ tôi vang lên phía sau làm tôi giật mình, vội vã :
- Vào đi anh Thỏn, đấy gặp anh mừng quá quên cả mọi chuyện. Em à, đây là anh Thỏn, ở tận ngoài Hà Giang cơ đấy.
- Có phải là anh mà hồi đó cho anh cả một súc thịt sấy đó không ?
- Ừ ừ , đúng rồi đấy, anh xem vợ em nhớ dai chưa ?
Vợ tôi đon đả :
- Anh vào nhà rồi ra rửa mặt cho mát đã ạ. Chắc đi đường dài thế anh cũng mệt lắm phải không ?
- Vào được đến đây là hết thấy mệt rồi cô ạ.
Lần này thì không đợi tôi phải òn ỉ gì, vợ tôi đã le te xách cái giỏ đi ra ngoài và cô em gái thì đã lúi húi trong bếp. Chả là khoảng bảy năm về trước, trong một lần đi dự trại viết ở Hà Nội, chúng tôi rủ nhau độ bốn năm người vọt lên Sa Pa chơi cho biết. Thế rồi có người quen trên đó đưa luôn sang Hà Giang, ừ thì đi, mấy khi có dịp, một chuyến mà đi được nhiều nơi cũng như đi buôn một vốn mà được nhiều lãi vậy. Huống nữa là dân văn nghệ khát đi như khát nước, gặp dịp đi thì không có lý gì lại bỏ qua. Lên đến đấy, chúng tôi được những người anh em tiếp đãi rất nhiệt tình, anh Thỏn đây tuy không là dân viết lách, nhưng anh rất quý những anh em văn nghệ, lại rất thông thạo vùng đất, anh là người dân tộc Tày, lấy vợ Kinh, lại giao tiếp với người Kinh nhiều nên gần như Kinh hóa đi rồi, nhưng cái bản chất chân thật, thẳng thừng mà tốt bụng thì không hóa được, tôi may mắn được ngồi xe máy của anh trong những lúc đi thăm thú các nơi. Dọc đường, anh kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện vui, liên quan đến con người và cuộc sống nơi vùng cao này. Những cuộc đi mang tính dã chiến và tùy nghi luôn là những cuộc vui đầy hứng thú và khó quên nhất. Không bị gô vào những hình thức thông thường của cách tiếp đãi qua công văn, nên tình cảm của con người được hình thành và cảm nhận một cách trọn vẹn. Chỉ hai ngày ngắn ngủi, thế mà khi dời chân, ai cũng lưu luyến thật sự. Riêng tôi, vốn luôn coi trọng tình cảm, luôn yêu quý những tấm lòng bè bạn, lại càng khó quên khi trở về nhấm nhá miếng thịt sấy nướng ngọt lừ và thơm nức mũi, một thứ thực phẩm đặc trưng của người vùng cao, nhìn thì quắt queo thế, nhưng bao nhiêu vị ngọt lậm cả vào trong, ăn bao nhiêu cũng không thấy chán, vợ tôi cũng nhớ mãi hương vị ấy, cộng thêm những gì tôi kể lại sau chuyến đi, nên mặc nhiên cũng có sẵn một cảm tình với một người chưa biết mặt.
Không e dè, không ngần ngại, không dò xét, không cả đắn đo. Đó là đặc tính của anh em gần xa trong giới văn nghệ. Cái bắt tay thật chặt, những ly rượu chuyền tay, những câu chuyện đủ thứ đề tài không dứt, là những điều đem lại ý nghĩa đẹp đẽ nhất của chữ “ tình”. Để rồi khi xa nhau vẫn nhớ hoài, để rồi có bất kỳ gặp lại nhau lại vỡ bờ một con sóng cảm xúc. Tôi cho đó là một sự ưu đãi của duyên mệnh. Để cho con người dễ sống gần nhau hơn, cho dù cũng có những trường hợp đáng buồn vì sự lợi dụng sự ưu đãi cho một mục đích cá nhân nào đó, nhưng không nhiều để đến nỗi làm biến thái đi cái tính đặc trưng này. Và tôi vẫn được hưởng những niềm vui đầy phấn khích với những bạn bè.
Ra anh Thỏn có được thông tin về một người thân đã thất lạc từ rất lâu, đang cư trú tại một nơi của mảnh đất Tây Nguyên này. Sau một đêm hàn huyên bên chén rượu nồng ấm, sáng nay tôi cùng anh đi tìm đến nơi cư trú của người ấy. Vốn vùng nông thôn là nhà không số, đường không tên, chỉ chung chung thôn, xã. Vậy mà rồi chúng tôi cũng lần ra được đến nơi. Bất ngờ khi nhận ra đó là một người bạn khi xưa học cùng lớp. Trời ơi trời. Vui đơn vui kép. Chẳng hề tin vào những mơ hồ nhảm nhí bao giờ, nhưng có lẽ đúng tôi là cái số có bạn có bè. Đi đến đâu không hề định trước thế mà vẫn được vui được cười, uống rượu với bạn thấy ly rượu sao mà ngon, có đôi khi buồn buồn uống một mình, cũng rượu đấy mà nghe nhạt nhẽo, chan chán thế nào ấy ,thì vẫn là câu “ rượu ngon phải có bạn hiền” đấy mà. Một số người bảo tôi sao trẻ lâu, có lẽ là do thế này đây. Bỗng thấy tội nghiệp cho những ai hoặc vì cá tính quá khô khan, khắc kỷ, hoặc vì lắm sợ nhiều lo những là mưu kế gạt lừa, chẳng dám bắt tay ai một cách thân tình vô tư lự, Ngồi vào một cuộc vui thì ý nghĩ đầu tiên là xem mình được những gì, mất những gì, thấy ai đến gọi cửa, lại lo ngay ngáy chuyện mượn vay, nhờ vả. Lúc cơn kia nước nọ chạy cuống lên chỗ này chỗ khác, xong việc rồi nhà không qua cửa không tới. Tôi ghét nhất cái lối sống như thế, con người không phải là con người đúng nghĩa, mà chỉ thuần là một cái máy đo đếm. Họ cứ nghĩ như thế mới là khôn, vì không ai lừa họ được một cắc, vì những gì họ bỏ ra sẽ không bao giờ vô ích, nhưng họ có biết đâu, họ đã đánh mất một phần đời phong phú, đẹp đẽ của sự chan hòa thân ái, đành rằng giao du rộng cũng có những khi mình bị trở thành ngốc nghếch, vì trong vạn mớ thể nào chẳng có đục có trong, vừa sơ khởi dễ gì nhận ra bản chất, ít nhất phải trải qua một vài sự vụ, một vài va vấp, mới có thể hiểu được đối tượng mình giao du thuộc típ người nào, nhưng cho dù có thế thì đến lúc ấy nghĩ lại cũng đâu đã muộn, cho dù có trầy da tróc vảy thì cũng là chuyện đương nhiên ở đời. Mà cái lẽ sống trên đời này vẫn luôn công bằng lắm, ta mất cái này ắt sẽ được bù trừ bằng cái khác, bạn bè cũng vậy, cũng có thể rồi một lúc nào đó ta sẽ mất đi một người mà ta từng coi là bạn, thì ta sẽ lại nhận ra một tình bạn thật sự ở một người khác. Nếu cứ đòi hỏi sự tuyệt đối thì chẳng bao giờ ta có dịp thẩm nghiệm được những hay dở trong đời sống muôn màu này cả. Ta gặp được người bạn hay ngay, thì là cái duyên cái phúc của ta, gặp người bạn dở, ta cũng coi đó là một cách hiểu thêm chính mình, và cũng là để ta sống tốt với cuộc đời thêm chút nữa. Cuộc sống đa chiều, con người đa nhân cách, ai có dược nhiều bè bạn, sẽ có được nhiều cơ hội để nhận diện được sự đa chiều của kích cỡ, và cũng có thể coi như đó là một sự giàu có vậy.
Rồi cũng đến lúc tôi tiễn anh Thỏn ra về, một ít đặc sản Tây Nguyên làm quà, và một lúc ôm nhau, cái ôm khi từ biệt khác hẳn cái ôm khi gặp gỡ, cứ nấn nuối không muốn buông, vì biết buông ra là người xa biệt, buông ra là sẽ rồi phải đến mấy mấy thời gian nữa mới có khi gặp lại, mà biết đâu chừng bao tháng tháng năm năm nữa cũng chưa chắc có ngày gặp lại nhau. Thế nhưng rồi cũng đến lúc phải buông, đàn ông không cho phép mình có nhiều thời gian cho sự bi lụy, dù tình cảm trong lòng có dạt dào đến mấy thì ngoài mặt cũng phải tỏ ra tỉnh táo, thần thái thì tĩnh tại, duy chỉ có ánh nhìn trong mắt thì không thể ẩn nấp dưới một vẻ chủ động khác được. Bốn bàn tay úp vào nhau, hơi nóng cùng những đường gân bó chặt . Chén rượu ấm nồng đêm qua như còn tê đầu lưỡi, hai đôi chân gác lên nhau và những lời rủ rỉ như còn thầm thỉ bên tai. Chuyện nhà, chuyện mình, chuyện đời, chuyện không đầu không cuối, ngốn hẳn một đêm dài mà vẫn chưa trọn một tâm tư. Anh về đi anh Thỏn. Về lại với những thân quen trong cuộc sống hàng ngày, thi thoảng nhớ về nhau nghe lòng dậy lên chút niềm vui ấm áp. Chẳng cho nhau được nhiều, chỉ một chút tình thân hữu ái, để rồi dẫu góc bể chân trời, vạn dặm xa xôi, vẫn thấy mình thật gần, thật gần nhau lắm.