ĐÀM LAN
Leo Dốc
Tản Mạn
Leo Dốc
Tản Mạn
Hình dung một cách đơn giản và cụ thể khi nghe đến cặp từ “Leo dốc”, là hơi thở hổn hển, là nhễ nhại mồ hôi, là lấm lem trầy xước, là phờ phạc rệu rã… Là một thứ hiện trạng cơ thể với trạng thái kiệt sức và khó khăn khi người ta đã dốc hết khả năng cho một kỳ công. Cũng là một cách gọi khá phổ biến cho những công cuộc chinh phục một đỉnh cao nào đó. Ví dụ một chương trình “Leo núi” dành cho lứa tuổi trung học, như một sự tiếp sức cho những khả năng được phát lộ, và một tương lai mở ra sáng lạn nhiều cơ hội. Nhưng “Leo dốc” thì phù hợp với tính chất vấn đề mà tác giả muốn đề cập đến hơn. Bởi trong cuộc đời mỗi người luôn có những con dốc ngắn dài, có dốc lài có dốc đứng, và cho dù có phải mất nhiều hoặc ít công sức thì buộc con người ta vẫn phải tìm cách leo qua để vươn tới một mục tiêu nào đó.
Chắc chắn mỗi người sau một chặng dài tất bật vật vã lao tâm rướn sức để cố gắng đạt được một thành quả một mong ước thì cũng ít nhiều cảm nhận được sự khó khăn vất vả và cả những sự trả giá đánh đổi để có được những gì thực sự là giá trị với bản thân. Với những thành quả mang tính vật chất cơ học có thể nhìn thấy cầm được đủ minh chứng cho những khó nhọc đã trải qua. Nhưng còn có những con dốc khác, những con dốc nghiệt ngã đằng đẵng cuộc trường chinh của cả một đời người, mà không phải ai cũng muốn leo qua, mà không phải ai cũng có nhiều cơ hội và ý chí để leo qua.
Đó là “ Những con dốc của Bản ngã”.
Như đã biết, trong một con người đều có “Tam bản : Bản chất – Bản tính– Bản ngã”. Bản ngã là thành phần quyết định nhiều nhất trong quá trình hình thành : “Tam nhân : Nhân cách – Nhân tâm – Nhân duyên”. Bản ngã như một sự tổng hợp mọi góc độ của những điều làm nên lý trí, màu sắc, vị thứ, tư cách, giá trị…của một người. Và trong mỗi bản thể, đều có những điều chưa được tốt lắm, chúng luôn cần được gạn lọc lược bỏ từng ngày. Để mình hôm nay có thể lớn hơn mình hôm qua. Con người ta luôn luôn nhìn ra những khiếm khuyết giới hạn của bản thân, vấn đề là ở chỗ có thừa nhận và khắc chế không thôi. Và đó chính là những con dốc cần phải leo mỗi ngày. “Tham lạm – Sân hận – Si cuồng” là những thành tố trói buộc người ta trong một phạm vị hẹp lượng. Để người ta mãi chìm trong một vũng tối, mãi đi vào một ngõ cụt, tự mình đốt mình tự mình tát mình, nhưng hầu hết đều không dễ nhìn ra, chỉ khi nào chính cách hành xử cực đoan và khắc nghiệt từ những tối và những cụt ấy mà đem lại những hậu quả nặng nề nghiêm trọng phương hại cho chính mình và cả những người liên quan, thì may ra người ta mới nhìn nhận được chút gì.
Để có đủ cơ sở nhìn nhận những tì vết của bản thân và cuộc sống, thì người ta cần có đủ “Nhận thức – Nhận diện – Nhận định”. Nhận thức là biết mình sai phạm hỏng hóc ở điểm nào. Nhận diện là biết mình đang ở trong một tình huống một bối cảnh nào. Nhận định là biết mình nên hành xử theo cách nào. Nhưng cái khó là khi người ta chưa kịp có đủ ba cái “Nhận” ấy thì những thứ bất cập của bản ngã đã cuốn người ta đi, và luôn là đi theo sự bất hợp lý, vội vã và nóng nảy cùng sự hạn hẹp của tâm thức khiến người ta rất rất nhiều khi phải thấy hối tiếc, phải :giá như”. Đã có rất nhiều những câu châm ngôn triết lý đúc kết về phần lớn những kết cuộc của cuộc sống, để lan tỏa đến người người một tinh thần sống an bằng khỏe mạnh và hòa ái tinh tấn. Nhưng đáng buồn là chỉ khi người ta đã vấp phải rồi thì người ta mới thấy có mình trong đó, người ta mới biết thấm, và người ta có khi chỉ còn biết gật gù “Ừ đúng”. Còn đa phần là chỉ lướt qua, cũng biết đó là hay là phải, nhưng hầu như không có tác dụng gì. Vì khi bàn tán về một con người một sự kiện, thì gần như tất cả đều nói hay, và đều cho là mình đúng, chỉ bảo hùng hồn giỏi giang lắm. Nhưng nếu có một tình huống tương tự ấy xảy đến với bản thân, thì cái cách mà người ta hành xử ngay lập tức chỉ nhắm một điều “Làm sao có lợi cho mình”. Tâm thức ấy vẫn nằm trong vòng xoáy của “Tham lạm – Sân hận – Si cuồng”. Đó là những con dốc trường kỳ mà con người “Nếu muốn mình ngày càng trở nên Người hơn” phải leo qua. Nhưng đó phải hội đủ được “Nhận thức – Nhận diện – Nhận định”, để người ta biết mình muốn leo mình cần leo. Trong thực tế, không nhiều người muốn leo, vì leo thì mệt lắm khổ lắm thiệt lắm. Ngồi xệp mà cúi mặt vơ quanh mình những gì nắm được vào tay nó thiết thực hơn. Thiên hạ nói gì kệ họ, được cho mình cái đã, hơi đâu…mệt.
Một số lập luận, đời người được mấy hơi, lo chi chuyện cao cả đâu đâu cho viển vông, thỏa mãn những nhu cầu bản năng mới là mục đích sống thực sự. Xoay sở cào cấu bằng mọi cách cho có nhiều tiền, có tiền mua gì cũng được không sướng sao, tội gì tiết chế bản thân để sống cho hay cho đẹp, lý thuyết lý thuyết hão hết. Ừ không sai. Con người được sinh ra để hiện thực hóa những nhu cầu sống của bản thân mình là chính. Nhưng đó cũng chính là nguồn cơn cho bao hiểm họa ngày càng nhiều càng sát sạt trong cuộc sống chung. Mọc ra hàng nghìn hàng vạn thủ đoạn giả trá lường gạt, lưu manh từ mọi thành phần, để rồi tìm mọi cách giết nhau, tranh giành từng phân vuông sự sống. Con người ngày càng đổ về phần con, thú tính dã tính thoát khỏi dần vành đai kiểm soát của lý trí của đạo đức của nhân tâm tha hồ hoành hành, khiến xã hội loài người dần trở thành một thứ hổ lốn nhằng nhịt siết chẹt lẫn nhau, và lại phần lớn ngửa mặt lên trời “Cao xanh ngó xuống mà coi…”.
Có một câu mình hay nói “Đừng có cái gì cũng quy ra thóc”. Cho dù có thể đến 90% trong cõi người này cười cợt mỉa mai mình là mây là gió là ngớ ngẩn, thì mình cũng đoan chắc rằng : Nếu được sống một cuộc đời Nhân thiện viên an thì những cái giá phải đánh đổi vẫn thấp hơn là cái gì cũng quy ra thóc. Vì rằng : khi đem những giá trị lương tâm, giá trị nhân cách, giá trị hạnh phúc, giá trị bình an, giá trị tôn nghiêm, quy đổi ra thành những hình khối, những vật thể cầm nắm được, thì những thứ đó liệu nằm trong tay được bao lâu, hay nhanh chậm gì thì bằng cách này cách khác nó cũng chuyền qua tay người khác, cái còn lại là khổ đau dằn vặt tiếc nuối hối hận… Đó là chưa kể trong quá trình quy đổi ấy, chắc chắn không thể tránh khỏi những trách oán thù hận rẻ khinh nguyền rủa… Không những bản thân phải gánh chịu mà còn hệ lụy trực tiếp đến những người mật thiết liên quan.
Còn nếu chịu khó leo dốc, chịu khó bớt đi những cái được hiện thời, để dọn dẹp ít nhiều những chướng ngại từ tâm thức để thể xác, thì ví như đã leo dần được lên cao, đã được hưởng cái trong lành mát ngọt của tầng trên, đã tự thấy mình nhẹ nhõm phổng phao, thấy mình như được thăng hoa lên từng cấp vị trong thang bậc phẩm giá cõi người. Đừng so đo với từng tí vật chất còn hay mất ở trong tay, vì khi lên được một tầng cao trong cõi huyền vi nhân vị, sẽ thấy bản thân mình đáng giá hơn rất nhiều. Có thể đã phải đánh đổi mất ít nhiều tổn thương nào đó, nhưng khi đã bước qua được lằn ranh của sự nhỏ nhen vụn vặt tị hiềm chen chúc giành giật, thì hãy tin rằng, một mai câu chuyện vui đẹp ấy sẽ được kể lại đâu đó, sẽ được lan tỏa chút cảm xúc lành thiện, sẽ góp thêm được chút thanh sạch cho cõi nhân gian, dù rất nhỏ nhoi nhưng ít nhất cũng làm cho cái chốn nhân quần quá nhiều tã tượi bởi ganh ghen nay được vá lành đôi phần. Khi khắc chế được những niềm đau của mình mà yêu thương được thêm chút ít cho người người, thì tâm tư thần khí của mình sẽ mạnh lên hơn nhiều lắm, đó chính là lúc đã leo lên được gần đến đỉnh, con dốc ấy có trường chinh đến mấy thì trong nháy mắt nó cũng chỉ vài bước chân. Có những cuộc đời sẽ mãi chỉ thấp tè thấp tủn trong những ganh đua nhỏ nhặt, nhưng cũng có những cuộc đời sẽ thật sự lớn lao vì đã đủ mạnh đủ vững để đạp qua hết những chướng ngại của bản thân. Bất kể là ai khi nhìn thấy những chuyện không may không vui, chuyện thất đức nhẫn tâm, những hậu quả khốc nghiệt từ những cách hành xử so kè từng tí hơn thua, đều có thể buông lời trách cứ miệt thị. Vậy nếu bản thân mỗi người đều có thể tham gia dọn rửa từng vết nhơ rải rác khắp đó đây, thì chắc chắn sẽ có một xã hội sáng sủa hơn rất nhiều. Đó chính là chỉ số hạnh phúc đã đạt được ở một ít quốc gia. Khi nhà tù đóng cửa khi bệnh viện vắng người, khi ngày ngày người ta không còn phải nghe phải thấy những diễn cảnh bi đát tồi tệ. Chỉ cần hiểu được rằng : khi mình làm đau ai đó thì mình cũng chẳng được lành lặn, khi mình hả hê vì lấy được gì của ai đó thì mình đã đang và sẽ mất nhiều hơn, khi mình ngỡ thắng người được một con chốt nhưng thực ra mình đã thua cả một bàn cờ. Đây không phải là một cách nói mang tính cảnh tỉnh, trên thực tế cuộc sống đã minh chứng vô vàn những hậu nghiệm. Chỉ có điều vẫn có câu “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”. Người ta luôn cho rằng mình sẽ không thế, vì mình giỏi hơn mình hay hơn mình làm khác hơn, nên phần lớn những hành xử vẫn thường đẩy người ta vào thế chẳng đặng đừng, để khi nhìn hậu quả lớn nhỏ thì mới biết mình đã từng bị rơi thế nào.
Mổ xẻ thì có vẻ nhiêu khê trằn trẻo cho cái phận làm người. Nhưng chỉ cần người ta đối với nhau bằng một chút thiện chí, hành xử với nhau giữ lại chút thiện cảm, với một tấm lòng có chút thiện lương, thì mọi chuyện lớn nhỏ trên đời đều có cách trôi qua khá nhẹ nhàng, chuyện được mất có thể chia đều cho cả đôi ba bên, và đến một lúc nào đó nó sẽ tự tan đi, và thế là cái cảm giác thăng hoa khi người ta leo qua được một con dốc là có thật.
LẼ NÀO LẠI KHÔNG THỂ ???