ĐÀM LAN
Nhánh Chiều Vơi
Nhánh Chiều Vơi
Truyện ngắn
- Mình chia tay đi.
Câu nói không có ý gì là gây hấn. Âm sắc cũng không có ý gì là hăm doạ. Ánh nhìn cũng không có ý gì là thách thức. Câu nói nhẹ nhàng và thật đơn giản. Như hàng vạn câu nói sẵn sàng bật ra khỏi bờ môi. Một ngày một tháng một năm, không một ai có thể thống kê được có bao nhiêu câu nói thoát ra khỏi môi mình. Và ý nghĩa cộng hiệu ứng của những câu nói ấy là gì? Có những câu nói tạo nên một biến cảnh hân hoan, có những câu nói thắp lên một ngọn lửa ấm nồng, có những câu nói gợn lên ngày bão tố, có những câu nói buốt nhói đến tận cùng mãi mãi không quên, có những câu nói thả sợi tơ vàng long lanh như múa, và…Không phải câu nói nào cũng cần phải uốn lưỡi, không phải câu nói nào cũng có thể nhắp trước năm giây, không phải câu nói nào cũng đo được độ dài thẩm thấu, không phải câu nói nào cũng biểu lộ tận tường chân xác những cân đong. Vẫn thường có những câu nói vừa buông ra đã phản chủ, vừa buông ra đã hối đến nghìn năm, vừa buông ra đã biết đi về đâu những ngày son sắt. Nhưng dù có thế nào thì những câu nói vẫn luôn chứa đựng một hệ trạng cảm biến. Càng rõ rệt hơn với sắc thái âm ngôn. Bằng vào đó mà người nghe đo được phần nào chiều kích. Và chiếc cầu hệ cảm tương tác cũng tự nhiên mà co giãn đàn hồi những nhịp dẫn tâm can.
Bàn chân chầm chậm dẫm lên những hạt cát trải vàng bên roàm roạp thanh âm những con sóng tiếp nối bập vào bờ. Bàn chân như đếm từng phân li thước tấc của đoạn dài mà nó đã bước qua. Bàn chân trần, không ăn gian thiếu thừa bởi vật đệm dưới nó, bàn chân in rõ hình những chiếc ngón ngắn dài tròn dẹp trền nền cát sẵn sàng lún nhẹ sau mỗi bước. Không kiêu kỳ như khi nó nhón trên chiếc guốc cao nhọn. Không bình bịch như khi nó tăng công suất hoạt động theo điệu nhạc. Bàn chân như đi tìm lại những dấu tích của chính nó đã từng để lại nơi đây. Chính trên bãi cát này của nhiều năm về trước, ngày tháng ấy nó từng đã thoăn thoắt những bước sáo sậu cùng một đôi bàn chân khác cũng tung tăng không kém. Ngày tháng của những tươi nồng trên mắt trên môi của ánh nhìn đời đầy hân hoan khát vọng. Ngày tháng của những giấc mơ ngập tràn sắc màu lộng lẫy. Những giấc mơ đã dần trở thành hiện thực sau một tưng bừng đèn hoa nến nhạc của một căn phòng ăm ắp lời chúc tụng, rôm rốp những tràng pháo tay tán thưởng một đôi tân hôn trong bộ áo cưới thời trang hạng nhất. Một đôi tân hôn thuộc hàng kiểu mẫu cho hàng ngàn ước mộng. Rồi cũng như bao cặp tân hôn đã từng. Cái lộ trình tất yếu của đời người là sự tiếp nối bằng những sinh thể hiển nhiên khóc cười hỉ nộ. Cuộc sống cứ ngỡ như không còn gì phải mong cầu bởi cứ dần dà mà những thứ phương tiện phục vụ đời sống được nâng cao. Tầm nâng cao của các hình hài cũng là sự biểu thị rõ nhất cái gọi là đẳng cấp xã hội. Biết làm sao được khi con mắt thị chúng luôn soi xét và thẩm định thành quả của công sức và trí tuệ qua trị giá những hiện vật.
Có một cụm từ khá phổ biến trong giới công sở và dần loang ra trong nhiều lĩnh giới khác. Và rồi vô hình chung nó trở thành mục tiêu phấn đấu cho cái thang bậc gọi là thành đạt. “Một vợ(chồng), hai con, ba tầng(nhà), bốn bánh(xe), năm châu(du lịch thế giới), sáu tấm(hòm)”. Cho dù có một góc nhìn khác của cụm từ này là : có bôn ba lắm thì rồi cũng đến lúc… Nhưng khi chưa đến lúc thì nó vẫn đủ sức mạnh để biểu trưng cho một cuộc sống huy hoàng đầy tham vọng. Để rồi người ta khổ sở vì nó, vinh quang vì nó. Bằng mọi cách có thể thì rồi cũng có một thành phần trong xã hội đạt được điều này. Và nhân vật của chúng ta cũng là một trong thành phần ấy. Lẽ ra…cặp từ lẽ ra này thật đáng ghét, vì lẽ ra nó không nên xuất hiện. Nhưng chịu thôi, đời sống vẫn luôn xuất hiện hàng vạn điều mà lẽ ra nó không nên xuất hiện. Hì. Sao nào ? Các người có căm ghét tôi thì tôi vẫn cứ nhởn nhơ mà xông vào cuộc đời của các người đấy. Bật mí nhé. Tôi có một bàn chân bí hiểm, cứ thinh lặng mà chen vào sự hồn nhiên của các người, cho đến lúc tôi hứng chí dậm thình thịch thì các người mới “à thì ra…”. Là đây. Lẽ ra khi đã đạt được những ước mong đẳng cấp, đạt được một thứ ngôi vị đáng nể trước nhiều cặp mắt xoe tròn ngưỡng mộ, thì người ta thật rộng dài cơ hội điều kiện khả năng mà viết tiếp bản trường ca say đắm bằng những nốt nhạc đẹp nhất trần gian này chứ. Những nốt nhạc không phải chỉ ngân lên những hoà âm réo rắt mê mẩn, mà còn kéo theo những cú lướt ngoạn mục phô diễn bằng hết sự thăng hoa điệu nghệ của các anh tài nghệ sĩ sân băng. Vậy mà…từ đâu ? từ bao giờ ? Không một ai trả lời được câu hỏi này một cách chính xác. Cho dù là giải thưởng của game show rất cao. Bởi yêu cầu của đáp án là phải rất chính xác. Chính xác là từ lúc nào và từ đâu bàn chân bí ẩn kia len vào được trong tấm chăn bông ấm áp ? Vì thế mà người ta cứ hồn nhiên nâng cao những nhu cầu, thoả mãn nhu cầu bằng mọi giá, tìm những cảm xúc tuyệt đỉnh cho bản thân. Tất nhiên với quyền tự do cá nhân, người ta sống là để phục vụ nhu cầu chính mình, nên ngoại trừ không đủ điều kiện, còn thì chẳng ai từ chối bản thân mình bao giờ. Chỉ có điều, cái điều mà không có nó thì xã hội không biết đến cặp từ phát triển, không có nó thì đời sống của thế giới loài người không đa sắc màu đến thế, không có nó thì sự vô vị buồn tẻ nhàm chán chiếm hữu và làm thui chột đi bao nhiêu hứng khởi của cuộc sống, đó là “sự tham vọng của các nhu cầu”. Không có sự dừng lại, cho dù có bao nhiêu triết lý cảnh giới thì mãi mãi là con người không đánh vần cho gọn được một từ “đủ”. Chính sự vô biên hạn này mà con người luôn bị cuốn hút theo những vẫy gọi. Và cứ thế mà người ta xa dần bến cũ, cứ thế mà người ta lãng quên đi những dấu chân của ngày xưa tự bao giờ. Nếu phải tìm một thứ để đổ lỗi thì chỉ có thể là “tạo hoá”. Sự biến hoá liên tục của tạo vật khiến đời sống con người ta cũng không thể đứng yên một chỗ. Và để tiếp nhận cái mới thì người ta phải biết quên những cái cũ. Ban đầu khi mới tập quên thì quả là rất khó, nhưng từ từ rồi sẽ quen, và quen rồi thì quên nhanh lắm.
Tự tin rất gần với chủ quan. Quả vậy. Người ta không thể sống và thành công nếu thiếu sự tự tin. Và khi đã đạt được ít nhiều thành quả, sự tự tin ngày càng nâng cao, khi nó nâng cao đến một tầm mức quá ngưỡng thì nó sẽ biến thành chủ quan. Luôn luôn có những sơ sảy từ những chủ quan, nếu được hỏi, không ai là không trả lời như thế. Nhưng để phân định rõ rành đâu là tự tin đâu là chủ quan thì dám chắc cũng không ai trả lời được, nếu có buộc phải đưa ra một câu thì cũng chỉ có thể chung chung mà thôi. Đối với phụ nữ, đây lại là điều rất dễ xảy ra. Cô ấy tự tin với sắc đẹp, cô ấy tự tin với vị thế xã hội, cô ấy tự tin với hạnh phúc rất cụ thể trong tay. Và cô ấy chủ quan rằng sẽ không bao giờ những thứ ấy sẽ rời xa cô ấy. Từ sự chủ quan ấy cô ấy cứ hồn nhiên hành xử với các vấn đề cũng rất chủ quan. Có ai cảnh báo, cô ấy bĩu dài môi. Người đàn ông trong bất kỳ cảnh huống nào, họ luôn đề cao lòng tự ái, tự tôn, người trầm tính lắm thì cũng không loại trừ tâm lý này. Rất nhiều người chồng, vì tốt tính, vì sự yêu chìu nhường nhịn từ thuở ban đầu, họ dần bị rơi vào sự yếu thế. Các mợ hãnh tiến nhà ta thì lại cứ thừa thắng xông lên, lại còn hết sức tự hào đến tự đại rằng ta tài giỏi xỏ mũi được chồng. “Lão ấy cứ là một phép”. Vậy đấy. Trong khi tình yêu vốn yểu mệnh, nó chỉ thực sự tồn tại khi chưa bước vào những khắc nghiệt của thực tế. Và rồi nó tiếp tục bị thôn tính bằng những vụn vặt thói thường khi con người ta đối diện toàn phần tính hai mặt của nhau. Chưa cần kể đến yếu tố tự nhiên của đời sống là “cả thèm chóng chán”, tình yêu vẫn là một cánh hoa mỏng manh không đủ sức đương cự với bao nhiêu sóng gió cuộc đời. Để rồi đến một lúc nào đó, nó như một đứa trẻ lạc loài bị bỏ rơi thì nó lặng lẽ biến mất khỏi ngôi nhà mà nó đã từng là đương kim thống soái. Lại có một điều nữa cũng cần được kể đến là, con người ta cho dù đến tuổi nào thì cũng vẫn có lúc thấy mình như một trẻ nít cần được yêu thương, vỗ về, chăm sóc. Một thứ nhu cầu từ trong tận cùng vô thức kêu đòi. Vì vậy mà khi không tìm thấy được nơi này, người ta lại phải lần đến một địa chỉ khác. Rất nhiều trong số ấy ban đầu chỉ với một ý nghĩ như một liều thuốc giảm nhẹ những cơn lôi chấn trong gia đình, để người ta có thể tự cân bằng được mình và hoàn cảnh. Nhưng diễn biến của cuộc diện thường không theo đúng sự chủ định ấy, những lằn ranh cứ mờ dần mờ dần, và rồi đến một lúc…
Họ đối diện nhau trong một phiên toà. Một phiên toà không có thêm thành phần nào ngoài những thành phần buộc phải có. Những vị quan toà thừa kinh nghiệm đều có thể biết ngay đôi nào có thể hoà giải hàn gắn, đôi nào không. Nên sự hoà giải chỉ mang tính thủ tục hợp pháp, và một con dấu đóng cái ịch xuống một tờ giấy cũng chẳng cần nhiều thời gian cho lắm. Những câu hỏi và câu trả lời cũng đều ngắn ngủi như nhau. Họ nhìn tờ giấy và căn phòng, không nói với nhau, nhưng họ cùng nhớ về một căn phòng và một tờ giấy khác. Những giây bần thần. Sao ngày đó họ nồng nhiệt trong những lời hứa đến thế ? Sao ngày đó ánh mắt họ nhìn nhau hút chặt đến thế? Sao ngày đó hai bàn tay đan vào nhau lại nóng đến thế ? Mà bây giờ…như không có gì có thể lạnh hơn được nữa, như không có gì vô duyên hơn được nữa, ánh mắt ngơ ngác lạc lõng, cho dù những ngày qua họ không to tiếng tranh cãi về bất cứ chuyện gì, bởi tài sản lẫn con cái cũng đã đồng thuận phân chia hợp lý. Và cả hai đều chung một ý nghĩ “Hãy kết thúc trong êm đẹp”, để ít ra về mặt sĩ diện không gây thương tổn cho nhau thêm. Cũng chẳng cần đổ lỗi, vì sau lúc hơ hoảng “Mình chia tay đi”, thì họ lờ mờ hiểu rằng, cái nguồn cơn cho ngày hôm nay nó đã âm ỉ từ lâu lắm rồi. Và rằng, cái cách chia tay của người trí thức và giàu có nó cũng phải đẳng cấp, chẳng việc gì để làng trên xóm dưới có cơ hội xầm xì. Lịch sự lần sau cuối, họ mời nhau một bữa ăn chia tay, nhưng những đôi đũa chỉ động đậy cho có vẻ trước những con mắt của thực khách lẫn phục vụ. Bởi đây không phải là bữa ăn có nến có hoa có cả tiếng nhạc êm đềm trong những hớp rượu nồng lên môi mắt. Giá như đừng phải lịch sự như thế còn đỡ đắng cay hơn. Họ ngồi đó nhưng tâm trí họ không ngồi đó. Một phần kha khá tâm trí ấy là những đứa con, chúng đã được giáo dục về những tiêu chí của đẳng cấp, và chúng cũng đã mấp mem cái tuổi trưởng thành, nên cũng chẳng có màn khóc lóc hờn giận, chúng chỉ im lặng, im lặng với ánh nhìn có phần như xa lạ. Một khoảnh khắc hiếm hoi, ánh mắt họ giao nhau như dấu hỏi “Đây là sự thật sao?”. Câu trả lời gần như ngay lập tức. Không thể là không thật được nữa rồi. Bởi họ đã không có thời gian dành cho trước đó, không có thời gian cho suy nghĩ và cân nhắc. Khi câu nói “Mình chia tay đi” được buông ra, thì nỗi tự ái bốc lên mạnh hơn cơn lốc đã bẻ gập cái cần cổ, và trong ánh mắt thì hằn lên một lời “Anh không cần tôi thì tôi cũng chẳng luỵ anh” Thế là xong. Để rồi, khi nhìn con dấu đỏ choành choạch một quyết định không thể thu hồi thì một nỗi trống hoác về sự mất mát mới toang ra.
Những bước chân vẫn thả đều theo quán tính. Chiều vơi.