ĐÀM LAN
Quy Luật Dòng Chảy
Tản Mạn
Quy Luật Dòng Chảy
Tản Mạn
Thường thì người ta chỉ hay dùng cụm từ này để chỉ sự giao chuyển của sông ngòi kênh rạch biển khơi và cả tầng nước ngầm. Nhưng xét kỹ mọi góc độ của cuộc sống đều hiện rõ thứ quy luật này. Hãy thử đi từng phạm vi lĩnh vực xem sao nhé.
Lĩnh vực đâu tiên gần gũi hiện diện hàng ngày với tất cả mọi người. Vật chất. Là tổng hợp mọi thứ đồ vật thiết yếu phục vụ cho nhu cầu đa thể cách của cuộc sống. “Vật chất không mất đi, nó chỉ thay đổi từ hình dạng công năng này sang hình dạng công năng khác”. Và chỉ hai từ “tái chế” đã cho ta thấy rõ tính quy luật dòng chảy của nó. Góc độ khác là sự lưu chuyển, các thứ dồ vật thường không ở quá lâu một chỗ hay một người, sự đào thải dưới mọi hình thức luôn diễn ra. “Cái cũ chưa đi thì cái mới chưa đến”. Tất cả mọi vật dụng luôn phải dời vị trí tùy theo khả năng điều kiện và cả tâm trạng của người dùng, tất yếu chúng luôn đi từ cao xuống thấp. Cho dù một vật nào đó có được yêu quý trân trọng về mặt giá trị tinh thần mà lưu giữ bao lâu đi nữa, thì chúng cũng không thể cưỡng lại dòng chảy thời gian.
Kế nữa là lĩnh vực tình cảm. “Nước mắt chảy xuôi”, tình cảm của người bậc trên trao cho người bậc dưới, cha mẹ và con cái, anh chị em, đồng nghiệp cũ mới, các thế hệ thầy cô và học trò… Gạt bỏ những góc độ bụi bặm khác, ở đây chỉ điểm đến những tình cảm ấm áp thuần khiết và chân thành. Luôn có sự dẫn dắt cưu mang rèn tập bảo bọc nâng đỡ, nếu chỉ có trách nhiệm mà không có một dòng chảy tình cảm dồi dào chan chứa thì hiệu quả và mối quan hệ không thể tốt và tồn tại lâu dài được. Mỗi mỗi người trong những cảnh huống tương tự được nhận từ người trước rồi mặc nhiên trao lại cho người sau. Dòng chảy này có thể cao trào sôi nổi, hiện hữu rõ rệt nhưng cũng có thể lặng thầm mà loang mà ngấm. Dù hình thái nào thì tất yếu vẫn luôn song hành với cuộc đời. Khi người biết yêu thương người có thể làm cho cuộc sống dịu đi mềm đi và dễ chịu hơn. Như sự tuần hoàn của dòng máu ấm nóng cho cuộc đời vậy.
Văn hóa. Đây là một dòng chảy miên man không bao giờ ngừng nghỉ, suốt chiều dài lịch sử một dân tộc một đất nước, bất kỳ thời đại nào thì điều để nhận diện sắc thái một quốc gia thì đó là diện mạo văn hóa. Đời đời truyền nối, đời đời kế tục. Dòng chảy này có thể ví như một con sông nhiều nhánh, trong quá trình hành trạng qua những biến thiên sẽ có một số nhánh vơi đi kiệt đi và sinh ra những nhánh mới khác. Nhưng không thay đổi vả ảnh hưởng nhiều con sông chính. Dòng sông văn hóa này cũng có nhiều khúc đoạn trầm thăng, có khi lặng lờ có lúc sôi réo, cũng có lúc căng trào bung phá va đập dội ngược khi bị một tác động cụ thể nào đó, nếu tác động ấy có một chủ đích đúng đắn và cố ý, thì sẽ uốn nắn tạo cho làn sóng bung dội ấy một luồng chảy khác đẹp hơn lành hơn hợp lý hơn. Cũng không hiếm những nhánh chảy bị tù đọng cáu bẩn, có thể theo chiều dài cuộc sống sẽ có những tác lực tự nhiên khiến nó dần biến mất hoặc những chống lấn sẽ đưa nó vào một góc khuất rồi quên lãng.
Lòng tốt trao đi. Đây là một thứ dòng chảy mang tính mạch ngầm. Những lòng tốt thực sự cứ tùy nhiên trao đi mà không cầu nhận lại, và người được nhận lại tùy nhiên trao cho người khác, người khác người khác nữa. Sự luân chuyển lòng tốt này ẩn hiện dưới muôn vạn hình trạng, không phải lúc nào cũng cụ thể một cách thực chứng, mà rất nhiều là sự gửi gắm đến một cái đích vô chung là : cộng đồng. Và sự trao chuyển này góp phần tạo nên những luồng lạch trải rộng rộng mãi. Thứ lòng tốt này không hề vướng vào cái lưới ám bụi của sự giả danh trá hình cho những mục đích không minh bạch. Vậy nên nó trở thành một thứ mạch ngầm trong khiết của giản đơn mà thẩm thấu trong cõi vô tận.
Còn ở một góc độ khác nữa, đó là những người có cách sống không thật, giả dối mưu mẹo thủ đoạn gạt lường, chỉ nhằm mục đích lợi mình mà hại người. Thì đây ví như một thứ dòng chảy cáu bẩn đầy rác rến, họ tuồn cái gì vào dòng chảy ấy thì họ lại buộc phải đón nhận những thứ tương tự mà dòng chảy ấy trả về. Bởi không có sự dối trá nào giấu giếm được mãi cả, bằng cách này cách khác nó luôn lộ ra tố ngược lại. Giả sử có suôn sẻ đôi lần cảm thấy đạt được ý định, thì thời đoạn đó cũng sẽ rất ngắn ngủi, khi bản chất thật không còn che giấu được nữa thì rõ ràng không dễ gì nhận được sự tương tác tốt lành. “Gieo nhân nào gặt quả ấy”. Đúng là rất nhiều khi ta thấy một số diễn biến đời sống ngược với những gì đạo lý răn dạy, rằng sao những người nọ kia sống tệ thế mà họ vẫn được này được khác. Những dòng chảy của quy luật đời sẽ đưa trả mọi thứ về sòng phẳng cả thôi. Không lúc này thì lúc khác, không hình thức này thì hình thức khác, nhiều khi sự trả giá không ở chính cá nhân người gây ra, mà hệ lụy rất sâu những người có liên quan mật thiết như ruột thịt. Chỉ có điều mỗi khi bản thân họ hay những người thân phải gặp điều tệ hại như một sự trả giá thì hầu hết họ đều không tự vấn lương tâm là đã do chính những hành vi bất thiện của họ đẩy đến, mà họ lại đổ tất cả cho những lý do khác. Để rồi càng ngày họ càng tự chìm xuống trong dòng chảy cáu bẩn đầy rác ấy.
Nhìn rộng ra xã hội, cái quy luật dòng chảy này hiện rõ nhất là tính đám đông tính phong trào. Bất kể hình thái nào rộ lên trong một thời điểm đều cuốn theo sự chú ý và tham gia của rất nhiều người. Nhất là những hình thái tiêu cực, là sự ảnh hưởng mạnh nhất đến thành phần đại chúng, có thể hình dung như một dòng nước lũ cứ cuốn ào ào mọi thứ, không để cho người ta kịp có thời gian suy ngẫm và cân nhắc. Tiêu cực này kéo theo bất hợp lý khác, lại làm nảy sinh vô số vấn đề mà chiều hướng ngày càng tệ hại hơn. Cho đến khi chạm ngưỡng bão hòa, thì dần dần mới dần lắng lại và tan đi, như thể một bình diện lũ ngập rồi rút dần đi vậy. Bất kỳ một thứ dòng chảy nào mà được kiểm soát, uốn nắn và điều tiết thì đương nhiên sẽ cho ra những hiệu quả chứng nghiệm hữu ích, ngược lại, chúng sẽ trở thành một thứ lực lượng ma quỷ cuốn phăng đi những giá trị thật sự tốt đẹp của cuộc sống, để rồi trơ lại những hoang tàn ghẻ lở nhếch nhác hư hỏng… Cũng như những thực tế đã diễn ra, cái xấu dễ lây nhiễm và sinh sôi mạnh gấp vạn lần cái tốt, những hành vi tồi tệ lại lây lan nhanh, người này làm được thì người kia cũng làm được, và cũng bởi hầu hết những cái xấu là phục vụ tức thời cho nhu cầu hưởng thụ của bản năng, đem lại cho con người sự hể hả thỏa mãn nhanh nhất, còn những cái tốt nếu con người muốn đạt được thì phải trải qua rất nhiều điều chỉnh rèn giũa gạn lọc và cả những bắt ép bản thân phải biết kỷ luật và từ bỏ, ví như muốn có dòng nước sạch thì phải qua cả một hệ thống nhiều tầng mới thanh lọc được vậy. Nhưng một khi đã thẩm thấu được, hành xử được bằng những phương thức tốt nhất phù hợp nhất và cho ra kết quả đẹp nhất, thì ví như con người ta đã quen được uống nước sạch, chạm phải vào những cáu bẩn dù chỉ vài lợn cợn, người ta cũng đã có một quán tính đẩy ngược ra. Đẩy chính là một hiệu ứng giáo dục cần thiết nhất quan trọng nhất để tạo thành một thứ dòng chảy xanh mát trong lành. Không đâu xa, đa số dân ta biết ngưỡng mộ hệ thống và hiệu ứng đáng kể của những nền giáo dục như một vài quốc gia lân cận chẳng hạn, nhưng để kiến tạo và thanh lọc được cái dòng chảy giáo dục như của ta hiện thời thì cần nhiều lắm những hệ thống lọc liên quan nhiều góc độ khác nữa.
Một mình chứng rõ rệt nữa là sự giao thương lưu vận hàng hóa. “Đắt hàng tôi thì trôi hàng bà”. Đà kinh tế là một thứ dòng chảy liên kết và xuyên suốt các vùng miền các khu vực. Hoặc có thể bao gồm luôn là toàn cầu. Sự phát triển mạnh hay yếu, hoặc trì trệ thậm chí là khủng hoảng đều có ảnh hưởng và tác động cụ thể đến cả một dây chuyền đời sống. Như sông to nước lớn mùa mưa lũ, hay rỉ rén rỏ rẻ ngày khô hạn. Tất thảy đều có sự ăn nhập như một kiểu hợp lưu. Đôi khi chỉ cần ách tắc một điểm là đã có thể chi phối cả một hệ thống lưu vận.
Lại có một góc độ khác, ví dụ, có một động thái tích cực trong xã hội, lập tức nó được lan tỏa và gây được hiệu ứng tốt, khơi gợi kích hoạt dẫn dắt tác động và ảnh hưởng cho tâm thức số đông. Làm nảy sinh thêm những hành vi hành động thiện ích, góp phần xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó có thể xem như những kênh rạch đưa nước vào ruộng đồng cho cây xanh là tốt quả ngọt vậy. Hay có những sự mất mát lớn nhỏ nào đó, vào lúc này hay lúc khác, cách này hay cách khác, thì xem như những sự bốc hơi của nước vào những ngày khô hạn và sẽ trở thành những giọt mưa để đền bù đáp trả lại bằng cách này hay cách khác.
Hay bàn rộng hơn về cõi nhân sinh. Cùng chung một thời khắc, nhưng nơi này tang tóc bi thương đau tiếc tiễn biệt một cuộc đời một linh hồn, thì nơi kia hồ hởi hân hoan đón chào một sinh linh bé bỏng. Nơi này đang lệ tràn cay đắng nhức nhối con tim vì sự chia xa dổ vỡ thì nơi kia hồng tươi rộn rã một hạnh phúc rỡ ràng. Mỗi một con người khi có mặt trong thế gian muôn sắc màu hình vẻ này đều mang theo một sứ mạng một trách vụ. Bất kể lành dữ thiện ác cũng đều là những phết phẩy đong đo những hình trạng cuộc sống. Lần lượt đều phải trải qua hầu hết những cung bậc thăng trầm hỉ nộ. Để rồi khi tiếng còi mãn cuộc vang lên, chấm than cho một bản tổng kết thành bại hưng phế.
Như vậy, rất rõ là trong mọi hình thái điều vận của cuộc sống có những liên mạch dù ẩn dụ lộ, nên thường có một câu đúc kết mà người ta hay vận dụng “Cái gì cũng có nguyên do của nó”. Và đã là quy luật dòng chảy thì hầu như không có sự trở ngược, đã sai cái gì thì vẫn cứ phải tùy nhiên theo hướng của nó mà thuận hợp rồi điều chuyển, không thể nào trở lại thế ban đầu. Nhưng không hiếm những lúc dòng chảy phải uốn mình nhẹ nhàng qua một khe lạch nhỏ rồi bất thần được đà thốc ra sông rộng biển lớn. Cuộc sống là một chuỗi dây chuyển chuyển dịch, mang cái kia đi mang cái này đến, tương ứng những lợi hại vay trả hợp tan. .. Vì vậy nhân loại luôn là những biến động khôn cùng, và cho dù thời khắc diễn biến thế nào thì mỗi một vận mệnh đều phải trải qua nhiều nghiệt ngã và cũng được nhận một vài ưu đãi. Nếu thấu tận được tính quy luật này, thì chắc chắn con người ta sẽ bớt đi nhiều những cay nhức ta thán, mà biết củng cố một tinh thần sống vững vàng một bản lĩnh can trường để ứng đối với nhiều bất cập xảy đén. Khi bất kỳ một thứ gì có quý giá đến đâu mà mất đi, thì hãy hiểu đó là lằn ranh hữu hạn, và hãy kiễn nhẫn xem sẽ có điều gì đang đến. Hoặc những hành vi dù thiện hay ác, tất yếu sẽ có những đáp trả, nên đừng vội mừng khi cơ hội chộp được những bất lương, và cũng đừng quá đau buồn khi bản thân bị lạm dụng. Mọi thứ đều là sự bồi hoàn hoán đổi, tuy không có cùng một công thức nhưng sự sòng phẳng thì rõ ràng là có đấy.