ĐÀM LAN


Sống Để Làm Gì???
 Tản mạn
 
          Dám chắc, câu hỏi này đã xuất hiện trên hàng vạn môi người  hàng triệu bộ não. Tất nhiên rồi, làm sao không hỏi. Hỏi khi người ta thắc mắc vì sao mình có mặt trên đời, hỏi khi người ta gặp những bế tắc tuyệt vọng, hỏi khi người ta đang tìm một mục tiêu để hướng tới, hỏi khi người ta cần xác định cuộc đời là gì, hỏi khi người ta cần giải mã cho những gấp khúc gian nan. Tóm lại câu hỏi này có thể bật ra bất cứ lúc nào người ta muốn tìm một đáp án cho một ẩn số nào đó.
         Vậy. Sống để làm gì ???
         Không có một câu trả lời chung cho tất cả, mà mỗi chặng trình cuộc đời lại có một cách trả lời riêng. Rất có thể câu trả lời cho hôm qua cho hôm nay và cho cả ngày mai lại hoàn toàn khác nhau. Khác nhau là bởi chủ yếu nó phụ thuộc cơ bản vào những gì người ta cho đi và nhận lại trong một thời điểm. Nếu người ta làm việc tận tình bằng cả tâm huyết cho một mục đích tốt đẹp nào đó, mà bản thân người ta lại phải nhận lại những điều đáp trả không thỏa đáng hoặc rất tệ hại, thì người ta sẽ cho rằng người ta sống để làm tôi tớ cho cuộc đời. Hoặc dễ nghe hơn là để gánh vác một trọng trách nào đó mà tạo hóa đã giao phó. Đây không chỉ là một cách nói suông, mà là sự thể nghiệm qua một quá trình nhìn và ngẫm nhiều hình thái của cuộc sống. Lẽ tự nhiên, mỗi người sinh ra đời đều được cấp phát một thứ kỹ năng đặc biệt nào đó, có thể làm một công việc cụ thể nào đó mà hiệu suất có phần vượt trội hơn nhiều người, thì đó được xem như một thứ công cụ để thực hiện nhiệm vụ mà tạo hóa đã giao phó. Hoặc, tính cách bản chất của người đó có tố chất phù hợp cho một loại hình thực nghiệm và tương tác trong cõi nhân quần, ví như : phụng sự tôn giáo, cống hiến khoa học, phát minh sáng chế, cưu mang thiện nguyện… có nghĩa một thứ công việc gắn liên với một người cả cuộc đời cho dù có chọn lựa hay không. Đặc biệt là mang tính chất không vụ lợi. Và tất nhiên với tính chất ấy thì rõ ràng cán cân được mất là vô cùng thiên lệch, và cũng rõ ràng hơn chút nữa là phải đánh đổi rất nhiều dẫu bản thân không hề chủ định, để rồi một khi nào đó người ta phải tìm lấy cách giải mã “Vì sao lại thế ?” và “Tôi sống để làm gì ?”
         “Sống để làm gì” cũng là mục tiêu lý tưởng của mỗi cá nhân, Hầu hết con người đều có một thứ ý thức tự nhiên, rằng mình phải làm được một điều gì đó có ý nghĩa ít nhất là cho bản thân, xa hơn nữa là cho gia đình và cộng đồng. Mục đích sống của mỗi người trở nên rõ rệt và có giá trị hơn, nếu việc đó đem lại lợi ích thiết thực được nhân rộng. Khi người ta nhận được thành quả tất yếu và thỏa đáng thì đó là niềm hạnh phúc lớn và cũng là phần nào đó được xem như đã hoàn thành được nhiệm vụ. Với những người khi đã thỏa đáp được mục tiêu lý tưởng của cách mà người ta đã sống, tất mang lại cho người ta sự hài lòng, hạnh phúc và mãn nguyện. Còn với những người không nhận được một kết quả như ý, thì hãy xem như mình là người bắc bậc, để người sau có nhiều cơ hội hơn, và thành quả khi đã được chứng thực cũng lấy làm vui vẻ vì có một chút công sức mình trong đó. Cho dù sự vinh danh không chỉ đích tên mình thì đừng cho rằng mình đã hoài công, mà hãy biết chấp nhận một phần giới hạn của bản thân. Ví như một quả bóng khi vào lưới, nó phải hội đủ các điều kiện của cả đội vậy. Nhiều và rất nhiều là những con người bắc bậc như thế, vì không phải thành quả nào cũng có thể được tạo dựng từ một cá nhân, càng là thành quả lớn, công trình vĩ đại thì lại càng vô cùng nhiều sự đóng góp mà đến một lúc nào đó người ta gọi là “Vô danh”. Nên nếu cứ chú trọng một mục đích cụ thể hóa từ cá nhân một cách rõ ràng thì chắc hẳn không bao giờ đến được một mục tiêu.
         Tuy nhiên, vẫn còn lại một số khác có những hành vi trái ngược mang tính tiêu cực gây nhiểu hiểm họa gián tiếp hay trực tiếp cho nhiều người. Để rồi đa số người ta sẽ nói “cái thể loại ấy sống làm gì cho chật đất nhỉ”. Lý thuyết thì đúng thế, sống có ích mới đáng tồn tại, còn sống vô ích và gây cả những thương tích cho cuộc đời thì không nên một chút nào. Ấy thế mà vẫn có, thậm chí có hơi bị nhiều nữa. Vậy sự có mặt của thành phần này để làm gì ? Vô lý. Vô vô lý. Hãy thử biện luận chút xem. Một bức tranh nếu có thể gọi là đẹp, tất không thể một màu hoặc chỉ một tông màu sáng, mà để làm nổi lên được điểm nhấn tất phải có sự đan xen, lót nền để tô điểm ý chính cần chú ý. Nếu bức tranh ấy chứa đựng ý nghĩa gì sâu xa huyền ẩn, thì lại càng cần nhiều vệt tối, mới có thể tập trung vào ý niệm, mới lột tả được nội dung cốt lõi mà tác giả đã gửi gắm. Vậy, một thành phần mang tính tiêu cực, cực đoan, luôn xuất hiện giữa cuộc đời này là một sự cài đặt hữu ý của thiên tạo. Đó là sự thử thách, là trải nghiệm thực tế, là đúc kết các hệ thống luật định (cả mơ hồ lẫn hiển nhiên), là hình thành các giềng mối quan hệ xã hội, tạo ra những bối cảnh cuộc đời đa đoan lập thể những sắc thái, làm cho cuộc đời mỗi người trở nên một thực nghiệm đa chiều, một trò chơi xúc xắc không thể biết trước kết quả… Ví như trong một món ăn, sẽ có những thứ gia vị mà khi nếm riêng lẻ luôn làm cho người ta nhăn mặt, nhưng khi được hòa trộn với nhau lại cho ra một thứ hương vị lôi cuốn hấp dẫn cho sự thưởng thức. Nếu bạn đi đến một mục tiêu bằng những nấc thang trơn tru hoặc cả thang máy chẳng hạn, thì chác chắn sẽ không cảm thấy thú vị và giá trị, mà phải có những cái ngáng chân, phải trầy lên trượt xuống, phải vật vã lăn lóc để đạt được một kết quả cuối cùng. Cuộc sống là như thế đấy, luôn tạo điều kiện cho người ta thưởng thức đủ thứ gia vị và cung bậc, để rồi khi trải qua những biến động những thách thức, người ta mới có thể thấm thấu được rằng “Sống để làm gì ?”
         Tùy vào mức độ rộng hẹp cao thấp của từng nhận thức, người ta sẽ tùy nhiên cho ra những đáp án có thể đúng hoặc chưa đúng lắm, nhưng vẫn là một sự giải đáp phần nào cho những gì đã diễn ra trong mỗi cuộc đời, rồi nhìn rộng hơn là cả mỗi cõi nhân gian. Tất cả những cái riêng tốt xấu lành khuyết nên hư… đều có một căn nguyên nhất định để hiện diện. Vậy nên có đôi lúc phải hiểu những gì mình làm dù sai đúng hay dở đều là một diễn trải trong quá trình đi qua của một kiếp phận. Khác chăng là sự nhận định và điều chỉnh, để ít nhất cũng tránh cho bản thân những hệ lụy đáng tiếc, và đủ để trung dung những ý niệm trong cuộc sống. Để rồi, đến một lúc cần thiết thì người ta sẽ tự hiểu được nguyên do vì sao người ta có mặt trên đời, và người ta “Sống để làm gì ?”. Và cho dù khi tổng kết một chặng trình sự hơn thiệt được mất không đủ để cân bằng, thì cũng đừng nên oán than, mà hãy hiểu đó là lẽ tất yếu của phận nghiệp. Nếu có thể hãy lấy làm vui khi bản thân mình không là một tố tác hiểm hại cho bất kỳ ai. Cũng đừng vin vào khái niệm mơ hồ “kiếp sau…” để hứa hẹn hoặc mong đợi. Bởi điều đó là hoàn toàn không thể, giả sử có kiếp sau đi nữa, thì bối cảnh danh phận định nghiệp là một thể thức hoàn toàn khác rồi. Cho nên, chỉ cần xác định được trong phạm vi cuộc đời mỗi chúng ta “Sống để làm gì ?” để tự an hòa bản thân, để cảm nhận được chút gì thiện phúc, để thấy lương tâm không hổ thẹn không tội lỗi, để có thể nhẹ nhàng thanh thản khi cất cánh về miền vô định, thế là đủ rồi.



  Trở lại chuyên mục của : Đàm Lan