ĐÀM LAN
 
Và Tôi Gọi: Đó Là hạnh Phúc
Tản Mạn

 
 
         Đây là một đề tài mà có bàn đến hàng vạn năm nữa cũng không nhàm. Bởi đó là một mục tiêu không chỉ con người mà cả vạn vật cùng hướng đến, cùng tìm kiếm cùng phấn đấu. Có niềm vui vỡ òa gọi là hạnh phúc lớn, cả một cuộc đời may ra đạt được một vài khoảnh khắc, nhưng có rất nhiều niềm vui nho nhỏ mỗi ngày gọi là hạnh phúc bình dị mà rất nhiều khi người ta cứ vô tình vội vàng lướt qua mà không kịp cảm nhận.. Hạnh phúc là một thứ không dễ nắm bắt, đôi lúc nó rất mơ hồ mà người đang có lại không biết,cứ mải so bì đong đo, chỉ cần định tĩnh tâm tưởng một chút thì sẽ thấy nó hiển nhiên đang ngự trị trong tâm. Bởi sự cầu vọng của người ta luôn hướng đến mục tiêu nào đó khá xa, nên không biết có những thứ mình đang nắm trong tay khối người mơ không được.Thang bậc của cảm nhận hạnh phúc thì không có chung một cách đong đo, bởi đích đến của cuộc sống mỗi người khác nhau, nên giá trị hạnh phúc với mỗi người cũng khác nhau. Trong suốt một chặng dài đường đời, ai ai cũng có những tham vọng khát vọng, khi được thỏa nguyện một mong cầu nào đó thì đã đạt được một phần hạnh phúc. Cũng như mọi sự, cảm giác hạnh phúc chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian tùy hiệu ứng tâm cảm. Nên khi đã đi qua thì người ta lại tiếp tục hướng đến sự kiếm tìm khác.
          Có một góc độ rất cần phải xét đến. Đó là những trải nghiệm lăn lóc va đập, những thương tích nghịch cảnh, những biến cố nạn tai bất ngờ, những khổ đau bất hạnh, những thử thách và cả sự trả giá…Một đời người ít nhất cũng phải đôi ba lần trải qua những vấn đề hoặc sự kiện nghịch ý lớn nhỏ. Có phải nếm trải những cung bậc và cảm giác đau đớn bế tắc tuyệt vọng sợ hãi đắng đót, thì người ta mới hiểu đâu là hạnh phúc thực sự. Có những sự bình yên kéo dài để rồi người ta sẽ chủ quan lơ là hoặc xem thường những gì mình đang được hưởng, cho đó là sự buồn tẻ nhàm chán, nhưng bất ngờ phải trải qua biến động giông tố chật vật sinh tử, thì người ta mới hiểu ra và mới biết trân trọng cái hạnh phúc nhẹ nhàng đơn giản bình dị đã từng có. Ví dụ, có những người bình thường khỏe mạnh, tứ chi ngũ quan hoạt động tốt, người ta xem đó là tự nhiên không cò gì phải bận tâm chú ý, thậm chí trong đời sống hàng ngày gặp những người bị khiếm khuyết đi một vài chức năng người ta còn có những thái độ kỳ thị khó chịu và cả xem thường. Nhưng chỉ cần một tai nạn xảy ta, thì cái thứ mùi vị mất mát thua thiệt mới cho người ta biết được sự đắng cay và vật lộn với bao nghịch lý của cuộc đời là như thế nào. Khi đó, sự khao khát về một thứ hạnh phúc mạnh khỏe đủ đầy mới càng làm cho sự nuối tiếc đau đớn lên nhiều lần. Hoặc, một số người có duyên may được sống khá đủ đầy có khi cả thừa thãi, họ không biết họ đang được hưởng sự ưu đãi, mà họ cho rằng đó là sự nghiễm nhiên phải đến với họ, vì họ quá xứng đáng, và họ vẫn luôn thấy thiếu kém những gì đó, sự mong cầu của họ thường là bước quá chân, vì vậy họ không thực hài lòng, người ta vẫn luôn nghe họ than thở, cho dù một số than thở ấy như một cách khoe khéo vậy. Nhưng đùng một cách, có thể làm ăn thua lỗ, có thể bị lừa gạt, có thể một cơn bạo bệnh đến với bản thân hay một ai trong gia đình họ, và tiền của thì vỗ cánh bay cuồn cuộn, trong một thời gian ngắn họ suy sụp mọi mặt. Và chỉ đến lúc đó họ mới biết họ đã từng hạnh phúc đến thế nào.
          Đa phần khi nói đến hạnh phúc người ta thường liên tưởng đến sự ngơi nghỉ, chậm lại và an hưởng, và gần như mặc nhiên dành cho tuổi đã xê xế. Thực ra, khi đã bước vào gia đoạn tóc hai màu, tâm thân đã xuất hiện vào ba căn bệnh tuổi tác, để những chiều viên tản trong một khu vườn êm ả tình hoa duyên lá, dăm tách trà cà phê cùng vài hạt dưa hạt bí mà câu kia chuyện nọ, mà điểm mặt những đoạn trường, mà chiêm ngẫm gần xa thế thái, thì phần lớn người ta đã ngộ ra rất nhiều thứ giá trị đủ tầm độ của cuộc sống. Bởi nhiều ít gì chính bản thân mỗi người đã là một thực nghiệm, hối hận cũng có, hài lòng cũng có, cái gì có thể có thì đã có rồi, cái gì không thể có thì cũng biết cái ngưỡng của mình không chạm đến được, nên cũng dễ mà xếp bằng tâm thái, tự dọn mình mà sửa trị đôi ba điều còn vướng lại của bản thân để ngọn đèn hạnh phúc có thể sáng lên một màu vàng yên ấm. Nhưng tuổi trẻ và tuổi trung hiên mới là lứa tuổi cần nhận thức thật rõ về giá trị của hạnh phúc. Để giữa bao tham vọng hoài bão, giữa bao gồng gánh lo toan, đối mặt với muôn vàn hình trạng người đời, khi sự an nguy chỉ cách nhau một lằn ranh tích tắc. Bởi trong một quá trình dài của sự phấn đấu chinh phục, kiếm tìm những thành quả, đương nhiên phải đối mặt với những thách thức va chạm hơn thua giành giật. Để có được những yêu cầu cao nhất cho bản thân và những người liên quan thì dù không muốn cũng phải bỏ quên phải đánh rơi đi một vài giá trị cần thiết về mặt phẩm chất. Với những hình thế thang bậc của xã hội, thì việc sử dụng những chiêu phép thủ đoạn gian trá lật lường là không tránh khỏi, tầm mức cao thấp, độ nhẫn tâm bao nhiêu là tùy thuộc vào bản chất mỗi người. Chỉ là hầu hết không nhận thức được rằng : Gieo sự khốc nghiệt cho người thì mình cũng phải đón nhận sự trở ngược của nó. Bởi tính phản đòn là một thứ phản ứng có điều kiện. Để rồi khi biết đau đòn biết sự trả giá là gì thì không thể quay ngược thời gian.
         Vậy phải làm sao để giảm thiểu những mất mát những thiệt hại những hối tiếc không hề muốn nó vẫn xảy ra và chi phối mật thiết đến cả một đời người ?
         Điều cần biết trước tiên là kỹ năng điều tiết cảm xúc. Vui cũng không nên vui quá. Buồn cũng không nên buồn quá. Giận cũng không nên giận quá. Bất kỳ cái gì qua cũng đều không tốt, bởi khi sự quá ấy làm tâm trí người ta thiếu kềm chế mất kiểm soát thả nổi cảm tính thì luôn dễ dẫn đến những hành vi tiêu cực cực đoan. Để làm được điều này cần phải biết thêm nhiều thứ. Có một thứ gọi là Phúc Phận. Mỗi người có một kiểu phúc phận riêng, không cứ thấy người ta có gì đó thì mình cũng phải cố mà có, mà không nghĩ rằng mình cũng có thứ mà người kia muốn có cho bằng được. Tất nhiên quá trình cuộc sống là sự chinh phục những thứ thách để đem về cho bản thân những thành tựu. Nhưng nếu nhận thức được khả năng hữu hạn của bản thân mình, và hiểu được điều gì cần thiết và phù hợp với mình, thì sẽ giản lược được nhiều lắm thời gian công sức tâm huyết thậm chí cả trí tuệ phẩm cách cho những điều vô nghĩa. Có một thứ khác gọi là Nhịn Nhường. Trong bất kỳ một cuộc tranh chấp nào, một khi đã thể hiện đủ tâm ý cho mục đích tranh chấp ấy, thì nên nhịn đối phương một chút nhường đối phương một chút để bảo toàn sự an lành và thiện ích cho cả đôi bên. Tâm thế ấy sẽ góp phần tạo cơ hội cũng như kết quả, vì khi cuộc diện đã bày ra thực tế hiển nhiên, thì một chút nhường nhịn ấy sẽ làm tăng thêm giá trị của bản thân. Cũng vì một lẽ nữa là, sự hãnh tiến hiếu thắng cố chấp có thể ví như một thanh sắt nhọn hai đầu, cứ tưởng chỉ gây thương tích cho đối phương mà không biết chính mình cũng ngoại thương nội thương trầm trọng.
         Vẫn hay nghe “Nói lý thuyết thì dễ lằm, làm được mới khó, cực khó”. Đường nhiên là khó rồi. Nhưng khó thì mới phải học phải rèn tập thì mới đạt được. Ví như những môn thể thao đỉnh cao, vân động viên cũng phải dày công, mất bao tâm sức thời gian khổ luyện mới đạt được thành tích. Trong tất cả mọi lĩnh vực, không bao giờ có thể đạt được hiệu quả tốt nhất mà không học tập rèn luyện chăm chút. Một đứa trẻ không thể gọi là trưởng thành khi không từng ngày từng bước học tất cả mọi điều cần thiết. Thì đây, trong hành cuộc đời người, muốn có một cuộc sống ý nghĩa chính thiện hạnh phúc thì phải rèn phải luyện. Không ai có thể làm ngay được cái việc tự căn chỉnh rèn giũa bản thân, vì rất nhiều bênh biện lôi kéo chùng chình và cả sự nuông chìu chính mình nữa. Phải đưa những ý niệm đúng đắn vào tâm thức để tự nhắc nhớ hàng ngày, trong mỗi sống xử vận dụng từng chút một, qua nhiều chứng thực sẽ đến một lúc tích cóp được thành những kỹ năng tâm thái căn bản. Thực tế đã có rất nhiều người làm được, nên mới có những đúc kết truyền dẫn lan tỏa. Và cũng nên nhớ, trong mỗi người bất kể đoạn tuổi nào cũng đều có một “đứa bé” ương bướng khó bảo. Chỉ cần nhắm mắt làm lơ đi thì đứa bé ấy sẵn sang hồn nhiên bản năng cảm tính mà sơ tay sểnh chân làm đổ vỡ đi thứ gì đó.
         Cuộc đời nói dễ thì cũng không dễ, mà nói khó cũng không khó lắm, chỉ là ta có quyết tâm để trở thành người thế nào. Cái gì cũng có giá của nó, nhận trước thì trả sau và ngược lại. Thành công lớn nhất của đời người là con cháu ra đường không phải cúi mặt, là không có những vệt sẹo lương tâm không cách nào tẩy xóa. Để tự uốn nắn mình, để hướng đến một cuộc sống an yên hạnh phúc, để ít nhất thì cũng giảm thiểu tối đa những thương tích cho mình cho người, để tránh phải trả những cái giá quá đắt như một số hiện trạng xã hội đã đang xảy ra, thì hãy nên để ý đến ba điều sau :
          Biết mình biết người – Mắt nhắm mắt mở - Chín bỏ làm mười.
         Có thể tạm gọi đó là một bộ quy tắc. Tất cả mọi người không trừ một ai, luôn có những khiếm khuyết và một vài khả năng tốt. Người có thứ này người có thứ kia, nếu tự bình tâm nhìn nhận sẽ thấy những giới hạn của mình và những ưu việt của người. Học được càng tốt, không học được thì cũng đừng tỏ ra ai cũng thua kém mình, trong hành xử đều muốn hơn muốn thắng. Tất yếu sẽ dẫn đến nhiều bi kịch và hệ lụy. Trong tất cả mọi mối quan hệ, có thương thiết đến đâu cũng không thể nào hài lòng nhau được hết, nếu cứ luôn săm soi đòi hỏi những cái phải này phải khác từ đối phương, một li một phết cũng đặt lên bàn cân, cũng khó khăn lườm nguýt, sai một tí cũng nâng quan điểm thành nghiêm trọng, mà không tự hiểu chính mình cũng chưa làm tốt hết được mọi sự. Mọi cung bậc giao thoa giao hòa trong đời sống, chỉ cần bớt đi chút ít tính cá nhân, chung chia và san sẻ phần nào, lướt qua bớt những thua thiệt không đáng, thì chắc hẳn sẽ nhẹ mình nhẹ người, sẽ thấy vòng quay tư ích sẽ luôn chia đủ phần cho mỗi người, lúc này hay lúc khác, cách này hay cách khác, sẽ tự nhiên mà ngộ ra những căn nguyên của tạo luật, sẽ thấy tình bù trừ là hiển nhiên tồn tại.
        Hay nói một cách hình tượng, mỗi người phải sắm cho mình một bộ lọc nhiều tầng, và rất cần thiết phải tập cách tự trấn tĩnh, điều tiết cảm xúc sớm trở về thế cân bằng, nhịn một chút, lùi một chút và thiệt một chút, sẽ có thiện ích lâu dài. Ví như muốn có nước sạch để dùng tất phải lọc qua mấy lớp, có không khi trong lành để thở cũng phải lọc qua cây xanh hay khẩu trang. Vậy con người muốn có một đời sống an nhiên thanh thỏa phúc hạnh, không thể không lọc. Không có cái gì đẹp, hay, vui mà tự nhiên có ngay cho ta hưởng hết. Tin tôi đi, nếu bạn theo một khóa học dài hơi, thực hiện những bài tập một cách chăm chỉ và khắc kỷ nhất, thì đến một lúc nào đó cuộc đời sẽ cho bạn ít nhất là điểm 8. Quan trọng là cho dù người đời có không thương bạn được thì cũng không khinh bạn được. Và khi nào đó, bạn cứ thử làm những tổng kết nhỏ với từng sự việc với từng mối quan hệ, và với chính mình, có không nhiều thì chắc chắn bạn cũng có được một kết quả tàm tạm. Hiếu ứng về lâu về dài là sự tích cóp nhiều mặt, thành công thành tựu thành đạt thành nhân sẽ có một đáp số rõ rệt. Một cuộc sống cho ta có cảm giác bình nhiên tự tại, không phải lo âu nhiều, cũng không phải đề phòng nhiều, bản thân và những người liên quan có sức khỏe tương đối ổn định, dời sống không quá nhiều chật vật khổ ải,có thể nở được những nụ cười nhẹ nhõm, hài lòng vời bản thân một chút, dung dưỡng được thế nhân một chút, để rồi bất kỳ một ngày nào đó gió nhẹ mây bay không bi ai không hờn oán, bao người còn lại có không nhiều thương tiếc cũng không nỡ ném theo câu nguyền rủa. Đừng trông mong gì cái gọi là kiếp sau, nó chỉ là một cách lý giải, chỉ cần sống trọn một kiếp người không cặn bã vẩn đục, an hòa thiện túc viên nhiên. Thế là được.
        
         Và tôi gọi Đó là Hạnh Phúc
 



  Trở lại chuyên mục của : Đàm Lan