ĐÀM LAN

Cảm Tình - Tình Cảm
Tản Mạn
 
 
         Cũng chỉ bấy nhiêu chữ cái, âm vực cũng không khác nhau, thế mà chỉ đảo vị là đã chênh nhiều về cung bậc ngữ nghĩa. Cái độ chênh này nghe thì có vẻ không đáng kể, nhưng trên thực tế nó lại sinh ra rất nhiều cảnh huống éo le bi trạng. Ví như một ngọn đèn khi mờ khi tỏ, phụ thuộc nguồn điện mạnh hay yếu, phụ thuộc độ bền của những sợi tóc, phụ thuộc không gian rộng hay hẹp… là những phụ thuộc có hình hài khuôn thước để mà đo mà luận mà xác định. Và cái độ chênh của trường đoạn Cảm tình – Tình cảm này lại phụ thuộc vào mối lương duyên, phụ thuộc con đường định mệnh, phụ thuộc sóng tần giao cảm … là những phụ thuộc huyền vi ngoại lực, không dễ nhìn thấy không dễ cân đo không dễ định dạng. Chính vì thế mà làm nảy sinh những hệ lụy kèm theo một cách rất tùy nhiên.
         Trong quá trình giao tiếp cuộc sống để gây được cho nhau một chút cảm tình ban đầu không khó. Chỉ cần một nụ cười thân thiện, một hành vi tử tế, một câu nói vui tai, một cử chỉ hòa ái, một sự trợ giúp nho nhỏ… nhiều lắm là những trạng thái hoạt động diễn ra chung quanh mỗi người mang một khí sắc lành thiện là gây được ngay cho đối phương sự cảm tình. Đa số là những kiểu cảm tình để lại trong lòng người một âm hưởng tốt, rồi theo thời gian nó cũng loãng dần đi. Rồi cũng đa số cảm tình ấy sẽ được phát triển thành tình cảm mang tính chất riêng của từng mối quan hệ. Quan hệ bạn bè, quan hệ anh chị em, quan hệ đối tác, và quan hệ đôi lứa. Trên thực tế, cho dù với bất kỳ mối quan hệ nào được hình thành qua nhịp cầu ban đầu là cảm tình thì cũng phải hội đủ những yếu tố : duyên nợ, buồn vui, hợp tan, mất được…là những cung bậc cuộc sống trải dài trên con đường định mệnh. Bất kể ai và ai, khi đã có một trường độ tương tác dù dài ngắn cũng đều đem đến cho nhau những chi phối ấy.
         Và vì sao lại xảy ra những cảnh huống éo le bi trạng ? Nếu là những mối tương quan không mang tính mật thiết và lâu bền, không hình thành những căng trồi cảm xúc, không có sự kêu cầu riết róng cho một hoạch trình dài hơi, không có nhu cầu không có điểm nhấn không có sự ràng trói thì quá dễ cho những đến rồi đi. Nhưng rồi những biến động xúc cảm nảy sinh, và cái nhịp độ tăng trưởng ấy gần như không hạn mực, để rồi bỗng người ta nhận ra “hình như…”. Cái hình như này nó không có ý định thụt lùi, mà nó càng lúc càng muốn xông tới chiếm lĩnh mục tiêu. Nếu cùng một cung độ giao tác, thì cái tiến trình Cảm tình – Tình cảm mặc nhiên hình thành không cần phải bàn tán nữa. Nhưng với chiều ngược lại, một bên muốn đẩy tới, một bên muốn trở lui. Bắt đầu là những nhiêu khê nghèo nghiệt. Bên muốn tới không được thỏa ý sinh bức xúc bậm bịch “sao hôm ấy hôm kia tình cảm lắm mà…”. Bên muốn lui thì ngơ ngác “mình có gì đâu mà người ta tưởng…” Và thế là bắt đầu một cuộc rượt đuổi và câu chuyện không còn gói gọn trong một phạm vi, mà nó liên quan tác động đến đôi ba phía, là phức tạp lên rất nhiều những điều không tưởng trước đó, gây phiền hà mệt mỏi rắc rối, và rất có thể tiêu tan luôn một chút cảm tình ban đầu.
         Cảm tình – Tình cảm luôn là những sắc thái hiện diện trong mọi cung bậc đời sống. Nó có thể là nhịp cầu có thể là những món quà có thể là cái bẫy, để rồi bất kỳ ai đều thường phải tiếp nhận nó trong một tâm thế bị động, bị dẫn dắt bị quyền khiến. Có lấy lại thế chủ động được chăng là khi nhận thức lên tiếng. Khi đã hội đủ những xây xát, những thẩm nghiệm, những đo đắn thì tính chất thực của vấn đề của mối quan hệ đã hiện ra một cách rõ rệt, kiểm định và nhận thức được diễn tiến và giới hạn, đó mới là lúc cán cân tâm tưởng trở lại thăng bằng. Từ đấy sẽ tùy vào duyên mệnh, tùy vào giao tầng cảm xúc, để căn chỉnh lại màu sắc mức độ của sự tương quan. Có đi tiếp được cùng nhau hay dừng lại tùy thuộc vào cả hai bên. Nhưng rõ ràng con đường sẽ rộng hơn, sẽ dễ chịu cho sự chọn lựa hơn, và chắc chắn cũng sẽ êm đẹp hơn nếu cả hai xác định được một hạn mực và ít nhiều cũng mong muốn giữ được nhau trong sự thiện chí, đủ tầm độ để tiếp nhận mà không khiên cưỡng không áy náy không chướng ngại.
         Cuộc sống luôn có những dẫn dắt đặt để không nằm trong sự định liệu, được mất hay dở thế nào lại tùy thuộc vào quan điểm tính cách văn hóa và bản ngã của mỗi người. Vì mình hay vì người ? Đây là then chốt của xử sự. Nếu chỉ khăng khăng phải chiếm hữu phải bằng mọi cách để nắm cho bằng được, thì tât yếu là sự thương tổn cho cả đôi ba bên. Còn được cho người mà cũng đẹp cho mình thì mới thật là một thiện duyên. Nhưng tạo hóa vốn ngược ngạo, luôn biết cách bày trò, nên những bi kịch thảm kịch vẫn luôn hiện hữu trong cõi sống người ta vậy.

  Trở lại chuyên mục của : Đàm Lan