ĐÀM LAN


Cốt - Cách 
Tản Mạn
 
 
         CỐT – theo nghĩa trực diện, là xương. Mỗi người đều có một khung xương cố định, khung xương cao hay thấp, ngay hay vẹo, mạnh hay yếu, đó là sự tùy nhiên mà tạo hóa lắp đặt cho mỗi hình hài. Khung xương này là phần định vị cho tầm vóc của từng bản thể. Và đương nhiên sự cao lớn bề thế vẫn luôn là một ước vọng cho tất cả.
         CỐT- theo góc độ khác là Bản chất, là Tâm địa, là Tầng văn hóa. Vậy nên CỐT này đi cùng với CÁCH. CỐT nào thì sự hành xử theo CÁCH nấy. Lương thiện hay gian ngoa, thật thà hay nham hiểm, nhân hậu hay độc ác, quân tử hay tiểu nhân, hẹp hòi hay rộng lượng, cao quý hay thấp hèn, lươn lẹo hay thẳng thắn, phóng khoáng hay ti tiện,…dù có cố gắng che đậy khôn khéo đến đâu, thì sớm muộn bản chất thật của mỗi cá nhân vẫn hiện ra một cách rõ nét.
         Vậy nên mới tạo ra một mô hình xã hội như các thứ phẩm màu trộn lẫn vào nhau gây nên những cảm giác mù mờ ảo mị. Để không phải ai cũng đủ tinh tấn minh mẫn triết tuệ mà nhìn ra ngay được điều mờ ám man trá ẩn sau những hành động thái độ lời nói mang cái vể rất chân thành rất tốt bụng rất đàng hoàng. Chỉ khi dẫn đến mục đích cuối cùng thì mới là lớp bóc trần của bản chất thật kia. Hoặc có những “bậc anh hào, bậc trượng phu, người nhớn” rõ rõ ràng ràng, nhưng xử sự thì không thể chấp nhận được bởi tính chất thậm tệ như thô lỗ vô văn hóa cục súc phàm phu bẩn thỉu hèn kém tủn mủn có khi là rất trẻ con. Để rồi quá nhiều ngỡ ngàng mà thốt lên, trông thế ai mà ngờ, câu “trông mặt mà bắt hình dong” càng về sau càng mất dần tính chiêm nghiệm. Ngược lại, có một thành phần khác, không lấy gì làm bề thế, hình thái vừa phải, trang phục đơn giản, phong cách hòa đồng gần gũi, đôi khi với những con mắt coi trọng hình thức dễ xem thường, nhưng đó mới chính là những người thực tâm nhận hậu, nhiệt tình và biết tôn trọng lẫn tự trọng. Hành xử của họ thường không gây nên sự thiệt hại cho ai và cũng không bao giờ phô trương những gì mình làm được cho người khác. Họ cũng không xem trọng những con mắt thu ngược vén xuôi nào đó, đơn giản họ biết mình biết người và cũng biết cả cái xã hội quanh mình đang diễn ra những thứ trò gì.
          “Người chết cái nết vẫn còn”. Một câu đã đúc kết ngàn đời về CỐT – CÁCH người đời. Hoặc “Họa bì họa hổ nan họa cốt – Tri nhân tri diện bất tri tâm”. Hay đơn giản hơn “Thức lâu mới biết đêm dài - Ở lâu mới biết lòng người Ngay – eo”. Con người ta luôn tự bộc lộ mình qua những cử chỉ hồn nhiên nhất bất ngờ nhất, cung cách hành xử hàng ngày không phải lúc nào cũng kịp vận dụng “kỹ năng” để che lấp, Chỉ cần để ý sẽ dễ nhận ra sự thật giả trong bất cứ mối quan hệ nào. Rất nhiều khi không chỉ có mục tiêu mang giá trị vật chất mới tác động điều khiến hành vi của họ, mà đôi khi chỉ vì sự quyền uy hay lòng tự mãn và cả ảo tưởng về bản thân cũng khiến họ bộc lộ Cốt Cách  một cách cụ thể nhất.
         Trong quá trình cuộc sống, ai cũng phải trải qua rất nhiều cảnh huống, rất nhiều thang bậc và rất nhiều gương mặt, chắc chắn phải có những lầm lẫn những ngộ nhận những cả tin những hoài vọng mà chỉ khi thực tế quá đỗi hiển nhiên không thể nào che đây bao biện hay cố gắng để nhìn nhận một cách khá hơn thì người ta mới cay đắng mà thừa nhận cái hệ lụy của vấn đề. Nhưng cái hay là người ta sẽ tự khôn lớn trưởng thành hơn, bởi những thẩm thấu mà không một trường lớp nào có thể dạy được, và khi đó, cái gọi là Cốt – Cách của đối phương lại có một lợi ích là giúp bản thân nghiệm được rõ hơn Cốt – Cách của mình.


  Trở lại chuyên mục của : Đàm Lan