ĐÀM LAN


Đôi Điều Cảm Niệm Về "Thầy" 
Tùy bút
 
          Hôm nay, ngày 1 tháng 12, là ngày “bổn mạng” của một người “Thầy” mà tôi rất yêu kính. Một người Thầy duyên nghiệp đã dẫn dắt cho tôi đươc gặp. Một người Thầy đã cho tôi vỡ ra được rất nhiều góc độ nguyên lý sống, cũng là một mũi tên chỉ đường cho tôi đủ tâm thế đi đường dài cùng văn nghiệp. Nếu trong những bước chập chững ban đầu tôi không gặp được Thầy, chắc có khi những vụn vặt người đời đã có thể đánh bại tôi.
          Còn nhớ một ngày của tháng 8 năm 1997, tôi được tham dự lớp bồi dưỡng viết văn ở Hà Nội. Khoảnh khắc đầu tiên tương ngộ một người Thầy giản dị chân tình gần gũi không thể nào phai nhạt. Nhà Văn Ma văn Kháng. Tôi nghe như thấm từng lời trong một tiết học của ông. Và giờ giải lao với tất cả háo hức lẫn ngưỡng vọng của một học trò tỉnh lẻ tôi mạnh dạn đến gần và trò chuyện. Một đoạn trao đổi ngắn “Em học đại học văn hóa hay xã hội nhân văn ? Dạ cổng trường đại học xa vời với em lắm ạ ? Thế em tốt nghiệp cấp 3 năm nào ? Em cũng chưa mon men được tấm bằng đó đâu ạ ? Trời đất ! Vậy em học đến lớp mấy ? Lớp 9 thôi ạ. Ôi trời, giá mà em được học nhiều hơn nữa thì tốt quá.” Chắc cũng cần nói thêm rằng cái lớp 9 đèn dầu năm 1980 ngày ấy so với lớp 9 Internet bây giờ thì khoảng cách đến thế nào rồi nhỉ. Và chắc vì một chút quan tâm đến một học trò ít học tỉnh lẻ nhưng lại mang tham vọng đường xa với cái nghiệp văn chương vốn có thể ví như bơi giữa biển rộng. Nên ông đã rất thân tình trò chuyện không chỉ hôm gặp gỡ đầu tiên ấy. Để rồi những tháng năm kế tiếp qua những lá thư những cuộc điện, và đặc biệt, ông cũng là người chăm chút rất tận tình cho tác phẩm tập truyện ngắn đầu tay của tôi được chào đời. Đó chính là phúc duyên của tôi vậy. Để rồi từ ấy đến nay qua hơn 20 năm, tôi vẫn đủ ý chí để thầm lặng đi trên con đường của riêng mình. Cũng đủ định tĩnh để không sa vào những bọt bể phù phiếm. Và vẫn tự nhắc nhủ lòng mình “Hãy làm tốt nhất có thể những gì mình muốn, phần còn lại tùy duyên nghiệp.” Để mỗi lần tôi có thêm một thành phẩm gửi Thầy, thì ông luôn vui mừng khuyến khích, “anh đã thức cả đêm qua đọc hết cuốn sách của em, tốt lắm, em gửi ra anh một số để anh tặng bạn bè nhé”. Còn phần thưởng nào lớn hơn thế không ? Có thể trong một số danh sách giải thưởng đã và sẽ không có một cái tên, nhưng có sao khi bản thân mình có thể hài lòng vì thành phẩm của mình ít nhất không phải một thứ rác thải trong môi trường văn hóa, vì ít nhất nó đã được sự thẩm định của một người Thầy có đủ Tâm – Tài – Tầm, thì đó là một động lực rất lớn để tôi cứ vững tin mà bước tiếp.
          Hôm nay, khi nhắn tin thăm hỏi sức khỏe của ông vào cái ngày đặc biệt, tôi rất nặng lòng khi nhận lại “anh ốm lắm, nằm viện suốt, bác sĩ khuyên anh ít giao tiếp”. Ông bị bệnh tim đã nhiều năm, đã mổ mấy lần, sức khỏe giờ chỉ trông chờ vào thuốc thang và sự chăm sóc. Những lúc nhúc nhắc được, ông vẫn cặm cụi những trang văn, tâm huyết, nghị lực và ý chí, cho dù có thể dưới cái gầm trời ngày càng biến dạng nhân cách nhân phẩm, thì chỉ cần một tia hy vọng nhỏ, rằng ít nhiều những điều thiện nghĩa trí tâm được ân cần gửi gắm may ra vẫn còn bù khuyết được vài phần trong cái cõi người đầy huyền mị đa đoan này, thì người cầm bút chân chính vẫn dốc tâm dốc sức khi còn có thể.
          “Trình độ không đồng nghĩa với bằng cấp. Bằng cấp cũng không đồng nghĩa với văn hóa.” Đó là câu đúc kết rút tỉa của tôi khi đã trải qua khá nhiều diễn cảnh đời sống. Bằng vào một chút tư duy hạn hẹp của mình, tôi hiểu rằng, những kiến thức tri thức tâm thức không chỉ được lĩnh hội trong những cổng trường, mà trong đời sống hàng ngày luôn có những bậc Thầy cho ta những bài học đắt giá. Việc ta học được và vận dụng bằng cách nào thì tùy mỗi cá nhân, nhưng đủ duyên phúc để gặp được những người Thầy đúng nghĩa thì con đường chúng ta đi sẽ vững chãi hơn, kiên trì bền bỉ hơn, bởi không có một thành quả có giá trị nào được mọc lên từ những hoang sơ vụng dại cả. Mỗi mỗi người đều có những đánh đổi cho những mục tiêu mà mình luôn hướng tới. Chỉ là sự đánh đổi ấy đến cuối cùng có làm cho ta thỏa nguyện hay không.
          Nói những điều này, không chỉ là những dòng cảm niệm tri tâm của cá nhân tôi hướng vọng Thầy. Mà tôi còn muốn lưu ý những thế hệ kế tiếp, nên học hỏi Thầy qua hàng chục đầu sách rất phong phú đề tài chất lượng nội dung, qua sự dẫn dắt chí lý và trải nghiệm cùng lối tư duy cặn kẽ chân sát của ông : Nhà Văn Ma văn Kháng. Cho dù có thể khác về văn phong, sự diễn trải, nhưng tâm thế và nguyên lý sống cân hòa vững chãi thì vẫn luôn là điêu tiên quyết.
          Thầy ơi ! Hãy phấn chấn tinh thần yêu thương cuộc sống mỗi ngày như Thầy đã, con số thời gian cho dù hữu hạn nhưng không phải là điều cần thiết bận tâm. Em chỉ mong sao sẽ còn được nhận lại những tin nhắn của Thầy trong nhiều ngày tháng nữa. Thầy hãy mỉm cười hài lòng với những gì Thầy đã xây dựng và đóng góp cho cuộc đời này. Thầy – Anh Ma văn Kháng thân thương nhé.
 
 


  Trở lại chuyên mục của : Đàm Lan