ĐÀM LAN


Lối Xưa Ngậm Ngùi

 
(Truyện Ngắn)
 
 
         “Ơi…ơi…”
         Cảm giác như ai đó gọi mình, tôi hơi ngoái lại, một thoáng liếc ngang, đâu có ai gọi đâu. Tôi lại quay bước. Vỉa hè lăn tăn lá, con gió hiu hiu cuối chiều thoang thoảng dễ chịu. Tôi nghe lòng nhè nhẹ một cảm xúc. Mơ hồ nghe tiếng chân bước gấp gấp phía sau, lại “ơi…ơi…”. Kiểu gọi mà như sợ người nghe giật mình, tôi dừng chân, quay hẳn người lại. Dáng một người đàn ông ốm ốm, vẻ ngượng ngùng khi dừng lại bước chân đang sải tới. Miệng hơi mỉm cười. Tôi nhìn gương mặt sạm sạm, xương xương, cặp kính râm như càng thêm bí ẩn, hình như mình có quen, nhưng là ai đây ? cặp kính được gỡ ra, cùng một giọng nói nho nhỏ :
- Không nhận ra mình hả ?
         Đúng là gương mắt khá quen, ánh mắt kia nữa cũng rất quen, nhưng không thể nhớ ra được là ai.
- Xin lỗi, mình thấy bạn rất quen nhưng…
- MM đây.
- Á…
         Tôi bật một tiếng kêu, và vội bịt miệng mình lại. MM. Trời ! MM đây sao ? Nụ cười buồn buồn là lạ như hiểu rất rõ thái độ của tôi.
- Bạn rảnh không ? Mình kiếm chỗ nào nói chuyện đi.
- Không rảnh cũng phải rảnh. Đi, về nhà mình.
         Tôi quyết định rất nhanh, là bởi trong đầu tôi vụt lên hàng loạt câu hỏi, mà để giải đáp được hết nó thì không thể chỉ vài phút. “Đàn ông nói chuyện trong nhà. Đàn bà lô la ngoài ngõ.” Những người đàn ông gặp nhau, muốn nói một câu chuyện gì đó, thì thông thường nhất là rủ nhau vào một quán cà phê, hoặc về nhà với một cuộc sương sương, cho thêm mặn mà câu chuyện. Không như những người phụ nữ, gặp nhau bất kỳ chỗ nào, giữa đường giữa chợ, thậm chí là giữa những nơi cần sự yên tĩnh đều có thể đứng dài ra mà chuyện. Tôi không phải là đàn ông, nhưng cũng không hoàn toàn là phụ nữ, nên cũng thường diễn tiến cuộc chuyện trò của mình dưới một cái mái nào đó. Với cuộc chuyện này, thì cái mái tốt nhất và phù hợp nhất là cái mái nhà tôi. Bởi đó sẽ là một câu chuyện không nên để cho những cái tai đầy tính tò mò vểnh vào. Trong tâm tưởng tôi lúc này là hình ảnh của một khung cảnh của một ngày chưa thể gọi là quá xa.
         Đường lên chùa là một con đường nhỏ trải sỏi dăm uốn lượn hơi quanh co một chút qua một vạt rừng thông thoai thoải dốc. Mỗi lúc gió, tiếng thông rào rạt như khúc mưa mùa dạo nhanh, cũng có khi lào xào khe khẽ như một cuộc trò chuyện rì rầm. Nhất là đi vào lúc chiều nắng nhạt, chung quanh vắng vẻ có cảm giác thư tĩnh lạ thường. Có lẽ đó cũng là một nguyên do để những nhà sư chọn đất làm chùa thường ở nơi cao và xa đường lộ, như để tâm thế con người được quen dần với một không gian huyền mặc ưu tư. Ngôi chùa Viên Giác được xây dựng nơi triền đối này cũng khoảng gần trăm năm, đã trải qua mấy đời trụ trì. Khuôn viên đơn giản nhẹ nhàng bởi những bóng cây cao thấp, chùa không quá tấp nập huyên náo vào những lễ tiết, không quá tư trầm vắng lặng lúc ngày thường. Chùa cũng có độ mươi sư thầy, vị cao tăng trụ trì thì độ sáu mươi cũng là người cao tuổi nhất. Kế đến là mấy thầy tuổi trung niên, và đôi ba vị đang thời trai tráng, thêm hai chú tiểu còn đang chỏm đào đủ hình thành một cụm tứ đại chi gia. Mà cũng thật vậy, ngoài những phận hành pháp hạnh, thì mấy thầy trò cũng chẳng khác chi một gia đình. Có thể nào khác được, khi đã đi theo tiếng gọi thiền căn thì đương nhiên chùa là nhà, sư phụ là cha và tăng hữu là huynh đệ. Nên sự gắn bó chăm lo cho nhau chẳng khác gì người thân, nhờ đó mà cũng bù đắp được phần nào sự thiếu hụt tình cảm.
         Tôi không thường xuyên lên chùa với tư cách là một phật tử thuần thành, bởi tôi quan niệm, hãy sống từ tâm và thiện tính, không tham lam ác hại. không mưu toan trục lợi, sống với tình yêu thương, có thể giúp ai được gì thì không hề ngại, thế đã là phật tính, thế đã là tu dưỡng tâm khí rồi. Không chỉ là sự suy ngẫm chủ quan, mà đem ra trao đổi cùng một số các vị cao tăng thì tôi đều nhận được sự tán đồng. Vâng, không phải chỉ thuộc làu kinh kệ, không phải khói hương sáng tối là đã làm nên tâm đạo. Mà không ít người mượn hình thái cửa thiền để rắp tâm vị kỷ, mưu lợi. Hoặc cứ dối trá tham lam cho đã rồi dăm ba biến kinh sám hối là coi như sạch tội. Dẫu biết vậy, nhưng cửa thiền luôn rộng mở, ít ra là cũng mong mỏi và tạo điều kiện cho những sân si đời thường may ra có phần tiết hạn. Tuy không hẳn lên chùa thắp hương niệm phật, nhưng bước chân vào lĩnh giới này, tôi vẫn cảm nhận được một sự thanh thoát an nhiên. Niềm yêu thích của tôi là được trò chuyện với các vị sư tăng. Họ là những người có một tầm trí tuệ uyên thâm về nhiều lĩnh vực. Không chỉ phần đạo pháp, mà các vấn đề xã hội đời thường cũng được các vị luôn để tâm chú trọng. Là bởi, có hiểu đời mới đưa được đạo vào đời. “Đời mà không đạo thì đời tham bạc. Đạo chẳng có đời đạo cũng vô minh”. Đạo sinh ra cũng là để hướng thiện, để dẫn dắt con người đến bến bờ viên lạc tri an. Nhưng có đến được không thì phải nhờ vào tâm khởi của mỗi người. Và rõ ràng một điều “Mỗi người một nghiệp một duyên. Mỗi người cầm một mái thuyền qua sông”.
         Sư Tuệ Tấn trạc tuổi tôi, vóc cao dong dỏng, ăn nói rất có duyên, hay cười và khá hóm hỉnh. Thường tôi chỉ gọi là Thầy những lúc cần thiết, còn thì toàn gọi tên. Tôi bảo “Mình nghĩ, cũng chỉ là mỗi người mỗi việc thôi, nếu dùng danh xưng phân cách quá mất tự nhiên trong giao tiếp. Đã xem nhau là bạn thì không nhất thiết phải câu nệ, đúng không?” Tuệ Tấn rất đồng ý với quan điểm này “Đúng đó, nhiều lúc mấy ông bà lớn tuổi cứ vái lạy mình rồi một con hai con, mình ngại ghê cơ, nhưng biết làm sao được, phép là thế mà.” Vậy đó, đôi khi con người ta tự làm khó nhau bằng những thứ khuôn phép mà xét ra cũng không cần thiết lắm. Nên trong một phạm vi nào có thể, cũng chước bớt đi cho đỡ phức tạp. Tình bạn chúng tôi khá thân, có thể nói được với nhau nhiều thứ chuyện. Và rồi một ngày, Tuệ Tấn ngập ngừng :
- Mình có chuyện này, muốn nói với bạn, nhưng…ngại quá.
- Có gì phải ngại, bạn cứ nói đi, có chuyện rắc rối gì sao ?
         Trong thâm tâm, tôi thoáng nghĩ bạn gặp khó khăn chuyện tiền bạc, nhưng rồi nhìn vẻ bối rối, có phần ngượng ngùng, sự nhạy cảm cho tôi đoán, hình như đã có những con sóng lăn tăn trên mặt hồ. Tôi nhướng mày nhìn vào gương mặt đang ửng đỏ :
- Không phải là….chuyện một cô gái nào đấy chứ ?
         Gương mặt cúi xuống như thú nhận. Tôi sững người. Trời ạ. Nhưng đó là ai ? Tuệ Tấn lí nhí một cái tên. Thì ra là cô ấy. Đã từ lâu, tôi nhận thấy sự có mặt gần như thường xuyên của một cô gái lẩn quất quanh Tuệ Tấn. Đó là một trong những người hay đến làm công quả ở chùa. Tôi không mấy nghi hoặc, một phần không hay để tâm đến chuyện người khác, phần nữa tôi nghĩ là không lẽ…Vậy mà…Câu chuyện đã bao lâu rồi ? Hoá ra là đã hơn hai năm, họ cũng đã từng làm mọi cách để không phát triển câu chuyện ấy, nhưng cứ như một loại rượu vang, càng chôn lâu thì men càng đậm. Dù sao thì cũng là một con người thịt xương tim óc, với tất cả mọi nhu cầu tình cảm như bao người. Lý tưởng là một phần, tình yêu là một nhẽ. Bên nào có nồng độ cao hơn thì át chế được bên kia.
- Bây giờ bạn tính sao ?
- Mình không biết nên làm thế nào cho đúng ? Chọn lựa con đường nào cho phải. Mình ngổn ngang quá đỗi bạn ơi !
         Âm sắc và vẻ mặt của bạn cho thấy rõ một tâm trạng rối bời, bế tắc. Cũng phải thôi. Vào chùa từ khi mới hơn mười tuổi, qua biết bao rèn luyện tu tập, những tháng ngày nâu sồng đã như một phần cơ thể. Nay rơi vào một tình cảnh buộc phải chọn lựa, mà bên nào cũng có phần nghiêng ngửa, thật không phải là chuyện dễ dàng. Biết khuyên bạn thế nào đây ? Đi cũng dở, ở cũng không xong. Tâm không còn tịnh mà tình thì xôn xao. Sau mấy ngày suy ngẫm, tôi nói với bạn :
- Chuyện này không ai có thể giải quyết giúp bạn cả. Không chỉ nhiêu khê trong sự chọn lựa, mà tình cảm luôn là một mụ phù thuỷ cao tay ấn, người ta có thể chống đối lại tất cả mọi điều thuộc dạng ngoại thân, nhưng không thể chiến thắng nội cảm. Mình chỉ có thể đưa ra cho bạn những khả năng giả thiết về cả hai mặt, rồi tuỳ bạn suy ngẫm và quyết định.
- Thứ nhất, đặt vấn đề là bạn hoàn tục. Vậy bạn có hiểu được cuộc sống ngoài đời đòi hỏi những gì chưa ? Bạn đã có sự chuẩn bị với khả năng thích ứng phù hợp chưa ? Đầu tiên là dư luận, bạn biết rồi đấy, người đời thường có những khắt khe vô lối, họ cho rằng đã là thế thì mãi mãi là thế không có quyền thay đổi, nhất là bạn đang mang hình tượng của sự cao nghiêm, thanh tịnh, một lĩnh giới mang tính thờ phụng chuẩn mực. Người ta không dế gì tiếp nhận bạn trong một hình thái khác, không những thế, còn ập đến bạn những phản ứng có khi là rất cay nghiệt. Tiếp đến là sự mưu sinh, khi bạn rời khỏi nơi đây, có nghĩa bạn không còn sự bảo trợ nữa, mà bạn phải đối mặt với sự sống, phải tự lo liệu cho tất cả những nhu cầu không chỉ cho riêng bạn, vậy bạn đã chuẩn bị được gì ? Một góc độ khác cũng hết sức quan trọng, đó là tâm thế bạn, bạn xưa nay, sống trong một môi trường nhẹ nhàng, được tôn xưng trọng vọng, không ai dám lời nặng tiếng nhẹ, nhưng ngoài kia thì khác, họ sẵn sàng triệt tiêu bạn bằng bất cứ hình thức nào nếu bạn không đồng dạng với họ, cuộc chiến đấu cho sự sinh tồn dù bất kỳ rộng hẹp, đều là cuộc chiến đấu khốc liệt. Con người ta khi va chạm nhau vì quyền lợi thì đừng nói đến chuyện nhân tính. Bạn liệu có chịu nổi những áp lực ấy không ? Và một điều nữa cũng cần phải nghĩ đến, đó là “tuổi thọ” của tình yêu. Mình nói thật, tình yêu nó chỉ có thể sống trong môi trường lãng mạn đầy ảo ảnh thôi, khi va đập với thực tế khắc nghiệt thì chỉ có mối tình nào thuộc dạng “cực đại” mới duy trì nổi, còn thì rất dễ dàng chết yểu. Nếu bạn đánh đổi mọi thứ bạn đã dày công trơng suốt mấy chục năm qua, mà lại không đạt được một hệ quả tương xứng, thì liệu rồi bạn có hối tiếc đến cả đời không ? Bởi lĩnh vực này không như các lĩnh vực khác, khi rời bỏ đồng nghĩa với trắng tay. Bạn có sẵn sàng đánh đổi ?
- Thứ hai, đặt vấn đề bạn ở lại. Vậy bạn cần bao nhiêu thời gian và tâm sức để áp chế chuyện lòng ? Người yêu của bạn có đồng nhất quan điểm, có đủ tầm trí lực để tránh cho bạn những hệ luỵ điều tiếng lẫn hậu quả, hay cô ấy cũng như nhiều người cần thiết phải được sống với tình cảm và hôn nhân ? Trong trường hợp bất khả kháng mà để xảy ra chuyện đáng tiếc thì những vấn đề nảy sinh là gì ? Điều này chắc bạn thừa sức trù liệu. Nói tóm lại, chọn một trong hai không phải là chuyện đơn giản, sự đánh đổi và hệ luỵ về sau là điều tất yếu. Câu trả lời nằm trong chính bạn đấy.
         Cuối cùng thì Tuệ Tấn cùng không bước qua nổi chữ tình. Cộng thêm lời sư phụ “Con còn nặng nghiệp, và chưa đủ duyên để tròn chữ Phúc, vậy con hãy đi theo tiếng gọi của cuộc đời, Thầy chỉ mong sao con sống giữa cuộc đời bằng cái tâm của đạo. Một ngày nào đó, nếu muốn, con có thể quay về, cổng chùa luôn mở rộng cho con.” Buổi tối cuối cùng chia tay với gian phòng nhỏ mà bạn tôi đã gắn bó suốt một thời gian dài, thật xúc động. Chỉ có ánh sáng từ đôi hồng lạp trên chiếc bàn nhỏ. Giữa bàn là bức tượng Phật Di đà, bát hương, hoa và quả. Bạn tôi mặc y sa, quỳ lạy ba lần, rồi thẳng lưng chắp hai tay dâng ba nén hương lên đỉnh trán, lâm râm khấn nguyện thật lâu. Tôi lặng lẽ ngồi một góc, theo yêu cầu của bạn, nhân chứng duy nhất cho thời khắc bước ngoặt. Sau khi cắm nhang vào bát, bạn tôi phủ phục một lúc, rồi từ từ cởi y sa. Gấp cẩn thận, vuốt thẳng thớm từng nếp và đặt lên bàn. Bạn gục đầu, đôi vai rung lên. Nước mắt tôi cũng chảy dài, cảm giác bạn tôi là con thuyền mỏng manh đang dần xa bờ dấn thân vào giông gió. Con sông đời dềnh dập, sẽ đưa bạn đi đâu ? về đâu ? “Từ giờ hãy gọi mình là MM nhé”. Đó là tên thật của bạn, tôi gật nhẹ và nắm lấy tay bạn. Bàn tay mềm, mỏng và mát. Bàn tay chưa từng phải sần sùi chai cứng bao giờ, bàn tay chỉ biết nhẹ nhàng chuông mõ. Từ nay, bàn tay này sẽ…
         Sau buổi tối ấy, hai người lên chuyến xe sớm nhất ra khỏi bến từ tờ mờ sáng, đó là cách duy nhất để không phải đối mặt với dư luận, và cũng là khoảng thời gian tương đối êm đềm cho sự bắt đầu cuộc sống mới. Tôi nhìn theo chuyến xe cho đến khi khuất hẳn, thầm mong cho bạn có những bước chân an bình trên con đường đi tới. Thời gian đầu còn thư đi tin lại, cho đến khi bạn có đứa con đầu lòng thì thưa dần rồi vắng hẳn. Có lẽ quá bộn bề cho những lo toan nên cũng chẳng còn tâm trí đâu mà thư tín. Câu chuyện của bạn rồi cũng lan ra đây đó, miệng đời mà, có gì bưng bít được mãi đâu. Tôi đã lắm lần phải phản ứng để bênh biện cho bạn trước những góc nhìn khắc nghiệt “Đó không phải là chuyện tội lỗi. Con người ta có quyền thay đổi hoàn cảnh sống phù hợp với nguyện vọng. Người ta đâu có núp bóng làm chuyện xằng bậy đâu mà quy kết. Đừng có nhìn một cách hẹp hòi và ích kỷ như vậy. Đức Phật dạy con người phải biết sống với yêu thương, sao lại đem những quả đấm mà ném vào trái tim thế hả ? Các người có biết yêu không ? Có thích sống theo mong muốn của mình không ? Nếu biết thì sao lại bó buộc người khác trong định kiến của mình ?..” Một số dần ngộ ra, và lâu dần cũng không ai nhắc đến nữa. Bỗng nhiên…
- Cô ấy đâu ?
- Đem con bỏ đi mấy tháng nay rồi.
- Vì sao chứ ?
         Màu mắt ẩm đục và một tiếng thở dài chua xót thay cho câu trả lời. Chai rượu nghiêng thêm vài lần thì MM trầm trầm giọng.
         Bước chân vào cuộc sống mới bằng tay trắng với cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Những hiểu biết có thể gọi là đáng kể trong cổng chùa, hoá ra chẳng có mấy tác dụng trong việc quy đổi thành cơm áo. Không đủ thời gian cho một nghề nghiệp hoặc một nơi ổn định như ý muốn, khi một sinh linh mới đang háo hấc muốn chào đời. Thôi thì cứ cái gì có thể đắp đổi được các nhu cầu sống cho ba miệng ăn là được. Sức vóc một thư sinh sao đọ nổi với mưa chiều gió sớm, bệnh tật là kẻ đồng loã với túng bấn. Đứa trẻ ra đời sớm rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng, cái kết quả của một tình yêu nồng nàn ngày nào đang chuyển dần hình hài màu sắc, và sắc thái một cuộc hôn nhân cũng chuyển theo. Bông hoa tình yêu yểu mệnh rã dần từng cánh, để rồi một ngày không kèn không trống, không một lời từ biệt, người mẹ ôm đứa con nhẹ bỗng như sợi bấc chạy trốn khỏi ngôi nhà lụp xụp, chạy trốn khỏi một cuộc đời nghèo túng, chạy trốn khỏi một trái tim mà cô đã đánh cắp. Buổi sáng mở mắt dậy, MM đã có một cảm giác là lạ. Và rồi, một sự trống rỗng oà ngập cả tâm hồn. MM biết mình đã mất cả, mất luôn phương hướng cho chặng đường kế tiếp. Tuy những tháng ngày qua đầy vất vả, lo toan và phiền muộn, nhưng ít nhất MM cũng biết được mình đang vất vả vì cái gì, một cái đích dẫu ngắn hay dài cũng luôn là một động lực và niềm ước vọng. Vậy mà phía trước chỉ còn là một hỗ trũng sâu thăm thẳm, sự hơ hoảng, thất tán tinh thần khiến MM ngày ngày buông những bước vô định. Nếu không có những cơn đói thúc bách cái cơ thể sinh học, thì MM không biết cả đến cảm giác tồn tại của một xác thân. “Sống giữa cuộc đời bằng cái tâm của đạo.” Lời dạy của sự phụ luôn âm vọng giữa tâm tưởng, cùng bản chất thuần hậu thật thà, MM vốn đã không thể thủ đoạn gian ngoan trong công cuộc mưu lợi, mà còn luôn trở thành một con mồi cho sự lừa gạt dối trá. Niềm tin vào một chữ tình cũng như những sắc màu tươi tắn của cuộc sống nhân gian dần tàn lụi. MM đã hơn một lần lởn vởn ý nghĩ giã từ cuộc đời. Và một cái tên bật ra trong lúc bạn đang chao đảo bập bềnh, đó là tôi.
- Mình đã sai, sai quá phải không bạn ?
- Không thể rạch ròi chuyện đúng sai cho một giai đoạn cuộc sống, bởi làm sao biết trước được diễn tiến của nó, người ta chỉ có thể hành động theo chủ ý của một thời khắc, như một bài toán không có sẵn lập trình, và đáp án của nó là một hệ số bí ẩn. Vấn đề là ta nên đi tiếp thế nào thôi. Bạn có dự định gì không ?
- Mình không còn một điểm đến nào nữa. Có lẽ mọi cánh cửa đã đóng lại với mình cả rồi.
- Đừng bi quan thế chứ, vẫn còn một nơi bạn có thể về mà.
- Mình còn mặt mũi nào trở về nơi ấy nữa.
- Đừng quá nặng nề như vậy, bạn hãy xem đoạn đời vừa qua như một sự thể nghiệm, rằng đó cũng là một cơ hội cho mình nhìn thấy nhiều hơn những góc độ cuộc sống, cũng không là quá dở nếu xem đó là một kinh nghiệm đắt giá, và giúp cho những trường hợp tương tự có thêm sự tham khảo. Cuộc sống luôn là sự đánh đổi mà, và các giá trị đều không có định lượng bất biến, Mình nghĩ bạn cần một thời gian tĩnh lặng để tự cân bằng, sau đó hãy là sự chuyển tiếp. Một góc vườn nho nhỏ chắc phù hợp cho bạn lúc này chứ.
         MM nhìn tôi, ánh nhìn của một người vừa sau cơn mưa bão được ngồi bên dống lửa. Tôi cầm lấy cả hai bàn tay bạn. Bàn tay không còn mềm, mỏng, mát như ngày xưa, nhưng bàn tay có độ cứng cáp của sự trải nghiệm.
- Bạn hãy tin vào chính mình. Chỉ khi nào hơi thở dừng lại, ta mới không còn cơ hội hồi sinh. Bất hư mục bất minh thị sở. Tức hiền quang hữu đắc vị lai. Không đi vào đưòng tối sao tìm ra ánh sáng. Hãy thắp lên ngọn đuốc từ chính những khổ đau của mình cho những đời sau. Bạn sẽ làm được mà. Tin mình đi.
- Mình sẽ làm được.
         MM siết chặt tay tôi, thốt lên một lời cùng một thứ ánh sáng loé lên trong mắt bạn. Tôi gật đầu, mỉm cười.
         Từ xế chiều, người ta đã kháo nhau tối nay đi nghe thầy Tuệ Tấn thuyết giảng. Đây là buổi thuyết giảng đầu tiên từ sau ngày Tuệ Tấn choàng lại chiếc y sa lên người. Sau một thời gian an trú để gột rửa những tháng ngày bụi bặm nơi mảnh vườn nho nhỏ với cỏ cây hoa lá, MM đã dần bình tâm. Rồi một ngày MM về chốn cũ, cảnh chùa xưa đã khiến MM quyết định xin xuất gia lần nữa. Dù khi trở lại cửa thiền, MM đã gặp rất nhiều sự nghi kỵ và mỉa mai. Nhưng coi đó là sự thử thách, MM ẩn nhẫn với những công phu hàng ngày. Và cái gì cần đến cũng đến lúc phải đến. Ngày được nhận lại pháp danh là ngày Tuệ Tấn xem như mình được sinh ra lần nữa. Mấy ngày trước, Tuế Tấn thông báo với tôi bằng một giọng vô cùng xúc động.
- Mình đang chuẩn bị cho một buổi thuyết giảng. Mừng quá.
- Ôi, chúc mừng bạn. Mình sẽ đến nghe.
- Bạn đến nhé, đến để hỗ trợ tinh thần cho mình.
- Chắc chắn rồi, nhưng bạn sẽ thuyết giảng về đề tài gì ?
- Mình sẽ kể lại câu chuyện vừa qua. Mình nghĩ, trung thực với những gì đã xảy ra với thái độ chân thành, đó là sự thuyết phục tốt nhất với tình cảm của các phật tử.
- Đúng vậy đấy bạn ạ. Mình tin mọi người sẽ hiểu, và đó cũng là một cách để bạn thật sự thanh thản.
         Tuệ Tấn mỉm cười gật đầu. Tôi đọc thấy trong ánh mắt bạn một cái váng ký ức. Tất nhiên rồi. Người ta có thể quên những câu chuyện vui, những không dễ phôi phai những mẩu chuyện buồn. Và dẫu sao, đâu đó trên cõi dời này, vẫn còn một bóng thơ trẻ lênh đênh.
         Họ ngồi yên lặng nghe. Giọng Tuệ Tấn trầm trầm như thủ thỉ. Câu chuyện lòng bày giãi cùng những chiêm nghiệm đắng đót của một chặng đường đời, với một sự chân tình có phần như tự vấn, đã thấm được vào lòng những người ngồi đây. Những bà, những chị sụt sịt hoe mắt, những gương mặt đàn ông thì trầm mặc, tôi nhìn thấy hình ảnh một sư thầy Tuệ Tấn đã trở về trong cảm thức của họ. Vậy đấy, con người ta có thể xét nét, săm soi khắc nghiệt những tì vết của người khác, nhưng cũng dễ mở lòng đón nhận những nhân hồi.
         Trời về khuya, ánh trăng phang phác giãi lênh loang. Ngôi chùa chìm dần vào miền thư tĩnh. Đâu đó trong góc nhỏ thiền môn âm vọng tiếng chuông mõ…cốc cốc cốc…boong…cốc cốc cốc…
 
 
 
 
  Trở lại chuyên mục của : Đàm Lan