ĐÀM LAN


Sự Xung Đột
Tản Mạn
 
 
          Nói một cách căng thẳng thì mỗi chúng ta hàng ngày luôn sống trong Sự Xung Đột.  Xung đột lợi ích. Xung đột tính cách. Xung đột quan điểm. Xung đột văn hóa. Xung đột sở thích. Xung đột mục đích. Xung đột Niềm tin Đức tin. Xung đột các giá trị. Xung đột các giới hạn. Xung đột tình cảm ..Cao hơn là Xung đột Tư tưởng. Xung đột thể chế. Xung đột biên cảnh. Xung đột phái pháp…. Chính xác thì cứ bất kỳ trái ý là Xung đột. Bằng vào phạm vi lớn nhỏ rộng hẹp và những phương thức ứng xử mà hệ quả hệ lụy khác nhau.
         Có bao nhiêu khác biệt là có bấy nhiêu Xung đột. Quá mệt mỏi. Quá căng thẳng. Quá đè nén. Quá bức xúc. Mọi hình thế diễn cảnh đời sống luôn tạo cho mỗi người những cung bậc tâm trạng khá nặng nề, và luôn dẫn đến những sơ sẩy đáng tiếc, nghiêm trọng hơn là những hậu quả có khi là không thể khắc phục. Nhiều cảnh huống không chỉ ảnh hưởng một cá nhân mà lôi kéo liên quan đến nhiều người khác như dây chuyền.
          Một cuộc sống như vậy thì còn gì thú vị nữa. Sự bủa vây của mọi ngóc ngách tầng cấp. Xung đột ngày càng nhấn chìm con người ta vào cái hố sâu nhỏ nhen đố kỵ sợ sệt đối phó…Nghiễm nhiên trở thành một thứ quán tính biến tất cả thành đối thủ. Ai cũng có gì đó nghịch ý. Ai cũng có gì đó đầy mưu mô toan tính. Ai cũng có gì đó rất đáng ngại rất cần phải đề phòng cảnh giác. Mọi bình diện trong cõi nhân ảnh này lẽ ra ngày càng được đẩy lên cao hơn, kiến tạo bề thế hình sắc hơn, con đường văn minh phát triển ngày càng mở rộng hơn, thì những sự Xung đột nhan nhản hàng ngày sẽ khiến con người càng lùi dần vào sự thờ ơ lạnh lẽo, những bức tường che chắn phòng vệ ngày càng cao hơn dày hơn, những khoảng cách biên độ giữa Tình Nghĩa và Vô lương ngày càng sâu hơn rộng hơn, và như thế rõ ràng cuộc đời nhiều tội ác hiển nhiên hơn.
         Trong phạm vi cá nhân thì cũng chỉ có thể bàn một vài góc độ cá nhân. Thông thường, khi đối diện với một bất kỳ xung đột cho dù nhỏ nhặt nhất, người ta vẫn luôn có xu hướng đẩy nó tăng cấp độ lên hơn, chuyện không đáng vì thế mà trở thành nghiêm trọng, chuyện có chút phức tạp dễ dẫn đến hậu quả khôn lường. Đã nhiều và thậm chí là quá nhiều những mình chứng nghiệt ngã cho những hành vi bộc phát thiếu kiểm soát kềm chế… nhưng vẫn không thể trở thành những bài học cần thiết cho mọi người, để rồi sự xung đột luôn nhanh chóng bị đẩy đến manh động hung ác vô nhân tính. Là bởi, trong tất cả mọi sự tranh chấp, ai cũng nghĩ mình đúng, và phải giành cho được phần đúng, cái đúng đó không chỉ có lợi trong phân định trái phải, mà liên quan mật thiết đến lợi ích hay thiệt hại. Vì dụ, một va quẹt nhỏ trong giao thông, cả hai bên nhảy xổ gang cổ mà tranh phần đúng mà cố gắng hết mức đẩy đối phương và sai phạm. Rõ ràng sự kéo theo của hệ lụy là một chuỗi hành xử kế tiếp của vụ việc. Và phải nói là quá quá nhiều tình huống lẽ ra  được công bằng và giảm nhẹ thiệt hại ngay từ đầu, nhưng nó luôn trở thành một vụ án nghiêm trọng, tất nhiên thương tích trong nhiều biên độ sẽ thuộc về cả đôi bên.
         Sự tiến hóa của con người là một quá trình dài rèn tập uốn nắn, để có được một cõi người nhân văn lịch sự trí tuệ và lành mạnh, từ ngàn xưa đến nay đã có quá nhiều những phương pháp biện pháp giải pháp chỉ nhằm mục đích gọt giũa dần dã tính của phần con để nâng cao phần người. Vậy để giảm thiểu thấp nhất những hậu quả đáng tiếc từ những hành vi xử sự mỗi xung đột, không có cách nào khác là mỗi mỗi người phải tự rèn tập cho mình thành một thứ quán tính thường trực là kềm chế, làm chủ cảm xúc, nhận diện sự việc đang nảy sinh, điều tiết và hóa giải tốt nhất có thể. Ít nhất cũng là tự thoát mình khỏi những biến động mà nguy cơ ngày càng tăng. Ít nhất cũng là cách phòng vệ cho bản thân, người thân, thậm chỉ cả đối thủ. Khi sự phòng vệ được thiết lập một cách vừa phải, hợp tình hợp lý, thì xung đột ấy cũng đang dần được hóa giải và tan biến.
         Kỹ năng đầu tiên cần áp dụng là nhắm mắt thở sâu, tự nhắc mình “bình tĩnh bình tĩnh”, chưa đủ đô hạ hỏa thì cần thêm cắn chặt răng nắm chặt hai bàn tay, và vẫn luôn ý niệm “bình tĩnh hết sức bình tĩnh”, sẽ hiệu quả nhanh trong khoảng vài giây, tạm đủ cho sự nhận diện vấn đề. Sau đó sẽ bằng vào kiến thức tri thức, lương tâm thiện chí, sự công bằng và cả một chút bao dung nữa, sự việc sẽ được giải quyết nhẹ nhàng dễ chịu ít tổn thất cho cả đôi bên. Nếu cả hai phía đều áp dụng tốt những yếu tố trên thì chắc chắn sẽ không dẫn đến một hậu quả nghiêm trọng đáng tiếc nào. Nhưng không phải chỉ đến khi vấp vào chuyện mới nghĩ đến giải pháp hành xử. Mà trong thường ngày, qua các câu chuyện hình ảnh của cuộc sống, phải chủ ý đặt mình vào những trường hợp và tự rèn tập trong ý thức, lâu dần mới có thể trở thành một quán tính, khi bất thình lình gặp sự cố mới có thể vận dụng. Luôn luôn có những kinh nghiệm cuộc sống diễn ra quanh ta hàng ngày, không khó để lấy đó làm bài tập. Nếu đã là những người có độ dài trải nghiệm, thì sự thẩm thấu và tự cân bằng đã là một thứ vốn liếng cần thiết. Phần còn lại là tính cách bản chất và hoàn cảnh. Nếu bản thân đã có chút rèn tập hiệu quả, thì nên trao chuyền cho những người khác, nhất là những người tuổi đời còn non nớt. Tham gia vừa đủ thân tình hợp lý chắc sẽ không khó để giúp nhau sống vững hơn.
         Không chỉ cần có sự rèn tập mà còn cần phải có sự bổ trợ kịp thời của tâm tưởng, ý chí. Vậy bổ trợ bằng cách nào và bằng ý niệm gì ? Lúc này phải dùng đến ba nguyên tắc :
 
          MẮT NHẮM MẮT MỞ
          BIẾT MÌNH BIẾT NGƯỜI
          CHÍN BỎ LÀM MƯỜI
 
         Ai cũng biết, mỗi con người đều có những khiếm khuyết, nhiều ít nặng nhẹ mà luôn tạo ra những trạng thái lệch, vì thế mà dẫn đến mâu thuẫn bất hợp tác và xung đột. Thông thường, người ta luôn đòi hỏi sự tốt nhất ở người khác, mà phần lớn quên mất bản thân mình cũng phải chú ý hoàn thiện từng ngày. Và khi mình chưa hoàn thiện đến mức độ tốt nhất chỉn chu nhất, thì hãy biết chấp nhận những khiếm khuyết của người khác. Rõ ràng là không dễ, nhất là khi những khiếm khuyết ấy gây ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân mặt này mặt khác. Chấp nhận sự ảnh hưởng ấy cũng đồng nghĩa chấp nhận một phần thiệt thòi. Đó chính là yêu cầu của một thứ kỹ năng “MẮT NHẮM MẮT MỞ”. Cái gì ở phía đối phương không phải là sự quá đáng, trong một chừng mực phạm vi không gây ảnh hưởng tiêu cực thì nên dễ dàng cho qua. Nếu quá cân đong xét nét và đặt yêu cầu quá cao trong bối cảnh không cần thiết hoặc không thể có được ngay lập tức, lẽ tất nhiên tự làm tâm trạng mình khó chịu và căng thẳng, không thể tránh khỏi việc nghiêm trọng hóa vấn đề. Đã có câu mà bất kỳ ai cũng đã dăm ba lần nhắc đến “Nhân vô thập toàn”. Nhưng hầu hết đều đặt nó vào hình ảnh đối phương. Vấn đề là ở chỗ, ai cũng có những cái dở cái không tốt của mình mà không tự nhận ra hoặc có biết cũng lờ đi, lại nữa là những cái xấu cái dở ấy là không giống nhau, người được cái này thì hỏng cái khác, tệ là người ta luôn cân sánh cái được của mình với cái hỏng của người mà không hề có nhận thức ngược lại.
         BIẾT MÌNH BIẾT NGƯỜI. Đây cũng là một cái chìa khóa cần thiết để mở chính mình và đối phương trong khi tranh chấp giải quyết sự vụ. Và cũng gọi là phần tiếp nối của ý niệm :Mắt Nhắm Mắt Mở” kia. Nếu mỗi người đều tự nhận biết được những hạn chế của mình và hiểu rõ mặt tốt hay được của người, thì mỗi cuộc va chạm cãi vã mâu thuẫn đều có thể giảm nhẹ được mức độ căng thảng. Rất tiếc, quá khó cho kỹ năng nhận định này. Nó chỉ có thể khi phải trải qua rất nhiều thời gian và sự trải nghiệm không ít thương tích đồng thời là độ trầm của tuổi tác. Phần nữa, nếu là những người đã có một khoảng độ dài ngắn tiếp xúc va đập tương quan tương tác, thì còn có nhiều cơ hội hiểu về nhau ít nhiều để là cơ sở cho cái sự Biết Mình Biết Người, nhưng là một người lạ hoàn toàn trong cuộc sống trong bất kỳ một giao dịch hay tranh chấp ngẫu nhiên nào đó, làm sao kịp để hiểu và vận dụng cái ý niệm trên. Vô cùng khó khăn và là cả một thách thức. Vậy ở đây sẽ phải Biết Mình Biết Người ở chỗ nào ? Đầu tiên là cái nhìn định dạng “thể loại”, điều này rất cần sự trải nghiệm và công tâm, nếu sơ quát mà định dạng được người đang đối diện thuộc giai tầng tính cách nào, thì ít nhiều cũng góp phần cho sự ứng xử cần thiết. Tuổi tác và sắc thái sẽ cho ra một thông số tương đối cho cái nhìn đầu tiên về bản chất. Tiếp nữa là hành vi ngôn ngữ sẽ biểu hiện cấp độ văn hóa văn minh nếp sống. Chỉ cần dựa và hai phần cơ bản này ít nhất cũng đưa ra một sự chọn lựa nhanh trong tâm thức. Rồi bằng vào bản chất và tính cách của chính mình, sự hành xử kế tiếp sẽ dẫn vụ việc đi đến căng thẳng hay đơn giản.
         Và căng thẳng hay đơn giản sẽ phụ thuộc rất nhiều và câu “CHÍN BỎ LÀM MƯỜI” này. Vốn con người ta luôn có xu hướng phải được hơn một tí. Bất kể so kè trong bất kỳ một phân đoạn lĩnh vực nào, thì mục tiêu phải hơn sẽ đặt hàng đầu. Vì nếu không có mục tiêu này thì lấy đâu tranh chấp so kè toan tính và chắc chắn không hề có xung đột xảy ra. Một khi ai cũng lấy tiêu chí làm đầu ấy để làm căn cứ trong mọi hành xử thì chuyện không xảy ra xung đột chỉ là hoang tưởng. Từ ngàn đời xưa đã để lại không biết bao nhiêu câu nói mang tính giảm thiểu tác hại, nhưng có vẻ ngày càng rơi rụng trong cuộc sống xô bồ bon chen vị kỷ, và người ta hầu như không còn nhớ đến nữa. Mọi tiểu cảnh đời sống trong nhà cho đến ngoài đường, gia đình cho đến nhà trường, tính hơn thua từng chút luôn đẩy cao đến mức trở thành một lý lẽ hiển nhiên. Tâm thức con người phần lớn chỉ dành cho sự vọng tưởng, vọng tưởng khá nhiều những thứ có thể không thuộc về mình. Để rồi không ít những kết cục đáng tiếc thậm chí khó mà cứu vãn. Vậy nên, khi còn có thể, hãy chuẩn bị cho mình một chút tâm niệm “chậm một chút, nhường một chút, thiệt một chút”, đôi khi chỉ cần một chút nhỏ nhoi nhưng lại dẫn đến một cuộc diện an lành đẹp đẽ cho đôi ba phía. Và đó là then chốt của cái sự “CHÍN BỎ LÀM MƯỜI”. Phần cá nhân có bị cắt xén chút ít, nhưng hiệu ứng của cả một kết quả chung lại có thể bổ trợ rất nhiều, không hiếm khi cái lợi được chia đều ấy lại là phần hơn.
         Trong một xã hội đã băng hoại rất nhiều những giá trị đẹp lành thiện thì sự xung đột xảy ra ngày càng nhiều và mức độ tổn hại nghiêm trọng ngày càng lớn. Đã có thể nhìn thấy một tương lai không xa những mảng màu tối loang dần trong cõi nhân gian này, và những mong cầu san sẻ tương trợ vực lại được đôi ba phần lương tri nhân trí có lẽ rồi cũng mau chóng chìm khuất mà thôi. Nhưng cho dù có biết vậy cũng vẫn rất cần lên tiếng, cũng vẫn rất cần đây đó nhận được ít nhiều sự đồng cảm để cùng chung tay mà vọng lên một tiếng ân cần, hòng giữ lại, hòng nhân rộng, hòng xây dựng, may ra cõi người bớt dần những tang thương.
 
 
ĐÀM LAN


  Trở lại chuyên mục của : Đàm Lan