ĐÀM LAN
 
YÊU TIỀN
 (Tản mạn)
 
 
         Yêu Tiền. Một thứ tình yêu có trong tất cả mọi người. Không ngoại trừ một ai, không trường hợp cá biệt. Chỉ khác nhau mức độ yêu. Yêu đến mức nào ? Yêu trong một tâm thế ra sao ? và cách yêu.
         Đã có quá nhiều cách nhìn cách gọi cách vận dụng cách ám chỉ về tiền. Tuỳ theo thang bậc điều kiện của mỗi người. Nhưng hầu hết đều là sự áp đặt của tâm thế người đối diện với nó. Trong một hoàn cảnh cụ thể, trạng huống cụ thể, yêu cầu cụ thể, người ta luôn thường đưa khái niệm tiền vào nhiều lăng kính khác nhau. Người giàu có, tiền là chuyện nhỏ. Người nghèo khó, tiền là Tiên là Phật. Người cho vay, tiền là công suất. Người nợ nần, tiền là nỗi ám ảnh. Tựu chung, bất kể con người ta trong một cung bậc kinh tế nào cũng đều quan tâm đến tiền. Bởi tiền đóng vai trò thiết yếu trong đời sống, khi nó được dùng là vật giao chuyển cho những nhu cầu và phương tiện. Trên thực tế con người sinh ra nó và vận dụng nó như là một thứ công cụ trung gian định lượng, để thuận tiện cho những nhịp cầu giao thương, và như vậy, nghiễm nhiên nó khoác trên mình một vai trò bất khả. Bằng vào vai trò này mà nảy sinh không biết bao là hỉ nộ ái ố, bi hài, mất được. Để rồi, nó không chỉ là sự đánh đổi vật chất mà nó quyền khiến hầu hết các giá trị cuộc sống khác. Yêu tiền không có lỗi, nhưng để bị rơi vào sự quyền khiến của nó thì bằng vào cái gọi là Cách Yêu Tiền.
         Vì sao gọi là cách yêu tiền ?
         Là bởi có người chỉ yêu những đồng tiền do chính mồ hôi công sức mình làm ra, một cách lương thiện, một cách chính đáng. Có người lại chỉ thích yêu tiền của người khác, thấy người ta có hơn mình thì ghen ghét ganh tị, nảy lòng tham, tìm mọi cách chiếm đoạt, đáng tiếc là thành phần này chiếm tỉ lệ khá cao, từ tỉ lệ này mà xã hội phải có công an, luật sư, nhà tù… Có người yêu tiền ở mức độ vừa phải để hiểu rằng nó chỉ là guốc dép giúp con người có được những bước đi ít trầy xước. Có người yêu nó đến mức tôn thờ để vô hình chung tự biến mình thành kẻ nô lệ và đói khát cho dù có trong tay một con số đáng kể. Có người yêu một cách cân nhắc, vì hiểu rằng còn có những giá trị khác cũng quan trọng không kém, nhưng cũng có người yêu bất chấp mọi sự đánh đổi, cho dù sau đó hậu quả có nghiêm trọng đến thế nào. Cũng như nhiều cách sống xử khác của người đời, cách yêu tiền cũng phụ thuộc và cái sườn căn bản của mỗi người là “bản chất, bản tính và bản ngã”. Nhờ thế người ta có thể nhận diện được kha khá về nhân cách mỗi người qua cách yêu tiền. Nếu trầm tĩnh quan sát một chút, người ta có thể tránh cho mình những thiệt hại không đáng. Có điều, người trầm tĩnh trong cách yêu tiền là rất hiếm, đa phần con người ta luôn đánh rơi mình vào những mưu đồ bởi sự yêu tiền không cân nhắc, hay còn gọi một cách thông thường hơn là lòng tham.
         Sẽ có nhiều người cười mà rằng “Ai sinh ra mà không tham. Tham là động lực, tham là lẽ sống, tham là cuộc đời. Không tham không phải là người. Ai bảo mình không tham bao giờ đó là người cực kỳ giả dối.” Đúng. Rất đúng. Vô cùng đúng. Bởi lòng tham có một cách gọi khác là khát vọng. Con người không có khát vọng là con người không có động lực sống, không có mục tiêu phấn đấu, không có sức phát triển và đương nhiên cũng không có thành tựu. Nhưng có sự phân biệt một chút giữa hai cặp từ này. Như một mặc định hiển nhiên, lòng tham được coi như là một biểu trưng của sự bất chính. Sự tham lam thường được ám chỉ cho những ai muốn quơ cào của người khác làm của mình, và người ta luôn có xu hướng tận dụng khi có thể. Người yêu tiền một cách không chính đáng, không nhận đồng tiền từ chính công sức mình, nhưng lại luôn nhăm nhe, mưu đồ chiếm đoạt của người khác, sinh ra những hành vi cực đoan gây tổn hại cho nhiều người. Cách yêu tiền này hàm chứa một hiểm họa cho chính bản thân mình. Và ta thấy, quá nhiều sự trả giá bởi những lòng tham bất chính ấy. Có khi là chính bản thân họ, và rất nhiều trong đó là sự liên can đến những người thân. Cho dù sự công bằng vẫn luôn là điều ước vọng trong thế giới người, nhưng vẫn luôn có một sự công bằng không dễ chứng thực tức khắc, nhưng luôn tồn tại trong những trả vay mất được. Và chính vì không thể nhìn thấy ngay mà phần lớn người đời vẫn luôn thích yêu tiền của người khác. Yêu một cách mê muội khi quy đồng tất tật mọi giá trị đời sống thành tiền. Trong mắt họ, chỉ có những con số, những con số không dừng lại, những con số luôn khao khát được tăng lên. Và khi những con số đạt đến một cái ngưỡng khiến nhiều người phải tròn mắt, thì vô hình chung nó đã thiếp lập được một vị thứ đáng mong đợi cho chủ của nó. Bằng vào vị thứ này người ta có thể thay đổi toàn bộ cảm niệm, hành vi sống xử, các mối quan hệ, và chất lượng cuộc sống. Trong xã hội, thành phần có nhiều con số ấn tượng mặc nhiên trở thành thành phần chủ chốt, trở thành một cái đích, một mục tiêu, một sự khích lệ, đó là nhìn về mặt tích cực. Ngược lại, cũng là thành phần gây ra nhiều sự nhiễu loạn, hoán đổi nhiều thang bậc giá trị sống, và mặc sức thao túng trong nhiều lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực đóng vai trò là nòng cốt của một quốc gia.
         Trong phạm vi một bài viết ngắn, không đủ để đưa ra một tham vọng kiến thiết hay chi phối vào cảm thức của người người trong cách nhin cách yêu và cả cách đối xử với cuộc sống thông qua đồng tiền, chỉ mong được là một gợi ý : Tiền ư ? Đúng là quan trọng, nhưng hãy một chút nhìn lại. Một nhắn nhủ : thiều tiền đúng là một tai họa, nhưng thừa tiền có khi lại nhiều hiểm họa hơn. Một mong ước : Người với người có lẽ sẽ đẹp hơn nếu chúng ta biết cách yêu tiền đúng mực.
         Xin hãy để đồng tiền được đóng đúng vai trò của nó, là một thứ guốc dép để chúng ta đi qua cuộc đời này một cách đầy thi vị và màu sắc. Bởi những giá trị sống quan trọng nhất của cuộc đời mỗi người không chỉ có đồng tiền quyết định và xây dựng nên. Xin đừng để đồng tiền phá huỷ những toà lâu đài nhân cách lộng lẫy giá trị nhất trần gian này. Xin cảm ơn.

  Trở lại chuyên mục của : Đàm Lan