ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 
Bài Thơ “PHIÊN CHỢ DÀO SAN”
Của TRƯƠNG HỮU THIÊM
 
PHIÊN CHỢ DÀO SAN
 
Vó câu khua rầm rập
Nhạc dập dồn lưng mây
Trai mười mường phầm phập
Gái chín bản phây phây.
 
Có vợ, đem theo vợ
Có chồng, rủ cả chồng
Chẳng có cứ đến chợ
Sẽ gặp người đi không.
 
Bát này rồi bát nữa
Rượu đầy như tình đầy
Vòng xoè làm bằng lửa
Tiếng đàn cháy trên dây.
 
Uống như chưa từng uống
Người say, núi cũng say
Bạn từ lưng trời xuống
Chân dính đầy mây bay.
 
Tiếng người xen tiếng lá
Tiếng lá lẫn tiếng chim
Tiếng chim chen tiếng đá
Tiếng đá hoà tiếng tim.
 
Áo bên hoa sặc sỡ
Khèn theo gió véo von
Thề nguyền trao giữa chợ
Nỗi niềm gửi lên non.
 
Họp ở trong không đủ
Thì kéo nhau ra đường
Ngựa hí dồn giục chủ
Lưng đầm đìa hơi sương.
 
Mật ong và thổ cẩm
Thuốc bắc và chè san
Thay vì làm tính nhẩm
Nhặt đá xếp lên bàn.
 
Đã bán, rẻ cũng bán
Đã mua, đắt cũng mua
Bán như là giời bán
Mua như là vua mua.
 
Ăn, ăn toàn thắng cố
Uống, uống toàn rượu ngô
Uống đến khi rượu đổ
Người đứng ngủ dưới ô.
 
Mỗi năm mười hai tháng
Mỗi tháng có bốn phiên
Suốt từ ba giờ sáng
Náo nức một vùng biên.
 
Sớm mai leo ngược dốc
Trở lại với non ngàn
Lòng như hòn đá hộc
Lăn xuôi về Dào San...
 
TRƯƠNG HỮU THIÊM
 
LỜI BÌNH:

Bài thơ "Phiên chợ Dào San" của nhà thơ Trương Hữu Thiêm, đã hớp hồn tôi ngay từ những câu thơ đầu. Chất hoang dã đại ngàn đậm đặc trong 4 câu khổ đầu bài thơ đã tạo ấn tượng tức thì:

"Vó câu khua rầm rập
Nhạc dập dồn lưng mây
Trai mười mường phầm phập
Gái chín bản phây phây."

Các cặp từ láy: "rầm rập", "dập dồn", "phầm phập", "phây phây" được nhà thơ Trần Hữu Thiêm sử dụng thật đắc dụng. Chỉ với 20 chữ cho 4 câu thơ, ông đã khiến người đọc như đang chứng kiến những hình ảnh sống động của người của ngựa giữa đại ngàn lộng gió.
Những thước phim thật đẹp, đẹp những nét hào sảng và tráng lệ của miền sơn cước: Một sớm tinh mơ, những vó ngựa từ đỉnh núi cao, cao đến chọc trời "rầm rập" lao xuống phiên chợ Dào San, chợ phiên của người Mông, người Thái, người Dao,... Trên lưng ngựa là các chàng trai cường tráng với nét đẹp phóng khoáng của núi rừng và các cô gái hây hẩy sắc hương bản mường, náo nức về chợ như háo hức về lễ hội tình yêu. Những hình ảnh ấy, những thước phim ấy quyện lấy nhau, hòa vào nhau trong những nét đẹp rất riêng chỉ có ở văn hóa vùng cao Tây Bắc.
Đọc những câu thơ thật hay này tôi chợt nhớ tới những câu thơ tài hoa của nhà thơ Nguyễn Khôi trong bài thơ "Xóm Cỏ":

"Ta là kẻ lạc loài chán chê Phố Thị
Chàng Nhà Quê mê kéo vó đêm
Thả hồn thơ cùng chị Hằng "tăm" cá
Cánh tay trần "cất" cả ánh trăng lên..."
"Tôi ngẩn ngơ với câu: “Cánh tay trần “cất” cả ánh trăng lên...”.

Nét tài hoa của nhà thơ Nguyễn Khôi ở những câu thơ này là sử dụng câu chữ rất "đắc địa", đặt đúng vị trí, đúng hoàn cảnh, đúng ngữ cảnh, không thể xáo trộn, thay đổi. Ví như câu: "Cánh tay trần "cất" cả ánh trăng lên..." nếu bỏ hoặc thay chữ "trần" bằng một chữ khác thì hình ảnh "cánh tay trần" rất đẹp, gợi nét vạm vỡ, phong trần và đậm đặc chất đàn ông sẽ không còn nữa, câu thơ sẽ thiếu “lửa”, nhạt đi và kém hay. Hoặc nếu thay từ "cất" bằng một từ khác thì câu thơ: “Cánh tay trần “cất” cả ánh trăng lên...” vốn hút hồn người đọc bởi hình ảnh thơ mộng, đẹp phóng khoáng kiểu Chử Đồng Tử an nhiên tự tại giữa bãi Tự Nhiên: “cất” cả ánh trăng lên...” sẽ không còn nữa, câu thơ cũng vì thế mà mất hay, hết duyên." - (Mơ Quê Trong "Xóm Cỏ" Của Nguyễn Khôi" - Đặng Xuân Xuyến)

Trở lại bài thơ "Phiên chợ Dào San" của nhà thơ Trương Hữu Thiêm với 4 câu thơ nối tiếp:

"Có vợ, đem theo vợ
Có chồng, rủ cả chồng
Chẳng có cứ đến chợ
Sẽ gặp người đi không."

Với cách ngắt nhip 2/3 bằng dấu phẩy ở câu "Có vợ, đem theo vợ", "Có chồng, rủ cả chồng" nhà thơ Trương Hữu Thiêm đã nhấn nhá rõ thêm tính thật thà, vô tư của những trai bản gái mường, như minh định bản tính hồn hậu, thuần khiết, chẳng có gì cần phải giấu giếm hay ý tứ bằng những lời xã giao, dối lòng của người Mông, người Thái, người Dao,... Những rủ rê minh bạch ấy, có chủ đích rõ ràng: Đến chợ để mua hàng hóa, để giao lưu bè bạn, để thêm ấm tình lứa đôi.... Có lẽ, đây là nét đặc trưng rất riêng của văn hóa chợ Dào San, chỉ ở vùng Phong Thổ, Lai Châu mới có tập tục độc đáo này.
Những khổ thơ kế tiếp kể về những hoạt động của phiên chợ Dào San với những câu thơ tinh tế, đặc sắc, đẹp như những viên ngọc lấp lánh làm ngẩn ngơ người đọc:

- "Vòng xòe làm bằng lửa
Tiếng đàn cháy trên dây"
- "Bạn từ lưng trời xuống
Chân dính đầy mây bay"
- "Áo bên hoa sặc sỡ
Khèn theo gió véo von
Thề nguyền trao giữa chợ
Nỗi niềm gửi lên non."
- "Ngựa hi dồn giục chủ
Lưng đầm đìa hơi sương",
- "Uống đến khi rượu đổ
Người đứng ngủ dưới ô."...

Những câu thơ đậm nét hương rừng gió núi và đẫm chất trai bản gái mường đẹp mê hồn như thế không phải cứ sống lâu ở miền núi là sẽ viết được mà những câu thơ đấy đã được thẩm thấu, chiết xuất từ hồn thơ thấm đượm hơi thở của núi rừng, từ cách quan sát tinh tế, cách dùng câu chữ độc đáo, sáng tạo của nhà thơ Trương Hữu Thiêm mà trở nên bừng sáng.

Những câu thơ mộc mạc, giản dị mà long lanh trong “Phiên chợ Dào San” đã tạo cảm giác gần gũi, tâm trạng phấn chấn, dẫn dắt người đọc cuốn theo câu chữ bài thơ để háo hức cùng nhà thơ Trương Hữu Thiêm tham dự phiên chợ Dào San.
Sự độc đáo của "Phiên chợ Dào San" còn ở những quan sát tinh tế, những chi tiết rất thực:

"Mật ong và thổ cẩm
Thuốc bắc và chè san
Thay vì làm tính nhẩm
Nhặt đá xếp lên bàn."

Hàng hóa chỉ là những sản phẩm tự cung tự cấp của người dân bản địa: Mật ong, thổ cẩm, thuốc bắc, chè san, rượu ngô, thắng cố... Và người bán người mua cũng rất mộc mạc nét "chân quê" chất phác: "Thay vì làm tính nhẩm / Nhặt đá xếp lên bàn".

Trải dọc bài thơ là những hình ảnh đẹp hào sảng, phóng khoáng tạo những cảm giác hứng khởi, phấn chấn với bạn đọc thì đến khổ thơ này nhà thơ Trương Hữu Thiêm lại làm lắng lòng bạn đọc với những hình ảnh chân thật đến nhoi nhói lòng. Hình ảnh người bán hàng: "Thay vì làm tính nhẩm / Nhặt đá xếp lên bàn" đã găm sâu vào trí nhớ người đọc bởi những hình ảnh độc, lạ mà ám ảnh chỉ có ở "Phiên chợ Dào San".

Khổ thơ cuối khép lại bài thơ với những nốt nhạc trầm nhưng những câu chữ tinh tế đầy thi tứ thi ảnh thấm đẫm chất hương rừng gió núi của "Phiên chợ Dào San" đã kịp găm sâu vào trí nhớ của người đọc khiến người đọc cũng bồi hồi với nhà thơ: “Lòng như hòn đá hộc / Lăn xuôi về Dào San...”.
Hà Nội, 15 tháng 2-2022
 


  Trở lại chuyên mục của : Đặng Xuân Xuyến